Chuyện ở thôn Phương Tường

Nắng hanh nhạt hừng đông… Xe chúng tôi xuất phát từ  Bảo Điện Trần Triều ở Lê Duẩn (Hà Nội) về thôn Phương Tường, xã Hùng Tiến, thị trấn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) dự lễ húy kỵ Thuần Trang công chúa…

 

Truyền thống nhân dân Sơn Nam

          Đời vua Lý Huệ Tôn, tại làng Hoa Lâm có miếu thờ Công chúa Thuần Trang, sinh ngày mồng 06 tháng 01, hóa ngày mồng 10 tháng 10 năm Đinh Mão. Phu quân của Thuần Trang công chúa là ngài Tối Thắng, người bên Quang Lang (huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, đảo Sơn Nam), được nhà vua sắc phong là “Cư sĩ Đại vương”, ngài sinh ngày mồng 10 tháng 11, hóa ngày 12 tháng 02.

          Thân phụ ngài Tối Thắng là Trương Hành, thân mẫu là Trần Thị Trinh nổi tiếng về đức độ, được người dân trong làng kính trọng, nể phục. Một hôm nằm ngủ, bà Trinh mơ thấy có tiên ông ôm một hài nhi cho bà và nói rằng: - Sau này, hài nhi sẽ trở thành danh tướng giúp dân, giúp nước. Sau giấc mơ đó, bà Trinh thấy mình có thai và đủ ngày tháng thì sinh ra hài nhi đặt tên là Thắng. Tuổi nhỏ, Thắng được cha mẹ cho ăn học, văn chương quán triệt, võ nghệ tinh thông, có tài thao lược hơn người. Khi 18 tuổi, phụ mẫu lần lượt qua đời, chàng trai  chọn nơi đất tốt an táng song thân, rồi cư tang đủ ba năm, vẹn tròn chữ hiếu… Thời gian đó, vua mở khoa thi kén chọn người tài, chàng nho sinh lên kinh đô dự thi và trúng thi Hội, được là người đứng đầu hàng thứ 7. Khi yết kiến nhà vua, thấy nho sinh ứng đối tinh thông cả văn lẫn võ, nhà vua rất hài lòng, mến phục, phong cho làm quan Thị tòng, giám quan.

Đức vua yêu mến gả cháu gái là công chúa Thuần Trang (gọi nhà vua là chú) cho quan Tối Thắng… Năm đó gặp thiên tai, hạn hán mất mùa nặng, nhân dân đói khát, nổi loạn dạt vào khu đất ven biển kéo bè tụ đảng gây mất ổn định vùng duyên hải...

Vua triệu quan Tối Thắng đến và phong cho làm quan phủ doãn phủ Hạ Hồng vừa đi dẹp loạn, vừa đi điều tra xét xử vụ việc. Vâng lệnh vua, quan Tối Thắng cùng vợ là công chúa Thuần Trang về phủ Hạ Hồng, vận động, khuyến khích bà con nông dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, phát triển ngư nghiệp, lấy lợi trừ hại... Trong khoảng ba năm, lúa tốt, thóc được mùa, nhân dân no đủ, bình ổn vùng duyên hải. Ai nấy phấn chấn, vui vẻ. Vua hay tin, liền ban thưởng cho ông… Bấy giờ, thiên hạ thái bình, việc canh nông nhàn rỗi, ông bà di dân đi mở ấp, khai phá đất hoang… tiện thể xem xét hình thái núi sông. Một hôm, ông qua đất Hoa Lâm (Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ), nay là Phương Lâm- Bắc Tạ- Hùng Tiến, thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng, thấy nơi đây địa thế rất đẹp, có long hổ bao quanh, bốn bề chầu lại, phía trước có áng kim quy… tuy rằng nơi đây tiểu mạch, nhưng cũng là nơi có thể lập được hành cung. Ông lập biểu tâu vua xin lấy đất Hoa Lâm làm trang, Bắc Tạ là đất Đổ Nhị, xin miễn thuế phu phen tạp dịch cho dân ấp, mở chợ trên sông, làm thay đổi bộ mặt kinh tế trong vùng.

          Qua ba năm, ông được vua triệu về kinh và phong chức Đô Đài Đại Phủ. Cuối triều Lý, vua Huệ Tôn không có con trai, cho em gái là Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, mở ra triều đại mới...

Đã là quan không thờ hai chúa. Nhiều công thần trong triều về trí sĩ. Lúc này, quan Tối Thắng cũng xin nghỉ… trở về Hoa Lâm Bắc Tạ, ông khuyên mọi người tích cực lao động sản xuất, lấy nhân nghĩa làm bền chặt để giữ lòng người, lấy hòa mục làm tập tục trong nếp sinh hoạt đời sống và mở lớp dạy học do ông bà làm hương sư, tạo ra lớp người trí thức ở địa phương. “Đất lành chim đậu”. Người dân kéo đến mỗi ngày một đông đúc, sinh sôi nảy nở tạo nên nhiều hộ gia đình đều an cư lạc nghiệp.

