Cuộc chiến chống Covid

Đại dịch Covid 19 làm cả thế giới chao đảo. "Paris+14" là cuốn truyện kí của Cù Thu Hương phản ảnh sinh động giai đoạn đầu của đại dịch. Dẫn dắt người đọc đi từ những quan sát, chiêm nghiệm ở châu Âu và thế giới, rồi lại quay về chính đất nước mình để chúng ta hiểu được vì sao chúng ta thắng được đại dịch Covid.

Vấn đề "Paris+14" chạm đến, vừa có tính trải nghiệm cụ thể của cá nhân, lại khái quát nhất quán nhiều điểm chung của đại dịch toàn cầu. "Paris+14" thêm một lần khẳng định bản chất tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam, điều cần và đủ để vượt qua đại dịch vẫn là tấm lòng của người với người, trách nhiệm của Nhà nước với sinh mạng của từng người dân.

1.Tôi không phải là virus!

Lần lữa mãi, cố hưởng trọn Tết cổ truyền cùng với người thân, bạn bè, đổi vé máy bay tới 3 lần, cuối cùng tôi mới rời Sài Gòn vào đêm 6 Tết trở về Paris. Sáng hôm đó tôi còn diện áo dài chụp ảnh ba chị em họ Cù. Buổi trưa tranh thủ tụ tập với hai cô bạn thân từ hồi cùng đi du học tại Liên Xô* cũ. Bao nhiêu chuyện về cái thời ngây ngô, vô tư học tiếng Nga năm dự bị, có cả những bí mật tình ái thời trẻ, nên cũng thỏa trí tò mò. Mấy đứa cười khúc khích hệt như trong kỳ nghỉ đông cách đây gần 40 năm mà tôi đã lụi cụi mang gần chục con gà làm sẵn, ngồi tàu suốt chục tiếng đồng hồ từ thành phố phương bắc Leningrad (nay là Saint Petersburg - Nga) tới thăm các bạn tại ký túc xá Đại học Tổng hợp trên sông Đông êm đềm...

sars-cov-2-1628751569.jpgVirus Corona, đại dịch đối với loài người từ đầu năm 2020

Chào lên chào xuống mấy lần, dặn dò các bạn ở nhà đi tập hát chuẩn bị cho màn trình diễn đêm Gala cuối tháng 3 như đã lên kế hoạch mà ai trong chúng tôi đều háo hức chờ đợi. Lúc đó chẳng ai nghĩ đến cái con virus bé tí tẹo teo mắt thường không nhìn thấy được và ở tít mù xa Vũ Hán nào đó lại có thể phá vỡ kế hoạch được ấp ủ với đầy tâm huyết, kỳ công chuẩn bị trong cả năm. Hẹn ngày trở về đầu tháng 3 để hàn huyên tiếp và kịp tập hát với các bạn vài lần trước khi trình diễn, tôi đứng dậy lúc 3 giờ chiều, về nhà xếp vali. Bịn rịn chia tay cứ như sẽ còn lâu lắm mới gặp nhau.

Mỗi năm tôi thường đi về giữa Pháp và Việt Nam tới dăm lần, những chuyến đi và trở về đối với tôi như cơm bữa, đơn giản như chuyến đi công tác giữa Hà Nội và Sài Gòn, thế mà lần này, không hiểu sao tôi cứ tần ngần, chẳng muốn rời xa quê hương tí nào... Hay là đến cái tuổi trở về hoài niệm rồi chăng?

Mọi lần ra sân bay có lái xe đưa đi, nhưng vì lần này vẫn còn nghỉ Tết nên tôi triệu tập sức lao động của một "cặp đôi hoàn hảo" - chúng tôi vẫn thường cho nhau những biệt danh dễ thương như thế - ham vui nhất trong khóa Lưu học sinh 80 - 81, giờ đây còn là hàng xóm đưa ra sân bay.

Trên đường, chúng tôi bàn tán về dịch cúm ở Vũ Hán, về cái chủng virus kỳ quái này, ai cũng lo lắng không biết hồi kết sẽ thế nào? Vào lúc nào? Việt Nam có sao không? Tình hình dịch bệnh virus viêm phổi cấp mang tên Corona gây náo động ở Việt Nam khi ngày 20/1/2020 chuyên gia bệnh hô hấp xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc với tin rất xấu: Đây là loại virus lây từ người sang người.

Thời điểm đó virus Corona đã có mặt ở nhiều nơi bên Trung Quốc và xuất hiện lẻ tẻ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan... đều do người đến từ Vũ Hán.

Tại tâm điểm dịch Vũ Hán, cơn hoảng loạn chẳng khác gì cuộc động đất thảm họa nhất ở Tứ Xuyên năm 2008. Thành phố bị phong tỏa, mọi ngõ ngách ra khỏi thành phố đều có quân nhân mặc quân phục chặn chốt. Biết bao gương mặt ngơ ngác, hốt hoảng, khiếp sợ? Họ chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra, sự việc ập xuống quá nhanh, như một sao quả tạ khổng lồ đập xuống đầu họ trong dịp Tết truyền thống. Phải chăng họ đắc tội gì với trời đất mà không thể thoát khỏi "trời đánh còn tránh miếng ăn"? Trời không cho họ sum vầy ngày Tết mà cả gia đình một năm đầu tắt mặt tối làm lụng, mưu sinh mới có được!

Tiếng cầu cứu, thét gào của người lao động rung chuyển Vũ Hán. Mới hôm qua đây cả thành phố còn đang sống động, náo nhiệt, sáng rực đèn hoa, nhộn nhịp người xe, mà giờ đây âm u phủ kín cả trời, đen tối như thành phố ma, với những con người khốn khổ, tả tơi đang kêu thét trong vô vọng. Xem các đoạn video được những người từ tâm dịch truyền về mà đau lòng, không thể nào cầm nổi nước mắt!

Bức tranh "Những người khốn khổ" thế kỷ 19 của đại văn hào Pháp Victor Hugo như được tái hiện lại tại thành phố đông dân tốp đầu của Trung Quốc với 11 triệu người, bằng cả nước Bỉ và gấp đôi nhiều nước phát triển ở châu Âu..., tốc độ tăng trưởng đến chóng mặt, trở thành một trong chín thành phố trung tâm quốc gia của Trung Quốc, chỉ khác trong bức tranh sống này kẻ dã thú không phải là gã thanh tra cay nghiệt có mối hận thù Javert hay gia đình Thernadie   độc ác mà lại là loại siêu vi khuẩn có cấu trúc đơn giản nhất trong hệ sinh vật - mắt thường không nhìn thấy được - cho nên nỗi hiểm họa càng khủng khiếp,  khó lường.

Chẳng ai có thể nghĩ rằng cơn sấm sét trên bầu trời Vũ Hán mới chỉ là phát súng mở đầu cho sự trừng phạt của thiên nhiên đối với con người, bởi họ đã nhẫn tâm bỏ qua những tiếng kêu cứu quằn quại, đớn đau của hàng ngàn cánh rừng bị tàn phá với những đàn thú hoang dã không nơi ẩn nấp, hàng ngàn đồng ruộng phơi màu bạc trắng bởi hóa chất, biến đi màu xanh tươi của thiên nhiên, là những dòng nước đục ngầu chứa đầy rác thải ô nhiễm, những dòng sông phải oằn mình nặng nề ôm hứng, đại dương mênh mông không còn màu xanh trong vắt bất tận xa xưa, cả bầu trời mênh mang kia luôn bị bao phủ một màn khói sương lờ đờ nhiễm đầy khí độc...

Cả thế giới nháo nhào đưa tin, đưa máy bay sang để chở công dân của mình hồi hương thoát khỏi tâm dịch. Lúc đó nghĩ rằng như thế là ổn, chỉ có một Vũ Hán, một Hồ Bắc, một Trung Quốc là bị chịu sự trừng phạt tàn khốc của thiên nhiên mà thôi...

Chị gái tôi vốn là kỹ sư vi sinh và là người rất cẩn thận gọi điện bảo tuyệt đối phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Trước khi ra sân bay cô em gái đã trang bị cho tôi hai gói khẩu trang bắt đeo luôn từ khi bước lên xe. Do là khách hàng triệu dặm của Vietnam Airlines, tôi được nhân viên hãng đón và phục vụ từ lúc check-in tới cửa máy bay.

Tại sân bay, tất cả các quầy, nhân viên đều đeo khẩu trang. Cảm giác có một trạng thái chuẩn bị chiến đấu rõ ràng trên từng cặp mắt lộ ra sau tấm khẩu trang che kín đến tận bọng dưới mắt. Trạng thái đó lây sang tôi, khiến trong tôi bắt đầu cảm thấy được mức độ nguy hiểm có thể lây lan đại trà tại những nơi công cộng của con virus này. Tôi không dám chủ quan nữa, mặc dù lần đầu tiên đeo khẩu trang lâu như thế, nhưng tôi đã cố đeo nó suốt chặng đường bay 11 tiếng, chỉ bỏ ra lúc ăn. Khoang hạng nhất tôi ngồi đêm đó có rất nhiều khách nước ngoài, tất cả đều không đeo khẩu trang, chỉ có tôi, vài người Việt và các tiếp viên.

 Sân bay Charles de Gaulle - Paris một sáng cuối đông, trời mưa lun phun, gió lạnh. Các cửa biên phòng sáng nay rất thoáng, chỉ tầm 10 phút tôi đã ra đến băng chuyền lấy hành lý. Ở đây người cũng thưa thớt, nhiều băng chuyền không chạy. Qua khu vực hành lý để ra ngoài, mật độ người đến đón cũng không dầy đặc chen chân như mọi khi - lần đầu tiên tôi thấy sân bay Charles de Gaulle vắng vẻ như thế!

Trong lúc chờ cô em quản lý công ty tại Paris đến đón, tôi tựa lưng vào thành xe đẩy, nhìn dọc hành lang, chỉ thấy các bảng hiệu không bị che lấp bởi dòng người ùn ùn như trước kia. Có lẽ chỉ quen với một Paris lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào, náo động, gặp cảnh này tự dưng như bị sốc, cảm thấy như đang gặp một Paris xa lạ, một Paris lạnh lẽo...

Lòng trầm hẳn lại, một cảm giác buồn buồn, nuối tiếc khó tả, không hứng khởi, không rộn ràng như mọi lần...

Trên đường về nhà, cô em đi đón giải thích vì sao sân bay vắng thế. Từ khi tâm dịch ở Trung Quốc bùng phát, nước Pháp đã đóng cửa hàng không với Trung Quốc, chỉ có máy bay Trung Quốc sang đón khách về, chứ máy bay Pháp không bay chở khách tới Trung Quốc nữa. Và ngược lại, máy bay của Pháp chỉ bay mấy chuyến sang đón các công dân của mình về đưa đi cách ly tránh dịch.

Lúc này ở Pháp mới chỉ phát hiện 3 bệnh nhân mắc virus cúm Corona và đều đến từ Trung Quốc, trong đó có hai khách là du lịch, một người từ Vũ Hán trở về. Bộ trưởng Y tế Pháp tuyên bố: "Phải dập dịch như dập lửa!". Thông tin đó xua bớt cảm giác xuống tinh thần lúc chờ ở sân bay, những tia hy vọng về một nước Pháp an toàn trong mùa dịch đã giúp tôi lấy lại tinh thần.

 Tôi về đến nhà, làm những việc thường lệ như đi chợ, đi siêu thị, đi tập thể thao... Ngày đầu tiên, theo như được cảnh báo ở Việt Nam, tôi đều mang khẩu trang khi tới nơi công cộng, nhưng chỉ một lúc thì thấy xung quanh những ánh mắt xa lạ - họ nhìn tôi từ đầu đến chân như nhìn một người đến từ hành tinh khác. Nhiều ánh mắt khó chịu, dè bỉu, thậm chí có người còn bước ra xa.

Qua một cửa hàng thời trang, tôi thấy mấy mẫu quần áo hay hay nên ghé vào. Như mọi lần thì cô bán hàng niềm nở lắm, thế mà hôm nay tôi hỏi đến mấy câu vẫn thấy im lặng, còn quay mặt đi cười khẩy. Mất hứng, tôi không xem hàng nữa mà lịch sự chào tạm biệt. Gương mặt của cô ta vẫn cứng đơ như con ma-nơ-canh đứng cạnh, cô không đáp lại lời chào của tôi. Cảm giác bị lạc lõng, tôi với tay kéo cái khẩu trang xuống nhét vào túi áo, lấy tạm khăn đang quàng ở cổ che lên đến mũi. Thôi thì "nhập gia tùy tục", dùng cái khăn này thay khẩu trang cho nó lành, cho đỡ mệt óc suy nghĩ. Tâm trạng bực bội mua bán nhanh chóng rồi về nhà để tìm hiểu nguyên nhân tại sao những người Pháp vốn được ví "lịch sự như Pháp" mà giờ lại như thế?

Nghe tin tức mới biết Bộ Y tế Pháp khuyến cáo chỉ những người bị nhiễm cúm mới đeo khẩu trang để nước bọt chứa virus gây bệnh không bắn sang người bên cạnh, còn người khỏe mạnh thì không cần, khẩu trang chỉ để tập trung cho nhân viên y tế. Hóa ra vậy! Khác hẳn với Việt Nam, từ khi có thông tin về dịch chính phủ đã khuyến cáo tất cả khi tham gia nơi công cộng đều phải đeo khẩu trang.

Thói quen đeo khẩu trang được hình thành ở người Việt Nam từ khá lâu, do phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, xe đạp, môi trường bụi bặm, nhiều khí thải và bụi, không khí luôn bị ô nhiễm, mật độ dân cư dày đặc.

Người Việt Nam đã quen đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khỏi nhà. Ở châu Âu thì khác hẳn, người Âu quan niệm khẩu trang hay mặt nạ là như nhau, trong ngôn ngữ châu Âu khẩu trang và mặt nạ chỉ là một từ "masque".

Với thói quen văn hóa của châu Âu, khi tiếp xúc với ai che một phần hoặc cả khuôn mặt thì coi là không đàng hoàng, không lịch sự. Đối với họ, việc chấp nhận ai đó đeo khẩu trang là điều khó khăn, cảm giác khó chịu ấy cũng giống như người Việt nói chuyện với ai đó trong nhà cứ đeo kính râm to đùng. Thêm điều này nữa: Làm gì có khẩu trang mà đeo? Đi hết mấy tiệm thuốc, kể cả tiệm thuốc quen, hỏi mua khẩu trang đều được trả lời hết lâu rồi. Thậm chí nước rửa tay khô, mới tháng trước các hiệu thuốc còn phải bán khuyến mãi và trưng pa-no quảng cáo ầm ầm, thế mà giờ hỏi mua một chai thôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu buồn bã của cô bán hàng. Việc khan hiếm một mặt hàng nào đó tại một đất nước có nền công nghiệp, nông nghiệp đứng nhất nhì châu Âu là điều chưa từng xảy ra kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thế mà, những mặt hàng rẻ tiền thông dụng như khẩu trang, nước rửa tay khô giờ đã biến mất trên các kệ hàng.

Người Paris không có thói quen mua tích trữ gì, trừ khi có đợt khuyến mãi giảm giá tới 50-70%, họ mua nhiều thêm chút. Hàng hóa chả bao giờ thiếu, lúc nào cần cũng có thể mua được, nhà ở trong Paris rất chật và phần lớn là nhà thuê nên không có chỗ để chứa đồ dự trữ.

Người Pháp chỉ chú trọng dành tiền cho các kỳ nghỉ mùa hè và đông hàng năm chứ không phải tích cóp để mua nhà ở. Hiện tượng khan hiếm còn được giải thích bởi một lý do nữa, chẳng biết có đúng không? Thiên hạ bàn tán người Trung Quốc đi du lịch, nghe tin có dịch ở nước nhà đã mua hết sạch khẩu trang và nước rửa tay khô để mang về nước?

Có việc phải đi chữa bệnh tại một thành phố của tỉnh Bordeaux, tôi lên tàu nhanh từ nhà ga trung tâm Paris. Biết phương tiện đi lại công cộng là nơi lây nhiễm cao, tôi đã nhờ cô em làm cùng chở bằng ô tô ra ga.

Ga Montparnasse là một trong bốn nhà ga lớn của tàu cao tốc TGV nối Paris với các thành phố khác và châu Âu. Sân ga vẫn đông đúc như mọi ngày, các tuyến tàu trong nước giữa các tỉnh, các thành phố, đi các nước châu Âu không thay đổi, người đi lại tấp nập, vội vàng và chẳng ai đeo khẩu trang. Riêng tôi, còn mấy cái khẩu trang cuối cùng mà em gái đã nhét vào túi trước khi rời Việt Nam. Tôi lấy một chiếc ra đeo, tỉnh bơ trước sự nhòm ngó của nhiều người. Họ muốn cho mình là "kỳ quan" thứ mấy cũng mặc kệ, giữ an toàn cho bản thân là được, chứ cứ để tơ hơ cái miệng, cái mũi ra thế kia, ai đó hắt xì hơi vào thì cũng khiếp.

Thời tiết Paris đang còn khá lạnh, gió, nhiệt độ thích hợp cho các loại virus cúm. Nhìn bảng điện tử tàu của mình đậu ở tận nhà ga số 2, phía trong cùng. Tôi vừa đi, vừa nhìn bảng chỉ dẫn, thấy hơi mông lung, khó định hướng vì lâu rồi tôi không đi nhà ga này. Nhiều chỗ ở ga đang tu sửa, hàng rào che kín, chẳng còn nhận ra chỗ nào với chỗ nào. Toát mồ hôi vì sợ trễ tàu, tôi đành liều hỏi chỉ dẫn một khách gần đó thì gặp cái lắc đầu. May quá, đến người thứ hai là một người châu Á, vui vẻ nói với tôi rằng họ cũng đi về phía đó. Như "chết đuối vớ được cọc", tôi liền bám theo.

