Ngày trước, các nhà của làng tôi nuôi nhiều chó. Nhà nào ít thì nuôi 1 con, nhiều thì từ 2 con trở lên, hiếm có nhà nào không nuôi. Có lẽ vì vậy mà ở làng tôi có nhiều đoạn đường đầy phân chó. Đường càng vắng thì phân chó càng nhiều. Nơi nào có phân chó nơi đó cỏ mọc xanh rì. Đi chơi ban đêm, hại nhất là dẫm phải “c*t c-hó”. Vì dẫm phải rồi thì vô nhà con em chỉ ....hỏng, mất điểm.
Ông cha ta có câu "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngổng". Câu này chắc cũng suôn miệng thôi chứ làm gì có. Nhà ông bà nội tôi nuôi 4 con, 2 con đực đuôi cụt, hai con cái đuôi dài mà vẫn nghèo. Nghèo nhưng vẫn vui vui.
Hôm nào nhà có khách lạ vào chơi thì khuôn viên nhà râm ran như một bản giao hưởng. Chó đực sủa ... ầm ầm, chó cái sủa re ré, chó bé sủa gau, gau .... Tiếng chó, tiếng ngài, tiếng khách, tiếng chủ huyên náo cả xóm Đền. Gặp phải khách nào hay ăn thịt chó thì chớ có sai là “Chó sủa lề cả tru*”.
Đã 30 năm đi qua, tôi nhớ mãi các mùa đụng thịt lợn tết hoặc làm thịt tru bổ rét ở Trường Niên. Tại sân kho của thôn, không biết từ đâu ra, hàng chục con nhao ra quây quần "vác mặt" như “chầu hương án”. Mực, vàng, khoang, đốm, to, nhỏ, choai choai, lợ lợ, béo, gầy, ghẻn, mượt, v.v. nhâu nhâu sủa điếc cả tai. Đứng là “Chó nhà quê cũng có tết như người”.
Tui hại chó hơn hại ma. Từ mẫu giáo đến lớp 5 anh em tui toàn “cuốc bộ” đi học. Mùa mưa thì đi đường leo qua Rú Vắt. Mùa nắng thì đi đường vòng chân rú sát dưới nhà dân. Khi nào cũng ước đi qua nhà ông Bình nhà cụ Cầng đừng có gặp chó mực. Con chó nhà cụ to như con lợn đại bạch. Gặp con mực nằm gác mồm canh cổng thì chỉ có "lội rọng mà đi". Ông nôi tui bày cho kinh nghiệm là cứ bình tĩnh vừa đi vừa “nạt”. Thế nhưng khi sắp qua được “lão mực” rồi lại ba chân bốn cẳng chuồn cho nhanh. Ác là càng sợ, càng chạy thì lão càng đuổi. Nghĩ lại bây giờ vẫn còn khiếp đen.
Có bữa đi học về đói quá nên lủi vô cổng nhà ông bà Lương Điền trộm ổi. Vừa đến giữa cổng với tay lên bứt thì 2 con chó “bạc má” nó quây hai đầu. Có mà chạy đằng trời. Hai con bạc má lừ lừ như tàu điện, xông vô ngậm xé cái “giỏ cước huyền thoại” trên tay. Ôi thôi … khóc ra tiếng Mán. Sợ vãi nước cả ra quần. May là trong giỏ cước có cái bảng gỗ to, quai lại bền, cộng thêm mấy chiêu “thực hành nhị khúc đẳng” của chú Ngân hay tập nên lũ bạc má phải dè chừng. Kết quả là “ổi không có mà dấu chân chó thì đầy”.
Đấy đó là chó lạ, còn chó nhà thì khác. Con Vàng cụt đuôi nhà tui nuôi từ nhỏ. Nghe đâu là của ông thông gia biếu tặng. Nó biết buồn, biết vui, biết sợ, biết nịnh, v.v. Tui có cảm nhận là con Vàng rất chân thực bản năng và cũng không ít ngu muội. Nó phục tùng tui như cơn hương thành kính thánh thần. Nhiều bữa đi đánh chồn, bắt chuột thật vui. Tìm được hố chồn là “xút” chó vô bụi bắt !!!. Con vàng và bầy bâu xâu lao vô sục sạo. Có khi hăng quá còn cắm phải đuôi nhau mà không biết. Tui yêu quý sự thân thiện và trung thành của con chó từ đó. Ngày hôm qua (22/6/2018) tôi bị mất con Mực mà buồn hết cả ngày thứ bảy lan sang chủ nhật và bây giờ. Buồn bao nhiều tui ghét bọn trộm chó và ăn chó bấy nhiêu.
