Chuyện cây lộc vừng

Đầu làng tôi (làng Vẽn, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) có một cây Lộc Vừng cổ thụ. Tôi không rõ cây bao nhiêu tuổi đời (cách đây vài năm, tôi có đọc một bài báo, họ nói rằng cây hơn 500 năm tuổi, không biết họ căn cứ vào đâu?).

chuy-lg-qu1-1634867439.jpgẢnh do tác giả cung cấp.

Khi tôi về sống ở đây (1969) thì cây Lộc Vừng này đã to như hiện nay, cành lá sum suê; đường kính tán lá khoảng chục mét; không biết chừng ngày xưa ông Trần Nguyên Hãn đi bán dầu qua ngồi nghỉ chân dưới gốc cây rồi cũng nên?

Vào mùa hoa Lộc Vừng, cánh hoa rụng xuống thành thảm đỏ trên mặt đất, nhìn thì đẹp nhưng mùi hoa thì vừa thơm lại hơi tanh tanh. Một mùi khó tả!

Ngày xưa, chỉ có một con đường nhỏ trải nhựa từ Dốc Láp chạy lên thị trấn Tam Đảo. Chỗ ngã năm Gốc Vừng nay là một ngã ba, lối rẽ vào làng Bầu là đường đất, qua cánh đồng lúa. Cây Lộc Vừng nằm gần ngã ba này, cách mép đường nhựa khoảng 4 ÷ 5 mét. Dưới gốc cây, có một cái quán nhỏ của một bà lão, bán nước chè xanh, kẹo lạc, kẹo vừng, chuối, bánh gai... cho khách qua đường. Hồi ấy, dân ta chủ yếu đi lại bằng xe đạp hoặc đi bộ nên gốc cây Lộc Vừng là nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho khách. Những đám tang ở các phường trong thị xã mà đi qua cũng thường nghỉ ở đây vì rất mát, các cụ thoải mái chèo đò...

Thời chiến tranh chống Mỹ, xe ô tô thường đi rất vội vã. Lúc ấy tôi còn nhỏ, thấy mọi người hay nói câu: "Con ơi, muốn sống làm người, thấy xe Đoàn 10 phải tránh cho xa". Đường thì lắm ổ gà nên khi thấy ô tô đi qua là chúng tôi thường tránh xa vào ven đường, cách mép nhựa hàng hơn mét. Một lần, ngồi chơi ở gốc cây Lộc Vừng, tận mắt tôi chứng kiến một xe dạng xe Zin, thùng gỗ thấp chở khoảng chục người chạy đến khúc cua (trước cửa Cửa hàng Thế giới Di động góc đường Nguyễn Tất Thành và đường Chùa Hà bây giờ), do phanh gấp làm vài người trên thùng xe văng xuống đất, may mà chỉ bị thương, không ai chết.

Tôi lại nhớ, khoảng năm 1983, khi tôi đóng quân ở đơn vị 4C-60 Hà Nội, một lần mẹ tôi ốm, cuối tuần tôi được thủ trưởng đơn vị cho đi tranh thủ về thăm gia đình. Tôi định đi chuyến tàu hỏa lúc chập tối, không may tàu hôm đó chậm, lại hai chuyến dồn làm một nên khoảng 22h tàu mới rời ga. Lên tàu mọi người phải đứng và ngồi chen chúc kín cả lối đi, chỗ nối giữa hai toa,... May hôm đó tình cờ tôi gặp người quen là anh Thành (cựu học sinh lớp 10C, Trần Phú, Vĩnh Yên, 1977) học ở đại học Văn hóa và bạn Tuấn Hải (lớp 12A, Trần Phú, 1982) học ở đại học Kiến trúc về cùng chuyến, nên cũng vui. Lâu không gặp, tôi hỏi anh Thành khỏe không, anh bảo: "Không khỏe lắm. Duy có đôi mắt vẫn sáng, vầng trán vẫn rộng". Chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm nên cũng quên cả buồn ngủ và giờ. Khoảng 2h thì tàu về đến ga Vĩnh Yên, anh Thành về nhà mạn Phố Trên gần Cầu Oai (đường Hùng Vương nay), còn tôi với Hải đi qua đường tàu về phía Lò Vôi (nhà Hải ở khu Lò Vôi). Đường qua Lò Vôi tối om, yên tĩnh đến lạnh lẽo. Những đống đá vôi và những lò nung vôi cao ngất, đen ngòm là nơi phục kích lý tưởng của bọn cướp. May mà chúng tôi có hai người nên cũng vững tâm.