Để tri ân công đức ngài Tối Thắng và công chúa Thuần Trang, nhân dân Hoa Lâm Bắc Tạ đã lập miếu thờ hai vị thần hoàng làng ở trên nền nhà cũ.

          Trải qua bao biến thiên xã hội, đến thời Lê Trung Hưng, quan Nguyễn Thái úy đời Hậu Lê mang quân đi đánh Mạc, đi qua miếu vào một đêm trời mưa to, sấm sét chói lòe, ngài nghỉ lại trong miếu thờ. Đêm, ngài được báo mộng thấy một binh đoàn kéo về, dẫn đầu là một vị tướng và một thôn nữ. Thần tướng tự xưng là Tối Thắng Cao Sĩ Đại vương - Thuần Trang công chúa âm phù cho ngài đánh giặc, thắng giặc xin vua ban phong là  Thượng Đẳng Tối Thắng Phúc thần. Sau khi quan Thái úy thắng giặc trở về, nhà Lê phục hưng, quan Thái úy làm biểu tấu vua, thuật lại sự việc ở miếu Hoa Lâm. Vua ban phong cho hai vị phúc thần là thần Thành hoàng làng. Nhân dân địa phương rước sắc về, tu sửa đền miếu để phụng thờ truyền lưu mãi mãi…

          Sau này, các triều đều có sắc phong thần hoàng làng ghi nhận công đức của hai ngài là:

                                                “Tối Thắng Dực Thuận hiển hưu Cư sĩ Đại vương

                                                 Thuần Trang Diệu Thục từ nhân Công chúa”.

Thành quả cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX

…Xe chúng tôi về đến miếu Thuần Trang ở thôn Phương Tường, thấy bà con đang hành lễ nhân ngày húy kị Thuần Trang công chúa (ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch), cũng gọi là ngày ăn cơm mới với chim ngói... Ngôi miếu xây mới bừng lên như đóa sen lung linh trong nắng, là công đức thành tâm xây dựng của nhân dân trong vùng, có hai khám thờ Đức Tối Thắng, Công chúa Thuần Trang, và tượng Bác Hồ đang bừng lên nguồn năng lượng mới… Nghe câu chuyện rôm rả của các bậc cao niên kể về những năm tháng hoạt động cách mạng, địch càn ở Hải Dương thì chạy qua Hải Phòng,v.v,… Rồi sau này, chuyện sáp nhập tỉnh, lại tách tỉnh, làm cho hồ sơ cán bộ, hồ sơ di tích lịch sử ở tỉnh này phải sang tỉnh khác tìm mới thấy,v.v,… “Phá đền thì phải làm đền” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Thực hiện nếp sống nông thôn mới, ông trưởng thôn Phương Tường công khai tài chính các khoản thu - chi với hơn 400 hộ dân... và  rất nhiệt tình với chủ trương đúng, đang cùng nhân dân tích cực khôi phục xây dựng lại di tích đền thờ miếu mạo là “mả” của dân theo bố cục truyền thống là trước nhà trồng cau, sau nhà trồng chuối.

Cảnh vật vùng nông thôn mới êm ả, thanh bình,… nhà xây mái bằng, nhà mái ngói, đường làng ngõ xóm làm bằng bê tông, sạch sẽ. Chùa đẹp đẽ trang nghiêm. Đình Hùng Tiến được xây dựng mới. Bên cạnh đình có Đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ là người dân địa phương tham gia chống quân xâm lược , giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước ở thế kỷ XX. Đình vẫn giữ được hai cây bàng cổ thụ đứng hai bên cổng, là hai vị thần mộc. Thuở trước, mái đình Hùng Tiến còn ở gần hai cây bàng, trẻ nhỏ vẫn thường leo từ cành cây bàng lên mái chùa… là minh chứng ký ức. Thấy có khách ở xa về, cụ ông nhà ở gần đình, nay đã hơn 90 tuổi từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ niềm nở tiếp, câu chuyện thật vui và ý nghĩa...

Đi sâu vào thôn, đến một khu đất trống ven đường, tôi thấy có nguồn năng lượng mạnh màu vàng rực... Tôi hỏi, người dân cho biết, trước kia nơi đây thờ Đức Ông (nguồn ánh sáng nhẹ có màu xanh nõn chuối),…

Trên đường về, qua chợ chiều đông vui, xe chúng tôi chạy trên đường nhỏ bên rặng dừa trải dài có mương dẫn nước, cánh đồng lúa đã gặt còn thơm mùi rơm mới… khiến tôi nhớ tới câu chuyện giữ đất của hai đảng viên cốt cán là Võ Văn Nhuận và Phạm Thị Giang (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) ở Giồng Trôm (Bến Tre), chống dồn dân lập ấp chiến lược.,.