Chuyện nhà ông Hiếu

Đang tụng kinh bên gian nhà ngoài, tiếng đài phía trong buồng phát ra ngày một lớn, át cả tiếng đọc kinh. Tối nào bà con cũng tập trung đọc kinh cầu cho linh hồn cậu Hùng siêu thoát. Hùng là con út của nhà ông Hiếu.

Cậu đi làm tận Đồng Nai, bị tai nạn, đưa về nhà làm ma, mai là 49 ngày của cậu ấy. Mọi khi bà Liên cũng ra tụng kinh nhưng hôm nay thì không thấy, hoá ra bà giận dỗi gì đó với ông Hiếu nên không ra kinh sách gì cả. Chẳng là vợ ông Hiếu bị K, mất cách đây đã 5,6 năm rồi. Ông đưa bà về ở sau khi bà mất khoảng hai năm. Theo như mọi người biết, ông được một người bạn giới thiệu , bà ở khác tỉnh, có chồng nhưng hai người không ở được với nhau, bà có một đứa con gái đã lấy chồng. Trước khi đón bà về, ông phải sắm cho bà hai chỉ vàng đeo cho đỡ ngại, may sắm cả quần áo cho bà cho tươm tất. Về ở với ông, bà ốm đau liên miên, ông lo thuốc men cho bà đầy đủ. Trông bà cũng đẹp lão, sạch sẽ, mọi người cứ bảo ông có phúc. Nhưng ngờ đâu bà trái tính trái nết, hay cào mặt ăn vạ. Cái gì bà chưa làm được hoặc làm không đúng, ông cũng nhẩn nha ôn tồn nhắc nhở nhưng cứ ông nói nhỏ thì bà nói to. Ông khó chịu bảo” có gì thì đóng cửa bảo nhau, chứ sao bà cứ gào lên cho thiên hạ nghe thế chứ” bà không chịu lời ông “ Tôi thế đấy, ông làm gì tôi”

Ông bực mình dứ nắm tay vào trán bà:

- Bà liệu hồn, cứ già mồm có ngày tôi táng thật đừng trách tôi ác.

Bà chạy ào ra đường hô hoán” ối làng nước ơi! Ông Hiếu ông ấy đánh tôi này. Khốn nạn!…”

Rồi bà chạy dọc làng hô hoán như bị lên cơn điên vậy. Ông xấu hổ lắm. Không phải một lần mà nhiều lần như thế, làng xóm có thấy bà hô hoán cũng chẳng thèm ngó mặt ra nữa. Ông không chịu nổi nên cũng nặng lời” Tôi chỉ có thế, bà ở được thì ở, chẳng ở được thì bà đi đi” Thế là bà tống hết quần áo vào cái bao giang, cầm thêm cái nồi cơm điện chằng lên xe đạp điện rồi đi. Nhưng chỉ vài tuần lại thấy bà mò về. Đã bốn năm lần như thế. Ông vốn nhân hậu nên cũng chẳng khó dễ gì với bà.

***

Thằng Quang , đứa con trai thứ hai của ông cũng đi làm ăn xa, con dâu thì xin về nhà mẹ đẻ ở( hồi đó bà cả mất, chỉ mình ông ở nhà chắc con dâu ngại)

Mấy bữa rồi con nó bị viêm phổi phải nằm viện. Ông giục bà chuẩn bị đồ đạc lên thăm cháu nhưng bà cứ chần chừ không muốn đi. Thế rồi khi nó về bà ngoại, ông giục bà vào thăm cháu bà cũng không chịu vào. Nó ra chơi, ông muốn tự tay bà cho cháu đồng quà, ông đưa bà 500 ngàn để cho cháu, bà bớt lại chỉ cho cháu có 200 ngàn. Ông không buồn nói. Nhưng ông bảo, cháu ra chơi, hôm nay giết con gà, gọi vợ chồng con cái thằng cả nữa về cho vui. Bà bảo” gà đang đẻ không giết” ông đành ra chợ mua đồ ăn cho các con ở lại cho vui. Thế mà đến bữa bà cũng mặt nặng mày nhẹ rồi chẳng ngồi vào mâm. Thành thử, lại mất vui. Thực ra, ông nhịn bà như nhịn cơm sống vậy để không mất hoà khí.

Cách đây hai năm, bà cứ đòi li dị, ông đành đồng ý. Ông ký đơn rồi mang nộp, còn bà thì đã bỏ về quê. Ông vẫn còn thương hại, nói với con

- Vài hôm nữa, bố lên trên đó, chở cho bà ấy bao gạo, đưa cho bà ấy mấy trăm ngàn để bà ấy có tiền mà đi xe xuống toà án.

Ông là thế nhưng bà ấy thì quá quắt vô cùng. Nếu là người khác chắc cũng không ở được.

Hôm đó, nghe tiếng đài vọng ra từ gian buồng, mọi người đều hiểu bà đang giở quẻ. Ông ngồi phía sau mọi người, chạy vào nhắc nhở bà rồi lại chạy ra ngồi tiếp tục tụng kinh. Nhưng ông vừa ra, tiếng đài lại càng to hơn, ông cau có chạy vào, chắc càu nhàu gì đó, bà cầm cái đài lên ném cái rầm xuống đất và chửi bới ầm ĩ. Hai đứa con trai ông cũng chạy vào, thằng cả nóng tính định giơ tay đấm cho bà một cái thì ông ngăn lại. Một người lớn tuổi trong tổ đọc kinh cũng chạy vào nói mấy câu nhưng bà lại càng lớn tiếng hơn. Buổi đọc kinh dừng lại, mọi người lặng lẽ ra về.

Thằng cả không thể chịu đựng hơn. Nó bảo:

- Bố cứ chịu đựng như thế này thì loạn mất, có khi chúng con cũng chẳng thể về nhà. Bố hãy để cho bà ấy đi đi. Nếu không tìm được người khác chia sẻ thì chúng con cho các cháu về ở trông nom bố.

Vậy là ông quyết định chia tay. Khi bà ra đi, ông bảo” nhà có mấy tạ thóc, hai con lợn trong chuồng, mấy chục con gà, và đồ đạc nữa. Bà muốn lấy gì mang đi thì lấy”

Bà gọi người đến bán nửa số thóc, một con lợn, xin ông cái nồi cơm điện, cái ấm nước mang theo.

Giờ ông lại chuẩn bị đón bà mới. Nghe nói, bà mới trẻ hơn ông tới 20 tuổi, đang làm lao công cho một công ty đồ chơi cách nhà khoảng 5km. Hy vọng lần này ông không còn bị tra tấn tinh thần như trước nữa.

- Giấc mơ trưa-

Theo Chuyện làng quê