Chuyến đò nên nghĩa

Kính viếng nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

nha-van-nguyen-quoc-trung-1633947700.jpg 

Chúng tôi, không chỉ một chuyến đò mà tình cờ có được vớí nhau đến ba ngày ba đêm. Đại hội nhà văn tháng 10/2020, tôi đơn độc tiếp cận Ban tổ chức. Một nhà văn cao cồ cộ lỉnh kỉnh túi xách lớn bé ào tới. Tôi hỏi: - Anh ở đoàn nào?

- Thành phố Hồ chí Minh!

- Hút thuốc không?

- Không!

- Ngáy không?

- Không!

Vậy thì chúng ta ở với nhau, nào xin chìa khóa một phòng!

- Anh nói giọng miền Trung?

- Vâng, tôi quê Hà Tĩnh, tên Trung! Không hiểu sao, ngay những phút đầu tôi đã cảm thấy anh là người chính trực, hợp tạng. Mất chừng một giờ để sau đó dốc bầu tâm sự như bóc một chiếc bánh. Biết anh quê huyện Hương Sơn xã Sơn Ninh, tôi mừng như bắt được của quý. Bốn mươi bảy năm trước, năm 1973, tôi nằm ở đoàn an dưỡng Thương binh tại Sơn Ninh có chút sơ suất trong ứng xử khiến chủ nhà buồn, sau này ngẫm lại, ân hận. Anh lập tức hỏi tên người tên xóm và hứa nếu không thể cùng nhau về Sơn Ninh thì anh sẽ tìm cách ‘xử lý” khi có dịp. Nghe vậy, tôi ấm lòng phần nào. Anh là sĩ quan cao cấp, tôi có vài năm lính, đàm đạo về đề tài chiến tranh và người lính nghe chừng “hợp cạ”. Biết tôi thương binh sọ não khó ngủ, qua đêm đầu tiên, anh hỏi:

- Tôi ngủ có yên không?

- Yên!

- Có ngáy không?

- Không!

Nghe vậy, anh có vẻ yên tâm.

Ba ngày đêm như thế, chúng tôi gần như đã có thể chia sẻ mọi ngóc ngách tình cảm và nghề nghiệp. Sinh năm Bính thân, thua tôi đến bốn tuổi, thế mà lạ, tôi cứ cảm như anh là người anh. Tính tôi hiếu động trong cả ăn nói, anh chững chạc, điềm tĩnh, hình như anh cũng cảm như vậy nhưng luôn chừng mực bạn nghề. Quân hàm Đại tá, đại diện phía Nam cho tờ tạp chí lớn nhưng xuất ngôn không hề cao giọng, tuyên huấn...

Sang ngày thứ tư, chia tay trong bùi ngùi, tôi ra ga tàu anh đến sân bay, hẹn gặp nhé ở Sài Gòn, hay Đồng Hới để cùng nhau về Sơn Ninh chuộc cái lỗi ứng xử đã trôi gần nửa thế kỷ.

Vậy mà, anh Trung ơi! Dịch giã hoành hành… tôi mất một bạn lòng, cuộc sống này mất một người tử tế, chính trực, một NHÀ VĂN.

Xin kính cẩn gọi ANH và dâng lên một nén hương lòng.

(Đồng Hới, những ngày giãn cách).

nha-van-nguyen-quoc-trung1-1633947700.jpg 

Tham khảo tuoitre.vn

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung giã biệt đồng đội và đồng nghiệp lúc 13h50 ngày 10-9 tại Quân y viện 175 TP.HCM do bị nhiễm COVID-19.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông học hết phổ thông thì gia nhập quân đội, rời quê hương vào chiến trường từ năm 1974. Nguyễn Quốc Trung là người lính thuộc Sư đoàn 341 chủ lực do Tư lệnh Trần Văn Trân chỉ huy tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Nguyễn Quốc Trung sớm có mặt nơi tuyến đầu, sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Ông còn cùng đồng đội lưu lại giúp nhân dân nước bạn tiếp tục bảo vệ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại xứ sở chùa tháp.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung có truyện Những tia chớp phía chân trời được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982, thể hiện mối tình đẹp cảm động của một người lính biên giới với cô thanh niên xung phong giữa hoàn cảnh khắc nghiệt nửa hòa bình nửa chiến tranh của đất nước.

Nhà văn Phan Hoàng - người từng làm công tác Hội theo sát những hoạt động viết lách của Nguyễn Quốc Trung - nhận xét rằng "ông sáng tạo không ngừng, sức viết thật đáng nể".

Ngoài những giải thưởng đoạt được như giải thưởng văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Bộ Quốc phòng và giải Mê Kông, nhà văn Nguyễn Quốc Trung từng trình làng 5 tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu; và 5 tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên, Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu.

Tác phẩm gần đây của ông được bạn văn biết đến là tiểu thuyết Dòng sông bên chùa (NXB Văn Học, 2019).