Sau hai tiếng ngồi tàu bình an vô sự, tôi đến được nơi mình muốn, thành phố cổ kính đặc chất người Gô-loa. Thoạt nhìn bên ngoài thấy một cảm giác yên bình vô cùng, dường như không có chút gì xao động của dịch bệnh.

Đón tôi là cô bác sĩ Việt Nam, người châm cứu và bấm huyệt cho tôi. Trên đường về, cô hối hả kể chuyện bệnh dịch và khả năng điều chế vaccine của Pháp. Cô nói cô rất lo tình trạng Việt Nam ở "núi liền núi, sông liền sông" với Trung Quốc, khó kiểm soát được việc lây nhiễm từ Trung Quốc. Hàng vạn người lao động từ Trung Quốc sẽ quay lại Việt Nam làm việc sau nghỉ Tết, làm sao có thể tránh khỏi sự mang virus sang? Cửa khẩu ra vào giữa hai nước còn nhiều lỗ hổng, chiều dài biên giới trên đất liền xấp xỉ một nghìn năm trăm ki-lô-mét, biên phòng không thể kiểm soát được hết... Cô như ngồi trên đống lửa vì tất cả người thân của cô đều sống ở Việt Nam. Suốt dọc đường nghe cô ấy kể và còn đưa ra một số dẫn chứng từ các đài hải ngoại, nào là dịch đã đến chỗ này, chỗ kia trên lãnh thổ Việt Nam, nào là số ca nhiễm nhiều hơn cả trăm lần số mà đài báo trong nước đưa tin. Nghe cô nói một thôi một hồi, tai tôi như ung lên, hoang mang lắm. Liệu Việt Nam sẽ có sao không?

Trong chục ngày ở Bordeaux, mỗi ngày thông tin càng nóng khi ở Vũ Hán số người nhiễm và chết tăng lên chóng mặt. Trên mạng nhan nhản clip quay cảnh Quân đội Trung Quốc đến từng nhà dân bắt lên xe đưa đi cách ly, người dân chạy trốn, chui lủi, lẩn vào các ngõ ngách, cứ như thời lính Hitler săn lùng những người dân Do Thái vô tội để đưa vào trại tập trung. Tình trạng bệnh viện quá tải, dân chúng xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt vào khám bệnh...

Có nhiều người không chờ đến lượt đã chết trong nhà, lây sang các thành viên gia đình...

Nhiều bác sĩ đã nhiễm bệnh và ra đi, vợ phải tiễn chồng qua lớp kính chắn...

Mùa đông Vũ Hán đã lạnh lẽo lại càng lạnh lẽo, ảm đạm hơn. Một màu đen tối bao phủ, thành phố hầu như không còn một bóng người trên đường, giống hệt những cảnh hoang vắng trong các bộ phim giả tưởng. Một thành phố ma!

Cả thế giới theo dõi Trung Quốc, theo dõi Vũ Hán... Thành phố ngập tràn trong chết chóc, những chiếc xe tang chở đầy xác người được bó xơ xài trong tấm bạt, lặng lẽ rời khỏi nhà xác chỉ với một lái xe. Các lò thiêu xác làm việc tối đa công suất, phải thêm các lò dự trữ...

Cả một vùng trời đậm đặc khói từ nhiều nhà xác bay lên, nồng độ lưu huỳnh trong không khí cao khác thường. Đau thương, nước mắt cứ mỗi ngày mỗi nhiều ở nơi đó... Từ khi thông tin nạn nhân đầu tiên đã mất vì nhiễm virus ở ngoài Trung Quốc, nhiều nước, kể cả Mỹ, cấm nhập cảnh những người đã đi qua Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không ngưng bay đến Trung Quốc, với hy vọng các biện pháp đó sẽ giúp chặn được con virus ác quái này.

Đến chữa bệnh có nhiều Việt kiều. Chủ đề nóng nhất vẫn là các câu chuyện quanh đi quẩn lại về dịch cúm viêm phổi cấp. Ai nấy đều lo lắng cho Việt Nam. Họ mang đến rất nhiều thông tin, giả thiết được chia sẻ từ các trang mạng hải ngoại rằng tại Việt Nam đã có những ổ dịch mà chính phủ đang che giấu. Cả những clip của người phụ nữ xưng danh bác sĩ làm cho Nhật phân tích các tình tiết chứng minh Việt Nam đang có những ổ dịch.

Tôi nghe mọi người bàn tán, gọi điện, thậm chí có lúc còn quát to với người nhà bên Việt Nam khi thấy phản ứng không tin vào những nội dung mà họ báo về. Lúc này tôi đã bình tĩnh trở lại, không tranh luận một lời nào, tôi ngồi yên suy nghĩ, lần lại logic các thông tin mà hàng ngày vẫn theo dõi trên Zalo từ  Việt Nam, với kiến thức và trải nghiệm. Tôi nghĩ không thể có chuyện Việt Nam mất kiểm soát, hiện nay mạng xã hội lan truyền, chuyện giấu thông tin là một điều khó xảy ra, nhất là lại liên quan đến sức khỏe của từng con người, đến sự mất mát.

Tôi vẫn tin các thông tin chính thống tại Việt Nam là đúng. Hơn nữa, thói quen đeo khẩu trang đã có từ rất lâu đối với người Việt Nam khi tham gia giao thông công cộng, điều đó sẽ giúp rất nhiều việc hạn chế sự lây lan của virus.

Có mấy quả xoài mang từ Sài Gòn sang, tôi đem làm quà cho em bác sĩ ở đây. Nhân ngày cuối tuần, em đó mời vợ chồng một người bạn thân đến chữa bệnh ăn tối cùng. Chị ấy vào bếp giúp chủ nhà sửa soạn bữa, nhìn thấy quả xoài vừa chín tới tỏa mùi thơm ngọt ngào hấp dẫn, không cưỡng nổi, nước miếng chảy ra. Chị lấy dao gọt xoài, vừa gọt vừa xuýt xoa: "Xoài ở đâu mà chín thơm ngon thế!". Khi chị gọt được nửa quả, chủ nhà bước vào, hồn nhiên nói quả xoài ấy của tôi mang từ Việt Nam sang. Thế là chị dừng phắt tay ngay lập tức, hoảng hốt hỏi lại: "Hả, từ Việt Nam?". Tôi xác nhận: "Đúng chị, em mang sang đấy!". Như bị điện giật, đánh thoắt, chị quẳng ngay quả xoài gọt dở xuống bàn cùng với dao, lao ầm vào nhà vệ sinh, vội vã xả nước rửa tay xà phòng, cứ như vừa chạm vào hủi.

Bất ngờ với phản ứng của chị, tôi cố thuyết phục xoài này là cô em lấy từ trại trái cây sạch, tôi trực tiếp đóng vali mang đi. Nhưng chị cứ nguây nguẩy lắc đầu bảo bất cứ cái gì từ Việt Nam sang nhất quyết không đụng đến vì sợ có virus. Một nỗi buồn, tủi thân không kể xiết. Đâu chỉ có dân Tây kỳ thị mà cả người cùng nòi giống mình cũng có suy nghĩ áp đặt vô căn cứ như thế, trách ai bây giờ?

Chuyện kỳ thị người châu Á đã xuất hiện ở Paris và nhiều thành phố khác của Pháp từ khi bắt đầu thông tin có những nạn nhân nhiễm virus cúm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Con trai tôi là một chàng trai có tư tưởng chống phân biệt chủng tộc, kỳ thị các dân tộc khác trong xã hội. Tôi còn nhớ khi con mới hơn 10 tuổi, trong lớp học của con có nhiều bạn nguồn gốc từ các quốc gia khác nhau... Theo thói quen hồi sinh viên ở bên Nga hay đùa nhau, tôi lỡ lời nói kiểu như gọi người da đen bằng từ "Nhọ", hay người Ả-rập là "Rệp" là bị con sửa ngay: "Tại sao mẹ lại gọi như thế, gọi như thế là không tôn trọng dân tộc đó?".

Những ngày cuối tuần, con thường hay mời các bạn trong lớp đủ màu da về nhờ mẹ nấu nướng gì đó ngon để chiêu đãi, thậm chí trong những năm học đại học, có một số bạn da màu không tìm được nhà trọ, con đã xin mẹ cho bạn về ở.

Giờ đây con là một nghệ sĩ hài độc thoại. Không thể dửng dưng với sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, những suy nghĩ định kiến, con đã làm một clip mang tên "Je ne suis pas un virus - Tôi không phải là virus" kêu gọi tất cả không phân biệt màu da, quốc tịch, đoàn kết lại để xóa tan sự kỳ thị, định kiến hết sức vô lý về nguồn gốc sự lây nhiễm virus cúm này của một số người tại Pháp.

Chuyện hài mà lại thật, thật mà như hài ở một đất nước số một về tuyên ngôn bảo vệ nhân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái:

"... Các bạn biết đấy, phân biệt chủng tộc, thật là mệt mỏi, phân biệt chủng tộc, suy nghĩ định kiến.

Những ngày này, cộng đồng chúng tôi (châu Á) không được mọi người tôn trọng lắm. Thật đấy, những ngày này là thế đấy!

Tôi kể cho các bạn nghe: Hai hôm trước, tôi đi chợ, đi qua một quầy hàng và (thấy tôi) bà bán hàng đã làm thế này (kéo cổ áo che tới mũi). Tôi thì đã cố làm cho bà ấy yên tâm, tôi nói: "Bà đừng lo, không sao đâu, tôi vừa ở bệnh viện Bichart(*) ra rồi".

Ho, hụ hụ. Ối xin lỗi nhé!

Nhưng thật đấy, tôi thấy nói giờ có người gọi cả cảnh sát vì thấy có người châu Á xì mũi! Thế đấy, giờ đây một người châu Á hắt xì cũng to chuyện!

Nói thực tình, kể từ hôm đó, tôi đã hiểu thế nào là đoàn kết.

Này các anh em da màu: đen, Ả-rập, chúng ta hãy cùng nhau. Tôi ủng hộ các bạn, thật đấy, đến đây đi, chúng ta cùng lập đồng minh! Chúng ta cùng thay đổi đi!

Và kia có người trong công chúng nói: "Nhưng hãy nhớ đeo khẩu trang! Những người châu Á!".

Thật thế, thật điên! Nhưng mà mọi người không quên chứ, con virus đó từ Trung Quốc cơ mà! Tôi, tôi là người Việt Nam, và tôi sống ở Paris, có liên quan gì đâu? Chẳng liên quan gì đến tôi cả!

Nhưng ở Pháp đôi khi người ta nghĩ những người như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Nhật... đều giống nhau - lẫn lộn cả. Tức là với họ, tôi có thể lẫn lộn bố với mẹ mình, có thể lẫn lộn nhà này với nhà kia, nếu tôi về Việt Nam thì cứ tuỳ tiện vào nhà nào cũng như nhau... ". (Clip: Je ne suis pas un virus - Paris. Nam - Nam)

Trong thời gian chữa bệnh, vào những giờ rảnh rỗi tôi thường đi cùng em bác sĩ tới siêu thị, cửa hàng. Ngang qua mấy nhà hàng của người châu Á, thấy vắng bóng khách đến ăn, em bác sĩ bảo người Tây họ sợ ghé tới sẽ bị lây nhiễm. Cửa hàng nào có người châu Á vào là nhiều người Tây cũng lảng ra, không muốn chạm trán. Trước kia những cửa hàng bán đồ thực phẩm châu Á có một lượng khách Tây ưa chuộng và thích các món ăn châu Á thường xuyên ghé tới mua bán các nguyên liệu, hoặc thức ăn đã chế biến sẵn, nhưng từ khi có dịch, lượng khách này hầu như không xuất hiện, thậm chí một số người châu Á cũng không tới vì họ có cùng suy nghĩ như những người Tây kia. Chỉ mới có hơn mười mấy ngày, những người chủ gốc Á đã méo mặt vì doanh số giảm đáng kể.

Em còn nhắc tuyệt đối chị không được đeo khẩu trang bởi vì người Tây mà nhìn thấy chị đeo khẩu trang có khi họ gọi cảnh sát tới đó. Nhìn gương mặt em rất nghiêm trọng, tôi cất kỹ khẩu trang dưới đáy túi, chỉ dám lấy khăn quàng che kín mặt.

Tôi ra ga tàu, trở về Paris. Sân ga đông người quá, khoảng cách không thể khống chế 2 mét được, tôi vẫn lấy khẩu trang ra đeo. Thật may vẫn còn mùa đông, khăn quàng cổ là thứ giấu việc đeo khẩu trang của mình, tôi vừa lấy khăn phủ lên cái khẩu trang trên miệng, vừa nhìn xung quanh xem có ai nhìn thấy mình làm điều đó hay không? Cảm giác như đang lén lút, vụng trộm làm điều gì đó, đến khổ!

Trên tàu, ngồi cạnh tôi là một cô bé Pháp xinh xắn. Trong toa nóng, tôi phải cởi áo khoác và khăn treo lên. Từ nhà vệ sinh quay trở về chỗ ngồi, đã không thấy cô bé đó nữa, rướn mắt nhìn đầu toa thì ra cô bé chuyển lên ngồi phía trên.

Tôi hiểu lý do rồi, chẳng thèm để ý nữa, lặng lẽ ngồi vào chỗ của mình, lấy tai nghe ra đeo, mở clip để hát theo bài hát mà cả lũ bạn lưu học sinh 80-81 đang say mê luyện tập cho đêm gala kỷ niệm 40 năm ngày nhập trường tại Hồ Tràm - Vũng Tàu sắp tới.

Tàu cao tốc nên vận tốc lớn tới hơn 300km/giờ, những làn gió ngược với hướng chạy của con tàu tạo thành một âm thanh réo rắt lúc to, lúc nhỏ, rít lên khi trầm, khi bổng... tàu chạy làm cho bài hát của tôi nghe rập rình trầm bổng theo.

Ngồi hàng ghế trên là hai vợ chồng người Tây đứng tuổi, thỉnh thoảng thấy một tràng ho và xịt mũi của bà vợ, tôi sợ lạnh rúm cả người. Thế mà chỉ một lúc sau, cô vợ đã quay xuống với ánh mắt lạnh lùng, sắc lẹm nhắc tôi không được hát có thể bị bắn nước bọt sang người khác. Tôi chẳng buồn nói thêm điều gì, tắt điện thoại, rút tai nghe, ngồi nhắm mắt lại, trong lòng lạnh buốt, những giọt nước mắt tủi thân cứ trào ra, tự dưng tôi muốn hét thật to: Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi không phải là virus!

2. Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng...

Còi tàu báo đang vào ga Monpartnasse Paris. Tôi thở phào vì sắp thoát khỏi những ánh mắt xa lánh, sợ hãi của một số người ngồi trong toa. Bản thân tôi chẳng ho gì trong suốt hành trình, trong khi đó xung quanh rất nhiều người ho, xì mũi, chẳng ai đeo khẩu trang. Theo lẽ thường tình tôi phải sợ họ chứ nhỉ? Chỗ ngồi của tôi trên tầng hai của toa. Một tay kéo vali, một tay khoác túi, đang loay hoay chưa biết di chuyển xuống cầu thang để ra cửa toa thế nào thì bất thần một tiếng nói vọng từ sau: "Bà có cần tôi giúp không?", tôi quay đầu lại thì thấy một thanh niên châu Âu tươi cười chìa tay đỡ vali cho tôi.

Ra khỏi toa, đón cái vali mà cậu thanh niên xách hộ, tay cứ run run vì xúc động. Tôi nói lời cảm ơn với cậu ấy, hai giọt nước mắt ứa ra, lòng tôi như được vỗ về, an ủi và được ấm lại! Cuộc sống vẫn còn có biết bao nhiêu người tốt, biết bao những tấm lòng nhân hậu, biết bao những hành động đẹp, nhân văn! Thầm nghĩ: Mình sẽ không đơn độc!

Ra khỏi mái vòm của sân ga, tôi tìm đến một điểm có số nhà rõ ràng để báo con trai gọi Uber cho mẹ. Tối nay con có suất diễn ở câu lạc bộ nên không đón mẹ được.

Gió lạnh cùng với những giọt mưa phả ngay vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Hạt mưa mỗi lúc mỗi to, tôi không đi cố được nữa, đành phải đứng lại lấy dù trong túi ra. Vừa lúc mở được dù ra thì một cơn dông tràn đến. Những hạt mưa to bằng hạt ngô tới tấp đổ xuống đường, thêm sức mạnh của gió lốc nên nhìn cứ như những vòi rồng hung dữ phun nước một màu trắng xóa, tung tóe trên   mặt đường.

Mưa, gió mạnh đến mức lật úp cái dù mỏng manh của tôi. Luồng gió lạnh đưa những hạt mưa giá buốt lần tận vào cổ, mặc dù tôi mặc cũng khá nhiều áo, lại thêm áo khoác ngoài có lớp lót lông vịt. Tự dưng toàn thân run bần bật, mắt mũi tối sầm lại. Trong đầu chợt xuất hiện một linh cảm xấu: Cơn giông bão bất thường đổ ập xuống trong tích tắc phải chăng như một điềm báo Paris sắp phải hứng chịu một cái gì đó như bão táp dữ dội kinh hoàng lắm...

