Từ khi ba ra đi, tôi đã ý thức được gia đình mình rất nghèo và phải biết phụ giúp, đỡ đần cho má. 4 tuổi tôi đã bắt đầu làm việc để san sẻ gánh nặng với má. Công việc đầu tiên trong cuộc đời của tôi là chăn trâu. Ngày đó má con tôi ở trong một túp lều nhỏ được dựng lên trên khoảng đất không rộng lớn mấy của nhà bà nội. Các cô chú bên nội cũng ở san sát cạnh bên. Nhà người nào cũng nghèo, cũng lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối mới có miếng ăn. Trong số họ hàng, má con tôi vẫn là nghèo nhất.
Má tôi người xứ Nghệ - một người phụ nữ chung thủy tảo tần, một lòng chờ đợi ngày ba tôi trở lại. Theo tháng năm, đôi vai gầy rộc của mẹ ngày càng héo mòn chờ đợi ba trở lại. Chị Hai phải sớm nghỉ học để nhường cho tôi được đến trường. Cuộc đời tôi là một trường dài khắc khoải buồn vui lẫn lộn, hi vọng rồi thất vọng, chờ đợi rồi lãng quên, yêu thường rồi giận dỗi. Ngày tôi về quê má, hai má con đi bộ trên con đường có hàng phi lao rì rào tiếng gió. Má chỉ cho tôi cánh đồng trước mặt, nơi một thời niên thiếu của má mưa nắng dãi giầm. Đằng xa là hòn Yên, hòn Nhôn, hòn Rồng, hòn Kình, hòn Phù Đổng, còn có cả hòn Mồ Côi nữa. Những ngọn núi vây tròn lấy quê, nằm xen nhau hình bát úp. Má bảo những nơi cao ráo đó có những người thân của má đang yên nghỉ. Những cánh đồng quê yên ả đến lạ thường. Có một lần cùng ngoại ra Đền Trúc xin thuốc chữa mé cua cho tôi, tôi hỏi, má ơi, sao quê mình có tên Thanh Cát hả má?
Má ngồi dựa vào gốc cổ thụ giống cây thông bên đường, chiếc nón khuây khuẩy âu yếm “Con của má thành thiếu nữ thật rồi. Mắt con sáng như mắt ba zậy. Thanh Cát có nghĩa là đất lành, con người lương thiện con ạ”. Tôi không hiểu lắm, nhưng mỗi khi nhìn vào mắt má, có lúc rưng rưng buồn xa xăm. Điều mà mãi đến hôm nay, khi tôi ở nuôi con một mình, tôi mới hiểu là má nhớ ba. Má nhớ người đã đi qua đời má, và cũng chính là người đã phụ bạc mình. Giữa mênh mông ruộng đồng sông nước Kiên Giang, nơi chỉ có “coi cói đuốc đồng, buồn hiu cô quạnh” chỉ có một con người xứ Nghệ mới cam chịu như zậy. Người Thanh Cát lương thiện là zậy sao? Suốt chặng đường về nhà ngoại, má dùng nón lá cố che khuôn mặt xuân xoan vướng đầy nắng gió của mình mỗi khi có người đối diện đi qua. Còn tôi thì vô tư ngắt những bông cỏ may mọc ở bên đường- những bông hoa sau này đã “níu dấu chân tôi”, găm vào cuộc đời tôi những kỷ niệm buồn xa cách, để tôi nhớ mãi về một người thầy hiền như cô tấm đã chắp nối giấc mơ đến trường mà chị tôi đã dành cho tôi.
Cái sân cũ bằng đất có cỏ mọc lốm đốm nhà ngoại trông giống cái sân của má con tôi trong đó. Chỉ khác là sân có thêm cái hũ tương được kê ở góc sân. Vừa nhìn thấy ngoại, má tôi quẳng chiếc nón xuống đất ôm chầm lấy mẹ rồi khóc nức nở “Con xin lỗi mẹ, con đã sai rồi...”. Ngoại tôi vẫn móm mém nhai trầu, thỉnh thoảng lại đưa tay lên chùi ngang miệng. Nước mắt ngoại lăn xuôi gò má. Tiếng nấc của ngoại và má tôi trong đêm đầu tiên ấy đã theo tôi mãi suốt cuộc đời.
(Tặng Người con gái quê tôi)
Theo Chuyện Làng quê