Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương cho biết hiện nay đã có 6 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 269 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Mục tiêu về tổng số sản phẩm OCOP từ 53 tỉnh đã có kế hoạch hoặc đề án được chuẩn hóa chất lượng đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 3.500 sản phẩm.
Cụ thể, tỉnh Bắc Kạn có 37 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao); tỉnh Quảng Nam có 25 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao); tỉnh Lào Cai có 10 sản phẩm (1 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao); tỉnh Quảng Ninh có 138 sản phẩm (7 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao); tỉnh Bến Tre có 45 sản phẩm (31 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao); tỉnh Nam Định có 14 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao).
Nem Nắm huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được công nhận là sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh |
Trong năm 2019, đã có 12 địa phương được lựa chọn, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Tuy nhiên, theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương, đã có 3 văn bản đôn đốc song tiến độ thực hiện Chương trình OCOP tại một số tỉnh, thành phố còn chậm. Điển hình như tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lai Châu, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Bằng, Thái Bình, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang. Nguyên nhân chủ yếu do hạn chế về nhận thức và sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương còn chưa quyết liệt, đội ngũ tư vấn đủ trình độ còn thiếu, do đó công tác xây dựng đề án của địa phương mất nhiều thời gian.
Chương trình OCOP
Cùng với đó, tiến độ trình ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, biểu trưng OCOP còn chậm hơn so với dự kiến do đây là Bộ tiêu chí phức tạp, tư vấn phải điều chỉnh nhiều lần theo ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị và thường trực Ban Chỉ đạo.
Theo kế hoạch Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương đề ra trong 6 tháng cuối năm 2019 sẽ hoàn thành nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trung ương về triển khai Chương trình OCOP đến 2020. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt Chương trình OCOP, đảm bảo 100% các tỉnh phê duyệt và triển khai đề án/kế hoạch cùng với việc củng cố kiện toàn bộ máy làm việc trên cả nước.
Theo PV.