Đi tìm ngôi mộ thất lạc

Đang nhấm nháp ly Cafe ở chợ Đồng Xuân ( Berlin) thì có chuông điện thoại, một số lạ. Bên kia, tiếng 1 người đàn ông muốn gặp, hỏi vị trí ngồi để đến.

chuy-qu3d-1634198162.jpgẢnh minh họa do tác tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Chừng 10 phút, anh thanh niên tầm 35 tuổi xuất hiện. Ngồi xuống bên, anh nói: " Em tên Thành, nghe chị bạn kể về anh, em đến nhờ anh một việc"

 Suy nghĩ chút, anh nghẹn ngào kể:" Anh trai em và em cách đây 10 năm sang Đức tính đường làm ăn, chúng em nhập trại tị nạn rồi cùng bị chuyển về 1 làng nhỏ cách Berlin khoảng 300 km. Không có việc làm, chúng em cùng đi bán thuốc lá lậu. Anh của em bán cạnh đường rẽ vào của đường cao tốc, em cũng đứng bán trước cửa siêu thị cạnh đó.

Một buổi sáng, trời sương mù, một chiếc xe quệt vào anh, anh không qua khỏi. Vì sợ Công an với tội buôn thuốc và đều khai tên giả ( để không bị trục xuất), nên em bỏ luôn trại, cũng không gặp mặt anh khi chôn cất.

Sau một thời gian, không kiếm được tiền và buồn vì cái chết của anh, em xin hồi hương. Giờ cũng 10 năm rồi.

Ở Việt nam trong thời gian dài, mẹ em vẫn thẫn thờ vì anh cả em bị mất, mà không biết xác nằm đâu. Cả nhà quyết định vay mượn tiền cho em sang lại Đức, tìm xác anh đưa về.

Lặn lội mãi rồi em cũng đến Đức. Hôm qua em đến 1 văn phòng luật sư kể lại sự tình nhờ giúp đỡ. Anh luật sư Việt Nam nói mất chi phí khoảng 2500 Euro. Em đồng ý.

Sau khi suy nghĩ anh thay đối ý kiến, nói là: mất cách 10 năm lại tên giả thì không tìm được.

Đêm qua, em không ngủ được vì việc trọng đại mà không có cách nào, nói sao với mẹ em?

Em ở trọ nhà chị quen, thấy cả đêm em chong đèn không ngủ, chị hỏi, em kể sự tình. Chị cho em số điện thoại anh, may ra anh giúp được".

Nhìn khuôn mặt đau khổ, quần áo xọc xệch tôi rất xúc động.

Tôi chợt nhớ, hệ thống lưu trữ ( Archiv) của Đức rất hiện đại. Sau 100 năm, nếu bạn cần hỏi hồ sơ của ai đó họ vẫn lưu đầy đủ. Tôi hỏi anh ta chính xác ngày mất cũng như địa chỉ nơi xẩy ra tai nạn, tên giả của người anh, và anh có giấy tờ gì của ông anh từ VN sang. Anh ta có cầm theo giấy Chứng minh và giấy khai sinh của người anh.

Thế là tốt rồi!

Tôi tra Google, phòng hộ tịch của thành phố trên, nhờ người ta truy vụ tai nạn thời gian đó, với cái tên như vậy. Sau khoảng 10 phút, phòng hộ tịch trả lời là có và cho luôn số điện thoại nghĩa trang nơi chôn nạn nhân.

Tôi bấm số điện thoại nghĩa trang kể sự tình. Bà làm ở đó, sau khi tìm trên lưu trữ trả lời có người đó được chôn ở đây. Tôi hẹn bà sau 2 ngày sẽ xuống gặp.

Quay lại anh bạn, tôi nói: "'Tôi đã tìm được mộ anh của anh"- Anh bật dậy, ôm lấy tôi, mắt rơm rớm. Vì lúc nãy giờ tôi nói toàn nói tiếng Đức trên điện thoại nên anh không hiểu.