Mưa to, ô che bị lật, tôi đành chạy vội đến một trung tâm thương mại trong tổ hợp của ga. Đó là chi nhánh của trung tâm thương mại lớn nhất Paris: Galeries Lafayette. Trong lúc chờ hết mưa, tôi quan sát dòng người ra vào trung tâm thương mại. Khác với mọi lần, chiều nay chỉ có những khách đi riêng lẻ, không có các đoàn du lịch đủ màu da, thứ tiếng, nối đuôi nhau như trước. Lâu lâu mới thấy một nhóm nam nữ trung học đang trò chuyện, đùa cợt, trêu chọc, cười nói vô tư bằng tiếng Pháp. Chắc đây là nhóm học sinh đến thủ đô thăm quan nhân dịp kỳ nghỉ cuối đông.

Cơn dông đến nhanh và ngưng cũng nhanh. Vừa lúc hết mưa, con trai điện thoại báo xe Uber đến. Tài xế là một thanh niên da màu; trong suốt thời gian đón tôi và chở tôi, anh ta đều chỉ nhìn về phía trước, kể cả lúc xác nhận lại xem địa chỉ nơi đến có khớp với người đặt hay không. Có lẽ anh ta thấy tôi là người châu Á nên sợ giao tiếp đối mặt có thể bị lây nhiễm virus. Thầm nghĩ, cũng chẳng sao, càng đỡ cho mình, miễn sao chở về đến nhà an toàn là được.

Tôi còn nghe được câu chuyện của cô em quen ở Paris, hôm rồi có việc cần phải gọi taxi, thấy một gã đang ngồi "vêu mõm" trong xe đậu chờ khách ven đường, chắc vì vụ Covid này mà đói khách, gã nhìn thấy cô em tiến lại, mặc dù cô em đã ngụy trang rất kín mặt bằng kính, khăn, mũ trông cứ như Ninja vào trận, cô vừa chạm cửa xe chưa kịp hỏi gì thì gã đã chửi luôn: "Ừm, cho dù mày có che đậy cái mặt mày thì tao cũng biết mày là con Trung Quốc. Biến đi!". Em ấy giận tím mặt, định nói lại nhưng rồi kiềm chế được, chẳng dây với kẻ vô học này.

Giống hệt câu chuyện con trai đã kể trong clip của con rằng một số người quá khích ở Paris đã cho vào một sọt tất cả những người có hình dáng châu Á là "Tàu khựa" hết, coi họ là tội đồ của cái nạn Covid này. Chỉ bọn họ mới là nạn nhân của vụ này ư, bọn tôi dân châu Á cũng là nạn nhân đấy chứ?

Một chị kể lại: Chiều nọ hai mẹ con đi bộ trên phố, một gã da đen chỉ mặt rồi xồ ra một tràng rất hằn học, nói bằng tiếng Đức nên hai mẹ con không hiểu gì, nhưng nhìn thái độ thì như muốn nhảy vào đánh hai mẹ con chị ấy. Mấy cháu du học sinh ở Đức, nghe lệnh của mẹ ở nhà bắt phải đeo khẩu trang khi đi ra đường, đã khóc lóc nói với mẹ: "Con khổ quá mẹ ơi! Sáng nay con đeo khẩu trang để đi học, vừa ra khỏi tàu, có mấy thằng chạy tới giật khẩu trang của con rồi vứt xuống đất, nhổ nước bọt lên, còn cười hô hố: "Nihao! Nihao!".

Cô cháu gái đi làm về trong tàu điện ngầm, có một chỗ trống mà cạnh đó là một phụ nữ da trắng, cháu tiến đến định ngồi xuống thì thấy bà da trắng có hành vi rất kỳ lạ. Bà lấy tay kéo cái cổ áo lên, thu người lại, quay mặt ngược hướng rồi đứng vụt dậy đi khỏi chỗ ngồi.

Có bạn đi siêu thị, ba thanh niên Ả-rập kéo mấy con gấu bông trên kệ, ném vào xe đựng hàng của bạn ấy như ném vào sọt rác rồi thét lên: "Ni hao, Corona!". Có trường hợp dở khóc, dở cười: Đang vào mùa xuân, con gái một chị bị bệnh dị ứng mùa, ho rất ghê, thế là bà hàng xóm gọi điện báo cảnh sát. Như hề ấy!

Một anh bạn của tôi làm chủ thầu xây dựng, là người thường xuyên thăm viếng các nhà hàng ngon của Tây, Tàu, Ả-rập tại Paris. Vừa đi nghỉ châu Phi về nên nhớ món Tây. Anh ghé vào một nhà hàng Tây định ăn món bò hầm Bourgouni. Người phục vụ nhìn anh từ đầu đến chân rồi lắc đầu đi khỏi.

Sự kỳ thị còn đẩy đến đỉnh điểm xô xát nhau. Anh bạn, cựu quân nhân Pháp với giọng còn bức xúc kể lại, một hôm anh cùng với người bạn tới ăn ở một tiệm ăn quận 13 (quận có nhiều hàng quán ăn châu Á), bốn người Tây thể hiện cử chỉ khinh bỉ, miệt thị. Anh này vốn là cựu chiến binh và là thành viên trong đội cận vệ của điện Elysee, nóng mắt quá, không thể chịu được, hai bên lời qua tiếng lại, cuối cùng tụi kia cậy đông xông vào gây sự thành ẩu đả. Chủ nhà hàng phải gọi cảnh sát đến bốc tất cả lên đồn để giải quyết.

Những gương mặt mang dáng dấp châu Á giờ đi đâu những thành phần quá khích đều nghĩ là dân Trung Quốc, mà những thành phần này khá nhiều!

Người châu Á ở đây nỗi lo bị nhân gấp đôi: Vừa lo chống dịch, vừa lo đối phó với sự kỳ thị. Có người hài hước: Chắc mai ra đường mặc áo cờ đỏ sao vàng ghi to chữ "Việt Nam" là được hoan hô ngay!

Xem ra, nếu so với những người quen đang sống ở Paris thì tôi vẫn may mắn. Tôi vẫn chưa bị kỳ thị một cách quá lố, quá khích như họ, tự ngẫm cứ AQ (nhân vật trong "AQ chính chuyện" của nhà văn Lỗ Tấn) một tí thế cho dễ sống.

Sau 10 ngày châm cứu, bấm huyệt ở tỉnh, hai bắp tay có giảm bớt nhưng vẫn còn đau nhẹ, bác sĩ nói phải tập thể thao, đến phòng gym được là tốt nhất. Cạnh nhà tầm ba phút đi bộ, có một phòng tập gym mà tôi đã mua thẻ dài hạn, tranh thủ mỗi chiều sau giờ làm việc, tôi phi tới luôn.

Phòng gym có nhiều nhóm tập như Step, Yako, Yoga, rất thích hợp cho luyện tay. Mấy ngày đầu tập dồn dập tôi cũng khá mệt, sau quen dần và thành ra cứ đến chiều lại nôn nóng đi. Tập thì thích thật đấy vì thấy tiến bộ mỗi ngày, nhưng mỗi lần đến là ớn lạnh vì phải tiếp xúc trong môi trường mật độ giao tiếp khá gần, chẳng ai đeo khẩu trang, kể cả tôi. Tôi luôn có ý thức không giao tiếp gì và tránh đối diện với người xung quanh, nhưng các cô gái Tây vẫn cứ vô tư, "hồn nhiên như cô tiên", vào phòng thay đồ diện tích chỉ tầm 10 mét vuông, tới cả năm, sáu người trong đó mà cứ nói cười ha hả. Hình như thông tin về virus Corona không mảy may liên quan đến họ.

 Chợ nông trang gần nhà tôi mở vào sáng thứ tư và thứ bảy. Người đi chợ  có phần thưa hơn, chủ yếu là những người hưu trí nhiều thời gian rỗi rãi làm các món ẩm thực ngon tuyệt đỉnh. Thói quen nói chuyện dây dưa giữa người bán hàng và người mua hàng vẫn như xưa. Các ông bà hưu trí chẳng biết làm gì cho hết thời gian nên chợ là nơi mà họ có thể giãi bày mọi nỗi niềm, kể lể đủ thứ chuyện.

Như trước đây, đứng xếp hàng chẳng làm sao, cũng là lúc để thảnh thơi, thư giãn, nhiều khi quan sát và chăm chú nghe các câu chuyện của các cụ già thấy cũng hay hay, còn tăng thêm kiến thức về ẩm thực, về sinh hoạt, về văn hóa giao lưu... Thế mà giờ đây chỉ mới đứng có một lúc tôi đã không chịu được, đột nhiên tính tình khó chịu đến bất thường, bực bội vô cớ, mặt cau lại, miệng lẩm bẩm: "Ôi, sao mà họ nói nhiều thế!". Tôi liên tưởng đến câu ông bà hay ám chỉ chúng tôi hồi bé khi có chuyện gì đó cứ thao thao bất tuyệt: "Không cho cái miệng mọc da non à?". Không đủ kiên nhẫn, tôi đành bỏ hàng, chạy ra quầy khác dù sản phẩm không ngon bằng nhưng được cái không phải xếp hàng và cơ bản là không phải chứng kiến cảnh trò chuyện bất tận của người mua, kẻ bán.

Đi qua quầy hoa, mọi lần tôi đều đứng lại ngắm và mua một vài chậu hoa nhỏ mang về để ở ban công phòng bếp hay phòng đọc sách. Hôm nay tôi chẳng còn hứng thú gì, bỏ qua lời chào mời rất nhiệt tình của anh bán hoa quen thuộc.

Lững thững ra về, kéo cái xe đẩy mà chị gái tôi vẫn hay gọi đùa xe "Limoussine của cô Hương", trong chỉ có vài món đồ chứ không đầy ắp đa dạng rau củ quả, trái cây, thịt, cá như trước kia. Chẳng biết tại sao tâm trạng ghét mua bán, ghét đến chỗ đông người, cứ mỗi ngày, mỗi đầy thêm trong tôi.

Đoạn đường quen thuộc mà tôi vô cùng thích này là nơi mà tôi hay "thả hồn" mơ mộng mỗi lần đi qua đây. Đó là một đoạn đường dành cho người đi bộ, giữ nguyên nét cổ kính bằng những viên gạch có kích thước bé xíu xưa kia cho xe ngựa chạy qua kêu lóc cóc.

Một bên là những quán ăn nhỏ khá đa dạng quốc tịch: Quán bánh pizza của người Ả-rập lúc nào cũng thơm mùi nướng, quán mỳ spageti của mấy thanh niên gốc Ý với các loại sốt đặc biệt, quán ẩm thực của người Bretange, thủ    phủ phía tây của nước Pháp với nhiều món bò hầm trong lá nguyệt quế và   tiêu xanh...

Tiệm bánh mỳ tươi làm thủ công của cô chủ mập mạp luôn tươi cười, cứ đến giờ ăn trưa và chiều là hàng xếp dài ra tận ngoài đường, trong tiệm rất nhiều các loại bánh mỳ đen điểm hoa quả khô như nho, vả, hạnh nhân mà tôi rất thích, bao giờ cũng ghé vào mua mấy trăm gam...

Bên kia là những hàng cây có đủ to, nhỏ, mới, cũ, những cây tử đinh hương rất quen thuộc với tôi từ hồi còn là lưu học sinh ở Saint Petersburg (Nga), đến mùa thì khoe bông hồng, trắng, tím, mùi hương dịu đến đê mê. Từng khóm chuối, mỗi lần gió to, các tàu lá đập vào nhau kêu phành phạch, tưởng tượng như hai cái tai voi trong vườn bách thú ngày bé con trai tôi rất thích. Xung quanh các gốc cây to, những khóm hoa cẩm chướng, thược dược, cúc họa mi, hoa bướm nhiều màu bắt đầu hé nụ xinh xinh, cứ mùa nào thức ấy được nhân viên công ty cây xanh chăm sóc thường xuyên....

Thiên nhiên vẫn thế. Đến mùa cây cứ lớn, lá cứ đâm chồi, nụ cứ nở hoa, hương thơm vẫn ngào ngạt...

Dưới những tán lá sum suê, vài cái ghế băng, mặt ngồi là những thanh gỗ màu cánh gián, thành ghế được làm bởi những thanh sắt uốn lượn, hoa văn sơn màu đen. Bắt đầu vào xuân, trời bớt lạnh, trên những băng ghế lúc nào cũng có vài ông bà hưu trí ngồi trò chuyện, vãi bánh mỳ cho chim bồ câu tranh nhau ăn.

Một góc ghế đó là người bạn thân thuộc của tôi, mỗi lần đi chợ về tôi thường ghé ngồi nghỉ chút xíu, ngắm trời đất, cây cối, ngắm những cánh hoa, nghe tiếng chim chuyền cành gọi nhau ý ới gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm, buồn có, vui có, tôi lại bay bổng tâm hồn "văn sĩ", ứa nước mắt với những cảm xúc chan chứa yêu thương tràn về...

Hôm nay đi qua đây, tôi tần ngần đứng lại một lát theo thói quen, rồi lại chầm chậm, thẫn thờ kéo xe đi tiếp, xa dần góc "văn sĩ", hai giọt buồn bã ứa ra, lòng chông chênh vô định...

Thường lệ, một ngày của tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc tầm 12 giờ đêm. Buổi sáng tỉnh giấc chưa kịp làm gì đã ôm ngay cái điện thoại để trả lời hàng loạt tin nhắn về công việc. Vì chênh múi giờ, nên khi tôi bắt đầu buổi sáng ở Pháp thì ở Việt Nam đã sang giờ chiều, gần như từ lúc tỉnh dậy đã phải chạy đuổi với công việc trong nước. Được cái văn phòng ở nhà cho nên không mất thời gian đi lại.

Tôi có thú tranh thủ lúc rảnh đi trung tâm thương mại để "du lịch mắt". Tha thẩn một mình ngắm nghía các mẫu thời trang mới, ngắm cách phối bộ, màu sắc, khuynh hướng, cách trưng bày mỗi nhãn hàng. Mục đích không phải mua bán, mà chỉ là giải tỏa nỗi nhớ, nỗi đam mê thời trang đã theo đuổi gần cả cuộc đời.

Trước khi xảy ra dịch tôi vẫn đến học tại một trung tâm dạy tiếng Pháp và văn hóa Pháp ở Paris cách nhà gần một giờ tàu điện ngầm; học giao lưu vào buổi tối, có tối quay về tới nhà hơn 10 giờ đêm. Cả ngày vận động liên tục nhưng thấy  hào hứng.

Đợt này, từ hôm quay trở lại Paris, nếp sinh hoạt của tôi gần như bị đảo lộn, giấc ngủ không sâu như trước, tạm biệt ngày cũ muộn hơn, bắt đầu ngày mới sớm hơn, nhưng không phải vì công việc, không phải vì những đam mê, hay vì bận học hành, mà chỉ để theo dõi diễn biến dịch bệnh trong nước, trên thế giới, nghe ngóng tình hình tại quê nhà. Mỗi đêm trước khi đi ngủ lại mở tin tức ra xem. Những con số nhiễm bệnh mới, số tử vong mới cứ tăng theo cấp số nhân làm mắt tôi nhòe đi. Việc đó xảy ra ở nước nào, với những con người nào, tôi đều thấy xót thương vô hạn cho những mảnh đời xấu số ra đi lạnh lẽo không có một hơi ấm của người thân bên cạnh. Họ có tội gì đâu? Có những lúc, dòng nước mắt cứ trào ra không ngừng, nức nở như đang bị oan ức điều gì đó. Mình đang phải chứng kiến thảm cảnh gì thế này? Sao khủng khiếp thế? Thật hay là mơ? Thực tại hay viễn tưởng?

Mỗi sáng tỉnh dậy, có khi là rất sớm, 4-5 giờ sáng tôi đã thức giấc, tay với điện thoại như quán tính, lại mở ra xem tin tức cập nhật, nước mắt cứ tự chảy, không ngày nào là nước mắt không rơi...

Mỗi ngày trước khi mở tin ra, lại nhắm mắt đọc thần chú. Chỉ mong có một phép màu nào đó để con virus quái ác biến đi, mong số người nhiễm và tử vong bớt đi, mong cuộc sống trở lại như xưa để chúng tôi còn thực hiện kế hoạch ấp ủ cả năm nay họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày vào ngôi trường đại học đầu tiên học tiếng một năm trước khi ra nước ngoài học tập. Cái ngày mà tất cả chúng tôi rất chờ đợi.

Ban liên lạc ba miền Bắc, Trung, Nam bỏ ra nhiều thời gian, công sức, các nhà tài trợ đóng góp tiền bạc cùng chúng tôi chuẩn bị cuộc gặp mặt đó, bao thuê luôn cả một resort sang trọng xung quanh là biển, chuẩn bị rất nhiều chương trình hấp dẫn, thuê hẳn một công ty tổ chức sự kiện, có hẳn một ban biên tập để xuất bản một cuốn sách mà tác giả là chính chúng tôi kể lại các câu chuyện những năm tháng đáng nhớ khi sống và học tập xa tổ quốc. Giờ đây chúng tôi đều là ông, bà U60, có người còn là lớp của U70, có lẽ đây là lúc con người ta đủ già, đủ từng trải để thèm nhớ về tuổi trẻ, về ký ức...

Từ đầu bên này tôi sốt ruột lắm, cứ nhún nhẩy hát nhép theo video mà các bạn đang tập hát gửi cho, trong lòng nôn nao chờ đợi cuộc gặp mặt đến lạ kỳ. Cảm giác chờ đợi thật mệt mỏi và căng thẳng, có thực hiện được cuộc gặp mặt đó đúng như dự kiến hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Tâm trạng chúng tôi như sợi dây đàn căng cứng. Tình trạng như đang quay lại năm 1972, hồi sơ tán chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc, lúc nào cũng sợ máy bay Mỹ tàng hình, cánh cụp cánh xòe  theo kiểu cắn trộm thả bom bất thần trong lúc cả nhà tập trung đoàn tụ ăn trưa, ăn tối.

