Chuyện nhà tôi

Nỗi đau về những mất mát và sự chịu đựng của các bà mẹ thì quả thật là vô cùng to lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người!

chuyen-nha-toi-1633504028.jpgẢnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cho đến bây giờ, lúc 3g15 phút ngày 04/10/2021, khi Đại úy Cao Viết Thương, con trai út của chị tôi, (công tác tại CA xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã qua cơn nguy kịch, có thể liên lạc qua điện thoại với mẹ và vợ, tôi mới viết những dòng này.

Đêm 30/9/2021, trong lúc cùng đồng đội tổ chức bắt giữ đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy, cháu đã bị đối tượng đâm trọng thương. Vết dao sượt mang tai, đâm sâu vào vùng cổ, máu chảy lênh láng... Nhờ gần bệnh viện đa khoa Tam Kỳ, được các bác sĩ mổ cấp cứu kịp thời nên cháu đã thoát chết trong gang tấc.

Sáng sớm ngày 01/10/2021, tôi còn nằm trên giường thì được chị ruột cháu gọi dậy, báo hung tin. Là người từng tham gia công tác trong lực lượng CAND gần 40 năm nhưng tôi không khỏi choáng váng khi nhận được thông tin này. Một cái rùng mình, ớn lạnh chạy dọc sống lưng... Tôi bừng tỉnh khi cháu hỏi nhỏ:" Cậu ơi, có nên báo cho má con biết không?". Tôi liếc quanh, không thấy chị đâu, liền bảo cháu:" Con để cậu nghĩ đã". 30 giây sau, tôi đưa ra lời khuyên:" Tạm thời không cho má con biết tin này. Cậu sẽ xuống CA huyện nắm thêm thông tin rồi sẽ tính".

...Sau khi có được một số thông tin khá cụ thể về tình trạng sức khỏe của cháu Thương, tôi điện thoại cho một người thân làm trong bệnh viện Tam Kỳ để nhờ bác sĩ theo dõi kỹ hơn tình trạng của cháu (vì dịch bệnh covid nên không ai có thể vào viện để trực tiếp chăm sóc cháu).

...Nhưng, (lại nhưng) đến khoảng gần trưa, khi đang gieo bắp ngoài đồng, thì chị tôi biết được thông tin con trai út bị trọng thương.

Tôi không có mặt tại thời điểm đó nên không biết cụ thể chị tôi đã khụy xuống như thế nào, các con chị đã xử trí ra sao...

Chiều muộn ngày 01/10, khi đang cùng thợ xây tường rào nhà thờ (sát bên nhà chị), tôi được báo chị tôi có khách. Đó là Việt, Trưởng CA xã và Thắng, CA viên- người trực tiếp đi cùng cháu Thương vào bệnh viện, vừa về từ bệnh viện.

Qua trao đổi với cán bộ CA xã, chị em tôi biết rõ hơn về những gì đã xảy ra trong đêm CA phá án, về trường hợp cháu tôi bị thương...

Chính thức tiếp nhận thông tin về con mình, chị tôi mắt đỏ hoe, không nói được nhiều. Thỉnh thoảng, chị lại đưa tay lau nước mắt...

Cho đến giờ, tôi không thể nào quên những lời của chị khi nói chuyện với Trưởng CA xã:" Trong chiến tranh, cô thấy cái chết miết nên không hoảng hồn như khi nghe tin thằng Thương bị đâm. Biết con làm CA là phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng khi nghe thì không thể tin là sự thật. (...) Năm 1968, ba cô hy sinh, cả nhà khóc vì không được chôn ba; hai năm sau, cậu Hai nó (anh trai tôi) là cán bộ An ninh tỉnh Quảng Nam lại hy sinh. Cả nhà chỉ biết khóc. Đó là trong chiến tranh. Còn bây chừ, mấy chục năm hoà bình rồi mà...". Chị không nói hết câu, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen nhẻm, chằng chịt vết nhăn. Tôi quay mặt, nhìn ra ngoài sân để giấu dòng nước mắt chực trào ra.

...Tôi vẫn biết, cuộc chiến đấu nào cũng sẽ có những mất mát, hy sinh. Nhưng chợt thấy: Nỗi đau về những mất mát và sự chịu đựng của các bà mẹ thì quả thật là vô cùng to lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người!

Quê nhà Tam Vinh, 4h37 ngày 04/10/2021.

Theo Trái tim người lính