Sau 1 thoáng suy nghĩ tôi nói: " Tôi giúp anh, nhưng không phải dịch vụ như nghề của tôi, tôi hiểu nổi đau của mẹ anh. Anh chỉ trả cho tôi chi phí tiền xăng thôi, ước chừng khoảng 500 €, vì với 300 km, tôi nghĩ phải đi 2 lần mới xong, vị chi khoảng 1ngàn 200km".

Anh mừng quá, khi so với số tiền 2500 mà luật sư yêu cầu.

2 hôm sau chúng tôi đến nghĩa trang. Người phụ nữ hôm trước dẫn chúng tôi đến 1 ngôi mộ không có tên mà chỉ có 1 tấm đồng ghi số 35, rồi giải thích: nạn nhân hồ sơ chưa xác định chính xác nên tạm thời đánh số. Bà dẫn chúng tôi vào 1 căn phòng, rút ra 1 cái hộp mang số 35. Khi mở ra, tất cả giấy tờ cá nhân của nạn nhân. Người em nhận ra bức thư chưa kịp gửi mẹ và tấm thẻ tị nạn có dán ảnh anh mình.

Bà hỏi có giấy tờ gì của anh không, người em chìa chứng minh thư và giấy khai sinh. Bà vui vẻ hướng dẫn ra ngay phòng hộ tịch làm giấy báo tử cho anh.

Người thụ lý nhiệt tình khi nghe ý định đem hài cốt về VN nên làm giấy báo tử bằng tiếng Đức và tiếng Anh, (vì chuyên chở qua nhiều quốc gia).

Anh ta nói: " Việc chuyển hài cốt không đơn giản, không thuộc phạm vi chúng tôi, các anh tới phòng Trật tự thành phố để hỏi thêm".

Cũng đã chọn ngày thứ 5 để đi ( ngày làm việc của tất cả cơ quan) nên cũng kịp thời gian.

Nhưng, toàn bộ công việc, cái khó không nằm ở khâu tìm thấy mộ vì các điều kiện có đủ chỉ cần nhớ tới hệ thống lưu trữ mà thôi.

Cái tưởng chừng không vượt qua được là ở Đức có luật : Ruhe der Toten (tạm dịch: quyền được yên của người chết ). Cụ thể:

Sau khi chết, chưa chôn xuống, thi hài được phép chuyển đi khắp nơi, nhưng khi đã chôn xuống rồi thì không được ai di chuyển đi đâu nữa- trừ nhà nước.

Khó ghê!

Tuần sau đó, liên hệ với các Chùa Việt Nam và Đại sứ quán, tất cả đều bó tay. Làm sao chuyển thi hài về VN đây theo nguyện vọng người mẹ.

Nát óc, mãi sau gọi điện cho công ty mai táng Đức, họ nhận lời sẽ chuyển hài cốt với điều kiện: chuyển bằng bưu điện từ nghĩa trang Đức đến 1 nghĩa trang Việt Nam. Lấy đâu ra địa chỉ nghĩa trang VN để nhận hộp tro đây?

Tôi bảo anh ta, gọi điện về VN, nói người nhà đến trước nghĩa trang Văn Điển, thỏa thuận với 1 nhà dân trước nghĩa trang, đưa tiền để họ nhận họp tro (coi như người trực nghĩa trang như bên Đức).

Sau mấy ngày, các thủ tục trên hoàn thiện. Việc còn lại là đào và đóng gói hũ tro.

Phải thuê 3 công nhân nghĩa trang, ngoài ra phải có mặt của Công an và Hải quan. Hỏi vì sao, thì được trả lời: Hải quan làm thủ tục kẹp chì " xuất khẩu ", công an thì xác nhận vụ việc vì nếu không dễ xẩy ra phi tang xác trong những vụ án. Cũng may, tất cả các chi phí được địa phương tặng hết.

Sau chừng 2 tuần, anh bạn trẻ hẹn gặp tôi Cafe báo tin: mẹ anh đã nhận được hộp tro của anh rồi.

Thế là anh đã về với mẹ.

Theo Chuyện làng quê