Con lợn choai

Trời mưa không to nhưng kéo dài dầm dề hàng tháng, thỉnh thoảng cũng có dứt cơn được một lúc mưa lại rơi đều, bầu trời xám xịt mọng nước, ở đâu, đi đâu cũng lầy lội ẩm ướt.

Đường vào rẫy cà-phê bây giờ không thể gọi là đường mà là một dải bùn đỏ quạch. Trời cứ đổ mưa, các xe công nông của đồng bào dân tộc cứ vô tư chạy, mặc dù có những xe chỉ chở vài buồng chuối với một ít khoai môn thục. Mỗi lần xe bị xục xuống ổ gà, bánh xe quay tít bới lối bò lên. Tình trạng ấy xe nọ tiếp xe kia, cứ như vậy từ ổ gà thành ổ trâu, ổ voi. Con đường đã trở thành dải bùn mênh mông.

Nhiều người phải dùng đến xe trâu để chuyên chở cà-phê từ các rẫy về nhà. Nhìn dải bùn uốn lượn phẳng lặng là thế, nhưng thực ra bên dưới đáy có nhiều những hố dích dắc như những cái bẫy cho cả người đi bộ nào sa xuống…

Cà-phê của nhà tôi trong rãy đã chín đen, trái rụng xuống lẫn với lá mục. Hái được bao nào vợ chồng chất lên xe đạp, hai bao một chuyến, chồng trước vợ sau đùn ra con đường nhựa.

Ở nhà còn một sân cà-phê dưới mưa lâu ngày đã mủn vỏ ngoài. Một dòng nước mầu cánh gián từ sân chảy quanh gốc cây bơ.

Tôi bàn với vợ:

- Hãy thôi, mẹ nó à! Đằng nào cà hái về cũng không có nắng mà phơi, mưa gió thế này kẻ trộm cũng không đi kiếm ăn đâu mà lo. Sau đó hai vợ chồng khiêng những bao cà mới hái quăng vào ngăn chuồng lợn bỏ trống.

Con lợn cái mới mua nhốt ngăn bên cạnh giật mình nhảy vọt ra ngoài, nó phóng qua bờ rào sang nhà hàng xóm.

Con lợn ra ngoài ngắm nhìn cảnh vật phấn chấn, nhảy tung quay lộn, xong rồi nó lại lăn vào đống mối, phút chốc toàn thân nó như sơn mầu vàng vàng. Vợ dang rộng hai tay hốt hoảng:

- Lừa ngay vào không nó đi mất.

Mấy bố con cùng chú chó nhọ, lập tức bao vây bốn mặt. Con lợn bị dồn vào góc tường quay đầu ra thế thủ. Ý chừng nó không muốn vào lại cái xà-lim chật hẹp. Lựa lúc nó sơ hở, tôi lao vào túm hai chân sau lẳng mạnh vào chuồng, đến nỗi nó ngã bổ chửng. Vợ thấy thế mắng:

- Nó đang động đực đấy!

Nghe vợ nói vậy tôi vẫn chưa tin. Con lợn cái choai mới mua nhìn bên ngoài cũng có dáng, nhìn đằng sau cũng chưa có biểu hiện. Tôi không mất công tranh cãi làm gì.

Cách đây một tuần tôi được vợ giao trọng trách ra chợ huyện mua lợn. Đã lâu cô ta không mua lợn mà hay đùn đẩy cho tôi công việc này.

Còn nhớ những năm 80 ở quê, con lợn quí như người, có khi còn hơn! Lúc mình ốm vợ cũng chỉ hâm cho bát cháo rồi ra đồng bận việc, quá trưa mới về. Còn con lợn mà quay ra chê cám thì là chuyện tày đình chứ không đùa. Cả ngày hôm đó coi như không làm lụng gì sất. Bà ta chạy ra chạy vào cửa chuồng, nấu cháo mua thuốc chữa trị cứ rối tinh cả lên. Đến chiều con lợn mà chưa ăn bà ta cũng nhịn, mặt buồn như nhà có đám. Tôi có chợp mắt một chút cũng bị mắng: sao mà con người vô tình. Có khi còn khóc nữa.