Chó trung thành và tin cẩn là vậy, nhưng khổ cái thịt chó lại ngon, hợp với rượu quê. Nghĩ lại thì tình người cũng bạc. Về quê bây giờ cái gì cũng chó. Liên hoan nhà – chó; giỗ trạp – chó; buồn – chó; vui – chó; bận – chó, đến nỗi Rảnh cũng – Chó. Đại khái cái gì cũng Chó.
Ngày đầu tiên tui chứng kiến cảnh một chủ nhà “đan tâm” làm thịt chó. Về sau lớn lên tôi chứng kiến nhiều hơn nên cũng “lờn mắt”, nhưng nỗi ám ảnh thì không bao giờ quên.
Lấy bát cơm nguội, tắc lưỡi mấy cái, thế là con chó ngoan chạy đến. Lúc đó trông nó thật hạnh phúc, mắt sáng long lanh với cái nhìn đầy biết ơn, đuôi ve vẩy vẫy mừng rỡ. Nó chúi mụi vào bát cơm hẩm mà ăn. Nó đâu biết hiểm họa đang rình rập. Ông chủ ngồi bên, tay vuốt nhẹ lưng nó đầy vẻ quan tâm làm đuôi nó cứ vẫy tít lên, tay kia khéo léo lựa đưa thòng lọng vào cổ nó trong những ánh mắt hau háu nín thở của nhóm người xung quanh. Oẳng! Thòng lọng thít vào, nó ngã vật ra mà chẳng hiểu gì. Miếng cơm ngột ngạt trong cuống họng. Hai ba người nữa xông đến khóa mồm, túm chân. Mọi việc diễn ra rất nhanh chưa đầy “nốt nhạc”. Thế là nó đã bị trói gô lại. Giờ nó đang nằm cạnh bát cơm vung vãi, hai chân sau bị trói chặt, hai chân trước bị bẻ gập cánh khuỷu trói sau lưng, mõm bị khóa bởi dây thừng mấy lượt. Mọi người hối hả hò nhau đi đun nước, chuẩn bị rơm, ra sau nhà đào riềng, chạy quanh xóm xin nạm sả.v.v.
Nó rất sợ. Người nó run lên từng đợt. Nó cố ghìm nỗi sợ hãi lại nhưng không được, những đợt sóng sợ hãi chạy rùng rùng khắp cả thân mình. Nó cố quẫy mình vùng vẫy, nó rên lên ư ử, nó đưa ánh mắt hoảng loạn cầu cứu khắp nơi, nhưng chẳng ai để ý đến nó. Mọi người đang vui, đang bận rộn với rơm với riềng với dao, thớt. Ai cũng hể hả, chỉ mình nó sợ mà thôi. Nghĩ lại bây giờ vẫn còn buồn cho nó, dù mấy hôm trước nó còn “cong khu” lên sủa mình khi chui qua trộm táo.
Ngoài giếng nước đầu hồi nhà có tiếng mài dao quèn quẹt vọng vào. Thế rồi có ai đó túm lấy chân nó nhấc bổng lên. Xương bả vai nó quay ngược tưởng như muốn đứt rời ra đau đớn. Nó giãy, nó kêu, âm thanh tắc ngẹn trong cuống họng. Nhưng càng giãy càng kêu lại càng đau. Chưa bao giờ nó đau đến vậy. Rồi nó bị ném phịch xuống. Choáng váng và sợ hãi quây xiết nó. Sao lại thế này? Nó không hiểu. Trước đây ít phút còn đang vui vẻ lắm cơ mà!!!?
Nó lạc lõng giữa tiếng cười nói, tiếng thậm thịch trày cối, tiếng bát va loảng xoảng và mùi riềng sả lan tỏa hăng hăng.
Chuyện chó của làng Diện Nguyễn buồn vui lẫn lộn. Các bạn hãy đọc hết phần này nữa để hiểu hơn về nỗi đau của chó qua lời kể của bạn DN.
=>
Nó he hé mắt nhìn. Xung quanh, hai ba người đang ngồi nhìn nó. Nó hoảng, nó lại quẫy đạp giãy giụa trốn chạy. Nhưng ô hay hình như mọi người đang cười. Mà đúng là đang cười thật. Có cái gì đó quen quen. Nó bình tâm lại một chút. Tưởng ai, toàn là người quen cả. Chú Linh, bác Cả người ngõ trên chứ ai. Lại cả cu Tý nữa này. Toàn người quen cả.
Chú Linh, bác Cả vẫn thường sang chơi, thường vỗ lưng, xoa đầu khen nó nhanh nhẹn và mau lớn.
Còn cu Tý thì nó vẫn theo chân đi bắn chim suốt.
