Cần sớm xem xét công nhận cán bộ y tế hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch là Liệt sĩ

Vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam vừa đề nghị Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất với Chính phủ sớm ban hành chế độ chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.

Lý giải về đề xuất này, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ: “Hiện có hơn 10.000 cán bộ y tế đã lên đường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị các ca bệnh dương tính, không quản ngày đêm. Theo thống kê sơ bộ, cả nước đã có gần 3.000 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Nguy cơ cán bộ y tế bị tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị hoặc tiêm chủng là không tránh khỏi. Vì vậy, chính sách đối với cán bộ y tế phải làm càng sớm càng tốt, đừng chờ sự việc xảy ra rồi mới đề xuất chính sách cho họ”.

Để động viên, ngoài đề xuất phong tặng liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép Công đoàn Y tế được chi hỗ trợ 2 triệu đồng/cán bộ/đợt công tác. Bên cạnh đó, cho phép Công đoàn Y tế Việt Nam tiếp tục mua thẻ bảo hiểm an toàn cho 10.000 cán bộ đi chi viện tăng cường chống dịch tại 19 tỉnh, thành phía nam. Nguồn kinh phí sẽ được trích từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy của Công đoàn Y tế Việt Nam.

cam-on-nhung-hy-sinh-22-1621850902-7-width660height251-1629383371.jpgNhân dân luôn biết ơn sự hy sinh của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, dù họ là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Y tế hay lực lượng tình nguyện viên

Đến nay, cả nước có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm trong khi làm việc, ba người tử vong trong cuộc chiến chống Covid-19. Từ đó, trong dư luận nhân dân trên các diễn đàn và thông qua các cơ quan báo chí bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam về việc đề nghị nhà nước cần sớm xem xét công nhận cán bộ y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch là liệt sĩ. 

Người viết bài này, đồng tình với ý kiến của nhiều khi cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những nhân viên y tế làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, là những chiến sĩ quả cảm, quên mình, ngày đêm lao động vất vả trong môi trường phơi nhiễm dịch bệnh rất cao để nỗ lực giành giật sự sống cho người dân, nếu không may bị tử vong do phơi nhiễm, môi trường làm việc gây nên thì xứng đáng được xem xét công nhận liệt sĩ. Và các ngành các cấp cần phải làm ngay để động viên an ủi người thân của họ và kịp thời ghi nhận, biểu dương sự hy sinh cao đẹp đó. Họ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ cấp bách được Đảng, Nhà nước giao phó, dũng cảm hy sinh cho người khác được mạnh khỏe, để nhân dân được an lành. 

bl1-1629384193.jpg
hyinh11-1629386265.jpgNhiều ý kiến bình luận của bạn đọc thể hiện sự đồng tình với kiến nghị nêu trên và cho rằng mặt trận "không tiếng súng" này rất nguy hiểm. Chống dịch như chống giặc thì người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cần phải được công nhận là Liệt sĩ, dẫu không ai đi làm nhiệm vụ lại muốn để người thân phải nhận danh hiệu này!

Mặt khác theo quy định của pháp luật, thì Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công". Theo đó, cán bộ y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ trên tuyến đấu chống dịch là hành động "dũng cảm cứu người", "ngăn chặn sự nguy hiểm cho xã hội", "cứu nạn", "thực hiện công việc cấp bách"...phù hợp với quy định tại Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP về các điều kiện để được công nhận là Liệt sĩ.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG NHẬN LIỆT SĨ

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:

- Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

- Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;

- Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.

Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;

- Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;

- Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

- Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:

Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.

Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;

- Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ;

- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.