Đến cuối Lò Vôi, Hải về nhà còn mình tôi đi qua con đường vắng lặng (đường Nguyễn Chí Thanh bây giờ), hai bên là hàng xà cừ và những ruộng rau. Sau đó qua đường cổng bệnh viện (nay là đường Kim Đồng) rồi sang đường Dốc Láp lên (đường Trần Phú bây giờ), lại qua một quãng cánh đồng thì về đến gốc cây Lộc Vừng thân thuộc. Đúng mùa hoa vừng rụng, mùi tanh và bóng tối làm tôi bất giác rợn tóc gáy. Nhưng tôi trấn tĩnh lại ngay. Tôi nhìn qua cánh đồng về phía xa, chỗ nghĩa địa nơi cha tôi yên nghỉ những đốm sáng xanh lập lòe như đang di chuyển. Tôi biết là lân tinh chứ không phải ma trơi như một số người yếu bóng vía thường nói nên cứ rảo bước. Tôi về đến nhà, mẹ tôi tỏ ra rất lo lắng, bảo sao về muộn thế, sau không nên đi đêm như vậy nữa...

***

Giờ đây, cây Lộc Vừng đứng sừng sững chiếm vào lòng đường Chùa Hà khoảng 3 m nhưng cành cây đã bị chặt chụi, không còn đẹp như xưa. Nghe nói, hồi mới tách tỉnh Vĩnh Phú, người ta định đánh cây Lộc Vừng trồng ra chỗ khác nên chặt bớt cành, đào gốc... Nhưng không hiểu sao sau đó lại không đánh cây đi nữa? Nghe đồn, mấy người làm thuê đang thực hiện việc đánh cây Lộc Vừng, trong lúc chờ cây ra rễ mới để chuyển đi đã bị tai nạn giao thông chết rồi. Từ đó, việc rời cây Lộc Vừng đi bị hủy bỏ, nên giờ nó nằm vào lòng đường.

Sau đó, người dân đã lập một cái miếu thờ nhỏ ở dưới gốc cây và nhiều người thường đến thắp hương cầu may mắn (cả mùng 1, ngày rằm cũng như ngày thường)- đó là tín ngưỡng. Nhiều người bảo: Cây Lộc Vừng này thiêng lắm. Nghe đồn gần đây, miếu thờ ở Gốc Vừng bị mất bát hương. Sau một thời gian có một gia đình ở Phú Thọ xuống xin làm lễ trả bát hương, do con trai của họ nghịch mà lấy bát hương đi. Nghe bảo cậu thanh niên đó có biểu hiện bệnh tâm thần. Không rõ trước khi lấy bát hương có bị không? Có người nói: lấy bát hương nên bị; có người lại bảo: nó bị thần kinh nên mới nghịch thế. Không biết bây giờ cậu ấy sao rồi?

***

Sau hơn 30 năm tôi lại trở về làng xưa. Giờ đây, những cánh đồng,... đã trở thành khu đô thị. Ngã 5 Gốc Vừng nườm nượp người, xe. Chỉ hơn một năm mà tôi đã tận mắt chứng kiến 3 vụ tai nạn giao thông ở ngã 5 này (còn số lượng thực là bao nhiêu vụ thì tôi không rõ). Tôi chỉ ước làm sao để người dân đi lại được an toàn hơn. Tôi mong sao cây Lộc Vừng bất tử, để tiếp tục che chở cho những phận đời mỏng manh...

Theo Chuyện làng quê