Hàng thịt heo, ngôn ngốt những sạp gọi là thịt nóng, nghĩa là thịt đi từ lò mổ ra thẳng các chợ. Người Việt mình vẫn ưa thịt heo, giờ nó không rẻ hơn thịt bò, có lẽ, đơn giản vì con heo hiền, thịt của nó cho người già, cho người bệnh và cho cả em bé.
Vả lại, lòng và mỡ, tất tật của heo, thông dụng đến mức hầu như người ta chỉ phải bỏ lông của chúng mà thôi.
Nhìn kỹ, không ít mỡ và lòng và rất nhiều thứ thịt vừa được giải đông, không nóng không tươi, những hàng thịt bề thế hết mức và ngang nhiên rửa bằng thứ nước có thuốc gì đó chỉ có trời mới biết được. Chúng dành cho người nghèo, ngày lại ngày, tú hụ và tầm trưa thì hết sạch.
Ở hàng hải sản và những thứ khác liên quan đến nước. Biết sao được với những đống cá hay những thau mực, thau tôm, chúng cho cảm giác rùng mình.
Là vì thứ mực và tôm này nếu về tự mình làm thì chắc chắn sẽ bị nấm tay, tệ hơn, bị thối móng.
Với hàng cá thác lác quen thuộc, chao ơi, ngày trước có thể mua hàng mấy ký cùng lúc để đông đá gửi ra Bắc cho bà con. Mấy năm nay cá tanh không còn đưa lên miệng đươc nữa. Thì ra, cá thác lác đã thành hàng ưa chuộng xuất khẩu, cá được nuôi với rất nhiều thuốc kháng sinh trong ao hồ chật chội.
Đến chợ, một lần nữa cá được trộn trong thứ thuốc trời ơi đất hỡi gì đó khiến thịt của chúng bủn nhanh, dễ cạo để làm chã. Và cứ thế, cá bống cũng nhuộm màu cho vàng ươm, gà cũng bôi hóa chất để vàng nghệ, nghe đâu, người ta còn dùng nhựa đường thả trong nước sôi để dễ làm lông cho gà cho vịt!
Ở hàng thịt bò nghe đồn là những con bò trước khi bị đập đầu để giết mổ đã bị ghếch hàm lên nhiều ngày để nước ồng ộc tuôn vào. Nước đó ngấm vào nội tạng, vào tận từng thớ thịt cho tăng trọng. Những quán phở bò ít danh tiếng bây giờ lại nghe nói người ta không thích việc ninh xương nữa, làm vậy cực khổ lắm.
Xoong nồi trắng bóng trên bếp gas, nước dùng đã có hóa chất giúp làm ngọt, cùng với nước luộc nạm và gàu, xong. Một bát phở khiến khách vãng lai tạm hài lòng nhưng với thực khách tại chỗ, họ phát hiện được ngay từ cái lưỡi sành ăn của mình.
Lèn chân sang hàng rau, rau đẹp đẫm phân u-rê nhìn biết liền, và cả thứ thuốc gì gì nữa để đến chiều là rau chưa kịp ăn đã tự rữa ra như bị ma vò. Vài hàng rau bảo là sạch nhưng để đem được chúng về nhà, chúng cũng lột sạch túi tiền mà ai nghèo chắc không dám đụng tới.
Một bắp chuối hột giá một trăm ngàn, vì sao lại là chuối hột còn nguyên? Là vì chuối này đem về tự xắt được mà không cần ngâm gì chúng vẫn không ra nhựa đen. Bắp chuối bào sẵn ngoài chợ, chắc chắn chúng đã bị dùng thuốc tẩy và cứ thế, thứ thuốc ấy ngấm vào người ăn và thường là chúng góp phần đưa người nghèo sớm lên bệnh viện K.
Nhìn hàng sầu riêng ai lỡ mê nó, sẽ khó bước qua cho dù người muốn mua biết thừa rằng nó đã bị sử dụng thuốc. Một que tăm nhúng vào lọ thuốc và cắm vào trái sầu riêng, nó sẽ tự chín và cho màu vàng mê hoặc. Bước sang hàng mít cũng với sự khả nghi ấy.
Mít thu hoạch đồng loạt, xanh đồng loạt, đưa vào vựa, găm thuốc đồng loạt và sẽ chín đồng loạt. Sầu riêng luôn chất vấn cái túi người nghèo nhưng mít thì vô tư, ngày nào cũng như ngày nào, chợ của phường mà có tới chừng mươi hàng mít và ngày nào cũng hết sạch!
Vậy đó. Các nhà chức trách có biết không? Không biết họ có biết không nữa. Nhưng nhìn vào các bệnh viện thì biết, vì sao một giường hai ba người nằm, tràn ra hành lang, cúi nhìn dưới gầm gường nữa, trời ơi, dưới gầm giường cũng lại là người.
Dân nghèo quá đông, nhìn họ và người thân của họ đi nuôi bệnh biết họ là người nghèo, nghèo tới bến. Một vòng lẩn quẩn của mấy thế hệ, nghèo nên nhắm mắt mua và mua, cha mẹ bệnh và hết tiền vì bệnh nan y, những đứa con lại tiếp tục chung thân với chữ nghèo.
Giờ đây, đoan rằng không hẳn người nghèo mới phải nhắm mắt đưa vào người những thứ mà họ có thể biết thừa rằng nó được đi cùng với hóa chất. Không khí không dành riêng cho bộ phận nghèo khó, khí thở phân phát công bằng cho hết thảy. Đã thấy quá nhiều cáo phó của những người rất trẻ và rất giàu.
Đang là cái thời nước cạnh bên nước ta giàu lên từ vi sinh và hóa chất. Thử đi vào những cái chợ nổi tiếng về hóa chất của Sài Gòn và Hà Nội để biết rằng chừng hai thập kỷ thôi mà con người đã tinh vi ghê gớm trong vũ khí giết người không cần gươm đao. Biết thừa nhưng những cái chợ ấy vẫn ngang nhiên. Lại hỏi, các nhà chức trách có biết không? Và lại tự trả lời, không biết họ có biết không.
Bạn đang đọc bài viết Của thật còn không? tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.