Chậm trễ trong việc đưa vụ án ra khởi tố?
Theo đơn của chị Lữ Thị Hồng Loan (ngụ tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) gửi đến các cơ quan trình bày, ngày 20/8/2018, khi nghe tin bố chồng bị ốm nặng, chị Loan có dẫn 3 người con về nhà chồng cũ (tại khu phố 8A, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) để thăm ông nội. Khi đến nơi, con chị Loan tên Huy (13 tuổi) thấy bố mình (tên Long) đang bị Đạt (cháu ruột anh Long) đánh đập thì chạy đến can ngăn.
Sự việc không dừng lại ở đó, Đạt cùng bố mình (tên Huấn) kéo cháu Huy vào trong nhà để đánh. Nghe thấy tiếng kêu cứu của con trai, chị Loan cùng người bạn (tên Minh) vội vã chạy đến can ngăn thì tiếp tục bị 2 bố con Đạt kéo vào nhà rồi đóng cửa lại để đánh cả 2 mẹ con.
“Tôi bị Đạt đánh đến bầm mắt, con tôi thì bị chấn thương ở đầu, sưng to cả cục đã đưa đi khám và đang được theo dõi tại nhà. Sau khi tôi và con chạy thoát ra ngoài, Đạt tiếp tục truy hô, tìm mã tấu và có ý định tiếp tục hành hung tôi nhưng mọi người đã can ngăn nên sự việc mới dừng lại”, chị Loan bang hoàng kể lại.
Sau gần 2 năm vụ án mới được cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa đưa ra khởi tố.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, công an phường Tân Biên đã tiến hành lập biên bản và tiến hành thu thập hồ sơ để đưa ra hướng giải quyết.
Ngày 16/10/2018, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã có văn bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 0765/TgT/2018. Theo đó, tỷ lệ thương tích của Đinh Minh Huy (con trai chị Loan) là 15%.
Mặc dù đã có kết quả giám định thương tích, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà gần 2 năm trôi qua vụ việc vẫn “nằm im bất động” và có dấu hiệu bị “bỏ lơ”? Mãi cho đến khi gia đình chị Loan nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng thì lúc này cơ quan CSĐT TP. Biên Hòa mới có “động thái” đưa vụ án ra khởi tố và tiến hành khởi tố bị can?
“Tôi không hiểu vì lý do gì mà đã gần 2 năm trôi qua, đã có kết quả giám định pháp y (tỷ lệ thương tích 15%) nhưng cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa vẫn không đưa vụ án ra khởi tố, không khởi tố bị can? Liệu rằng có hay không việc bao che, cố tình “ém” hồ sơ của cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa?”, chị Loan bức xúc.
Nhận định về vấn đề trên, luật sư Vũ Anh Tuấn – Đoàn luật sư TP. HCM, Thành viên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM cho biết: “Sau khi có kết quả giám định pháp y (tỷ lệ thương tích 15%) thì cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa phải tiến hành điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định. Thế nhưng, mãi cho đến khi gia đình cháu Huy nhiều lần gửi đơn cầu cứ, phản ánh đến các cơ quan chức năng thì cơ quan CSĐT Công anTP. Biên Hòa mới quyết định đưa vụ án ra khởi tố và khởi tố bị can. Để xảy ra sự chậm trễ này, cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa chưa làm tròn trách nhiệm”.
Thay đổi kết quả giám định pháp y…sau hơn 1 năm?
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, ngày 18/9/2018, cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa đã gửi giấy Quyết định trưng cầu giám định số 608/CSĐT tới Trung tâm pháp y – Sở Y tế Đồng Nai. Ngày 26/9/2018, đã tiến hành giám định cho Đinh Minh Huy tại Trung tâm Pháp y Đồng Nai.
Ngày 16/10/2018, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã có văn bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 0765/TgT/2018. Theo đó, tỷ lệ thương tích của Đinh Minh Huy là 15%.
Kết quả giám định pháp y ban đầu (tỷ lệ thương tích 15%).
Bỗng nhiên, sau hơn 1 năm, ngày 23/12/2019, Trung tâm Pháp y Đồng Nai lại ra văn bản kết luận giám định pháp y mới số 0765A/TgT/2018. Theo bản giám định mới thì tỷ lệ thương tích của cháu Huy chỉ còn 5%, thay vì 15% trước đó, với lý do “Có sự nhầm lẫn trong nội dung ở phần kết luận”?
Điều đáng nói, bản giám định pháp y mới này chỉ “xuất hiện” khi gia đình chị Loan liên tục gửi đơn cầu cứu, phản ánh đến các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, đoàn luật sư Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM? Hơn nữa, sau hơn 1 năm Trung tâm Pháp y Đồng Nai mới kịp “rà soát” để phát hiện ra sai sót?
“Mặc dù gia đình tôi không yêu cầu giám định lại, cũng như không đồng ý đưa cháu Huy đi giám định nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì mà cơ quan giám định vẫn thay đổi kết quả giám định ban đầu?”, chị Loan bức xúc.
Chính điều này khiến bạn đọc đặt ra nghi vấn: Phải chăng năng lực chuyên môn của các bác sĩ tại Trung tâm Pháp y Đồng Nai yếu kém hay có “bàn tay quyền lực” nào tác động khiến kết quả giám định bị thay đổi?
Đối với vấn đề trên, luật sư Tuấn cho biết: “Nếu phát hiện ra sai sót thì Trung tâm Pháp y Đồng Nai phải điều chỉnh liền trong tức khắc, chứ không phải sau khi gia đình của bị hại khiếu nại rất nhiều lần, gửi đơn đi các nơi thì mới phát hiện sai sót, điều chỉnh”.
Bản giám định pháp y mới xuất hiện sau hơn 1 năm “rà soát”?
Có dấu hiệu bỏ sót chứng cứ, bỏ lọt tội phạm
Cũng theo theo chia sẻ của người bị hại trong cáo trạng và kết luận điều tra của Viện Kiểm sát và Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa không đề cập đến việc anh Long và chị Loan bị Đạt đánh. Trong khi đó, anh Long và chị Loan đều có đơn tố cáo hành vi của Đạt. Hơn nữa, cả anh Long và chị Loan đều có kết quả giám định pháp y, theo đó tỷ lệ thương tích của anh Long là 10%.
Đáng chú ý, trong quá trình xảy ra sự việc không chỉ có Đạt đánh mẹ con chị Loan mà còn có bố của Đạt (ông Huấn) tham gia, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà chỉ khởi tố mỗi mình Đạt? Liệu rằng cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa có đang bỏ lọt tội phạm?
Từ diễn biến của vụ việc và những phân tích của Luật sư Vũ Anh Tuấn – Đoàn luật sư TP. HCM, Thành viên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM cho thấy, sự chậm trễ trong việc đưa vụ án ra khởi tố, đột nhiên thay đổi kết quả giám định pháp y…là những điều khó hiểu trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Điều này khiến bạn đọc đặt ra nghi vấn: Liệu rằng có hay không việc “chạy án”, cố tình thay đổi bản chất của vụ việc nhằm giảm nhẹ tội cho bị can? Những câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ, kết luận để người dân bớt hoàng mang trước những thong tin trái chiều có liên quan.