Cỗ ở quê thì đủ loại: đám cưới, đám ma, giỗ chạp, đầy tháng, đầy năm, khao, chúc thọ… Nhưng giống như ở tất cả các làng khác, to và rình rang nhất chính là cỗ cưới. Nhiều người ở xa đã từng choáng với tấm thiệp mời đám cưới xuất phát từ Quan Độ vì ghi rõ nội dung mời "xơi rượu" tận 3… ngày liên tiếp. Nhưng họ sẽ choáng hơn khi biết đó chỉ là 3 bữa chính, còn rất nhiều bữa... gần chính với số lượng gấp mấy lần. Tôi được biết, một đám cỗ cưới đầy đủ thường diễn ra trong 4 ngày, nếu thêm các hoạt động chuẩn bị và dọn dẹp tổng kết thì tròm trèm vào một tuần.
Bốn ngày diễn ra một đám cưới là những ngày nào?
- Ngày thứ nhất là ngày "họp gia đình", tức họp mặt đại diện các gia đình thân cận trong họ để lên kế hoạch cho đám cưới. Tất nhiên nội dung bàn bạc chủ yếu của cuộc họp là làm cỗ, chứ các khâu khác đã được chuẩn bị từ trước. "Ban tổ chức" và "trưởng ban tổ chức" cũng được bầu ra. Và nếu có món bánh (chẳng hạn bánh chưng) thì cũng tiến hành gói, luộc ngay hôm đó. Đàn bà gói bánh, đàn ông họp bàn và nấu nướng. Các bộ phận râu ria cũng bắt đầu cắt đặt việc hậu cần, phông bạt, bát đũa. Nhẹ nhàng thế thôi nhưng đã thấy không khí lắm rồi.
- Ngày hai là ngày dựng rạp. Lợn sẽ được mổ, gà được thịt và tập trung toàn bộ nhân khẩu trong họ hàng. Cỗ ăn từ trưa đến tối, khách bắt đầu rải rác. Thực đơn trên mâm cỗ ngày này giống y ngày chính. Không có chuyện cỗ dựng rạp là cỗ "lòng lợn, tiết canh" như ở các nơi khác. Và các hoạt động văn nghệ, giải trí, ca hát cũng sôi nổi trên sấn khấu suốt từ chiều.
- Ngày thứ ba - ngày chính thức - đại lễ. Tất cả các hoạt động diễn ra trọn vẹn. Từ cỗ bàn, khách khứa 3 bề 4 bên đến đưa dâu, đón rể, mừng đại hỉ, hát hò, ăn uống tấp nập.
- Ngày thứ tư - lại mặt. Nhiều nơi đám cưới có ngày lại mặt, nhưng chắc chẳng đâu tổ chức cỗ lại mặt đặc biệt như ở Quan Độ. Toàn bộ mấy chục mâm đều là thịt chó. Những thứ thịt khác còn trong đám cưới hôm trước dù nhiều đến đâu cũng bỏ.
Sau 4 ngày cỗ triền miên là những ngày dọn dẹp mà kéo dài đến khi nào là do mức độ bày vẽ của gia chủ và số người tham gia. Tất nhiên không tránh khỏi màn ăn uống. Tôi là dâu trong họ Nguyễn của làng - một họ khá to và nổi. Công việc gì cũng giữ nét đặc trưng và nếp cổ. Nhưng lại thuộc thành phần đặc biệt nên mỗi lần về ăn cỗ chỉ đóng vai khách và ăn một bữa, một ngày. Dẫu vậy, nhìn mâm cỗ và nghe kể lại toàn bộ quy trình không khỏi ngạc nhiên, ấn tượng đến ám ảnh. Mâm cỗ hoành tráng đến mức buộc phải bỏ mâm để bày ra bàn và chiếc bàn dù khá to thì các món cũng luôn trong nguy cơ sắp trượt ra ngoài. Mười mấy món đủ sơn hào hải vị đáp ứng cả nhu cầu nhậu lẫn ăn cơm, món thanh, món đậm, món khai vị, món chính, tráng miệng, cho thấy sự tính toán và kì công của ban hậu cần. Đĩa nào đĩa nấy to tát đầy đặn chứ không khiêm tốn như ở nhà hàng.