Bà ta sợ là có lý. Người ốm không chết, con lợn mà chết, có nhiều rắc rối kèm theo. Nghĩa vụ thực phẩm không hoàn thành, như vậy sẽ trừ vào công điểm, không có phân bón lúa mất mùa sẽ đói ăn. Con lợn mà chết, con người cũng sống dở, chết dở!

Ngày đó hai vợ chồng nhặt nhạnh cả tháng những viên gạch vụn gom lại. Vét vôi cặn dưới thùng vôi của hợp tác xã mang về ghép được ngăn chuồng thấp hơn mặt đất nửa mét.

Chúng tôi ki cóp và vay thêm được một ít tiền, tôi đích thân ra chợ Thông mua lợn về thả.

Con lợn khoang đen hồng, thế mà chăm bẵm mãi không lớn lên là bao. Mỗi lần cho nó ăn bao giờ cũng thế, nó chỉ tốp tốp vài miếng rồi lại ngóc cái mõm đỏ lên ngo ngoe chờ đợi. Cô vợ phải tức tốc vào trong bếp rót xuống ít nước mắm, con lợn cũng chỉ xốc vài cái chỗ mặn rồi lại ngóc mõm, chậm trễ là nó húc úp thau cám tức thì. Phân nó đen và rắn như hòn cuội. Vợ luôn mồm đay:

- Ông mua phải con lợn còi, nuôi không khác đóng cọc, đi mua lợn mà nghe bọn nó mồi thì chỉ dính phải lợn xấu. Biết mình cũng có lỗi tôi đành đấu dịu:

- Hay là mẹ nó sang chợ Từa bán quách nó đi rồi mua đổi lấy con khác mà nuôi. Lợn bên đó có tiếng hay ăn chóng lớn đáo để.

Nghe tôi nói thế mà ngay chiều cô ta đã chuẩn bị thực hiện. Có lẽ bà xã ghét cay, ghét đắng con lợn còi cọc này rồi.

Trước khi bán, vợ nấu nồi cám cho thêm nắm gạo thành một nồi thức ăn nửa cháo nửa cám. Không có giống lợn nào lại chê loại thức ăn này.

Như thường lệ, sáng ra tôi đạp xe xuống huyện làm việc. Nói là làm việc cho oai chứ công việc của người cán bộ thời bao cấp chẳng có gì sinh lợi đã hết ngày. Đinh ninh hôm nay vợ đi chợ bán đổi con lợn khác, lòng tôi thấy vui vui. Có con lợn trong nhà là có tương lai có hi vọng.

Tới nhà dựng chiếc xe còn chưa vững, tôi xăm xăm ra chuồng giọng hồ hởi;

- Mẹ nó đã mua được lợn chưa hả?- Từ trong bếp nhà tôi đi ra tay cầm chiếc que cời tro giọng tình cảm:

- Em đã mua rồi anh ạ! Nó còn đang mệt đấy, chưa chịu ăn.

Tôi nhìn vào trong chuồng. Con lợn khoang hồng chỉ cỡ con lợn nhà, bụng căng tròn đang nằm thở, ngay mũi nó đặt tênh hênh thau cám lẫn với cơm còn nguyên vẹn. Tôi lấy chiếc que đập đập vào tường, con lợn quẫy mình đi lại, không ra dáng lợn lạ. Tôi buột miệng hoài nghi:

- Sao nhìn giống lợn nhà thế nhỉ? Hay là mẹ nó chưa bán được?

Vợ trợn tròn hai mắt cự lại:

- Ông bảo cái gì? Sao lại chưa bán, con lợn nhà chỉ bán được có 14 ngàn, mua con này phải bù thêm 7 ngàn nữa ông ạ! Đúng là nhìn gà hóa quốc.

Cô vợ tuôn ra một hồi cho hả rồi quay vào bếp nấu cơm. Tôi cũng muốn mình nhìn gà hóa quốc lắm!