........Chắc có hiểu lầm gì đây, mọi người sẽ cứu nó. Nó là con chó ngoan và trung thành cơ mà! Bác Cả đưa tay xoa đầu nó gọi: “cu Tý lại đây”. Nó mừng quá, bác Cả gọi cu Tý lại để cứu nó đây. Có thế chứ. Có thế chứ. Bác Cả thật là người tốt. Mặt mũi bác hiền hậu thế cơ mà. Nó nhớ bác hay mặc bộ quần áo nâu, hay cho cu Tý chuối. Nó dũi cái mũi ẩm ướt vào bác Cả, ngoáy tít cái đuôi và rên to lên với lòng biết ơn. Nó bình tâm trở lại. Bác Cả cười cơ mà. Chắc là bác trêu nó tý thôi. Nhưng đau quá. Nó lại vẫy đuôi vẫy rối rít mong chờ. Nó nghĩ: sắp được cởi trói rồi đây. Nó hoảng, nhưng rồi lại nghĩ: trói chặt thế thì tháo ra chắc cũng phải chịu đau đớn một chút mới xong. Hiểu lầm mà! Hiểu lầm mà! Nó lại vẫy đuôi, lại tưởng tượng sắp được tung tăng ủng oẳng nô đùa bên những người mà nó yêu nó quý.Chợt nó thấy nhói ở cổ. Mắt nó hoa lên, mờ mịt chỉ thấy những túm lông bay tơi tả. Nó muốn kêu, nhưng không được. Cổ họng nó bị đè nghẹt ứ bởi một bàn tay cứng hơn thép. Ẩn hiện qua đám lông bay bay nó thấy bác Cả đang cười, khuôn mặt bác thật hiền hậu và mãn nguyện. Tiếng cười cứ dài ra, dài mãi ra, khùng khục và gầm gừ. Nó sợ, nó hoảng, nó giãy giụa. Nó kêu lên bấn loạn, những tiếng kêu ngắc ngứ tắc sâu trong cuống họng. Rồi chợt trong cái đầu u minh của nó lóe lên. Nó hiểu ra, nó nổi điên. Những người thân thiết đối xử với nó thế này sao? Thế sao??? Nó đã làm cái gì sai? Làm cái gì sai? Đầu nó ù đi mộng mị, bên tai nó những tiếng cười gầm gừ cứ loang mãi ra. Nó muốn cào cấu cắn xé, nó muốn giải thoát. Nó vùng vẫy, nó quẫy đạp, muốn cắn xé mọi thứ nhưng bất lực. Chân nó bị trói, mõm bị khóa chặt, bóp nghẹt. Tiếng tru lên căm hờn của nó rốt cuộc lại biến thành tiếng rên ư ử yếu ớt. Một cảm giác lạnh lẽo lan khắp thân thể làm nó run lên rùng rùng.
Nó rùng mình. Nước mắt nó ứa ra, ứa ra run rẩy. Không phải máu. Không phải máu, mà là một giọt nước mắt. Một giọt nước mắt trong vắt rớt xuống bát nhôm. Nó khóc. Đây là lần thứ hai trong đời nó khóc. Lần đầu, khi ông chủ băng bó vết thương cho nó, nó đã khóc nghẹn ngào. Và lần này nó cũng khóc. Một cảm giác nhói đau. Nó tru rít lên thảm thiết oằn người quẫy đạp vô vọng. Máu vọt thành tia bắn xuống bát nhôm sàu bọt, sục lên màu tươi rói. Nó giãy giụa xoắn người. Tia máu phun vọt ra khỏi bát nhôm, vấy loang lổ lên áo, lên mặt người.
Nó thiếp đi nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ cách thoát thân. Nó nằm bất động và nín thở. Mọi người tưởng nó đã chết nên tháo dây ra. Như một tia chớp, nó vùng dậy lao khỏi cổng nhà. Nó luồn, nó lách, nó lao đi như điên bỏ lại xa dần phía sau đám người truy sát cùng những tiếng chửi tục tằn…
Nắng, gió cùng bụi đất mau chóng giúp nó gắn liền vết thương. Bộ lông đẫm máu ngày nào cũng đã được thay bởi lớp lông mới mượt. Giờ đây nó trở thành một con chó hoang. Những cánh đồng, những đồi cây là nhà của nó. Tự do và phóng khoáng. Thực tế dạy thêm cho nó nhiều bài học nữa giúp nó khôn hơn, lanh hơn, mưu mẹo và đa nghi hơn. Nó thấy thoải mái và hài lòng với hiện tại. Nhưng nó vẫn sợ. Nỗi sợ đeo bám ám ảnh tâm cam nó. Đó là con người.
D.N
Câu chuyện là thông điệp Mong mọi người đừng giết hại chúng
Theo Chuyện làng quê