Văn phòng của tôi ở Paris chỉ có hai người, tôi và một em gái của cô bạn thân. Cô lấy chồng người Pháp, theo chồng định cư. Nhờ công nghệ 4.0 văn phòng tinh giảm được khá nhiều nhân sự.

Vừa trao đổi một số việc với em ấy mà chủ yếu là tình hình dịch cúm hàng ngày diễn biến thế nào, tôi vừa giã gừng, sả tươi cho vào cốc đã có sẵn nước sôi để nguội chút, vắt chanh, thêm hai thìa mật ong. Một ly nước uống hỗn hợp màu thiên nhiên với vị chua ngọt dịu nhẹ của chanh và mật ong, thoang thoảng mùi thơm của sả hòa cùng vị cay ấm của gừng mang lại cảm giác khoan khoái và thư giãn, đặc biệt lại là "Thần dược" để đề phòng và chữa trị cảm cúm. Sáng nào tôi cũng làm một ly nước mà tôi gọi là "3 trong 1", ngon, bổ, nhiều công dụng như thế, đó là thói quen chưa bao giờ thay đổi từ nhiều năm nay và thấy cải thiện rõ rệt tình trạng hạn chế mắc cảm cúm, viêm họng, sổ mũi vốn như là một bệnh mãn tính của tôi được tích lũy trong những năm tháng ở xứ sở phía Bắc nước Nga - Saint Petersburg băng giá.

Cô em nhìn tôi uống, tấm tắc thán phục: "Cay thế mà ngày nào chị cũng uống, giỏi thật!".

Tin tức đổ về. Một công dân Anh bay từ Singapore sau một cuộc hội thảo tiếp xúc với hơn một trăm người, trong đó có ít nhất một khách đến từ điểm nóng của tâm dịch Hồ Bắc, đã bay đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Contamines Montjoie gần vùng núi Mont Blanc thuộc dãy Alps, miền đông nước Pháp. Người này lây cho năm người cùng ở chung trong một nhà tại khu nghỉ dưỡng. Tất cả số người trên đã được nhập viện để theo dõi và cách ly, khu nghỉ dưỡng được khử trùng. Chính phủ Pháp đã liên lạc với Anh quốc và Singapore để kiểm tra hành trình của khách này, đồng thời thực hiện việc theo dõi những hành khách đáp chuyến máy bay từ Geneva - sân bay lớn gần Contamines Montjoie với người đàn ông khi ông trở về Anh.

Việc lây nhiễm trên đã khiến các chuyên gia cho rằng tốc độ lây lan của virus Corona có thể trở thành đại dịch toàn cầu, nhưng thời điểm nào thì lúc đó không ai dự đoán được. Tổng cộng tới ngày 8/2/2020 cả nước Pháp mới chỉ có mười một ca nhiễm Covid-19. Số công dân được đón từ tâm dịch Vũ Hán về, sau thời hạn cách ly 14 ngày đều cho kết quả âm tính. Những biểu hiện bên ngoài cho cảm giác thấy virus Corona mới chỉ ở một phạm vi rất nhỏ, đều trong tầm kiểm soát của chính phủ.

Ngày 15/2, người đầu tiên tử vong là một khách du lịch người Trung Quốc 80 tuổi mắc cúm Covid-19 qua đời sau thời gian nằm viện gần một tháng tại Paris. Báo chí Pháp thông tin người đàn ông đó bị bệnh nền nặng. Tin tức này không làm cho dân Pháp chú ý lắm, họ nghĩ đây cũng chỉ như một loại virus cúm mùa hàng năm vẫn xảy ra. Kỳ nghỉ vẫn diễn ra bình thường, dân tình nô nức đi trượt tuyết, các tụ điểm vui chơi, giải trí vẫn náo nhiệt, hàng quán ăn uống vẫn nhộn nhịp, bởi vì châu Âu còn đang trong mơ màng chưa chắc chắn là virus có lây từ người sang người ở châu Âu hay không?

Cho đến cuối tháng 2, cả nước Pháp vẫn chỉ đang ở trạng thái cấp độ hai (Pháp chia dịch Covid-19 thành ba giai đoạn: Giai đoạn một là từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất Pháp, giai đoạn hai là khi virus xuất hiện ở một số vùng, giai đoạn ba - giai đoạn cuối cùng - khi dịch lây lan trên diện rộng cả nước).

Tại châu Á, tình hình càng trở nên trầm trọng khi Hàn Quốc bùng phát dịch, đặc biệt sự lây lan như cơn sóng thần chỉ qua một người phụ nữ 61 tuổi đi từ Vũ Hán về, bị nhiễm virus Corona mà vẫn tham gia các sự kiện của giáo phái Tân Thiên Địa khiến hàng nghìn người tiếp xúc gặp rủi ro. Một kế hoạch di tản cho những công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại Hàn Quốc, số lượng quá lớn. Ai cũng lo lắng, liệu Việt Nam có thể bị "toang" như Hàn Quốc không?

Tầm 11 giờ đêm Paris (5 giờ sáng ở Việt Nam) ngày 23/2, có tiếng "tích tích" báo tin nhắn qua Messenger.

Một bạn trong hội lưu học sinh 80-81 nhắn hỏi tôi: "Bên Pháp dịch Covid-19 thế nào Hương?". Tôi trả lời: "Bên này chưa có gì, mọi hoạt động đều bình thường, chợ vẫn đông, đường phố vẫn đông, phòng tập gym vẫn đông". Bạn ấy lo lắng báo: "Mình ra Hà Nội thấy căng lắm. Hàn Quốc, Nhật Bản dịch đang bùng phát, chiều nay Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp bất thường để lên phương án đối phó. Chính phủ có chỉ đạo ngầm không tổ chức hội họp, hội nghị, không đi nước ngoài, không đi công tác trong nước nếu không cần thiết. Hàn Quốc vỡ trận mất kiểm soát dịch bệnh rồi. Tình hình căng đấy! Mình cảm nhận sự căng thẳng và nguy hiểm".

Bạn ấy là một trong những người chịu trách nhiệm chính của sự kiện Hồ Tràm dự kiến vào ngày 21-22/3/2020, kỷ niệm 40 năm ngày vào trường hội chúng tôi. Thấy tình hình bạn báo căng như thế, tôi hỏi: "Thế sự kiện Hồ Tràm thế nào?". Bạn trả lời: "Mình đang nghe ngóng, nhưng chắc không mạo hiểm. Nhiều bạn đề nghị hoãn để đảm bảo an toàn, hơi lấn cấn vì đã ráp chương trình hết rồi, nhưng "cơm chưa ăn thì gạo còn đấy". Bạn còn hỏi: "Bây giờ từ Việt Nam sang các nước Âu Mỹ chắc khó hơn vì dịch, Pháp vẫn vào dễ chứ?". Tôi trả lời: "Hiện nay Pháp chưa cấm các nước từ châu Á, trừ Trung Quốc". Để giải tỏa không khí căng thẳng làm bạn ngủ không yên, phải thức dậy lúc gần sáng, tôi đùa: "Đừng lo, Việt Nam mà vỡ trận thì sang Paris, Hương cho ở một phòng để lánh nạn, gì thì gì bảo vệ "Trưởng bản" là nghĩa vụ của mỗi thành viên trong lưu học sinh 80-81!".

Cả hai cùng nhe cái mặt cười có cái lưỡi thè ra dài ngoằng, phần nào xua được tí căng thẳng. Tôi giục bạn: "Thôi ngủ tiếp đi!". Sáng hôm sau, tôi vừa ngủ dậy đã thấy thông tin trên nhóm về việc hoãn sự kiện Hồ Tràm. Nhanh và quyết đoán. Hụt hẫng, nhưng biết làm thế nào được, tình hình bất khả kháng rồi.

Theo kế hoạch, tôi sẽ bay về Sài Gòn ngày 8/3 để có thời gian cùng các bạn tập duyệt vài show cho sự kiện của chúng tôi, nhưng giờ vì dịch Covid-19, sự kiện bị hoãn. Tôi lưỡng lự: Hủy chỗ hay không hủy chỗ? Về hay ở, ở hay về? Cả ngày câu hỏi cứ xoay quanh cho một lựa chọn.

Từ Sài Gòn, chị gái, em gái, chị kết nghĩa gọi điện sang. Ai cũng lo lắng Việt Nam sắp tới có thể bị ảnh hưởng do đội quân lao động và học tập ở Hàn Quốc về lánh nạn sẽ mang dịch bệnh về nhiều. Mọi người khuyên tôi hãy ở lại Paris.

Thời điểm đó cả nước Pháp mới chỉ có vài chục ca nhiễm, số tử vong lưa thưa và toàn người tuổi cao, bị bệnh nền tim mạch, hô hấp, chính phủ Pháp sát sao chỉ đạo đối phó với dịch bệnh, điều kiện y tế của Pháp trong tốp đầu thế giới. Tôi có đầy đủ các bảo hiểm xã hội, y tế, việc khám chữa bệnh, thuốc thang không mất tiền. Cả châu Âu đến lúc này số ca nhiễm chưa quá vài trăm, số người thiệt mạng cũng chỉ mới vài chục, mọi việc dường như vẫn trong vòng kiểm soát, bởi thế, Pháp vẫn cho tổ chức giải bóng đá Champions League giữa Lion và Juventus.

Hơn 3.000 cổ động viên từ Ý theo chân đội Juventus để cổ động cho đội nhà. Họ không ngờ lúc này ở Ý đang âm thầm nuôi cấy một làn sóng lây nhiễm, dòng người sang cổ vũ đó chính là ổ dịch truyền cho dân Pháp sau đó. Lưu thông không biên giới giữa các nước Shengen vẫn mở cửa, là điều kiện tốt nhất cho việc lan tỏa của con virus thần chết này. Văn hóa không đeo khẩu trang, tôn trọng tự do cá nhân quá mức lúc này vô tình thêm điểm cộng cho quá trình tiến triển nhanh chóng, đồng loạt.

Cả châu Âu vẫn không mảy may nghĩ tới một tai họa thế kỷ có thể sắp giáng lên đầu họ. Không một ai chuẩn bị cho cuộc đại chiến vô hình mà họ không bao giờ nghĩ có thể đến với miền châu lục văn minh nhất nhì thế giới, với các điều kiện kinh tế, xã hội, y tế thuộc hàng đỉnh. Ở lại Paris sẽ an toàn, tranh thủ đi phòng gym đều đặn để chữa dứt điểm cái tay đau, cải thiện sức khỏe - kế hoạch trong đầu tôi dự kiến như vậy. Trong niềm hy vọng như thế, tôi vững tâm ở lại. Chiều chiều chăm chỉ đi tập, lấy hết can đảm để giao lưu với nhóm tập vì tập quán người Pháp gặp nhau dù không quen biết vẫn phải nói câu chào, chứ không là bất lịch sự.

Ai đó bảo gần gũi với thiên nhiên thì tâm trí sẽ được thư thái, sẽ lấy được niềm tin, sẽ nạp thêm năng lượng. Paris cả tháng trời sậm sụt mưa gió, may mắn xuất hiện một hôm trời không mưa, không lạnh lắm, gió thổi nhẹ. Tôi ra vườn hít thở, hưng phấn làm công việc của người chăm vườn, say sưa nhổ cỏ xung quanh những gốc hồng, lâu lâu lại kéo những nụ hồng đang nhấp nhỏm bung cánh để tận hưởng mùi hương thơm thoang thoảng, mát dịu truyền tới tận não. Cắt những cành hồng giâm vào nước đặc biệt giúp mọc rễ nhanh. Tôi trồng thêm hồng cho cô bạn thân hàng xóm ở Sài Gòn hẹn tháng 5 sang chụp hoa hồng. Nghĩ đến đó, một sự rộn ràng, hào hứng trỗi dậy, tôi khe khẽ nhâm nhi mấy câu đầu bài hát "truyền thống" của chúng tôi: "Có một thời gọi là tuổi thanh xuân, ai cũng qua và không bao giờ trở lại. Có một thời vẫn còn là thơ dại, như trăng sao vô tư giữa đất trời..." (Tự hào lưu học sinh - nhạc Đức Trịnh, lời Bùi Quang Tuấn/ Cù Thu Hương). Vừa hát, tôi vừa nhảy chân sáo, chẳng khác gì hồi bé vui sướng đón mẹ mỗi khi mẹ đi chợ về mua cho cái bắp ngô nếp luộc - món sở trường của tôi.

Muốn giữ tâm trạng thoải mái, gạt bỏ lo âu, hứa hẹn tháng 5 bình yên để đón bạn sang, tôi quyết định tối đó không vào xem tin tức. Lẩn mẩn làm mấy thứ cho trôi thời gian, đi ngủ muộn, tắt hết điện thoại, cả mạng. Sáng hôm sau thức dậy trễ hơn thường ngày, vừa bật lại điện thoại và vào lại mạng, thì ôi, một loạt bao nhiêu câu hỏi hiện lên: "Hương, Pháp thế nào rồi? Ý toang thật rồi, Pháp có bị gì không?". Mở vội trang tin tức, không tin nổi ở mắt mình!

Vừa mới tháng trước, chính thủ tướng Ý còn rất tự hào tuyên bố rằng Ý đã áp dụng một hệ thống phòng ngừa virus nghiêm ngặt nhất châu Âu. Cách đây một hôm chỉ có mấy trăm ca nhiễm, mà giờ đây sau có một ngày số nhiễm đã lên tới bốn con số, số ca tử vong tăng gấp cả chục lần, đặc biệt lại xảy ra ở vùng trù phú nhất, giàu có nhất nước Ý: Lombardy!

Tay cầm chuột máy tính mà không sao điều khiển được, luống cuống đưa chuột không chính xác, nước mắt trào ra xối xả, cảm giác cơn ác mộng đang tiến tới rất gần. Nó như những cơn bão tử thần, quét đến đâu là reo rắc thảm họa tang thương, chết chóc đến đó. Một cảm giác bất an làm đầu óc tôi quay cuồng, đau nhói, tay chân lóng ngóng, mắt trân trân nhìn vào màn hình máy tính, rồi lại nhìn vào khoảng không. Trời, mình đang sống ở thời đại nào thế này? Sao cuộc sống con người lại quá mỏng manh, quá dễ vỡ đến vậy?

Từ khi Ý vỡ trận, chỉ mấy ngày sau số người nhiễm tại Pháp tăng vù vù, từ vài chục, lên vài trăm, rồi đến cả nghìn, vài nghìn. Mỗi ngày mở mắt ra lại thấy đồ thị luôn là hình leo dốc về số lượng người nhiễm bệnh, tử vong, mặc dù biên giới các tỉnh của Pháp với tỉnh Lombardy đã đóng. Vùng Lombardy bị phong tỏa, nhưng trước giờ phong tỏa, hàng nghìn con người đã kịp tháo chạy, chỉ với suy nghĩ ích kỷ, ấu trĩ là sẽ thoát khỏi tâm điểm dịch, sẽ không nhiễm bệnh, nhưng họ không nghĩ rằng có thể chính trong số họ chạy trốn đó có người đã nhiễm bệnh, lại dẫn đường cho con virus ma quái càn quét khắp nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ... những ngày tiếp sau đó.

Trong lúc này, một số nước như Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển... đang tranh luận gay gắt về thuyết "miễn dịch cộng đồng". Có nhà virus học nêu học thuyết sau khi tỉ lệ người mắc lên đến 60-70% thì khả năng miễn dịch tự nhiên của cộng đồng sẽ khiến virus dần dần biến mất. Ông bảo virus Corona chủng mới không có vaccine, cơ thể con người phải tự đề kháng. Nếu học thuyết này được đưa ra áp dụng thì có thể phải trả giá bằng hàng loạt mạng sống, khủng khiếp như thời trung cổ. Miễn dịch cộng đồng sẽ đưa nhân loại tới một tương lai dẫm lên nhiều xác chết.

Đang ủi đồ, có tin nhắn của mẹ cháu Q hỏi Paris dịch cúm đang bùng phát hả chị? Em ấy than thở, lo quá vì cậu con trai 20 tuổi mới sang học trường thời trang tại Paris được gần năm nay. Cháu ho hai tuần, đi khám bác sĩ hai lần, bác sĩ bảo không sao, cho về nhà. Cháu xin đi xét nghiệm, chụp X-quang phổi nhưng không được. Thậm chí nghe mẹ xui, cháu gọi xe cấp cứu, khai nặng thêm, cũng không ăn thua. Xe cấp cứu đến đưa vô bệnh viện, khám xong có bắt hít thở, cậu bé thều thào không làm nhưng bác sĩ bảo phổi tốt, cho về, chỉ kê cho chai si-rô ho. Em lo con trai đã bị nhiễm bệnh vì tuần lễ thời trang nối tiếp từ Milan sang Paris đợt cuối tháng 2, cháu học thời trang nên đều tham dự, cô bệnh nhân về Hà Nội số 17 cũng có mặt tại sự kiện đó. Mẹ thì muốn con về Việt Nam, nhưng con không chịu về, sợ lên máy bay lại bị lây nhiễm.