Đến chiều cậu lợn vẫn chưa ăn, cho dù bà vợ hy sinh cả bát canh cua, nó cũng không nếm náp: Chắc là nó còn mệt đấy mà!

Sáng hôm sau tôi cố tình dậy sớm. Ra chuồng nhìn con lợn bụng đã xẹp, da không còn hồng tía và giống y như con lợn nhà vẫn nuôi. Tôi càng nghi ngờ liền vào trong nhà gọi lớn:

- Mẹ nó đi ra đây tôi bảo? - Ra tới hè tôi mạnh dạn hỏi lại: - Thế mẹ nó đã bán lợn thật hay nói đùa?

Vợ lại trợn mắt, đầu lệch sang một bên quát:

- Ông này nói lạ! Đã bảo bán rồi còn hỏi, đàn ông sao mà nói dai như đỉa.

Nghe cô vợ có thái độ nóng nảy tôi lại mềm lòng:

- Thì tôi thấy sao nói vậy, chả nhẽ mình lại dối tôi!

Như để chứng minh, cô ta vào bếp bê ra nồi cám chiều qua, hòa vào chiếc thau nhôm đặt tệch vào trong chuồng. Con lợn chúc mõm tốp tốp vài cái rồi ngóc mõm lên chờ. Như giọt nước tràn ly, tôi nhảy phốc vào chuồng túm hai chân sau dốc ngược, con lợn hét lên đinh tai.

Vợ chồng người hàng xóm thấy nhà tôi ồn ào bao giờ cũng có mặt hóng chuyện. Tôi bèn hướng bụng con lợn có một vệt trắng chạy dài ở giữa về phía anh hàng xóm dứt khoát:

- Chả là con lợn của nhà thì lợn của ai đây? Các anh các chị thấy đấy, mua bán đổi chác gì mà lại mua phải chính con lợn mình vừa bán ra, lại còn mất thêm gần 10 ngàn nữa có ít đâu, thật khốn nạn!

Tôi gân cổ tuôn ra một tràng rồi quẳng mạnh con lợn vào chuồng, đầu nó cắm vào thùng phân gượng mãi mới dậy. Vợ chồng anh hàng xóm, trong lòng không biết thông cảm hay vui mừng lặng lẽ ra về.

Mất của mất công, hai vợ chồng tôi giận nhau đến nửa tháng không ai nói với ai. Cô vợ đã biết thân phận mình, ra công chăm bẵm con lợn lộc.

Thật lạ và cũng thật may, mấy ngày sau con lợn tự nhiên hay ăn, cái đuôi ve vẩy cả ngày, có lẽ nó thương bà chủ, nhìn đã có da có thịt. Khi đã nguôi giận tôi tỉ tê:

- Mẹ nó nói lại nguyên do mua bán làm sao mà nhầm lẫn như thế? Tôi thề sẽ không kể cho ai biết đâu.

- Hôm ấy em đi chợ: - Vợ bắt đầu kể: - Vừa xách bao lợn đi tới cổng chợ đã có mấy người xúm đến mở bao ra xem, người chê, kẻ ngã giá cứ rối tinh cả lên. Mình chắc mẩm: Lợn hôm nay dễ bán đây.

- Hừ, con lợn này út, còi 12 ngàn có bán không? Thôi thì 13 ngàn vậy…Mình đang lần khân chưa định vào chợ, lại có thêm một tay đến cầm bao lợn nhấc thử mặt giá băng: - 11 ngàn có bán thì đây mua. Nói xong gã bỏ đi: Trong chợ còn vạn người mua lo gì!

Vào chợ phải nộp 500 đồng tiền lệ phí. Mình chọn chỗ tốt, cầm miệng bao đứng ngơ ngáo như bị trời trồng.

Trong chợ lại chả có ma nào đến hỏi cả, lo lắng muốn nhanh còn đi chọn mua con khác kẻo muộn. Chợt có một thanh niên đi cùng một bà có vẻ dân buôn, nhào xuống hạ miệng bao nói như hát:

- Người ta đã trả bà chị bao nhiêu con lợn này rồi?

