Chuột trong tâm thức người xưa

Bước sang năm Canh Tý 2020, con giáp Chuột được kỳ vọng về sự mau lẹ, nhanh nhẹn, sinh sôi và tấn tới. Trong những ngày giáp Tết, xin bàn đôi điều về hình ảnh chú Tí trong tâm thức của người xưa.

Vì sao chuột đứng đầu 12 con giáp?

Một cậu bé vui với chiếc rập vừa bẫy được chuột.

Có một thắc mắc vui rằng, vì sao chuột có dáng hình nhỏ bé nhất trong 12 con giáp nhưng lại được đứng đầu? Có nhiều lý giải, ở đây xin lý giải điều lý thú này bằng mấy câu chuyện dân gian được sưu tầm ở đất Cần Thơ xưa.

Truyền thuyết thứ nhất lý giải: Thuở xưa loài vật chưa có thứ tự, chung sống với nhau ngang vai ngang vế. Vậy rồi đến một ngày nọ, các loài tranh cạnh nhau về thứ bậc, quyền lợi, nguồn nước, thức ăn, địa bàn sinh sống… Các loài nghĩ ra cuộc thi tài chạy nhanh, ai về đích trước sẽ đứng đầu 12 con giáp. Thời đó, trâu có sức khỏe, chạy nhanh nên khả năng về nhất rất cao. Chuột nghĩ ra kế xin “quá giang” trâu đi cùng. Trâu vốn tốt bụng nên cho chuột ngồi trên đầu và ung dung về đích. Nhưng khi đã gần chạm vạch đích, trâu mới nhận ra “cao kế” của chuột bèn hất phăng chú Tí ta ra sau. Ngờ đâu Chuột “có số hưởng”, bị trâu hất văng ra sau, đụng phải ngọn tre bật ngược về phía trước và rớt đúng nơi cán đích. Vậy là Tí thắng cuộc và nghiễm nhiên đứng đầu 12 con giáp.

Một truyền thuyết dân gian khác kể rằng: Ngọc Hoàng thời xa xưa vốn đã chọn được 12 con vật để đặt cho nhiệm vụ giữ quyền 12 giáp. Ngài cũng chỉ định trâu là con giáp đứng đầu do sức vóc khỏe mạnh, cao lớn lại thật thà. Chuột không phục và nói rằng, trong lòng người trần, họ coi loài chuột lớn hơn trâu. Để các loài tâm phục khẩu phục, Ngọc Hoàng hạ giới kiểm chứng. Khi trâu đi ngang qua con người, họ chỉ nói: Con trâu này béo tốt, chứ không hề khen to lớn. Nhưng khi chuột nhảy lên lưng trâu, dùng hai chân đứng thẳng lên, con người trông thấy liền kinh ngạc: “Con chuột này to thật!”. Thế là chuột được Ngọc Hoàng chọn đứng đầu 12 con giáp. Câu chuyện này như một kiểu “chơi chữ” với tâm lý trâu thì mặc nhiên đã to nên chẳng ai khen to làm gì; trong khi chuột nhỏ bé nay ưỡn ngực vạm vỡ ngay trên đầu trâu thì là sự khác thường. Chuột nắm được “tâm lý” này của con người nên “qua mặt” được Ngọc Hoàng.

Một câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích là “Sự tích tuổi Tí”. Có 7 chị em gái nhà nọ bị bỏ vào rừng sâu, đói lả người. Vua Chằn đi ngang thấy vậy liền bắt về nuôi lớn để ăn thịt. Vua Chằn căn dặn các cô gái tuyệt đối không đến hai căn nhà ở phía Đông và phía Nam. Vì tò mò nên 7 cô gái đến hai căn nhà bí mật ấy. Vào nhà, thấy một bồn nước lấp lánh, họ nhúng ngón tay vào lập tức cả người trở nên lóng lánh, nhan sắc tuyệt trần. Vua Chằn biết chuyện liền tính chuyện ăn thịt 7 cô gái. Một chú chuột xuất hiện, đào hang cho các cô chạy trốn. Trong họa có phúc, cuối đường hang là ao sen trong cung Vua. Vua phát hiện 7 cô gái đẹp như tiên nên chọn các cô làm hoàng hậu. Nhớ ơn chú chuột cứu mình, 7 hoàng hậu xin Vua phong cho chuột là vua của các loài, xin đưa vào 12 con giáp và đứng đầu hết thảy. Con người có tuổi Tí từ đó.

