Đồng bào Khmer Nam bộ đón tết Chôl chnăm thmây ý nghĩa, rút gọn

Các chùa của đồng bào Khmer Nam bộ đều có kế hoạch rút gọn, giảm bớt những nghi lễ có đông người tham gia.


Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết cổ truyền Chôl chnăm thmây của đồng bào Khmer Nam bộ. Nhưng không khí chuẩn bị khá trầm lắng, trong khi các chùa đều có kế hoạch rút gọn, giảm bớt những nghi lễ có đông người tham gia.
Khắp phum sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Trà Vinh những ngày này không khí không khác mấy ngày thường, trên đường vẫn thưa thớt người qua lại. Để chuẩn bị đón tết, nhà nhà tập trung quét dọn nhà cửa, một số người đến giúp chùa. Ông Kim Ra Sa Mây, Trưởng ban quản trị chùa Bàu Sơn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết, nếu như trước đây Tết Chôl chnăm thmây nhà chùa đều dựng gian nhà phục vụ lễ, dựng sân khấu ca nhạc, sân bãi chơi trò chơi dân gian...thì năm nay chỉ treo băng, cờ và dòng chữ “Mừng năm mới”. Ban quản trị và Phật tử đã thống nhất, trong 03 ngày chính chỉ có cụ ông cụ bà đến lễ chùa với số lượng hạn chế. Tất cả các cụ đều phải đeo khẩu trang, chỉ đến thắp hương, dâng lễ vật rồi về nhà, vì các nghi lễ tập trung đông người đều được cắt giảm.


Ngôi chùa Khmer trong dịp Tết được trang hoàng.


Trong khi đó ở xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, những ngày này, không tiếng trống sa dăm, tiếng ngũ âm tập luyện. Điều duy nhất khác biệt so với ngày thường là xóm làng rực rỡ hơn, sạch đẹp hơn. Ông A-cha Thạch Sô Va Thi, thành viên Ban quản trị chùa Sóc Cầu, xã Hùng Hòa, cho rằng, tuy rất háo hức nhưng nhìn chung bà con đều chấp hành tốt biện pháp giãn cách xã hội một cách vui vẻ.
“Từ khi nhận được Chỉ thị, Ban quản trị cũng phổ biến đến bà con phật tử tổ nhỏ gọn hơn mọi năm để đảm bảo an toàn. Riêng chính quyền, UBMTTQ xã cũng liên tục vận động tuyên truyền, như đến chùa phải đeo khẩu trang, không đến gần nhau. Và chùa có bố trí chậu rửa tay ở những nơi thuận tiện nhất”, ông cho biết.
Hiện Trà Vinh có 143 chùa Nam tông Khmer, tức chiếm gần 1/3 số chùa Khmer cả nước. Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống. Riêng tết Chôl chnam thmây phần lớn nghi thức được tổ chức tại chùa.


Nhiều chùa miễn tiếp khách thời gian này.


Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gần tháng nay các ban ngành, đoàn thể phối hợp với nhà chùa đẩy mạnh tuyên truyền dịch bệnh trong đồng bào phật tử. Đặc biệt, ngay trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội 1/4 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã có Công văn hướng dẫn các tổ chức hội trực thuộc, các chùa trên địa bàn về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Công văn nhấn mạnh, tết Chôl chnăm thmây năm nay sẽ cắt giảm một số nghi thức tập trung đông người, như Lễ tắm Phật, Lễ đặt bát hội, Lễ rước đại lịch.... Riêng hoạt động văn hóa văn nghệ không tổ chức trong thời điểm này.


Sắp tết Chôl chnăm thmây nhưng chùa Khmer vẫn vắng người.


Hòa thượng Thạch Sóc Xane, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Ban trị sự GHPG tỉnh cũng có văn bản hướng dẫn chư tăng ni, phật tử tỉnh nhà cùng chung tay chống dịch bệnh. Trong mùa Chôl chnăm thmây sẽ tổ chức giới hạn, tạm dừng một số hoạt động để bảo đảm, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm, thực đúng Chỉ thị chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

Với sự chung tay, xem trọng biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, dù tết Chôl chnăm thmây năm nay không rộn ràng như mọi năm nhưng tin rằng đồng bào Khmer vẫn có được mùa tết đầm ấm, yên vui, ý nghĩa; dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Tết Chôl chnăm thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay diễn ra từ ngày 13 - 16/4 tới./.