Cứu hộ cá thể Gấu ngựa từ Điện Biên

HỘI NHẬP|| Theo thông cáo báo chí của tổ chức Động vật châu Á phát đi từ Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2021 tổ chức này đã tiếp nhận chuyển giao từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Điện Biên và cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa con. Trước đó, cá thể gấu này đã được Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Công an huyện Điện Biên giải cứu từ tay một đối tượng buôn lậu vào ngày 12 tháng 9.

Điện Biên là tỉnh nằm cách Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khoảng 500 km về phía Tây Bắc. Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và việc đi lại rất khó khăn, ngay khi nắm được thông tin về gấu cần cứu hộ, Tổ chức Động vật Châu Á (ĐVCA) (Animal Asia) đã lên kế hoạch và phương án tinh gọn nhất để giải cứu. Rất may là cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ hết mình, đảm bảo gấu được phép di chuyển an toàn qua nhiều tỉnh khác nhau, Tổ chức cứu hộ và Công an tỉnh Điện Biên đã thống nhất phương án vận chuyển gấu, di chuyển từ lồng bắt giữ sang lồng chuyên dụng, 3 cán bộ ngườiViệt của Tổ chức ĐVCA cùng lái xe đã chấp hành test Covid trước khi lên đường và khi về lại tỉnh Vĩnh Phúc.

gau1-1631929700.jpgCứu hộ cá thể Gấu ngựa từ Điện Biên

 

Cá thể gấu ngựa non nặng chừng hơn 30 kg, là tang vật của một đối tượng ở huyện Điện Biên có hành vi vận chuyển trái phép gấu trong một chiếc lồng sắt đi tiêu thụ. Do gấu có yếm hình chữ W trước ngực rất đẹp và đặc biệt nên Tổ chức ĐVCA đã đặt tên là Wonder.mang nghĩa tự hỏi. Wonder đến với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vào một thời điểm kì diệu. Những người cứu hộ tự hỏi, nếu không có sự nhanh chóng, kịp thời và nhạy bén của Công an tỉnh Điện Biên, số phận của chú gấu hoang dã này sẽ bi đát đến đâu?. Wonder là cá thể gấu may mắn được cứu hộ, và cuộc sống của chú từ nay về sau sẽ thay đổi mãi mãi trong an toàn, yên bình và được chăm sóc tốt nhất tại các khu bán hoang dã tại Trung tâm cứu hộ Tam Đảo.

Trước khi cứu hộ gấu, Tổ chức ĐVCA đã gửi hướng dẫn chăm sóc gấu con và những cán bộ cảnh sát Điện Biên đã hỗ trợ chăm sóc gấu ban đầu. Gấu Wonder được cán bộ phụ trách của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam dụ sang lồng vận chuyển bằng mật ong, và những quà ngọt mà gấu yêu thích. Gấu hợp tác và nhanh chóng bước sang lồng vận chuyển, nên công tác cứu hộ  diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Wonder và đoàn cứu hộ sẽ di chuyển theo một hành trình trên 500 km từ Điện Biên về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, và dự tính tối Thứ Sáu, 17tháng 9 sẽ về tới Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Sau cứu hộ, gấu sẽ phải qua 30 ngày cách ly, được thăm khám sức khoẻ và chữa trị các bệnh tật, thương tổn, trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên. Trung tâm hiện có 189 cá thể gấu đang được chăm sóc trong điều kiện y tế tốt nhất, và được tận hưởng cuộc sống là của gấu đích thực. Tổ chức Động vật Châu Á ghi nhận sự phối hợp và trao đổi thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) trong quá trình xác minh thông tin và chuyển giao gấu.

Thông tin từ Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cho biết, với sự hỗ trợ của tổ chức ĐVCA đây là chuyến cứu hộ gấu thứ tư được thực hiện trong năm nay. Những đợt cứu hộ này đã đưa 9 cá thể gấu về với khu bán hoang dã tự do của Trung tâm Cứu hộ Gấu; Kể từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ 12 cá thể gấu từ tỉnh Điện Biên, trong đó có 10 cá thể gấu ngựa và 2 cá thể gấu chó, phần lớn đều được cứu hộ từ khi còn là gấu con. Theo ghi nhận của Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Điện Biên hiện không còn tình trạng nuôi nhốt gấu trong các trang trại để lấy mật.

Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa toàn bộ gấu về các cơ sở cứu hộ theo một lộ trình từ năm 2017 đến 2022.

Do bị thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ngày càng giảm thấp. Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước còn khoảng 400 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Phần lớn gấu ngựa được nuôi nhốt trong các trang trại vì mục đích thương mại; Cuối năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành lập hồ sơ trên cả nước nhằm quản lý tốt số lượng gấu nuôi nhốt và chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.

Tại các trang trại nuôi, gấu bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật, khiến chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên. Ngoài tự nhiên, gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do vì Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.

Là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tổ chức Động vật Châu Á có sứ mệnh quan trọng là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên. Tổ chức ĐVCA đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007 và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 231 cá thể gấu, trong đó có 189 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh tại Trung tâm Cứu hộ Gấu thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.

Hy vọng với sự hỗ trợ của tổ chức ĐVCA, hoạt động cứu hộ gấu Việt Nam sẽ được tăng cường để sớm đưa lại cuộc sống trở về với thiên nhiên của nhiều loài hoang dã./.