2.222 công nhân đang làm việc tại Công ty Huê Phong sẽ thất nghiệp vào tháng tới. Đó là thông tin đã được Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp - TP.HCM chính thức xác nhận.
Sau khi Covid-19 được khống chế tương đối tại nước ta, thì đây là dư chấn đáng báo động đầu tiên từ đại dịch toàn cầu lên đời sống xã hội.
Công ty Huê Phong chuyên sản xuất các mặt hàng giày phụ nữ phục vụ cho thị trường châu Âu. Công ty Huê Phong có mặt tại TP.HCM từ năm 1996, cùng với Mercedec và Isuzu là ba doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất trên địa bàn quận Gò Vấp.
Với 4.700 lao động, mỗi năm Công ty Huê Phong có doanh số khoảng 17 triệu USD. Thế nhưng, sau khi cơn bão Covid-19 tràn qua, thì mọi chuyện đã thay đổi. Khủng hoảng nguyên liệu và khủng hoảng khách hàng, Công ty Huê Phong chấp nhận thu hẹp quy mô.
Lãnh đạo Công ty Huê Phong cho biết: “Với số công nhân còn lại, chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất để chờ đợi đơn hàng.
Hiện nay chúng tôi đang làm đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới thì đối tác chưa trả lời cụ thể. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, công ty cũng có kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa”.
Suốt 3 tháng qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa vì đại dịch toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại. Tuy nhiên, hệ lụy của Covid-19 có lẽ bây giờ mới bắt đầu hiện rõ.
Ở Việt Nam đã bước vào tình trạng bình thường mới, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang trong cao điểm ứng phó virus Corona, nên dòng chảy xuất nhập khẩu gặp rất nhiều trở ngại. Khi những doanh nghiệp lớn không thể cầm cự, thì con số thất nghiệp sẽ tăng nhanh.
Câu chuyện của Công ty Huê Phong buộc những nhà quản lý kinh tế phải suy tư cụ thể hơn về một chiến lược cho thị trường lao động.
Bởi lẽ, ngoài lực lượng công nhân bị thất nghiệp trong nước, thì Việt Nam đang có khoảng 600 nghìn lao động ở nước ngoài đang rục rịch trở về nhà. Vài vùng lãnh thổ có nhiều người Việt Nam đang hợp tác lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều chưa dám đưa ra chính sách giúp đỡ nào cho lao động nước ngoài, nên lao động Việt Nam chắc chắn chọn cách quay lại quê hương.
Những dự báo không mấy lạc quan cho thấy thị trường lao động phải đối diện áp lực hàng triệu người thất nghiệp.
Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống Covid-19. Và bây giờ là một cuộc chiến mới, có ý nghĩa khác hẳn, cuộc chiến thúc đẩy sản xuất để ổn định dân sinh.
Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ đã phát huy tác dụng trấn an những đối tượng yếu thế trong cộng đồng. Còn gói hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động, cũng cần được kính hoạt mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, giải pháp miễn thuế thu nhập cá nhân có lẽ phải được tính toán triển khai nhanh chóng, để đánh tan tâm lý giữ chặt túi tiền của người tiêu dùng sau âu lo đại dịch toàn cầu. Người giàu e ngại mua sắm thì người nghèo không thể có việc làm.
Bạn đang đọc bài viết Dư chấn đáng báo động đầu tiên từ Covid-19 tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.