- Người ta trả tôi 14 ngàn rồi đấy. Mình cũng nói như thật, bà ta liền ngồi xuống tình cảm:

- Thôi, tôi cũng trả 14 nghìn bán cho tôi nhá?

Cuộc mua bán thế là xong. Mình đếm tiền giắt vào vành khăn còn kịp đi quanh chợ xem hàng.

- Một lúc sau em trở lại khu bán lợn:- Vợ tiếp tục kể:- Đã có nhiều cuộc mua bán thành giá. Những tiếng lợn kêu eng éc, những khuôn mặt thỏa mãn cho lợn vào bao cột lên xe ra về.

Em đi tới chỗ một cô gái hình như đang nuôi con mọn, có hai bầu vú căng tròn, sữa thấm khoang ngực. Hai tay cô ta cầm hai chân sau một con lợn khoang bò dài thằng lẵng, bụng no căng, da phớt hồng. Dáng lợn dài đòn, da mỏng, tai mỏng nhất là cái bụng ham ăm no tròn lại vừa túi tiền, em liền ngồi xuống đưa đẩy:

- Cô bán con lợn này bao nhiêu? Cô nàng không trả lời ngay, lại nói mồi:

- Con lợn nhà em hay ăn lắm chị ạ! Mà nó hoạn rồi đây này, chị thấy không? -Vừa nói cô ta vừa vỗ vào cái bụng lợn ra vẻ thật thà. Em tiếp tục thăm dò:

- Thế ở nhà em cho nó ăn gì?- Cô gái nhanh nhảu:

- Nhà em cho nó ăn toàn bèo tây, con em đang lên sởi, phải bán nó đi không bận lắm! Đột nhiên cô ta cao giọng:- Con này 22 đồng em mới bán. Cô ả nói rồi chỉ tay một gã xe thồ nói tiếp: - Cái nhà anh kia kìa trả em 20 rồi đấy. Tay nọ nghe nói đến mình quay sang xưng xỉa:

- Trả đến 20 ngàn rồi không bán còn để thi lợn đến trưa à? Đồ tham. Nói xong gã bỏ đi thẳng. Chờ cho hắn đi khuất em mới khẽ khàng:

- Chị trả em 21 bán cho chị còn về với con.

Trả tiền bắt lợn, em còn bớt nó 500 đồng gọi là của giống má làm may.

Không ngờ lại mua phải chính con lợn mình vừa bán ra, chỉ có khác bây giờ nó no tròn nước mương và được tắm táp sạch sẽ hồng hào. Chúng nó lừa mình thế đấy.

Từ ngày đó bà vợ không bao giờ đi mua lợn nữa.

Đó là những năm 80, ở quê trong khung cảnh bao cấp nặng nề. Không bao nổi nhưng vẫn còn tiếc! Còn đến tận bây giờ những năm 90. Tôi cầm tiền ra chợ huyện mua lợn. Trước khi đi như bị ám ảnh, vợ cứ dặn đi dặn lại: Cẩn thận không khéo mua phải lợn ốm. Nhớ lời vợ, tôi ra nơi người bán không mời chào nhiều lời.

Một bà người dòng dòng ra dáng một phụ nữ góa chồng, đi bán lợn mà ăn diện như đi xem hát. Chị chàng bán con lợn cái choai có hai tai vểnh ngược, mắt lờ đờ hạt nhãn, toàn thân mầu hồng nhạt, giữa ô đầu có hình tam giác, đặc biệt nó có hàng lông mi dài trắng, môi trề ra. Đúng là giống lợn! Ở nhà vợ cũng nói: lợn như thế hay ăn chóng lớn lắm. Còn kén chọn gì nữa, tôi mua cũng chóng vánh.

Con lợn kêu eng éc được dốc ngược vào bao tải gai, giẫm đạp liên hồi làm bốn cái chân thò ra ngoài như bốn cái cọc.

Thấy tiếng xe về, vợ từ trong bếp hớn hở chạy ra, trong tay đã cầm sẵn cuộn báo cũ và cái bật lửa đỏ.

