Cải táng

Năm tôi 8 tuổi, theo bạn đi xem bốc mộ ông nội nó, lúc đó tầm 5 giờ sáng. Trời mùa đông vừa rét vừa âm u, gia đình huy động hàng chục cái lốp xe đốt cháy khét mù, cùng vài đống lửa rơm củi cho ấm và sáng.

242784906-440149020872457-8793321631064423750-n-1633774185.jpgẢnh minh họa

Nắp quan tài vừa bật ra, trong ánh sáng bập bùng của những bó đuốc tự chế, quan tài đầy nước đen ngòm và lau nhau sóng dồn. Bỗng nhiên cái hộp sọ trắng hếu bất chợt di chuyển, chầm chậm rồi quay tít mù trong tiếng la hét của con cháu:

- Ôi! ôi! ông hiển linh.... ôi ôi ...!

Ông thầy chuyên đi rửa cốt cất tiếng cười khùng khục trấn an mọi người:

- Không sao. Không sao! hôm nay lại vớ bẫm rồi, cá đấy, cá trê nó theo khe nứt của quan tài vào làm ổ rồi sinh sản trong ấy.

Mọi người sau cơn hoảng loạn bắt đầu quây lại, tôi cũng mon men ngó xuống. Cái bao tải đựng rơm được ông thầy bắt cá bỏ vào, lưng bao cá trê đen thùi lũi béo múp. Ông buộc bao cá vứt ra một góc và tiếp tục công việc mò xương của mình. Ông bảo: mai sẽ mang lên chợ phố bán khối xèng. Từ đó mỗi lần nhìn thấy cá trê là tôi lại rùng mình! Ngày nay thông minh hơn nên nhiều gia đình lót lưới cước dày xung quanh quan tài, khi bốc chỉ cần túm bốn đầu lưới vớt lên, không sót một mẩu xương nào. Nhưng có gia đình thiếu hiểu biết lại lót áo mưa, kết quả là còn nguyên lại gói mang đi thiêu. Khổ thân người chết, lại tốn tiền con cháu. Năm ngoái có vụ cải lên còn nguyên xi, nghe ai nói đổ hóa chất tiêu hủy cũng phóng xe lên bệnh viện mua về rưới. Nửa tiếng sau vẫn không tan lại quyết định bỏ quan tài mang đi thiêu, vừa khiêng lên thì cái đầu rụng ra. Đến sợ!

Ngày xưa chôn 3-5 năm đã tan rữa hết nhưng ngày nay do ăn nhiều chất, thuốc nhiều nên 7-10 năm vẫn còn chưa sạch. Tâm nguyện của em sau này chết sẽ thiêu, rồi mang tro về táng hoặc thả sông biển. Từ cát bụi ta lại về cát bụi, con cháu nhớ thương thờ cúng là cái vong linh, cái phần hồn còn đọng trong tâm thức của người ở lại chứ đâu phải nắm xương tàn.

 

Theo Chuyện Làng quê