Cuộc hội ngộ giữa trời Âu

Bác tôi công tác trong ngành đường sắt, cũng giống như những chuyến tàu xuôi ngược, ông cũng liên tục được điều đi công tác ở nhiều ga tại các địa phương miền Bắc trong thời kỳ đất nước chia cắt.

chuy-qu2a-1633663233.jpgẢnh minh họa do tác giả sưu tầm: Dòng Nhật Lệ. Nguồn: Internet

Đường sắt ngày ấy là mạch máu giao thông quan trọng, không những vận chuyển hành khách, hàng hóa, mà còn đáp ứng yêu cầu vận tải quân sự cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Khoảng thập niên 60, ông được điều động vào Quảng Bình công tác. Đây là mảnh đất hứng chịu nhiều bom đạn Mỹ trút xuống vì nó nằm gần với vĩ tuyến 17. Nhưng, giữa khỏi lửa mịt mù của chiến tranh, trái ngọt tình yêu của chàng trai quê Kinh Bắc với cô gái xứ Nghệ thanh niên xung phong ngành Đường sắt lại nẩy nở; kết quả là cậu con trai tên Bính ra đời.

Thời kỳ ấy, các cơ quan đoàn thể Nhà nước đều dựa vào dân, bám vào dân để nhân dân che trở, đùm bọc. Bính chào đời được đưa về ở với mẹ trong một lán lá dựng tạm ở vườn nhà một người dân tại một xã thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chủ nhà là một cán bộ cách mạng tham gia công tác chính quyền tại địa phương. Bố Bính do bận công tác, nay ở ga này, mai lại di chuyển sang ga khác nên không ở cùng hai mẹ con.

Định mệnh đã đến với đứa bé mới lọt lòng, khi hôm đó, máy bay Mỹ vờn lượn trên bầu trời, trút mưa bom xuống Quảng Bình nhằm phá hủy các cơ sở, kho tàng đóng trú tại địa phương. Nghe thấy tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rít liên hồi, mẹ Bính vội bế con xuống hầm trú ẩn. Không may, một quả bom đã rơi xuống đúng cửa hầm.

Tận mắt chứng kiến sự bi thảm khốc liệt của chiến tranh. Cô bé An là con chủ nhà lúc ấy mới 9 tuổi. Khi bom rơi xuống trúng hầm mẹ con Bính. Mọi người chạy tới đào bới đống đất đá để giải cứu hai mẹ con. Đống đất đá được xới lên, người ta thấy một hình ảnh rất đau thương, nhưng thể hiện tình mẫu tử cao đẹp: Người mẹ đã hy sinh tính mạng của mình để dùng tấm thân che bom đạn cho con được sống... Bính mồ côi mẹ khi mới được vài ngày tuổi!

Biết tin vợ hy sinh. Bác tôi đưa vợ về quê chôn cất và đón Bính ra Hà Nội gửi bà nội chăm sóc để tiếp tục công tác. Sau một thời gian, ông lập gia đình mới. Ông "ra đi" khá sớm khi mới cầm sổ hưu; chắc là, ông muốn mau chóng về đoàn tụ với người vợ cả?! Người vợ mà ông chưa sống được những ngày trọn vẹn hạnh phúc vì chiến tranh ác liệt và liên tục phải đi công tác biền biệt xa nhà.

*

Hình ảnh về cái chết thương tâm, đầy cảm động của người mẹ che trở cho con mới vài ngày tuổi đã thôi thúc chị An muốn đi tìm cậu bé mồ côi năm xưa, chỉ với một mong muốn là để xem cuộc sống của cậu bé sớm chịu thiệt thòi, giờ đây ra sao. Nhưng do thời gian quá lâu, gia đình chị An đã mất tin tức về bác tôi và Bính. Chị An đã dò hỏi nhiều nguồn thông tin, nhưng không có kết quả.

Những ký ức ít ỏi về Bính, khi mẹ mất, được gia đình chị cưu mang, bón từng giọt sữa, từng thìa nước cơm đợi đến ngày bác tôi trở lại đón anh ra Hà Nội. Chỉ từng ấy thôi, cũng đủ chị An đau đáu về một người em xa lạ, nhưng lại rất đỗi gần gũi. Trong tâm thức, chị luôn coi Bính như một người em út bị thất lạc lâu ngày, không tìm được thì coi như chị đã có lỗi với Bính!

Việc tìm kiếm của chị An càng ngày càng khó khăn hơn, vì bác tôi đã mất, Bính tròn 18 tuổi thì được đi ra nước ngoài lao động xuất khẩu theo tiêu chuẩn con liệt sĩ và định cư luôn ở đó.

Mấy chục năm trôi qua, chị An được điều động ra Hà Nội, giữ một chức vụ khá cao ở một cơ quan Trung ương. Với nhiệm vụ mới, công việc rất bận rộn, nhưng chị vẫn có một nỗi niềm riêng: Đi tìm Bính!

Thông qua chính quyền cơ sở, chị đã lần tìm được địa chỉ của gia đình bác tôi, hỏi thông tin về Bính. Biết anh đang sinh sống tại nước ngoài, công việc bấp bênh, cuộc sống không có người thân nơi đất khách khá vất vả, chị rất thương. Chị ghi chép địa chỉ, số điện thoại để nếu có dịp đi công tác sẽ tìm gặp anh.

Rồi chị An cũng có dịp sang Châu Âu công tác, chị mua rất nhiều quà là đặc sản quê hương mang sang cho anh. Cuộc hội ngộ giữa hai người sau hơn nửa thế kỷ, tưởng như xa lạ lại đầy cảm động và đẫm nước mắt. Chị ôm Bính vào lòng như một đứa em út lâu ngày không gặp:

- Sao người nhỏ thó, còi cọc thế này hả em? Cuộc sống bên này ra sao? Có vất vả quá không? Gia đình bên này thế nào? Nếu khó khăn quá thì trở về Việt Nam, chị sẽ cưu mang em, tìm việc làm phù hợp cho em...

Sau cuộc gặp gỡ đó, anh tôi và chị An đã trở thành hai chị em thân thiết như trong dòng máu có cùng huyết thống vậy.

Tôi kể câu chuyện này, trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi ở đâu đó, có không ít những mối quan hệ bị đưa lên bàn cân, bị đong đếm, suy tính; bị sứt mẻ, ly tán, thù hận... vì những lợi ích vật chất, vì thói ích kỷ và toan tính vụ lợi. Nhiều lúc, chúng ta cứ ngỡ rằng, những thứ tình nghĩa bị lôi từ trong quá khứ đã lỗi thời với thực tại. Nhất là với một con người đã có chức vị, quyền cao, trọng vọng như chị. Nhưng không, vẫn còn có những người sống trọng tình cảm như chị An, dù thời gian có đổi thay thế nào, chị vẫn luôn trân quý những nghĩa tình trong quá khứ, để đau đáu đi tìm và giang tay đón nhận một người em xa lạ, nhưng rất đỗi gần gũi với tuổi thơ của mình. Có lẽ, đó cũng là tình cách, là tình cảm nội tâm sâu thẳm trong nhiều người con quê hương dòng Nhật Lệ; quê hương của nóng và gió, của thiên tai khắc nghiệt, nhưng vẫn anh dũng, kiên cường trong chiến tranh trước đây và trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.

Theo Chuyện quê