Khi tôi lấy sức xách bao lên cao, bà vợ trịnh trọng bật lửa, bốn chân con lợn bị hơ co lên, co xuống nhùng nhằng. Vừa lúc nhà tôi cất lời lẩm nhẩm câu thần chú: - Hơ vía, hơ vang…Con lợn bỗng tụt xuống chuồng, không phải đằng đầu mà tụt đằng đuôi xuống tờ báo đang cháy dở phía dưới.

Hai vợ chồng quay ra ngắm con vật quí hóa mới mua. Lợn lạ, hai con mắt lấm lét, đứng co ro góc chuồng. Tôi lên tiếng tự hào:

- Con lợn lai đẹp hết ý nhá. Tai to, miệng bẹ, mắt hạt nhãn lại có đốm đầu, con này nuôi lớn trông thấy cho mà coi. Nhà tôi mắt sáng lên trong lòng cũng vui lắm. Xăng xái ném mấy cọng rau muống vào chuồng.

Bây giờ tôi phải tiến hành hoạn con lợn này, nhưng còn phải lựa lúc vợ đi vắng. Không biết làm sao hễ khi tôi làm một việc gì quan trọng mà có vợ bên cạnh là y như rằng, chuyện chẳng xuôi.

Đã có một vài lần tôi hoạn lợn thành công. Không phải là thợ nhưng cần mạnh bạo, hoạn mỗi con lợn cái mất những năm sáu ngàn đồng đâu ít.

Tôi biết hoạn lợn là do có ông chú, đã học qua trường thú y truyền cho cách thức, tôi lại học theo cách của mình:- Có quái gì đâu! Quan trọng nhất là việc phải tìm cho được buồng trứng của nó, nếu mà khó quá thì lôi cả dạ trường ra ngoài mà lần tìm tới kỳ cùng rồi thứ tự cắt hai cái hoa nó đi, rồi cách mổ, cách khâu phúc mạc…

Còn bà xã thì không bao giờ bà ta lại tin tôi có thể làm được việc gì to tát, nhất là việc hoạn lợn, cả đống tiền đấy đừng có mà đùa.

Cũng chỉ vì lần đầu tiên tôi đánh liều ngả con lợn choai ra hoạn. Cũng phải thử chứ, đời còn về lâu về dài mà. Khi đưa hai ngón tay qua vết mổ vào trong bụng con lợn, cảm giác chỗ nào cũng nóng hôi hổi, mấy lần tôi rút ruột nó ra ngoài nhìn. Vì chưa có kinh nghiệm nên không phân biệt được đâu là ruột non, đâu là dạ trường. Chợt nhớ tới bài học của ông chú: - Bất quá thì luồn chiếc đũa từ ngoài vào, tay trong sờ thấy đầu đũa cứ thế mà lôi ruột ra, không chết đâu mà sợ (!): Ông chú quả là người có đầy kinh nghiệm.

Đúng là giống súc vật. Sau khi tôi vần vò lôi kéo đến khô cả bộ ruột, ấy thế mà khi khâu xong đâu đấy thả lại chuồng, đến chiều nó vẫn ăn được thật lạ!

Ngày hôm nay, không nghe tôi nói. Không quản trời mưa vợ vẫn vào rẫy canh chừng. Ba bố con hợp tác với nhau hoạn con lợn này cho xong.

Tôi sai thằng Khoa đi tìm khắp xóm, không ai có cái thang mà treo lợn lên như lần trước.

Tôi liền nảy ra sáng kiến: Không có thang thì đào một cái máng dốc cũng thế có khác gì. Chỉ một lát, đất ẩm bố con đã khoét được một cái huyệt như ý. Tôi ra lệnh:

- Bắt lợn đi các con.

Thằng cu Thuận nhanh nhẹn lao vào chuồng, tiếng thét của lợn váng cả óc. Con vật giẫy giụa rất mạnh. Tôi phân công mỗi thằng một bên, tay trên, tay dưới. Bọn trẻ ấn con lợn xuống máng vừa khít. Bụng nó trương phềnh.

