“Thắp lửa” nơi vùng biên
Ngọc Côn là xã khó khăn vùng biên giới của huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng). Xã có hơn 520 hội viên, phụ nữ với thu nhập chủ yếu từ nghề nông cho nên đời sống còn nhiều bấp bênh. Năm 2018, Ngọc Côn là một trong các xã biên giới được chọn để nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Theo đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên là những đơn vị trực tiếp giúp đỡ hội viên, phụ nữ xã Ngọc Côn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Hội viên, phụ nữ xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) được hướng dẫn sử dụng lò đốt rác tập trung nhằm bảo vệ môi trường
Chị La Thị Doanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Côn cho biết, xã được các đơn vị hỗ trợ 100 triệu đồng làm quỹ xoay vòng để xây dựng mô hình sinh kế. Hội LHPN xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Hội LHPN cấp trên lựa chọn mô hình chăn nuôi la nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ thoát nghèo, ổn định đời sống. Chị Hoàng Thị Nga (xóm Pò Peo - Phia Muông) có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình gồng gánh nuôi ba người con ăn học, là một trong 10 hộ gia đình được chương trình đồng hành. Quanh năm chật vật với nghề nông, không có nguồn thu ổn định, chị tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thuê. Từ ngày được hỗ trợ tiền vốn mua la làm phương tiện sinh kế, cuộc sống của chị cũng vơi bớt nhọc nhằn: “Đây là mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương. Con la có thể hỗ trợ kéo cày, vận chuyển hàng hóa. Nhờ đó, tôi có nguồn thu ổn định, nhân rộng mô hình sinh kế và xây sửa được căn nhà mới, không còn sống trong căn nhà tạm bợ như ngày trước”.
Không chỉ giúp đỡ hội viên phụ nữ xã Ngọc Côn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, các đơn vị còn tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ trong bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung giúp bà con xây dựng và sử dụng bếp đun cải tiến ít khói, tiết kiệm chất đốt; xây dựng lò đốt rác và xử lý phân loại rác thải tại hộ gia đình; di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm, sàn nhà ở. Chị Hứa Thị Mạnh (xóm Pò Peo - Phia Muông) chia sẻ: “Sau những buổi tuyên truyền, bà con đã có ý thức thu gom rác và mang đến lò đốt rác tập trung, không đốt cạnh nhà như xưa, giúp cho đường làng ngõ xóm sạch hơn. Bên cạnh đó, từ ngày được Hội LHPN và bộ đội làm cho bếp đun cải tiến thì tiết kiệm củi mà đun nấu nhanh. Quan trọng nhất là ít khói, tránh ô nhiễm môi trường”.
Để chương trình đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc, Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân phối hợp các đồn biên phòng trên địa bàn triển khai chương trình tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn, phân công mỗi đơn vị phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một xã biên giới (17 đơn vị huyện, thành phố/đơn vị trực thuộc cùng 16 đồn biên phòng, trong giai đoạn hỗ trợ đồng hành với 16 Hội LHPN xã biên giới). Qua đó, thu hút được sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân với tổng số tiền hơn bốn tỷ đồng. Chị Nông Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cho biết: “Với mong muốn hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và thành lập các mô hình sinh kế, huy động vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các chị em tham gia. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh mô hình “Cùng em vượt khó”, động viên khích lệ con em là học sinh nghèo hiếu học vùng biên giới”.
Tại tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi phát động chương trình, Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cụ thể hóa các nội dung, chương trình phù hợp với tình hình, đặc điểm, điều kiện của tỉnh. Đến nay, đã vận động được các nguồn hỗ trợ trị giá hơn 7,3 tỷ đồng, giúp cho nhiều phụ nữ khó khăn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Nông Thị Tăng ở thôn 1, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp có 2 ha đất trồng bưởi da xanh và cam, quýt, nhưng thời tiết khắc nghiệt, không có vốn đầu tư... cho nên vườn cây cằn cỗi. Gia đình chị gắn bó với vùng đất biên cương đã hơn 15 năm nhưng vẫn thuộc hộ nghèo. Năm 2018, thông qua chương trình, gia đình chị được vay 20 triệu đồng của Hội LHPN tỉnh và nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua phân bón, lắp đặt hệ thống tưới nước và mua thêm đất trồng ngô, lúa. Chị Tăng vui mừng cho biết: “Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Tôi sẽ cố gắng nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên vùng đất biên cương của Tổ quốc”.