Em than thở: "Khổ thật, ở Việt Nam nhiều người sợ, giấu không dám khai. Ở bên Tây cố khai cho nặng hơn vẫn không được nhận cách ly, thật ngược đời!". Trường cháu vẫn bắt đi học. Đi học trong tình trạng như vậy, vừa không tốt cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến các bạn, nếu cháu bị nhiễm sẽ lây ra cả lớp, cả trường. Mẹ cháu nài nỉ: "Chị ơi, cho em lời khuyên! Em giờ rối quá, chẳng nghĩ được gì hơn. Chỉ có chị mới hiểu em, chứ ba nó chẳng quan tâm. Em khổ tâm lắm, muốn con về để còn được xét nghiệm, nếu có nhiễm thì được vào viện ngay". Với bản năng là người mẹ, tôi thấy để cháu giữa "đất khách" trong tình trạng dịch bệnh thế này không an toàn. Các bệnh viện bắt đầu quá tải, phải ưu tiên cho những người già, sức đề kháng yếu, người mắc bệnh nền, còn người trẻ mà mới có hiện tượng ho, sốt nhẹ thì phải tự cách ly ở nhà, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi khuyên người mẹ mua vé ngay cho con về nước, báo với sân bay nơi đến, cho xét nghiệm và cách ly kịp thời vì sợ rằng cháu đã nhiễm bệnh.

Ngày hôm sau, tôi nhắn tin hỏi: "Em cho thằng Q về chưa?". Em nhắn lại: "Dạ, nó đang ra sân bay chị ạ. Nó còn dặn với mẹ là, nó sẽ khai báo ngay để được đi cách ly và xét nghiệm, gia đình không được đi đón nó. Con lo lúc lên máy bay ảnh hưởng mọi người nên hứa với mẹ sẽ dùng tất cả các biện pháp, tuyệt đối không tiếp xúc với ai, đeo khẩu trang, mang theo gel khử trùng, đi vệ sinh xong khử trùng luôn mấy chỗ mình đụng tay vào, vừa khử cho mình, vừa an toàn cho người khác. Mới sang đó chưa được một năm, mà nó trưởng thành nhiều, có ý thức giữ cho cộng đồng chị ạ".

 Giọng em vui hẳn lên. Sắp được đón con về có khác, mặc dù không giống như mọi lần được ôm nó ngay tại sân bay, còn lần này thì chỉ được nhìn nó qua màn hình điện thoại. Phải chờ 14 ngày cách ly mới có thể ôm nó vào lòng, cho nó ăn những món tự tay mình nấu. Chả có vấn đề gì chị ạ, 14 ngày chứ có đến 14 tháng mà trong sự an toàn, trong tình yêu thương của quê hương, của gia đình thì nhẹ như lông hồng. Em vừa nhắn động viên cháu: "Con cứ yên tâm thực hiện đúng, đầy đủ các qui định của Bộ Y tế tại sân bay và thời gian cách ly. Việt Nam đang làm rất tốt phòng chống và chữa trị". Trước khi chào, em ấy còn không quên nhắc tôi: "Chị đừng đi đâu nhá, cố ăn uống, giữ sức khỏe, tươi trẻ mãi để em còn đi khoe bà chị U60 mà đẹp rạng ngời".

Những câu chuyện, những lời hỏi tư vấn tác động khá mạnh đến tôi. Thực sự đi ra đường tôi thấy người dân bản xứ rất chủ quan, không phòng dịch gì cả. Khẩu trang không đeo, tại các nơi công cộng như siêu thị, hiệu thuốc, ngân hàng, bưu điện, rạp chiếu phim, phòng tập, nhà hàng, khách sạn... không có chai nước rửa tay; nước rửa tay khô hết sạch trong cửa hàng, khẩu trang cũng không có. Khủng hoảng về khẩu trang và nước rửa tay bao trùm khắp nước Pháp.

Nhà tôi khá rộng, có sân vườn, nhiều phòng, lại ít người, để vui cửa, vui nhà tôi cho mấy em, cháu ở cùng. Ai cũng bận, chúng tôi thường chỉ gặp nhau một lúc buổi tối. Với dáng vẻ mệt mỏi, vừa đi làm ở nhà hàng quận 5 về, em H chia sẻ: "Buồn quá chị ạ, dịch nên khách khứa ăn ít lắm, lại là nhà hàng châu Á, giờ dân Tây họ không muốn vào vì sợ lây virus. Ông chủ em cho nhân viên nghỉ bớt, may ông ấy thương hoàn cảnh khó khăn của em, vừa lo cho bản thân, còn phải lo cho đứa con gái bị u não đang điều trị trong bệnh viện, nhưng cũng chẳng biết còn được làm đến khi nào? Vì cuộc sống nên đành phải liều chị ạ. Đi làm, trong tàu điện ngầm em cũng sợ bị lây nhiễm lắm, chỉ biết phòng vệ bằng cách đeo khẩu trang, kệ cho dân tình nhìn". Em này hoàn cảnh éo le, cứ mỗi lần em kể là nỗi cảm thông của người phụ nữ với nhau trong tôi lại trào lên.

Em đưa con gái sang Pháp mổ u não cách đây ba năm. Con gái thứ hai lúc đó mới 9 tuổi, sau một cơn đau đầu dữ dội, bệnh viện ở Hà Nội phát hiện ra cháu có một cái u rất lớn ở vị trí hiểm, bệnh viện bó tay không mổ được. Cái u sẽ to ra và một lúc nào đó sẽ chèn vào mạch máu não, đe dọa đến tính mạng của cháu. Bố cháu trước học ở Pháp, đã gửi thư cầu cứu các bệnh viện của Pháp. Cơ may đến, một bệnh viện chuyên khoa ở Paris đồng ý mổ cho cháu. Người mẹ phải tạm biệt ba đứa con, trong đó cháu bé nhất mới bốn tháng tuổi, để đưa con gái thứ hai sang Paris mổ. Bệnh của cháu bé khá hiếm cho nên sau ba năm, cháu bé vẫn phải ở trong viện để các bác sĩ theo dõi, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Ba năm nay mẹ cháu chưa về Việt Nam, đứa con út giờ đã bốn tuổi chỉ gọi mẹ là cô mỗi khi gia đình gọi video. Cũng may em ấy xin được các chi phí ca mổ, thuốc thang, điều trị hoàn toàn miễn phí, bệnh viện còn mời giáo viên đến dạy học cho bé để khi bé bình phục hoàn toàn, bé có thể theo học với các bạn trường ngoài.

Em ấy vừa kể, vừa rơm rớm nước mắt: "Gia đình em mang ơn nước Pháp, mang ơn bệnh viện, cảm động lắm chị ạ, họ nhân văn lắm, các bác sĩ giỏi, tận tình, tốt bụng, thấu đáo. Họ là người sinh ra con gái em một lần nữa". Không biết trên thế giới này có bao nhiêu bà mẹ hy sinh như thế? Nhưng tôi dám chắc rằng ở Việt Nam thì ai là mẹ cũng đều vì con, vì gia đình mà hy sinh mọi cái chẳng tiếc đến tuổi xuân, sức khỏe, luôn nhận về mình những điều khó khăn nhất.

Con trai 15 tháng tuổi của cặp vợ chồng cháu T. A ở tầng dưới mấy hôm nay không được mẹ cho ra ngoài đường, khóc lóc, kêu gào, cứ chỉ tay ra phía ngoài. Nó đâu có hiểu nguyên nhân không được ra ngoài là vì bố mẹ sợ lây nhiễm dịch cúm, khổ thế. Nghe tiếng khóc não hết cả lòng. Tôi nói vợ chồng các cháu dọn cỏ trong sân, mua đồ leo trèo, lắp trong đó cho con trai chơi, đỡ được phần nào sự bí bách chỉ được đi lại trong bốn bức tường, thiếu không khí tự nhiên.

Ý, Tây Ban Nha, Anh và hàng chục nước trong khối cộng đồng châu Âu đang trong vòng lửa. Những con virus di chuyển thần tốc chẳng khác những biển lửa hung hãn muốn thiêu rụi cả thành phố trong chốc lát. Không chần chừ được nữa, 07 giờ tối ngày 12/3, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình công bố cả nước Pháp vào giai đoạn ba, giai đoạn cuối cùng khi mà dịch đã tràn trên phạm vi cả nước.

Dịch bùng phát như vũ bão ở Ý cho thấy sự di chuyển của virus này không có biên giới, không ấn định thời gian, có thể nó đã đến, đang đến và sẽ đến ngay cạnh ta. Tôi có thể làm được gì khi xung quanh không có sự chuẩn bị gì? Khi cảm thấy mối nguy hiểm đang gần đến và cái chính là chẳng nhìn thấy nó, chẳng biết nó sẽ từ hướng nào tới? Mất phương hướng hoàn toàn, đó là điều đáng sợ nhất! Tôi chia sẻ những bức xúc, băn khoăn, lo lắng với em cùng làm. Có thêm thông tin bên hàng không về khả năng sẽ ngưng vận chuyển hành khách từ Pháp về Việt Nam và ngược lại để ngăn chặn lây lan... Có thể rất lâu nữa đường bay mới lại thông thương.

Tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình thân yêu của tôi, nhớ chị, nhớ em, nhớ các cháu, nhớ bạn bè, nhớ công ty, nhớ những tiếng nói, nhớ tiếng cười khanh khách của mấy cô bạn thân, nhớ góc phố thân quen. Nhớ cả cái nắng hè oi ả, bỏng rát, nhớ những hạt mưa bất chợt, hối hả, vội vàng mỗi chiều của Sài Gòn.

Nhớ mặt Hồ Gươm với những bóng liễu như nàng thiếu nữ yểu điệu, lả lướt soi mình, trên những viên gạch bên hồ là nơi có lần nào đó bước dạo, ngượng ngùng, bẽn lẽn bên một bờ vai thân yêu. Nhớ cả cái rét buốt hay những ngày ngột ngạt trở nồm Hà Nội. Nhớ! Nhớ tất cả những gì thuộc quê hương dấu yêu của tôi...

Tôi muốn trở về nhà, muốn về bên mẹ, nước mắt cứ thế tràn ra, càng cố lấy tay chùi thì lại càng chảy ra tới tấp... Em gái cùng làm cất tiếng:

"Chị về đi! Chị nên về, về với mẹ đi. Dù sao thì gần gia đình chị sẽ yên tâm hơn, được bao bọc hơn, an toàn hơn, sẽ giải thoát được tâm trạng lo lắng, chị sẽ có sức khỏe. Còn em sẽ ở lại đây cùng gia đình và các con, sẽ cẩn thận phòng ngừa, còn nếu bị bệnh thì sẽ bình tĩnh chữa, em hy vọng sẽ qua khỏi".

Vòng Một

Mười bốn ngày ư? Mười bốn ngày phải hoàn toàn cách ly với xã hội bên ngoài? Mười bốn ngày chỉ ở một chỗ? Mười bốn ngày trong bốn bức tường? Bạn bè nhắn hỏi tôi đã chuẩn bị tinh thần cách ly chưa? Phải ngồi "bó gối" một chỗ với những người ít đi lại, đã là một thử thách, huống hồ đối với người di chuyển nhiều như tôi mà bạn bè và người quen thường đùa là thời gian ngủ trên máy bay nhiều hơn thời gian nằm trên chiếc giường của mình?

Vừa đứng xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm virus Corona, tôi phải tranh thủ trả lời tin nhắn của mấy cô bạn cùng học. Quyết định về gấp gáp quá nên tôi có báo gì cho tụi nó đâu.

Mấy đứa chúng tôi cùng là những học sinh được tuyển chọn đi du học nước ngoài khóa 80 - 81. Tôi và một đứa thì được phân học ở Liên Xô, sau một năm dự bị học tiếng ở hai thành phố khác nhau lại về học cùng một thành phố, khác trường, khác ngành học, bạn ấy thì học sư phạm chuyên ngành Tâm lý trẻ em. Còn tôi thì được phân học ở trường Đại học Tổng hợp, chuyên ngành Tâm lý tổng hợp.

Cô nàng kia được ưu ái hơn, đi học ở đất nước hoa hồng Bulgary, chuyên ngành Hóa thực phẩm. Mỗi đứa một hoàn cảnh, cuộc đời và sự nghiệp với những ngã rẽ khác nhau. Cô bạn học cùng thành phố với tôi có cuộc sống viên mãn cả sự nghiệp và gia đình, cô ấy vô tư lắm, lúc nào cũng thấy cười, chả bao giờ giận ai, nhiệt tình thì không ai bằng. Cô bạn kia và tôi có cuộc sống khá thăng trầm, cả hai đều cá tính mạnh, tự lập vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Suốt cả ngày hôm trước quần quật từ lúc quyết định về, ra sân bay, lên máy bay, trên máy bay và giờ đây là hạ cánh, về đến nơi cách ly, quả thật là tôi đã mệt đứ đừ... Đến lúc này, chả thấy ngán gì cái vụ cách ly nữa, chỉ muốn nhanh chóng được đặt lưng lên cái giường cho đỡ mỏi, rồi muốn ra sao thì ra.

Đang ngồi chờ hoàn tất khai báo để nhận phòng, hai nàng kia vẫn "buôn bán" khanh khách với nhau một bài vè sưu tầm vô cùng hài hước mà lại rất thực tế về chống đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước. Tôi bật cười thành tiếng khi đọc xong bài vè. Mấy người xung quanh nhìn tôi ngơ ngác không hiểu có chuyện gì, đang ở nơi cách ly, đang rã rời cả chân tay, người ngợm thế mà sao vui như bắt được của ấy. Chết mất với mấy mụ này, không lúc nào là không pha trò được.

Anh chỉ huy thông báo ưu tiên nhận phòng theo thứ tự những gia đình có cháu bé, những người tàn tật, người già rồi đến người nhiều tuổi, cuối cùng là các cháu sinh viên. Tôi được xếp vào trong số người nhiều tuổi nên được lên nhận phòng trước. Vừa đặt chân vào phòng là đúng giờ trưa, nàng "mãn nguyện" vội vàng hỏi:

- "Ăn uống gì chưa? Gửi mâm cơm cách ly xem nào?"

Thấy tôi trả lời chưa được ăn, nàng tiếp luôn:

- Ôi zồi, đói không? Hôm qua có kịp chuẩn bị đồ ăn gì mang về để ăn dần không?

- Có mang gì đâu, chuẩn bị đồ có hai tiếng, xách mỗi vali nhỏ về.

- Chết! Sao không chạy ra cửa hàng bên cạnh mua nháo nhào đi hử? Sao không bảo đứa nào nó mua hộ cho mấy cái bánh? Mệt bà thế!

- Làm gì kịp, không nhớ, mà cũng chẳng biết mang gì, vali nhỏ chỉ để đủ quần áo, các đồ cá nhân cho mười bốn ngày.

- Có ai cấm bà mang hành lý ký gửi đâu?

- Chẳng có ai cấm cả, tôi còn được tặng thêm hai kiện miễn phí vì là khách hàng triệu dặm của Vietnam Airlines, nhưng nghĩ về là vào nơi cách ly ngay, mang cồng kềnh thì phiền mọi người lắm. Thôi tôi chịu khó tý, bớt ăn uống nửa tháng vậy.

Nàng ý còn trách, quyết định về mà chả nhắn nhe gì.

Tiếp tục giật giọng hỏi:

- Nước uống sao?

- Có bình nước to đặt ngoài hành lang nàng ơi!

Hết lo lắng cho cái vụ ăn uống, nàng ấy quay về chuyện ở:

- Phòng mấy chục người à? Giường tầng như Thanh Xuân í nhể!

- Ờ, y chang như Thanh Xuân đấy!

Thanh Xuân nơi trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đóng, năm 1980 chúng tôi học ở đó. Nàng ý tra khảo thêm chi tiết, nào là tôi nằm giường tầng trên hay dưới, nào là có chăn không, nước nóng và chỗ tắm gội vệ sinh ổn không... Rồi thảo luận, các nàng chốt hạ danh sách gửi vào cho tôi: Chăn, nước Lavie chai to, trái cây, dao... Hai nàng còn đòi bổ sung giấy vệ sinh, hộp khăn giấy, vitamin C và cả một tô phở để tôi ăn ngay cho đỡ mệt. Tôi phải cản ngay lại là ở đây không nhận đồ ăn, mà các nàng đừng có lo, tôi sẽ quen, giờ vẫn chưa thấy đói, chắc quá bữa rồi.

Tôi biết có trấn an thế nào thì chúng nó vẫn không yên tâm, lo cho tôi, sợ tôi không quen khổ, sinh bệnh, dù rằng hồi bé tôi đã trải qua những tháng ngày sơ tán cơ cực, có thời gian ở rừng, nằm đất, nhặt khoai, mót lúa, trồng rau, nuôi gà, ăn bo bo thay cơm rồi những tháng ngày chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979...

Nhưng đã bốn mươi năm nay sống ở nước ngoài, cũng U60 chứ không còn trẻ nữa, lại hay bị dị ứng, da nhạy cảm, sức khỏe không tốt lắm. Nghe đến thế nàng "mãn nguyện" nhắc nhở ngay:

- "Đừng có sợ béo nhá, ăn ngủ nhiều vào, phải đủ ấm mà ngủ, hôm nào về thì kiêng sau".

Đúng lúc đó hai chiến sĩ khệ nệ hai tay hai túi đầy các phần cơm cho cả phòng. Hai gương mặt non trẻ, nhìn bấm ra sữa, mồ hôi lấm tấm trên trán, giọng nói thoát ra từ tấm khẩu trang:

- "Mời các cô, các chị, các em dùng cơm trưa ạ! Xin cả nhà thông cảm, bữa cơm trưa nay hơi trễ giờ vì đoàn về buổi trưa nên nhà bếp không kịp chuẩn bị. Từ chiều nay, suất ăn sẽ đến đúng giờ. Chúc cả phòng ngon miệng ạ!".

Trên màn hình điện thoại, nàng "thăng trầm" nhắn: "Em rể nhờ được bạn chuyển vào một chăn, năm chai nước, bánh qui, C sủi, hoa quả, một con dao, một thìa, một cốc. Trong chiều nay nàng Cù nhận nhé!".

- "Ui, nhất quả đất lun, tay đau thế thì nhờ người vác lên nhé", nàng "mãn nguyện" nhanh nhảu dặn tôi. Tôi có cảm giác như mình đang là một cô em nhỏ bé được các bà chị lo toan, chăm sóc. Nhìn những hàng chữ, nhìn suất cơm, tôi lại sụt sịt "mít ướt". Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi làm cho tôi thấy như mình đang ở nhà, đang ở cạnh người thân.

- "Đời thế là tươi rồi nhể! Giờ ngồi viết ký sự thôi!" Nàng "mãn nguyện" tiếp:

- "Làm trái táo cho tỉnh người đã rồi hãy viết!" Tôi đùa lại:

- "Ơ ơ, lại viết hả?"

Thấy thế là cả hai nàng đồng thanh:

- "Ơ hay! Giờ nhiệm vụ của nàng ở trển là chỉ có chụp với viết thôi! Tụi tôi có muốn cũng chẳng làm được. Mấy ai có cơ hội được trải nghiệm như nàng, làm đê! Mai cần thêm gì nữa để thằng em mua gửi vào tiếp".

Có thế thôi mà cứ nhộn nhạo, rộn ràng như mổ bò, mổ lợn ấy! Vui quá, tôi quên mệt nhào vào "buôn" cùng với một niềm hân hoan, phấn khích, trong lòng thầm nghĩ, chả đâu như ở quê hương mình. Yêu lắm những tiếng cười đó, những tấm lòng đó!

- Cơm tối có chưa nhể? Cho chúng tớ ăn ké với nào!

Vừa mới sáu giờ chiều nàng "mãn nguyện" đã nhắn hỏi. Đúng lúc tôi vừa mở hộp cơm ra, liền chụp ảnh gửi ngay cho hai nàng bạn. Và ngay lập tức một loạt câu hỏi, câu cảm thán được thốt ra:

- Ôi, ngon thế! Miếng gì thẫm màu mà như bọc bột thế kia? Phi lê cá tẩm bột chiên à? Thịt nạc rim à? Ơ thấy có cả miếng giò lụa này! Bắp cải luộc à? Cơm nhiều nhỉ? Lại cả cốc canh nữa. Nhiều thế này thì ăn như mèo kiểu nàng sao mà hết được! Thôi cố ăn nhé, cho có sức khỏe, giờ là rất cần khỏe đấy, không được bỏ phí đâu, công sức của bao nhiêu người đấy! Mà này, ăn xong nàng đừng có đi giao lưu linh tinh nhé. Trong phòng bảo nhau hạn chế nói chuyện vì còn chờ kết quả xét nghiệm chưa biết sao cả đâu. Xét nghiệm lần một chưa hết qui trình đâu. Có chuyện trò thì chỉ trên mạng thôi nhé!

Ngày mới ở khu cách ly bắt đầu sớm hơn thường lệ của tôi, thời gian rảnh trong ngày khá nhiều.

Nhớ lại cách đây bốn mươi năm, lần đầu tiên khăn gói xa bố mẹ đến Hà Nội vào nội trú tại ký túc xá trường Đại học Ngoại ngữ. Lớp A11 của tôi có chín đứa con gái, sống cùng nhau chín tháng trong căn phòng hai mươi mét vuông. Cả lũ lúc đó chỉ mới 17, 18 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, vô tư thế mà nhiều lúc cũng có những hiểu lầm, giận dỗi nhau. Cùng một thế hệ, cùng một trình độ, cùng một chí hướng, ở cùng hòa thuận được với nhau đòi hỏi cả một nghệ thuật và cố gắng của mỗi cá nhân, huống hồ ở đây mười sáu con người đủ các thế hệ từ 5X đến 10X, đến từ nhiều nước khác nhau, trình độ, văn hóa, nghề nghiệp khác nhau, cá tính mỗi người một vẻ, nên sẽ không thể tránh khỏi một số xung đột.

Khi chúng tôi nhận phòng thì trong phòng đã có hai cháu bay về đêm hôm trước từ tâm dịch Daegu, Hàn Quốc. Một cháu ở ngay giường tầng một đối diện với tôi. Đầu tiên tôi không để ý lắm, nhưng nghe mấy cháu giường bên cạnh lao xao:

- "Ôi, từ Daegu về, ghê thế, sao lại cho ở chung thế này, mà lại còn chưa xét nghiệm ở sân bay?"

Nghe thế, tôi hơi chột dạ, lo lắng. Hai giường khoảng cách chỉ tầm nửa mét, nhỡ mà sơ ý bắn giọt vào thì thế nào nhỉ? Tôi thấy sợ, người co lại, thậm chí còn không dám nhìn cháu ấy nữa! Trong thâm tâm lúc ấy thoáng có một sự kỳ thị. Đem sự lo lắng đó chia sẻ với hai cô bạn vàng đang trên mạng, các nàng thảng thốt kêu lên:

- "Ấy zà, phiền nhỉ! Hay là xin đổi phòng đi, chứ ở chung 14 ngày cơ mà!"

Dây cà dây muống thế nào, nhờ một bài trên Facebook của chồng nàng "mãn nguyện" mà lại tìm được người quen là quân nhân trong trường nơi tôi đang cách ly. Đó chính nơi mà bạn ấy đã ở trong thời gian huấn luyện khi còn trong quân ngũ. Hai nàng thấy thế giục ngay tôi gọi cho đồng chí quân nhân về cái vụ ở cùng công dân từ Hàn Quốc về. Đánh liều tôi quay số và gọi, từ đầu dây bên kia một giọng nói rất vui vẻ, tôi trình bày ngay vấn đề và được trả lời rõ ràng, rằng ở cùng với Hàn Quốc chính ra lại an toàn. Anh ấy nói:

- Đợt 25/2, hai dãy nhà gần 700 công dân từ Hàn Quốc về mà sau 14 ngày không ai bị dương tính cả. Hàn Quốc họ đã kiểm soát rất tốt từ sau đợt bùng phát tâm dịch, em cứ yên tâm nhé!

Nghe thế, tôi như trút được gánh nặng, lòng nhẹ hẳn. Trong khu cách ly là khu quân sự bởi thế không có Wifi, muốn sử dụng Internet, chúng tôi phải cài đặt gói 3G, 4G cho nên tôi không để mạng internet cả ngày. Vừa vào lại 3G, tín hiệu bên Messenger báo có tin nhắn:

- H ơi, trong khu cách ly thế nào? Ổn không?

- Ổn B ơi! Mỗi tội H chưa quen với giát giường cứng và đồ ăn.

- Ừ, thôi chịu khó vậy nhé! Đất nước mình còn nghèo mà, làm sao điều kiện như ở Pháp được, có được như thế này là cố gắng của cả nước rồi...

- Ừ, H biết mà, không sao đâu, sẽ quen ngay bạn ạ.

Lời động viên, nhắc nhở của người bạn cùng khóa làm tôi bớt đi cái đau lưng của cái giát giường cứng, sự ngon miệng quay trở lại... Phải cố gắng, phải cố gắng, tôi lẩm nhẩm, mình cũng từ nơi đây lớn lên mà.

Cô bạn gái thân nhắn gửi hỏi thăm. Ai ai đều lo lắng sợ tôi không quen, không chịu được. Tôi rất hiểu tâm trạng của các bạn tôi lúc này. Đúng là lúc gặp hoạn nạn nhất là lúc cảm nhận tình cảm ấm áp nhất, cho tôi thêm nghị lực để đi tiếp.

Lớn nhất trong phòng là một chị gốc Huế hơn tôi 10 tuổi. Ngay từ đầu ở chị ấy đã thể hiện sự thân thiện, đôn hậu, nhẹ nhàng, quan tâm, chăm chút rất giống chị gái tôi. Đặc biệt lại còn trùng tên với chị gái tôi. Hỏi thêm mới biết chị cũng là lưu học sinh đi Nga như tôi nhưng trước 10 năm. Chị học ngành Vật lý, nguyên là giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hai vợ chồng chị qua thăm con gái mới sinh cháu đầu lòng. Theo kế hoạch sẽ ở với cháu ba tháng, nhưng vừa mới sang được 10 ngày thì dính đợt dịch, tình hình tại Pháp căng quá, anh chị tương đối nhiều tuổi nên các con động viên bố mẹ về Việt Nam thì yên tâm hơn.

Có lẽ cùng học ở nước Nga cho nên tôi với chị trở nên thân thiết, kể cho nhau nhiều chuyện, ôn lại những kỷ niệm mà đời sinh viên ở Nga ai cũng trải qua. Tôi còn đọc cả mấy bài thơ của tôi cho chị nghe, chị bảo rất thích vì thấy nó thật, không màu mè, những lúc rảnh rỗi, tôi đọc thêm cho chị những tản văn tôi đăng trên trang Facebook cá nhân về bố, mẹ, những cảm nhận của    bản thân về hạnh phúc. Chị cứ tấm tắc khen, chị kể, chồng chị cũng có viết   hồi ký. Anh ấy là một cựu chiến binh, tác giả cuốn hồi ký về sư đoàn của anh chiến đấu, cuốn hồi ký mà những con chữ viết bằng máu mang tên "Có một thời như thế".

Tôi thật sự ngưỡng mộ về tình yêu của anh chị. Chị là con gái của một dòng tộc "Trâm anh, thế phiệt" cố đô Huế, xinh đẹp, học giỏi, là du học sinh từ nước ngoài về. Anh là cựu chiến binh, 81% thương tật với bao mảnh đạn còn dính trong người, là con trai út của một gia đình nông dân nghèo khó xứ Nghệ, bố mẹ già yếu là lão thành cách mạng hồi chống thực dân Pháp, quanh năm chỉ trông chờ vào thửa ruộng đã bị cát ăn bạc màu, bị phong hóa rất nhiều.

Đến với chị, anh chẳng có gì ngoài trái tim chân thành của người lính và một nghị lực vô biên đã được tôi luyện bằng máu trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Cảm phục cái chất trong con người anh, chẳng chê anh nghèo, chẳng chê anh thương tật, chị đã tặng lại anh một tình yêu như trong chuyện cổ tích, cùng anh vượt qua những ngày tháng gian khổ, đau ốm, bệnh tật, những vết thương về thể xác di chứng của những mảnh đạn, mảnh bom. Anh chị cùng nhau tạo dựng sự nghiệp, cùng nhau nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, giỏi giang, cùng nhau vun đắp gia đình hạnh phúc.

Chị rất cởi mở, hiền hậu, dễ mến, dễ gần, tôi kể chuyện về con trai, về bản thân cho chị nghe, thỉnh thoảng chúng tôi còn ôn lại mấy câu tiếng Nga nữa, vui ơi là vui. Thấy tôi lấy mấy lát gừng mang từ Paris ra ngậm để tránh viêm họng, chị đã cho tôi nguyên cả vốc kẹo gừng mà con trai anh chị gửi vào.

Hai hôm đầu, còn mệt, chưa quen lắm với suất ăn ở đây nên tôi ăn rất ít, chị cứ lo tôi bị đói, thế là lúc thì cái bánh ngọt, lúc thì quả quýt chị ghé tới để trên giường cho tôi, chẳng khác gì chị gái hay giục tôi ăn cái nọ, cái kia mỗi khi tôi    về nhà.

Nhìn anh, cạnh mắt còn cả vết sẹo, dấu vết của mảnh đạn để lại trong những trận đánh khốc liệt, nhưng ánh mắt không vì thế mà kém lấp lánh, vẫn hiện rõ sự dũng cảm, kiên định, nhân hậu, hiền lành, chất phác đáng mến. Tôi biết rằng, trên người anh mang đầy thương tích của bom đạn từ những trận đánh sinh tử, và ngay cả bây giờ còn rất nhiều mảnh đạn găm trong đầu, những vết sẹo và nỗi đau đớn bệnh tật vẫn còn đó, vẫn hàng ngày hiển hiện, nhưng tâm hồn anh lúc nào cũng đầy sức sống mãnh liệt, lòng quả cảm, ý chí kiên cường, tình cảm sâu sắc đối với đồng đội, với quê hương, với gia đình. Anh chính là hiện thân về bản chất cao đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thì các anh vẫn cứ là các anh, vẫn là hình tượng đẹp nhất, sáng nhất trong lòng mỗi người dân.

Khi biết anh chính là tác giả của hồi ký "Có một thời như thế", là một trong bộ ba tác phẩm với "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của liệt sĩ, anh hùng Đặng Thùy Trâm, các chiến sĩ phục vụ trong khu cách ly, từ chỉ huy đến người lính đều muốn nhìn thấy anh, được nghe anh nói, được nghe anh kể chuyện. Mặc dù chỉ là qua khẩu trang và cách xa nhau hai mét, nhìn không rõ lắm, âm thanh cũng không rõ lắm, nhưng họ vẫn cứ muốn gặp, muốn nghe, một cơ hội "có một không hai" để gặp được "người hùng" đã vượt qua những ngày tháng tột cùng của sự tàn khốc, tột cùng của sự đau thương, của sự chia sẻ sống chết vì nhau, tột cùng của sự hy sinh, một hình ảnh "người thực, việc thực" của người chiến sĩ, mà chính họ đang là thành viên. Những đoạn hồi ký của anh được tái hiện, cả một bức tranh về những trận đánh khốc liệt vẽ bằng máu cứ dần dần hiện ra. Các chiến sĩ lặng người vì xúc động, nghe từng đoạn trên loa như muốn nuốt từng câu.

Cứ tầm sau giờ ăn sáng và giờ ăn chiều, từ cửa sổ nhìn xuống sân, lại thấy anh chị ấy bên nhau, chẳng khác đôi chim cu. Nhìn ánh mắt, cử chỉ họ trao nhau như đôi bạn tâm giao, tri kỷ, tôi biết rằng anh chị ấy có thể không giàu có nhưng họ có một cuộc sống tình cảm vô cùng viên mãn.

Nhìn theo bóng anh chị, nước mắt cứ chảy vòng quanh, nghẹn ngào. Hạnh phúc đâu phải tìm nơi xa xôi nào, chỉ giản đơn thế thôi, sao mà tìm kiếm khó khăn thế? Phải chăng nhiều khi chúng ta đã quên mất cái gì làm nên hạnh phúc?

Đâu phải chỉ ăn ngon, mặc đẹp, đâu phải cứ nhà cao, cửa rộng, tiền tiêu không hết, công ty lớn, công ty bé, đâu phải cứ ông nọ, bà kia thì mới là hạnh phúc. Đó chỉ là phù du, rồi một lúc nào sẽ thấy đơn côi, trống rỗng khi bên cạnh ta không có một tâm hồn, một trái tim đồng cảm. Có phải ta mải mê kiếm tìm những bữa cơm ngon, những bộ quần áo đẹp, những căn phòng hào nhoáng, những chiếc xe bóng lộn, chúng ta mải theo đuổi sự nghiệp, công danh, địa vị để rồi mà quên hết không giữ lại cho mình những khoảng lặng trong tâm hồn, không biết giữ gìn, trân quí những cảm xúc, sự đồng cảm rất đỗi đơn sơ, bình dị trong mỗi ngày.

Cạnh giường bên phải là một chị sinh năm 1959 quê Hà Tĩnh, một phụ nữ chân quê từ lời nói đến trang phục mặc dù sang Paris ở với con trai, con dâu và cháu nội một thời gian dài.

Cô con gái cả sống ở Hà Nội, lo cho mẹ lắm, gửi cả điện thoại để bà có thể bật nói chuyện video với các cháu nội, cháu ngoại từ Paris, Hà Nội đến miền quê Hà Tĩnh. Chị rất tin tưởng tôi, có việc gì là hay hỏi tôi, kể cả khó ngủ, đau đầu, khó thở. Một đêm khá khuya tầm 2 giờ sáng, cả phòng đã ngủ yên, tôi vừa đóng máy tính, đặt mình xuống, nhìn sang thấy chị ấy cứ ngồi trên giường hai mắt mở to, tay ôm đầu, giọng thều thào:

- "Em ơi, chị thấy mệt quá, mặt cứ nóng bừng, ngực như muốn nổ tung ra...".

Nghe thế, tôi vùng dậy, chạy đi báo bác sĩ trực ở tầng 1. Một tiếng sau hai nhân viên y tế đưa chị quay lại giường, họ nói chị bị tăng huyết áp, họ đã tiêm thuốc và ổn định rồi. Thật hú vía! Lúc này chị đã nằm yên trên giường, thở đều, tôi còn dặn, có gì chị cứ kêu em nhé, không sao đâu, em ngủ tỉnh lắm.

Buổi tối, tôi thường ngủ muộn tranh thủ yên tĩnh về đêm mới viết được cái gì đó, sáng hay dậy trễ. Cháu giường bên trái từ Hàn Quốc đi ngủ và dậy rất điều độ, đúng giờ, thường lấy suất ăn sáng để trên giường cho tôi. Cử chỉ đó của cháu thật mến thương khiến tôi rất xúc động. Tôi hay trò chuyện với cháu. Cháu cùng chồng từ Daegu trở về sau 8 năm làm công nhân một nhà máy giày ở đó. Hai vợ chồng định làm cố thêm một vài năm nữa mới về để thêm tý vốn liếng, nhưng bố chồng mất đột ngột, cả hai quyết định thu xếp về hẳn. Cháu quê ở Hà Nam, còn chồng quê Thanh Hóa. Hai vợ chồng thông báo về nhà với mẹ, mẹ chồng nhắn luôn:

"Sau cách ly thì về nhà ngoại chứ đừng về nhà nội, vì dân làng bây giờ họ sợ những người từ nước ngoài về lắm. Chúng mày mà về đây thì dân làng sẽ không đến thắp hương cho bố mày đâu. Hai đứa trẻ con, mẹ sẽ gửi ra nhà ngoại để chờ chúng mày về".

Nét mặt buồn buồn, cháu tâm sự, hiện nay dịch bệnh các nơi trên thế giới bùng phát, thông tin nhiễu loạn, nên ở quê người dân họ chẳng phân biệt là có giấy chứng nhận âm tính hay không mà cứ thấy ở nước ngoài về là họ kỳ thị, xa lánh, thậm chí đặt xe để về quê mà nói là từ nước ngoài về, đều bị từ chối, kể cả người quen, họ xin lỗi:

"Thông cảm cho anh, mùa dịch mà! Anh mà chở em dân họ biết, họ lại tẩy chay không đi xe anh nữa".

Cháu còn kể, dân Hàn Quốc cũng kỳ thị nhau lắm, kể cả trong cùng gia đình. Nhà máy chỗ cháu làm việc, có một cậu người Hàn Quốc, tình cờ đi qua vùng có người dính virus, thế là cậu đó phải đi làm xét nghiệm, may là không bị sao, nhưng lúc quay trở về gia đình, bố mẹ nhất định không cho vào nhà, giải thích thế nào cũng không được, bắt phải ra khách sạn ở. Nghe mà vừa thấy hài hước, vừa thấy đau lòng, cười ra nước mắt, chẳng trách ai được, ai cũng có cái lý đúng của họ, chỉ còn biết giải thích với nhau: Tại mùa dịch!

Cô em ruột của tôi sống ở thành phố Hồ Chí Minh trong một khu phố khá yên tĩnh, có khoảng sân chơi cho trẻ em và những người già, về hưu tập thể thao. Đường nội bộ sạch sẽ, cây trùm bóng mát cho nên cứ sáng sớm và chiều từ 3 giờ, không chỉ những cư dân trong khu mà một số người còn đi cả xe đạp đến để đi bộ, chơi cầu lông, chơi đá cầu, trẻ em thì chơi bóng, nhảy dây... rất đông vui, nhộn nhịp cứ như trong công viên. Kể từ khi thông tin bệnh nhân số 34 có tiếp xúc với một người ở cách con phố nhà em tôi hai ba phố, khu phố nhà em tôi vắng vẻ hẳn, chẳng thấy ai đến tập thể thao, đi bộ nữa.

Cạnh nhà em tôi là một gia đình có con gái làm trong đoàn tiếp viên của Việt Nam Airlines. Cô con gái trong đội tình nguyện đi đón công dân ở Canada về tránh dịch, thời gian trên máy bay, tiếp xúc với hành khách đều qua bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, kính che giọt bắn và khẩu trang. Sau khi trở về, cô đã ở cách ly ba ngày tại cơ quan để chờ kết quả xét nghiệm virus âm tính, cô trở về nhà mẹ và tự cách ly thêm 14 ngày trong phòng của mình. Thường ngày mẹ cô phụ trách tổ văn nghệ khu phố đó, từ 5 giờ 45 sáng tiếng nhạc tập thể dục nhịp điệu đã rộn ràng cho cả đội. Từ hôm con gái trở về, tất cả các thành viên trong tổ đều không đến tập, cà phê buổi sáng nữa. Duy chỉ có một thành viên và em gái tôi vẫn chạy qua chạy lại, em gái bảo với bà mẹ:

- "Bà cứ yên tâm, con lúc nào cũng bên bà dù trong hoàn cảnh nào".

Việc cẩn thận phòng chống là rất đúng, nhưng nhiều khi suy nghĩ và hành động thái quá sẽ làm tổn thương nhau, em gái tôi kết luận:

- "Chị ạ, nhiều khi phải đối đầu với virus không sợ bằng đối đầu với sự kỳ thị".

Mới có một ngày sinh hoạt chung mà đã phát sinh cả một loạt vấn đề. Trước hết là vệ sinh công cộng. Cái nhà tắm, nhà vệ sinh dùng cho hai phòng 201 và 202 gồm 32 người. Tình hình giấy vệ sinh không được bỏ vào trong túi rác bên cạnh mà bị nhét hết vào bồn cầu nên bồn cầu bị tắc, mùi khó chịu bốc lên, nước, rác tung tóe ở hành lang, nhà tắm thường xuyên bị chốt cửa. Căng đây! Cần phải thống nhất nguyên tắc sinh hoạt chung trong 14 ngày.

Một em sinh năm 1974, dáng chuẩn thể thao đề nghị tôi cùng em đó đại diện phòng này. Hai chị em sang phòng bên cạnh để nói chuyện với bên đó chia lịch trực vệ sinh mấy khu vực sử dụng chung. Lịch làm vệ sinh, qui định nơi để giấy vệ sinh... đều được thông qua nhanh chóng, vui vẻ. Chỉ có khi bàn đến vụ chốt cửa thì gặp sự phản ứng khá mạnh của 3 cháu trong phòng đó. Các cháu nói các cháu còn nhỏ, còn con gái nên không muốn bị ai đó nhìn thấy thân thể mình, từ bé đến giờ các cháu được gia đình dạy dỗ như thế.

Tôi và em đi cùng cố thuyết phục, giải thích là không ai muốn như vậy, nhưng đây là ở tập thể, chỉ có 14 ngày, trong một hoàn cảnh không ai mong muốn, thì phải chịu hy sinh một chút chứ 32 con người, ai cũng chốt nhà tắm một tiếng thì một ngày không đủ cho mỗi người vào đó một lần. Nói qua nói lại, em cùng đi với tôi còn cáu lên đưa ra dẫn chứng con gái của em đang ở cùng nơi cách ly mới có 17 tuổi, ở nhà có phòng riêng, không bị chung đụng mà giờ đây cũng theo số đông không một lời kêu.

Kết quả ba cháu đó vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến của mình. Thôi đành, trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời. Và tất nhiên, đất chịu nhiều quá cho nên có hôm "tức nước vỡ bờ" gây ồn ào, cãi cọ vì người ở ngoài thì muốn vào, mà người ở trong thì không cho. Phải chăng "giáo dục gia đình" là một vấn đề nổi cộm từ xưa cho đến nay trong hình thành nhân cách và cá tính của mỗi cá thể?

Đấy là chuyện bên ngoài phòng. Còn trong cái phòng 202 nơi tôi ở cũng phát sinh khối chuyện.

Trước hết là việc qui định giờ ngủ, giờ tắt điện. Hai mẹ con em sinh năm 1974 thì không phàn nàn gì. Cô con gái có vẻ sống khá nội tâm, ngoài giờ ăn và đi thể thao cùng mẹ, cháu thường ngồi thu lu trên chiếc ghế đặt ngoài hành lang, hai bàn tay thoăn thoắt xoay rubik, hoặc đọc sách trên giường tầng của mình, đi lại rất nhẹ nhàng, ý tứ, thường hay thu gom rác, các vỏ hộp cơm đã ăn trong phòng đem ra thùng rác ngoài hiên.

Mẹ con em ấy theo chồng sang Paris, làm việc ở cơ quan đại diện của Việt Nam Airlines tại Pháp, cậu con trai lớn đang học đại học ở Úc, con gái nhỏ     bắt đầu vào đại học ở Paris. Gia đình thuộc diện có điều kiện, nhưng họ sinh hoạt khá bình dân, không hề phô trương, không hề ồn ào, tuân thủ nghiêm túc qui định cách ly tại đây. Ở trong khu cách ly nhưng em vẫn giữ nếp chạy bộ buổi sáng và buổi tối đều đặn hai tiếng mỗi ngày, nhờ vận động thường xuyên, em có một thể lực rất tốt. Hai mẹ con luôn ăn hết suất cơm bộ đội một cách ngon lành.

Mất trật tự nhất là ba cháu gái giường góc trái của phòng. Cả ba đều là du học sinh từ Pháp, đều có gia đình ở Hà Nội. Một cháu chuẩn bị thi tú tài, bố mẹ có nhà hàng ở Tây Ban Nha, cháu kia học đại học năm nhất, bố hình như là cán bộ cao cấp, còn cháu nữa sinh năm 1989 đã có một con trai nhà ở phố cổ. Ngoài đồ của gia đình gửi ùn ùn thùng nọ thùng kia, cháu mà bố mẹ là chủ sở hữu một nhà hàng ở Tây Ban Nha còn đề nghị mẹ chuyển vào hẳn một cái tủ lạnh để đựng đồ ăn. Hình như cảm thấy chưa đủ, các cháu còn đặt trên mạng đủ thứ đồ ăn vặt. Dường như cả cái chợ ăn vặt của Hà Nội đã được ba cháu này chuyển vào khu cách ly, nào là nộm chân gà rút xương, gỏi cuốn, nào là trà sữa chân trâu đủ loại, nào là mỳ hàn, bánh bông lan... Loa phóng thanh gọi tên các cháu xuống nhận đồ liên tục. Có những lần tôi chứng kiến thấy cơn tức giận của một cháu khi người lái xe gia đình mang đồ đến và ngoài cổng doanh trại không cho gửi món đồ đó vì là hàng tươi sống.

Một góc phòng chen nhau là các thùng đồ ăn, đồ mặc của các cháu mà gia đình kịp gửi vào. Cả ngày kéo dép lê quèn quẹt ra vào, miệng ăn tóp tép thành tiếng, hò hát, cười nói xả láng như ở trong phòng riêng của mình. Giọng to như loa phóng thanh đập vào màng nhĩ tất cả những ai có trong phòng. Tôi nhìn sang giường đối diện thấy chị người Huế toàn phải quay mặt vào tường và chùm chăn kín đầu, có lẽ để tránh bớt sự ồn ào chối tai đó. Cử chỉ phản ứng kín đáo của chị chả làm cháu kia bận tâm tý gì. Ở nơi cách ly mà cứ theo nếp sinh hoạt tự do thích gì làm nấy, thích gì nói nấy như ở nhà. Buổi trưa và buổi tối còn rủ cả bạn trai tới ngồi bộ tứ trên giường đánh bài. Một ngày thì chịu được, nhưng đến ngày thứ hai các cháu vẫn tiếp diễn, có phần còn sôi động hơn, như muốn khoe khoang mức độ chịu chơi theo mốt "thời thượng" làm cả phòng, ai cũng bức xúc.

Hai chị em sinh viên ở tầng trên giường tôi không chịu được hơn nữa, đề nghị phải qui định giờ ăn, giờ nghỉ, chơi, học, bởi vì các cháu đều phải học trực tuyến. Cả phòng nhất trí, riêng ba cháu vẫn tiếp tục tụ tập, chỉ khác là không vào giờ trưa nữa mà chuyển sang chiều. Theo chương trình, các trường đại học tại Pháp đã chuyển sang học trực tuyến, trả thi trực tuyến, không hiểu sao mà ba cháu này chỉ thấy trực tuyến xem phim, nói chuyện tào lao chứ chẳng thấy học hành gì. Tôi phải dùng quyền trưởng phòng đề nghị các cháu giải tán vì những hành vi các cháu đang tái diễn vừa sai qui định nơi cách ly, vừa gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người trong phòng.

Góc cạnh cửa ra vào phía trước là giường một cháu gái nhỏ nhắn, có gương mặt xinh xắn, giọng nói truyền cảm, nụ cười rạng rỡ sau cặp kính cận, cháu luôn chào hỏi rất lễ phép. Tôi bắt đầu để ý đến cháu vì tối nào thấy cháu sau khi xong khóa học trên trực tuyến lại hí húi viết gì đó rất chăm chú. Trước khi sang Pháp, cháu đã vào Học viện Ngoại giao ở Hà Nội học được đôi năm. Vì yêu nước Pháp và theo tiếng gọi của tình yêu, cháu đã vượt mọi khó khăn, đả thông tư tưởng bố mẹ, với quyết định của mình, phỏng vấn thành công vào trường Đại học tổng hợp Paris - Saclay. Tôi dần thân với cháu vì sở thích viết giống nhau. Khi biết tôi viết ký sự, được nghe đọc những đoạn viết, cháu thốt lên:

- "Cô viết hay quá, cháu cũng viết nhật ký những ngày này cô ạ, nhưng cháu chỉ như kể lại chứ không viết cảm xúc, dùng từ văn học được như cô".

Chúng tôi kết bạn Facebook, cháu cho tôi xem những dòng nhật ký của cháu, tôi động viên cháu hãy cứ viết đều đặn, để giữ lại cho bản thân những kỷ niệm. Về cách hành văn sẽ học dần rồi sẽ hay lên, cơ bản là mình thích viết, muốn viết. Cháu sinh ra trong một gia đình đông con, thêm nuôi bà nội hơn 90 tuổi, thu nhập cả nhà chỉ trông vào cái quầy bán hàng tạp hóa của mẹ trên một khu phố lao động. Để có tiền cho cháu du học, bố mẹ đã phải vay mượn họ hàng. Thương bố mẹ, biết ơn bố mẹ, những giờ học đối với cháu không chỉ là cho bản thân mà cho cả đại gia đình, cháu tận dụng tối đa thời gian, cơ hội để nạp kiến thức. Mới sang được một năm, ngoài giờ lên lớp, cháu đã có việc làm thêm là đi đưa đón trẻ em và làm gia sư vài tiếng một ngày cho một gia đình người Việt tại Paris.

Cháu thủ thỉ, giờ đây tiền tiêu hàng tháng cháu đã tự lo được. Càng ngày tôi càng mến, cảm phục cháu và biết rằng chẳng bao lâu nữa với sự tự tin, nghị lực vượt khó của mình cháu sẽ thành một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mình học, cháu sẽ đền đáp được tấm lòng, công sức của bố mẹ, anh chị em trong gia đình.

Theo kế hoạch, tôi sẽ cùng một nhóm bạn đi du lịch ở Côn Đảo vào ngày 18/3. Chúng tôi đã mua vé trước đó cả 6 tháng, khách sạn đặt hết rồi. Đúng lịch trình, các bạn ấy sẽ tổ chức cho tôi một sinh nhật thật mơ mộng trên đảo, xung quanh là biển, trong vòng tay bạn bè. Dịch bệnh tràn về, mọi cái thay đổi, chẳng thể theo kế hoạch được. Sinh nhật lần thứ 57 mà lại cứ tưởng như là 17 bởi vì lần này chẳng phải ở Paris lộng lẫy kiêu sa, cũng chẳng phải nơi mẹ đã cho tôi ra đời là Hà Nội phố cổ có cây bàng lá đỏ, cây cơm nguội vàng hay thật lãng mạn trên đảo, dưới bầu trời đầy sao, xung quanh là cát và sóng biển rì rào... Sinh nhật lần này ở một nơi như thời thanh xuân tuổi 17 bước vào cuộc sống tập thể - ký túc xá với 16 người lần đầu tiên biết nhau, đủ các lứa tuổi, trở về từ nhiều quốc gia, tập trung cùng nhau để học bài học "cách ly"! Có mơ cũng không bao giờ có cảnh mình lại ở trong ký túc xá Quân đội này để cùng những người bạn xa lạ tổ chức sinh nhật!

Càng ngẫm thấy đời mình nhiều cái đặc biệt. Nào là từ bé thích làm phóng viên, nhà báo mà lại thi đại học khối A, đại học thì học ngành tâm lý, ra trường lại gắn với nghề thời trang, rồi kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý công ty... Toàn nghề "tay trái!".

Và giờ đây, chẳng theo một kế hoạch nào, được anh Covid-19 cử đi học lớp sáng tác ký sự: "Mùa dịch Covy tại trung tâm đào tạo cách ly tập thể". Thường thì tới năm mươi phần trăm là đời chọn nghề chứ người không chọn nghề, đối với tôi làm nghề gì cũng được miễn là làm người tốt, tâm thiện. Vì thế sinh nhật ở đâu cũng được miễn là lúc nào cũng được yêu thương, được chăm sóc, được nhận nhiều lời chúc thân thương, ấm áp, được quan tâm là hạnh phúc lắm rồi.

Từ sáng sớm nàng "mãn nguyện" và "thăng trầm" đã nhắn cái mặt cười, trêu:

- "Hôm nay có khi phải điều người phân luồng xe vào cổng Trường Quân sự, vì sợ có quá nhiều xe chở bánh kem và hoa hồng đến?".

Tất nhiên các nàng ấy cường điệu lên một tý, nhưng thực tế tôi đã phải chạy xuống sân liên tục vì tiếng loa báo xuống nhận quà, hoa... Có món quà gửi bưu điện từ thành phố Hồ Chí Minh, chỉ là những gói hạt điều bùi ngậy với lời nhắn:

"Gửi cho em và các bạn trong phòng nhấm nháp đỡ buồn nơi cách ly".

Cả một thùng gồm bánh, trái cây nho táo, bánh tẻ, bánh gai của những người bạn, người em chuẩn bị để chị mời các bạn trong phòng... Biết bao lời chúc trên mạng xã hội:

"Chúc mừng tiểu thư chị, luôn hạnh phúc, bình an và tràn đầy niềm vui trong cuộc sống!", "Chúc sinh nhật vui vẻ, mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc. Chúc nàng có nhiều tác phẩm hay trong thời gian ở trại sáng tác hiện nay nhé!", "Tuổi mới nhiều niềm vui, năng lượng, may mắn và hạnh phúc! Sinh nhật này thật đặc biệt nhỉ!", "Chúc mừng sinh nhật đặc biệt, ở một nơi thật đặc biệt. Chúc nàng sẽ có nhiều ký sự hay!"...

Tôi ngập trong biển những lời chúc, trong biển hoa thực tế và hoa trên mạng. Bông hoa nào cũng quí, cũng đều mang đến cho tôi niềm vui, đong đầy cảm xúc yêu thương, hạnh phúc, tiếp thêm cho tôi sức trẻ, và niềm tin yêu cuộc sống.

Ở trong khu cách ly, thực chất chúng tôi chỉ bị cách ly về vật lý, về không gian, chứ còn về tinh thần, thông tin thì không hề có sự cách ly, mà còn mật thiết hơn bình thường. Có nhiều thời gian hơn để mà sâu sát nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều thông tin hơn.

Những ngày này, tôi giống như nhiều người đang thay đổi vận tốc trong cuộc đời: Nhịp sống chậm lại hẳn, dành thời gian để lắng xuống nghĩ suy, để tự cảm nhận được những tiếng thầm thì nội tâm mình, và sự ồn ào, nháo nhác, hỗn độn xung quanh. Mình đang sống, mỗi ngày trong hai sắc thái đối lập nhau như thế. Càng hiểu rằng, hai sắc thái đó không thể tách rời nhau, không thể triệt tiêu nhau mà phải hòa thành một màu dễ chịu nhất. Lúc này đây, càng thấy cuộc sống quí giá biết bao nhiêu.

Mỗi thành viên dù là sinh vật biết nói hay không biết nói trên trái đất này đều như là một mắt xích nhỏ gắn kết với nhau trên một động cơ đang chạy, không thể khuyết mắt xích nào.

Vẫn theo thói quen từ khi dịch bắt đầu bùng phát trên diện rộng ở nhiều nước trên thế giới, hễ lúc nào rảnh rỗi tôi lại lên mạng xem các tin tức, theo dõi tình hình diễn biến dịch và cách thức các quốc gia chống dịch.

Chị gái tôi, người hay tìm đọc và suy nghĩ về những cái mới trong khoa học, đặc biệt là những thông tin thuộc chuyên ngành vi sinh của chị. Từ những ngày Corona virus xuất hiện ồ ạt trong các bệnh viện, trên đường phố, trong nhà dân ở Vũ Hán, chị đã chia sẻ khuyến cáo của Bộ Y tế Canada cho công chúng rằng:

"Dịch cúm lần này là rất nghiêm trọng. Phương pháp phòng ngừa là giữ cho cổ họng ẩm, đừng để cổ họng bị khô. Do đó, đừng để khát nước vì một khi màng trong cổ họng của bạn bị khô, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn trong vòng 10 phút. Người lớn nên uống nước ấm 50-80 độ C, 30-50 độ C cho trẻ, tùy theo độ tuổi. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cổ họng bị khô, đừng chờ đợi, hãy giữ nước trong tay. Đừng uống nhiều một lúc vì nó không giúp ích gì, thay vào đó hãy tiếp tục giữ ẩm cho cổ họng. Cho đến cuối tháng 3, tránh đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt trên tàu, phương tiện giao thông công cộng. Tránh thực phẩm chiên hoặc cay và cần nạp thêm vitamin". (Nguồn: Khuyến cáo từ Bộ Y tế Canada).

Chị gửi cả hình ảnh đeo khẩu trang y tế đúng cách phòng ngừa virus Corona theo đúng hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới (WHO) qua sưu tầm của một người bạn cùng khóa. Có kinh nghiệm của chuyên gia y tế ở Vũ Hán, kết hợp với thực tế dân gian Việt Nam từ bao đời nay như dùng tỏi để phòng chống cúm phát huy hiệu quả. Chị gửi tin nhắn cho tôi về phép thử thông thường mỗi sáng để kiểm tra xem bản thân có nguy cơ nhiễm virus Corona hay không. Chị nhắc pha nước gừng nóng, súc miệng nước muối sâu trong cổ họng, xoa dầu con hổ và massage quanh cổ ngay khi bị ngứa cổ, sụt sịt. Trong suốt thời gian cách ly, tôi đã thường xuyên uống nước ấm, đeo khẩu trang, rửa tay như một "phản xạ có điều kiện".

Ngay từ cuối tháng 1 khi dịch mới bùng phát, một người bạn lưu học sinh học cùng thành phố Leningrad với tôi là tiến sĩ giáo dục học mới nghỉ hưu, đã đưa ra ý kiến của bản thân trên mạng xã hội mong muốn Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc trên tất cả các con đường hàng không, đường thủy, đường bộ khi thấy hơn năm triệu dân Vũ Hán tháo chạy khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.

Đầu tháng 3, bạn lại tiếp tục kêu gọi đóng cửa với Mỹ và các nước châu Âu khi dịch bùng phát ở các nước này. Bạn chia sẻ sự lo lắng khi biết về mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của virus này. Con trai và con dâu bạn đang làm việc tại Thụy Điển, nơi chính quyền áp dụng chiến lược "miễn dịch cộng đồng". Ngày nào bạn cũng nhắn gửi các con tin tức, nhắc nhở về biện pháp phòng chống dịch. May là các con bạn hiểu rằng chúng chẳng thể có ý kiến tác động gì đến quyết định của chính phủ Thụy Điển, nên tự phòng chống dịch là cần thiết và hy vọng Thụy Điển kiểm soát được tình hình nhờ việc các nước xung quanh đóng cửa biên giới với Thụy Điển. Các con bạn thường xuyên thông tin về cho bố mẹ tình hình nơi con ở. Người dân xung quanh rất tự giác trong việc tự cách ly bản thân để không lây cho người khác, họ có trách nhiệm với cộng đồng. Chỉ riêng một số người già thì không chịu ở nhà, vẫn đi chơi như thường, không phải là họ vô ý thức, hay chủ quan, mà chỉ vì họ không thể chịu được cảnh ở trong bốn bức tường. Họ cần không khí. Có thể tuổi già làm cho họ quên đi sự đe dọa sức khỏe và tính mạng, họ chẳng sợ chết mà chỉ sợ không được hít thở không khí thiên nhiên.

Những ngày đầu tháng 3, khi đỉnh dịch bắt đầu tại châu Âu, với mong muốn đóng góp hiểu biết của mình bạn ấy đã tự tin gửi thư ngày 12/3/2020 cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trình bày năm vấn đề cấp bách theo nhận định của bản thân: Đó là dịch cúm này không phải là dịch cúm mùa thông thường như các nước châu Âu đã chủ quan phán đoán, người dân được khuyến cáo chỉ những người bệnh, nhân viên y tế mới đeo khẩu trang, trường hợp khẩu trang y tế khan hiếm, người dân có thể dùng khẩu trang vải để tránh những giọt bắn, giảm nhiều nguy cơ lây lan, đó cũng chính là biện pháp thế kỷ trước áp dụng cho dịch cúm Tây Ban Nha. Tiếp theo là kiểm dịch và cách ly, giãn cách xã hội là những biện pháp cần thiết cấp bách hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn lây lan...

Chỉ tiếc rằng mãi đến ngày 6/4/2020, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu mới xác nhận đã nhận được email của bạn. Email thông báo rằng, những lo ngại và đề xuất của bạn ấy đã được ghi chép cẩn thận và thông báo cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Thời gian trôi đi gần một tháng, "thời điểm vàng" cho việc chuẩn bị đã bị trôi qua nên tình hình dịch bệnh xấu đi nhanh chóng. Lúc đó nhiều nước châu Âu và Mỹ đang tranh cãi quyết liệt về việc đeo khẩu trang. Đa số các nước đó mà chính là những người đứng đầu chính phủ không hiểu vì một lý do gì mà họ không thấy được tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm virus của khẩu trang nên không muốn thực hiện việc đeo khẩu trang. Điều đó làm cho Covid-19 có cơ hội lan nhanh và mạnh.

Một số nước như Đức, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Cộng hòa Séc... biết tận dụng "thời điểm vàng" áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên đã hạn chế được dịch bệnh so với một số nước khác như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan... Bạn ý như muốn dốc hết nỗi lòng:

"Những ngày này tôi lo phát sốt và rất đau lòng khi đọc thấy những ca tử vong. Sự chủ quan của các nhà lãnh đạo đất nước, việc đưa thông tin quá chậm trễ và sai lệch về Covid-19 của Tổ chức y tế Thế giới đã dẫn đến những cái chết oan uổng của người dân".

Bạn tôi chia sẻ thêm:

"Theo Giáo Sư kinh tế người Ý Francesco Ferrante, một người quen của tôi, các ý kiến tôi nêu rất hay, một số nước đã áp dụng. Tôi biết EC hay EU không có quyền can thiệp vào các nước thành viên, nhưng tôi hi vọng họ có thể chuyển các ý kiến cho các nước tham khảo. Tôi định gửi cho chính phủ Thụy Điển một thư khác nhưng tôi không làm vì sau đó tôi thấy họ áp dụng một số chính sách cũng tạm yên tâm như làm việc trực tuyến, học trực tuyến, bảo vệ nhân viên y tế, giãn cách xã hội, khuyến cáo mua sắm trực tuyến, xét nghiệm người nghi nhiễm, lập các doanh trại Quân đội, đưa cả máy bay vào làm phương tiện cứu thương, sản xuất mặt nạ chống giọt bắn... Hơn nữa chính phủ Thụy Điển phụ thuộc khá nhiều vào các quyết định của Quốc hội, tôi nghĩ không cần gửi thư cho họ nữa. Con trai tôi cho biết, ông trưởng ban dịch tễ của Thụy Điển là người rất có kinh nghiệm chống dịch nhưng lại khá bảo thủ. Chính phủ Thụy Điển trao quyền quyết định về chống Covid-19 cho ông ấy, nên khó mà thay đổi chiến lược của nước này".

Bạn muốn dùng trí tuệ của mình để có thể giúp được gì đó cho cộng đồng, cầu mong cho dịch qua mau vì cuộc sống của tất cả, trong đó có các con của bạn ấy. Đọc những dòng chữ mộc mạc, chân phương của bạn với những dẫn chứng cụ thể, những lập luận có căn cứ đầy tính chất thuyết phục, tôi thực sự cảm kích về ý thức đối với cộng đồng của bạn.

Đang lững thững đi tản bộ quanh khu vực cách ly, chợt nghe tiếng va chạm của chai lọ, tiếng trò chuyện của Thượng tá Bản với một phụ nữ. Chị mặc chiếc đầm màu đen gọn gàng, dáng khỏe khoắn, hai tay đeo găng, một tay cầm túi đựng rác, tay kia thoăn thoắt nhặt từng chai nhựa, lọ thủy tinh, mảnh giấy.

Chị kể với Thượng tá Bản, có lần khi đi quanh khu nhà cách ly, chị thấy mấy người trong nhà thò tay ra cửa sổ vứt giấy, rác ra ngoài. Thượng tá thốt lên: "Đấy, có một số ý thức kém thật! Ai cũng ý thức như em thì đất nước mình sạch sẽ, không dịch bệnh, mỗi người cần phải chung tay!". Chị vui vẻ mở lòng thêm, từ khi chị còn bé, hình ảnh anh bộ đội đã là "thần tượng"của chị. Rời ghế nhà trường, chị đi du học rồi quen một anh bạn người Hà Lan và kết hôn. Nhưng chị luôn hướng về Việt Nam, hai vợ chồng cùng về Việt Nam làm việc.

Đợt này hai vợ chồng quay lại Việt Nam, sau khi về thăm nhà ở Hà Lan, chồng chị về trước, cách ly ở khu khác. Chồng chị quản lý đội thiết kế công trình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt Nam, không đơn thuần chỉ là về "chạy dịch". Thấy anh chỉ huy chăm chú nghe các chia sẻ của mình, chị mạnh dạn đề xuất nên để thùng rác ở một số vị trí để người dân đỡ vứt lung tung.

Các bạn tôi hầu như gia đình nào đều có con cái du học, hay làm việc tại nước ngoài. Có những đứa mới sang còn chập chững, có những đứa đã thích nghi với môi trường. Bình thường, chuyện thăm nom con ở nước ngoài thật dễ dàng đối với những gia đình có điều kiện, còn giờ đây trở nên khó khăn, chỉ có thể nắm bắt, động viên con qua những dòng tin nhắn, những đoạn video.

Anh bạn tôi trước là lưu học sinh ở Đức. Các con anh ấy, thằng anh sang trước, kéo thằng em sang sau nơi bố chúng đã học cách đây 40 năm. Các cháu cố gắng học thật giỏi, ít nhất là bằng bố, cậu lớn còn cố gắng hoàn thành chương trình sớm để ra trường kiếm việc làm, phụ bố nuôi em trai mới sang. Mải mê học hành, hai anh em chẳng để ý đến việc tích trữ thực phẩm, mặc dù bố đã nhắc nhở, vì chúng ăn uống cũng đơn giản, tiết kiệm. Đùng một cái, chiều về ra siêu thị thấy sạch bách hàng hóa, chẳng mua được gì. Chưa bao giờ siêu thị của một vùng ở nước Đức lại ra nông nỗi này! Hai đứa tủi thân quá, gọi về cầu cứu bố. Bố vội vàng gọi cho những người bạn thời sinh viên hiện đang định cư bên đó nhờ hỗ trợ. Thương con thắt lòng, trái tim người bố nhói đau, những giọt nước mặn chát cứ tự rơi ra từ hai khóe mắt buồn. Cả đêm đó anh mất ngủ vì thương và lo cho chúng ở nơi xa!

Cô bạn "thăng trầm" có hai cô con gái sinh đôi đang làm việc ở hai thành phố bên Đức. Bạn rất lo lắng, tìm cách gửi khẩu trang sang cho chúng. Hai con gái thời gian đầu cứ "bình chân như vại", đến lúc trên mạng từ chối các đơn hàng khẩu trang mới cuống lên. May chúng là con gái và đã đi làm rồi, việc dự trữ thực phẩm không có vấn đề gì. Các cháu thực hiện rửa tay và đeo khẩu trang rất nghiêm túc, mẹ chúng cũng yên tâm phần nào. Cô bạn "mãn nguyện" có gia đình con trai lớn đang định cư, làm việc tại thung lũng Silicon - Mỹ, con gái út có công việc tại Singapore. Các cháu đều được công ty cho làm việc trực tuyến tại nhà, tránh tiếp xúc với bên ngoài. Hàng ngày bố mẹ và các con liên hệ với nhau qua Facetime để nắm bắt tình hình và động viên nhau.

Trời vẫn còn đang tiết xuân, nắng không gắt. Bốn giờ chiều bóng mát đã trở lại, trên khoảng sân rộng từng nhóm chơi cầu lông, cầu mây, nhảy dây, bóng chuyền, bóng đá nhộn nhịp như sân tại các ký túc xá sinh viên mỗi buổi chiều. Anh chỉ huy cầm loa đi qua lại nhắc nhở mọi người cần giữ đúng khoảng cách và không được tháo khẩu trang. Một đoàn chạy bộ xung quanh hai tòa nhà, cao nhất vẫn cái dáng lều khều của anh Tây người Anh, càng nổi bật bởi cái áo phông màu đỏ, trước ngực là ngôi sao vàng năm cánh. Anh ấy ở tòa nhà đối diện với chúng tôi. Ngày nào vào giờ đó anh ấy trong chiếc áo phông cờ đỏ sao vàng, chạy cả chục vòng không biết mệt.

Mấy người cùng tòa nhà với anh kể rằng, sau những giờ thể dục, anh hay tản bộ lững thững chụp ảnh quang cảnh xung quanh và luôn nở nụ cười thân thiện với những người mà anh gặp, anh còn học cả mấy câu tiếng Việt như chào, cám ơn,  tôi yêu các bạn, Việt Nam chiến thắng... Anh bộc bạch, càng ở đây lâu, anh càng hiểu nhiều đức tính tốt của người Việt, anh tâm đắc nhất là sự chân thành, tận tụy của tất cả đội ngũ chiến sĩ phục vụ ở đây. Anh rất thích mặc áo có hình lá cờ Việt Nam như một sự thể hiện tình cảm trân trọng, lòng biết ơn đặc biệt đối với đất nước cưu mang anh và những người nước ngoài khác trong mùa đại dịch này.

Chiều buông dần, những làn gió từ khu đồi keo xanh biếc ào đến thật dễ chịu. Chút hoàng hôn còn sót lấp ló, xa dần như đang chạy đua với màn đêm, cố khoe thêm chút sắc đỏ rực rỡ. Ăn cơm chiều xong, tôi lững thững đi dọc quanh hàng rào của khuôn viên khu cách ly, tận hưởng sự bình yên giữa núi đồi với cây xanh bao bọc. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình thư thái, tĩnh lặng như thế!

Bỗng màn hình điện thoại bật sáng, dòng tin nhắn hiện lên:

"Bạn có mang theo máy tính không? Hỗ trợ tinh thần người cách ly chống dịch, mình gửi bạn bản điện tử sách "Tuổi thanh xuân còn mãi" để bạn đọc cho đỡ buồn và lấy thêm cảm hứng cho tác phẩm mới nhé!"

Kế tiếp là cái mặt cười tinh nghịch. Ồ, Trưởng ban biên tập của hội lưu học sinh 80 - 81, nhà thơ Hữu Việt chu đáo quá! Tôi thầm thốt lên và gửi ngay cho bạn ấy lời nhắn:

- "Có chứ! Máy tính xách tay là vật bất ly thân của mình trong thời gian này để viết về Covy! Đã có ký ức "Tuổi thanh xuân còn mãi" thì nhất định phải có "Ký ức thời Covy" chứ bạn ơi!".

Ông bạn nhắn lại:

- "Mừng bạn, chờ những bài viết hay của bạn! Mong rằng mọi việc sẽ ổn. Không nơi nào bằng nhà mình. Cần gì đột xuất thì nói nhé! Mình có thể chạy từ Hà Nội lên được. Chúc bạn chân cứng đá mềm nhé!".

Bạn đã mang đến cho tôi một niềm vui, gợi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ với bao thăng trầm đã tôi luyện chúng ta trở nên mạnh mẽ, tự tin, dám đối mặt với mọi khó khăn...

Theo Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống số 1 năm 2021