Trước khi thao tác, tôi nhẩm lại những điều đã học mót từ ông chú: Khi con lợn ngừng kêu, tôi liền đưa một đường dao sắc lẻm giữa hai hàng vú dưới cùng, lớp mỡ hạt gạo và những tia máu lộ ra, một đường dao nữa, máu chảy ra đỏ lòm. Phải bình tĩnh, tôi tự nhắc mình: Tới lần da phúc mạc thì không nên rạch bằng dao mà phải dùng ngón tay mà dùi thủng vào trong bụng mới đúng phương pháp. Tôi nhắc mình như thế rồi đưa ngón tay trỏ đâm xuống vết mổ, con lợn thét lên.

Đầu ngón tay tôi đụng phải một lớp da gờn gợn, khác thường, ấn mạnh tay xuống, nó vẫn không thủng. Mỗi lần ấn ngón tay, con lợn lại kêu váng lên, đẩy đầu ngón tay lòi cả phần da mầu hồng nhạt phía dưới. Có khó gì đâu, tôi chủ quan. Sẵn con dao sắc như nước, tôi nhón lớp da bêu lên, rồi thành thạo đưa ngang.

Con lợn giật mình co rút bốn chân. Nước từ vết cắt chảy ra thành dòng có mầu hanh vàng. Nước cũng chỉ ộc ra một lát rồi hết ngay, nơi vết cắt rịn ra một ít máu.

Tôi bàng hoàng, nhận ra mình đã nhầm. Con lợn trước khi hoạn đã uống nhiều nước chưa kịp tiêu, bong bóng căng phồng vít lấy vết mổ, tôi lại lầm tưởng lần da phúc mạc nên đã cắt thủng bàng quang của nó. Thật tai họa! Con lợn chắc là chết!

Bụng con lợn bây giờ đã xẹp lép. Tôi dùng tay vét nước từ trong bụng lợn hất ra bên ngoài. Dưới máng đất bây giờ đã lỏng loẹt bùn nhão và bốc mùi khai nồng. Hai cậu con nhìn mặt bố biến sắc, chúng cũng cảm thấy có chuyện chẳng lành. Tôi bèn nói cứng:

- Chết thì thịt các con ạ! Nói thế thôi trong lòng tôi bây giờ cũng rối bời. Mẹ nó về biết ăn nói ra làm sao? Tôi đang ngơ ngẩn, con lợn bỗng hét váng, một đoạn ruột non từ trong bụng vọt ra bên ngoài chảy xuống máng bùn, tôi vội vuốt sạch nhét trở lại, rồi ra lệnh:

- Chúng bay lấy tay bịt vết mổ lại, đợi đấy.

Tôi tức tốc nổ xe chạy sang nhà chú Chuân, một thú y có tiếng cả huyện. Đến nhà, vợ chồng chú đang ăn cơm trưa. Tôi khẩn khoản:

- Chú làm ơn giúp tôi với! - Chú ta nhìn tôi mặt tái xanh cũng hốt hoảng:

- Thế anh bị làm sao? - Tôi trả lời nhanh:

- Tôi thì có làm sao đâu. Con lợn kia. Rồi tôi vắn tắt thuật lại tình hình ở nhà cho chú ta nghe. Nghe xong những lời tôi nói chú ta đã hiểu, mặt sa sầm mà rằng:

- Em chịu thôi! Chú ta buông một câu xanh rờn, nghe mà ù cả tai. Tôi cố gặng thêm.

- Chú cố gắng giúp tôi, hết bao nhiêu không thành vấn đề. Chú lắc đầu quầy quậy:

- Không, không chúng em làm nghề, không dám ạ!- Rồi chú đùn đẩy:

- Anh ra thằng Thủy.

Chú Thủy là bác sỹ thú y còn cao tay hơn Chuân rất nhiều, vấn đề hóc búa này hy vọng chú giải quyết được.

Ra nhà Thủy chú ta sắp đi ngủ trưa, tay đang xách sô nước. Nghe tôi tường thuật tình hình, chú ta không tỏ ra sốt sắng như tôi tưởng. Sau khi nghe xong chú ta cũng lắc đầu mà rằng:

- Thú thực với anh, em trong nghề đã lâu nhưng chưa gặp trường hợp nào như anh nói, chỉ có trường hợp cắt vào ruột khâu dính ruột là có chứ cắt đứt bàng quang thì ngay trong sách chúng em học cũng không thấy. Chú Thủy mà nói vậy thì bế tắc thực sự. Tôi vẫn đánh liều vớt vát:

- Thế thuốc gì kháng sinh cấp tốc hả chú?

- Pislin liều cao.

Chú trả lời xong như muốn kết thúc câu chuyện với tay cầm chiếc sô đi ra sân giếng.

Đánh xe về nhà, hai đứa con vẫn kiên nhẫn đè con lợn hoạn dở dưới lòng máng đất, nửa phần dưới con lợn đã nhuộm mầu đất nhem nhuốc. Hai cu cậu còn cẩn thận phủ lên bụng nó một chiếc khăn lau bàn xỉn mầu. Thấy tôi lao về chúng cùng ngẩng mặt lên hy vọng.

Tôi hấp tấp dựng xe chạy vào nhà xách ra chiếc phích nước, pha thêm ít muối, rồi tiến hành lau rửa trong khoang bụng và kỳ cọ tổng quát...

Túi bàng quang của nó bây giờ teo lại như quả bơ héo và bị xẻo mất một miếng ở phía trên. Kim chỉ khâu đã chuẩn bị từ trước, tôi tiến hành khâu vắn thừng cho hai mép bàng quang khép kín lại. Con lợn vẫn thoi thóp thở.

Con lợn kiệt sức vì ca mổ quá lâu. Tôi định đóng ổ bụng nó lại, nhưng đằng nào cũng vậy, tiện thể tôi tiếp tục thao tác hoạn lợn như lần trước, sự thể bụng nó cũng mở ra rồi.

Chết thì phải đành chịu, nếu sống nó giống đực, lại mổ hoạn hay sao? Nghĩ vậy tôi tiếp tục rút ruột non, dạ trường của nó ra ngoài một lần nữa, tìm hai cái hoa và cắt đi.

Xong công việc, tôi tiêm cho nó một lọ đầy thuốc kháng sinh ngay gần vết mổ, và một mũi thuốc B12 để bồi dưỡng. Số nước còn lại, ba cha con dốc ngược con vật vệ sinh toàn thân cho nó. Quên cả thời gian, quên cả ăn trưa. Bầu trời vẫn một mầu chì xám xịt.

Vợ ngoài rẫy đã về, bao giờ cũng thế về đến nhà dựng xe chưa vững đã ra ngay chuồng lợn ngắm nghía, tôi theo sau rào trước:

- Hôm nay mình hoạn con lợn này rồi đấy nhá! Hai cái hoa của nó to lắm, không dè nó kém ăn tệ. Không dại gì tôi nói thật ca đại phẫu sáng nay, đề phòng lợn bị tai biến… Chẳng cần dặn dò, hai thằng con cũng không dám hé răng.

Ngày qua ngày, cuộc sống vẫn yên bình trôi xuôi.

Thật kỳ lạ! Đau thế mà ngay chiều tối hôm đó nó vẫn ăn được bát cơm nguội đích thân tôi khoản đãi.

Mấy ngày liền cô vợ không hề hay biết đầu đuôi sự cố, tôi vẫn tiếp tục tiêm thuốc cho lợn. Cuối cùng nó không chết. Điều đó thật đáng nói lắm chứ? Về sau nó lại ngổ ngáo như trước.

Ba tháng sau, xuất chuồng cân lên được 71 cân. Tôi vỗ tay vào bụng con lợn nói với tay thợ thịt và cho cả vợ cùng nghe:

- Con lợn này chỉ còn lại hai phần ba cái bong bóng thôi đấy, không tin chú cứ về mổ ra sẽ rõ. Cô vợ bĩu môi:

- Anh này chỉ được cái tài nói khoác.

Ea kar 6/ 2002

Theo Chuyện làng quê