Đặc biệt, cỗ nhiều và sang như vậy nhưng toàn bộ đều do các "đầu bếp" trong họ tự nấu, chế biến chứ không thuê. "Cứ vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Mà đàn ông trong họ mình cũng đi ăn chả thiếu chỗ nào" – một chú trong họ nhẩn nha giải thích đầy vẻ tự hào. Và dù khách ăn nhiệt tình đến đâu thì cũng chỉ hết một phần, xong rồi vẫn ê hề. Bởi không chỉ các món nhiều mà đồ uống cũng dồi dào. Nào bia, nước ngọt, rượu tây, rượu ta… xếp hàng chen chúc ở rìa bàn. Có dịp được ngó khu nhà ngang để đồ uống cho đám cưới của nhà ông anh, tôi cứ tưởng khu để đồ giải khát của đại lí bánh kẹo. Mà là đại lí to cơ. Vì thế nhà ai mà quan hệ rộng, cỗ nhiều, vào mùa cưới cứ ăn uống triền miên như vậy thì hoảng lắm. Cỗ to, lịch sự và kéo dài làm nên khác biệt đã đành. Cỗ cưới Quan Độ còn hoành tráng nữa. Đấy là ở màn ca nhạc. Nhà nào cũng dựng sân khấu đón người về hát – thường là những nhóm "ca sĩ cây nhà lá vườn" chuyên đi hát phục vụ đám cưới. Nhưng không chỉ vậy, có những gia đình chịu chơi mời hẳn ca sĩ lớn: Long Nhật, Ngọc Sơn… Ngoài cátxê thỏa thuận còn chi luôn tiền vé bay từ Nam ra Bắc cho các ca sĩ. Khách đến ăn không chỉ được thưởng thức ẩm thực mà còn được thưởng thức ca nhạc với hệ thống âm thanh chuyên nghiệp. Nếu thích còn có thể lên giao lưu, hát vài bài. Nhiều "ca sĩ" trong họ tỏ lòng mến mộ bằng cách tặng hoa cho ca sĩ mời, mỗi bông hoa ở đây là một tờ tiền, mệnh giá có thể 200k hoặc 500k. Ngồi ăn cỗ ở làng mà nhiều khi tưởng đang ngồi ăn ở một trung tâm tiệc cưới xa hoa nào vậy. Có những khung, phông bạt đám cưới đẹp và rực rỡ như một lâu dài thu nhỏ, bố mẹ cô dâu, chú rể ăn vận quý phái, sang trọng như những nhà quý tộc. Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tổ chức đám cưới to và hoành tráng ở mức ấy. Nhưng số ngày, cách thức và lệ bộ thì không khác nhau mấy. Bà chị dâu than thở, trong họ mà có 2 đám cưới vào 2 tuần liên tiếp thì cứ vừa lo và ăn xong đám này chạy sang đám kia là vừa. Chưa kể, trong làng lấy nhau rất gần, nên có những nhà vừa họ đằng nhà trai lại họ bên nhà gái. Thế là trong một đám cưới thôi mà chạy sô mệt nghỉ. Trưa ăn bên này, tối ăn bên kia; chồng mời chào bên này, vợ đón tiếp bên kia. Làng cứ dập dìu, náo nhiệt.
Về ăn cỗ lần nào cũng được nhắn nhủ, lần sau phải về từ hôm trước nhá, mai và ngày kia lại ra đấy nhé. Đứa cháu than thở, khổ lắm bác ạ, mỗi đám cỗ xin nghỉ tận mấy ngày rất ngại, sau lại phải làm bù. Mà không thấy mặt mũi thì bị nhắc lên nhắc xuống. Có ông đang có phi vụ làm ăn trong Nam, nghe báo có cỗ phải bay về gấp. Xong cỗ lại bay vào tiếp. Chả thế mà mỗi khi nghe báo quê nội có cỗ, tôi lại thấy… hồi hộp. Dù mình chỉ trong vai khách và mỗi lần về mọi người rất nhiệt tình, hồ hởi. Nhưng cứ nhìn dáng điệu tất bật, sấp ngửa của đội hậu cần; ánh mắt vừa mừng, vừa lo của gia chủ, lòng lại dâng lên cảm giác hỗn độn khó tả.
Theo Chuyện Làng quê