Điều chỉnh giảm lưu lượng xả của các hồ chứa là giải pháp trước mắt đối phó với tình trạng hạn hán |
Theo các dữ liệu và cảnh báo của Ủy hội sông Mekong (MRC) thì các khu vực ở hạ lưu sông Mekong sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 do lượng mưa thấp trong mùa mưa và lượng bốc hơi lớn do nhiệt độ cao bất thường (ảnh hưởng bởi El Nino). ĐBSCL sẽ phải đối mặt với một đợt khô hạn và xâm nhập mặn cực đoan tương tự như đã xảy ra trong năm 2016. Đối với tài nguyên nước dưới đất, không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực hiện đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình.
Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức họp để tìm các giải pháp ứng phó để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, vào đầu mùa cạn trên các lưu vực sông, rất nhiều hồ chứa không đạt mực nước tối thiểu vào đầu mùa cạn và nhiều hồ thiếu hụt dung tích khá lớn. Trong khoảng từ đầu tháng 12 đến nay, Cục đã phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành; có địa phương cũng đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa rất nhỏ, nhưng hiện nay, mực nước các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước hoặc nâng dần mực nước, tùy từng hồ để có thể có đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.
Đối với 11 hồ chứa có mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Hủa Na, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Ka Nak, Sông Hinh, Sê San 4 và Đại Ninh, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa thiếu hụt đáng kể so với yêu cầu tối thiểu đạt được vào đầu tháng 2/2020 như Cửa Đạt (sông Mã): thiếu 290 triệu m3; Bình Điền (sông Hương): thiếu 116 triệu m3; Ka Nak (sông Ba): thiếu 101 triệu m3, Sê San 4 (sông Sê San): thiếu 74 triệu m3; Đại Ninh (sông Đồng Nai: thiếu 69 triệu m3. Các hồ chứa này vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ cấp nước từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng đề xuất một số giải pháp. Theo đó, trong ngắn hạn, cần triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện Giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”; triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên cơ sở kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất đã thực hiện thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.
Ông Tống Ngọc Thanh - Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, trữ lượng nước nhạt dưới đất đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).
Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước để có kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội, một số đảo lớn quan trọng. Một số kết quả đã hoàn thành, gồm: Lập bản đồ danh mục lưu vực sông Việt Nam; bản đồ đặc trưng lưu vực sông; bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỉ lệ 1:200.000 (cơ bản phủ trùm 100% diện tích); điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỉ lệ 1:100.000, chiếm khoảng gần 30% diện tích toàn quốc; tỉ lệ 1:50.000 khoảng gần 8%....
Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH Huỳnh Thị Lan Hương cũng kiến nghị, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lượng mưa tại hầu hết các vùng đều thiếu hụt, khả năng xảy ra hạn diện rộng hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương cần chủ động có đánh giá chi tiết hiện trạng các nguồn nước trên địa bàn để đưa ra giải pháp phù hợp.
Thu Cúc