Trong tâm thức dân gian


Tranh vẽ đôi chuột trong truyện tranh “Đám cưới chuột”.

Trong đời sống dân gian của người Việt, chuột được nhắc đến khá nhiều, dĩ nhiên xấu - tốt đều có. Hàng loạt câu thành ngữ ví von về chuột nay đã thành câu cửa miệng của nhiều người: “Lủi như chuột”, “Ướt như chuột lột”, “Đầu voi đuôi chuột”, “Chuột sa hủ gạo”, “Chim chuột”, “Cháy nhà mới ra mặt chuột”, “Chuột chạy cùng sào”...

Chuột cũng là loài động vật biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, thể hiện qua ca dao:

“Chuột kêu chút chít trong rương

Anh đi cho khéo, đụng giường má hay”

Trong tâm thức dân gian, chuột xuất hiện nhiều trong nhà sẽ mang lại điềm không lành, gồm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là chuột sẽ cắn phá thức ăn, vật dụng gây tổn hại; nghĩa bóng là chuột sẽ mang lại những vận rủi. Điển hình là quan niệm: Một người dự định đi khỏi nhà, lựa quần áo để mặc mà bắt gặp quần áo, khăn tay bị chuột cắn thì sẽ cân nhắc có nên đi hay không. Dầu vậy, trong các trường hợp chuột đến nhà, chuột túc là được chào đón nhất. Thông thường, chuột thường kêu “chút chít” rất đặc trưng nhưng đôi khi chuột lại kêu rúc lên (kiểu như con gà trống gặp con gà mái liền “de” và túc mái “túc túc” đầy quyến rũ).

Ông bà xưa cũng chẳng thể lý giải chuột rúc/túc vậy là do đâu, chỉ đoán có thể là một kiểu gợi tình đồng loại. Niềm tin rằng, chuột túc sẽ rất may:

“Nhất thời đom đóm

                             vào nhà

Nhị thời chuột túc, thứ ba

                          bông đèn”.

Lại xin nói đôi điều về bức tranh dân gian nổi tiếng “Đám cưới chuột” (còn có tên gọi khác là “Trạng Chuột vinh quy”) và bài ca dao:

“Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đàng xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”

Ở bức tranh “Đám cưới chuột”, có hai tầng, tầng dưới vẽ Trạng Chuột cưỡi ngựa vinh quy, theo sau là nàng Chuột ngồi trong kiệu với đoàn rước lộng lẫy. Hình ảnh này được thi sĩ Hoàng Cầm cảm tác:

“Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu”

Tầng trên là hình ảnh 4 chú chuột khép nép, khúm núm tay cầm cá, cầm chim đến dâng cho chú mèo. Mặt chú mèo thì rất “căng”, nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu. Điều này tương đồng với chi tiết “Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo” trong bài ca dao. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chuột lại phải “cống nạp” cho mèo? Hẳn nhiên, sẽ có rất nhiều cách lý giải 2 tác phẩm nghệ thuật dân gian này, nhưng giả thuyết được nhiều người đồng tình nhất là sự nhượng bộ của chuột. Ai cũng biết quan hệ mèo - chuột là quan hệ đối kháng, nước - lửa, mất - còn, trong đó chuột ở thế yếu. Vậy nên, hành động “cống nạp” hay “góp giỗ” của chuột thể hiện mong muốn hòa bình, an phận, yên thân của người “thấp cổ bé họng”. 

Hình ảnh “Con mèo mà trèo cây cau. Hỏi thăm chú chuột…”  được tái hiện tại Đường hoa Cần Thơ Xuân Canh Tý.