Ở xã biên giới Ia Lốp, gia đình chị Hồ Thị Cẩm Trang sống trong căn nhà nhỏ tạm bợ, không có đất sản xuất, bản thân sức khỏe yếu. Thấu hiểu được hoàn cảnh của chị, cuối năm 2018 từ nguồn kinh phí vận động được của chương trình, T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ gia đình chị 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố. Giới thiệu ngôi nhà mới của mình, chị Trang xúc động: “Là một trong những phụ nữ đầu tiên trên địa bàn được thụ hưởng từ chương trình, tôi thật sự biết ơn các cấp Hội Phụ nữ đã dành sự quan tâm, giúp đỡ phụ nữ nghèo chúng tôi. Nếu không có sự hỗ trợ này thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có được ngôi nhà đàng hoàng để ở”. Không chỉ gia đình chị Tăng, chị Trang mà ba năm qua, Chương trình đã giúp 165 hộ phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn bốn xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo.
Lan tỏa những giá trị nhân văn
Sau ba năm triển khai, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên khắp cả nước. Tính đến tháng 8-2020, đã có gần 100 đơn vị, cá nhân nhận hỗ trợ các xã biên giới thuộc Chương trình; 155 xã biên giới khó khăn được nhận hỗ trợ (vượt 45 xã so với kế hoạch sau khi điều chỉnh), tổng nguồn lực trong gần ba năm đạt khoảng 115 tỷ đồng và ưu tiên cho các hoạt động: hỗ trợ mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương; các hoạt động an sinh xã hội khác. Ngoài ra, có 110/110 xã được hỗ trợ đã đạt các chỉ tiêu về tuyên truyền giáo dục chính trị nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; 110/110 xã được hỗ trợ đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới; 103/110 xã đạt chỉ tiêu tập hợp được hơn 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; 100% chi hội trưởng được hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất một lần...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, do những nguyên nhân khác nhau về đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vị trí, địa lý ở mỗi vùng, miền. Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên hiện vẫn đang là nhóm đối tượng phải chịu thiệt thòi nhiều nhất về khoảng cách giới trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Bên cạnh đó, sự chủ động, sáng tạo trong triển khai chương trình của một số cán bộ Hội, ở một số cơ sở vùng biên, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Phong cho biết: “Ở các xã biên giới, hội viên, phụ nữ đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, có một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí không muốn thoát nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi, đã gây khó khăn cho các cấp Hội trong thực hiện chương trình. Nhu cầu cần được giúp đỡ của các hội viên, phụ nữ còn nhiều, như: hỗ trợ để xây dựng nhà ở, xây dựng quán ăn, giải quyết việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Trong khi đó, khả năng vận động nguồn lực của các cấp Hội còn hạn chế, nhất là việc huy động các lực lượng xã hội vào cuộc chưa nhiều mà chỉ tập trung chủ yếu từ sự huy động trong hội viên phụ nữ”.
Theo đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng rất cần có sự nghiên cứu, đề xuất để tiếp tục thực hiện một cách bài bản, thực chất. Từ đó, cùng với những chủ trương, chính sách mang tính tổng thể, đặc thù liên quan kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sẽ tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giới, để phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng biên không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của xã hội.
Vì vậy, để chương trình ngày càng lan tỏa sâu rộng, mang tính bền vững, thời gian tới, căn cứ kết quả khảo sát trực tiếp thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội LHPN cần ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy tối đa nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Các hoạt động và chỉ đạo của Hội cần được nâng tầm bằng những cách thức mới, việc làm sáng tạo, thiết thực trong tăng cường huy động các nguồn lực; xây dựng tổ chức Hội, xây dựng lực lượng biên phòng vững mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia.