“Cơn sóng” sân khấu mới mẻ, thú vị

Sau thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đang tập trung đầu tư, mong tạo “cơn sóng” mới mẻ, thú vị trên sân khấu.

Cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Với sự trở lại bằng vở hài kịch “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát kịch Việt Nam mang lại những tiếng cười vui nhẹ nhàng, đáp ứng thị hiếu của người xem. Ở giá trị nghệ thuật, vở diễn cũng rất đáng trân trọng khi đề cập tới vấn đề không hề cũ trong xã hội, đó là đề cao sự trung thực, đạo đức nhân cách làm người...Với thành công của vở diễn “Bệnh sĩ” đã và đang là tiền đề “kích thích” hàng loạt các sân khấu “sáng đèn” trở lại trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, sau Nhà hát Kịch Việt Nam, đồng loạt các đơn vị nghệ thuật cũng lên lịch trở lại phục vụ người xem. Cụ thể, chào đón mùa hè 2020 và Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt loạt chương trình của dự án “Bay lên những ước mơ” mùa diễn thứ hai. Dự án gồm ba chương trình kịch vui thiếu nhi “Vaxilixa và Phù thủy độc ác”, nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến vô cực” và Ca múa nhạc – Kịch vui “Trống Choai đi đâu thế…?”. Theo NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chuỗi hoạt động biểu diễn này đánh dấu sự trở lại nhanh chóng của Nhà hát Tuổi trẻ sau thời gian giãn cách xã hội từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, được các nghệ sĩ gửi gắm nhiều tình cảm, tâm huyết, với mong muốn chung tay góp sức cùng toàn xã hội chiến thắng bệnh dịch.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đánh dấu sự trở lại với chương trình “Sự trở lại của cướp biển 2020” vào tối 31-5, tại Rạp xiếc Trung ương. Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, từ ngày 29-5, nghệ sĩ xiếc ngày diễn 4-5 suất phục vụ người xem. Hầu hết là các cơ quan, đơn vị “ruột” mua vé hợp đồng. Cuối tháng 5, Liên đoàn phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Gala xiếc ba miền…

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng trở lại biểu diễn vào tối 19-6 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (77 phố Hào Nam, Hà Nội); Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến công chúng vở “Thân phận nàng Kiều” vào ngày 12-6; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam diễn chương trình “Tháng 6 trời mưa” vào ngày 27-6; Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vở “Chuyện tình Khau Vai” vào ngày 11-7; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam diễn vở “Hồ thiên nga” vào ngày 22-8, đều tại Nhà hát Lớn Hà Nội.... Đây cũng là những chương trình, vở diễn có chất lượng, tạo được tiếng vang của các nhà hát trong thời gian qua. Đặc biệt, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng hỗ trợ kinh phí các nhà hát “sáng đèn”, với mong muốn các nhà hát sẽ tiên phong biểu diễn chương trình nghệ thuật chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy không khí hoạt động của ngành văn hoá, nghệ thuật trên cả nước.

Không chỉ các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, nhiều sân khấu tại Thủ đô cũng lên “dây cót” cho ngày trở lại. Theo thông tin từ sân khấu Lệ Ngọc, vở diễn “Cây tre thần” chính thức được công diễn trở lại tại rạp Đại Nam và kín hợp đồng biểu diễn (ngày 2 suất) đến hết ngày 2-6. Ngoài ra, sân khấu Lệ Ngọc cũng đang bắt tay vào dàn dựng vở mới, chuẩn bị tham gia Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Ở phía Nam, một số đơn vị cũng  mở cửa trở lại như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường” do đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Sân khấu Idecaf cũng  mở cửa với các vở diễn ăn khách trước đó như “Mưu bà Tú”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Cái đẹp đè bẹp cái nết”…

Có thể nói, chưa bao giờ sân khấu lại có sự trở lại rầm rộ từ Bắc đến Nam như thời điểm này. Nhưng bên cạnh nhu cầu của công chúng cũng đòi hỏi các vở diễn phải chất lượng, tươi mới, hấp dẫn qua đó thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ.

Và nói như người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đây là thời điểm cần thay đổi tư duy nghệ thuật, sáng tạo những chương trình chất lượng, hấp dẫn, để thiết lập lại thói quen đến sân khấu của công chúng. Vì vậy, các đơn vị phải tập trung đầu tư, mong tạo “cơn sóng” mới mẻ, thú vị trên sân khấu.