Ông Trạng, cụ Đồ “ghét chuột” cỡ nào?

Ông Trạng ở đây là Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm vào thế kỷ XVI đã viết bài thơ nổi tiếng “Tăng thử” (có nghĩa là “Ghét chuột”). Cụ Đồ chính là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vào thế kỷ XIX, để lại cho đời bài hịch hùng hồn “Thảo thử hịch” (có nghĩa là “Hịch bắt chuột”). Hai cụ mượn vật nói người, dựa vào đặc tính chui rúc, dơ bẩn, phá hoại của loài gặm nhấm để lên án sự khốc liệt, tàn bạo của bọn quan lại, ác bá đương thời.

Bài thơ “Tăng thử” gồm 22 câu, theo thể ngũ ngôn. Nội dung bài thơ kể về chuyện trời đất sinh ra con người, chỉ dạy việc gieo trồng để có cuộc sống no ấm, vậy mà:

“Thạc thử hồ bất nhân,

Thảo thiết tư âm độc”

(Người viết tạm dịch nghĩa rộng: Con chuột to lớn sao quá bất nhân. Cắn phá mùa màng mà còn mưu toan hiểm độc).

Sự tàn phá của chuột gây nên bao thống khổ cho người dân. Căm phẫn, oán than nhưng cụ Trạng lại không chịu đầu hàng mà nói lên sự phản kháng:

“Ký thất thiên hạ tâm,

Tất thụ thiên hạ lục”

(Người viết tạm dịch nghĩa rộng: Chúng mày đã làm mất lòng thiên hạ. Chắc chắn chúng mày sẽ bị thiên hạ giết chết/làm cho nhục nhã).

Bài hịch kêu gọi bắt chuột của cụ Đồ Chiểu được xem là một trong những tác phẩm văn chương đặc sắc vào giai đoạn văn học này. Đúng như thể loại hịch, cụ Đồ viết “có ca có kệ”, rằng trời sinh muôn loài, nhỏ - lớn đều có, loài nào cũng có đặc tính riêng:

“Nhỏ là loài ong kiến, còn biết nghĩa

                                                    quân thần;

Lớn là loài hổ lang, cũng niệm tình phụ tử”.

Trên trời dưới thế, duy chỉ có loài chuột, gặm nhấm, phá hoại không bỏ tật. Cụ Đồ dùng những lời lẽ sắc bén, sâu cay để viết, nào là tật xấu, nào la mưu mô. Căn giận nhất vẫn là:

“Nền xã tắc là nơi báo bổ, can chi mi đào lỗ, đào hang;

Chốn miếu đường là chỗ thanh tán, cớ chi ngươi cắn màn, cắn sáo.”

Vậy nên, cụ Đồ kêu gọi mọi người đứng lên bắt chuột, diệt chuột, đừng để con nào thoát khỏi:

“Chớ để con nào sơ lậu, phải ra tay lấp lỗ

                                                                 tam bành;

Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức

                                                               trừ đồ lục tặc.

Bốn phương đều ngợi chữ thăng bình;

Thiên hạ cũng vui câu án đổ”.

(Bài hịch này được chúng tôi trích từ cuốn “Nguyễn Đình Chiểu - thân thế và thơ văn” do Tân Việt xuất bản năm 1957. Người giới thiệu là ông Nguyễn Bá Thế - một tác giả sưu khảo văn chương nổi tiếng đất Cần Thơ).

Ý nghĩa hai bài thơ và hịch của cụ Trạng và cụ Đồ hẳn không cần nói nhiều cũng đủ để biết hai cụ “dùng thơ mà đánh giặc”. “Văn dĩ tải đạo” là vậy. Có điều, các cụ dùng con vật, hình ảnh quen thuộc với người dân để nhân cách hóa và gởi tâm tư, tình cảm vào từng áng thơ quả là “cao tay ấn”. Khi đó, bọn tham quan ô lại đọc được cũng chẳng có cớ gì bắt bẻ, mà phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.