Đó là câu chuyện rất buồn về tình yêu của bà Như, mẹ thầy Ngô.
Chuyện rằng…
… Ngày ấy Như đẹp nhất cơ quan, nhưng không chảnh, rất dịu dàng, đằm thắm. Mỗi khi thấy bóng Như là các chàng lịm đi vì không ai nỡ nói đùa, trêu chọc thô thiển một “bông hoa” đẹp mà lại dịu dàng đến thế. Tạo hoá thật thiên vị khi tạo ra nàng với những đường cong mỹ miều ở mọi chỗ cần cong, căng ở những chỗ cần căng, thon ở nhưng nơi cần thon… Hài hoà, hút mắt không dễ tả bằng lời.
Bao nhiêu chàng lượn quanh Như, nhưng chẳng hy vọng gì, trái tim cô đã dành cho kỹ sư Lang rồi. Anh là một lãng tử, chuyện gì cũng như đùa, các cô đều thích anh mà đều sợ cái tính ấy nên chẳng dám mồi chài, riêng nàng Như thì cứ thấy Lang mặt đã đỏ vầng vỡ rồi, chân tay líu cả lại, không nói nên lời.
Sau một lần đi xem phim bãi cùng Lang, nàng đã thay đổi hẳn, tươi tắn, cười vui vẻ với tất cả mọi người, nghe nói chàng Lang đã tỏ tình. Nhưng đùng một cái, chàng nhận nhiệm vụ đi quản lý một công trình ở tận rất xa.
Người ta thấy Như sụp đổ, mắt thất thần, sau đó là ca cấp cứu ở bệnh viện. Mọi người kể rằng trước khi lên đường Lang đã nói rõ:
- Em ở lại hãy quên anh đi và lấy chồng.
- Em… em… em có thai rồi anh ạ.
Lang chẳng nói thêm, dúi cho Như một ít tiền, bảo:
- Đây, em tự đi xử lý.
Nàng choáng váng như rơi vào trạng thái không trọng lượng, ngã nhào tại chỗ, khi tỉnh dậy Lang đã đi rồi. Như cầm những đồng tiền Lang đưa, không phải "đi xử lý" mà đi ra hiệu thuốc, mua một vỉ xeduxen và uống tất cả một lần rồi lên giường đắp chăn ... ngủ.
Thuốc ngủ vào người, đáng ra Như sẽ ngủ lịm và không bao giờ dậy nữa, nhưng vì liều cao quá, nên cơ thể phản ứng tự vệ dữ dội, nàng nôn hết ra rồi ngất lịm. Có người thấy nên gọi mọi người đưa đi cấp cứu.
Như hôn mê đến nửa tháng mới tỉnh, khi tỉnh lại mất một phần trí nhớ, cứ nằm bất động. Khổ nỗi, cái thai vẫn lớn lên và đã qua 4 tháng, trình độ y tế thời ấy và y đức khiến không thể có ai dám xử lý. Đến lúc Như đi lại, chuyện trò được thì trí nhớ dần về, bụng nàng đã to ra, biết được mình có thai và hiểu được sự trớ trêu thì cái thai đã 5 tháng.
Cũng không trách các bác sỹ được, trình độ y học thời ấy còn kém, hơn nữa chẳng ai nghĩ cô gái chưa chồng lại chửa và đã chửa đến 5 tháng thì đành để đẻ thôi.
Thằng Ngố ra đời, chỉ nặng 1,5 kg, mềm oặt và tanh tưởi như con cá ươn, mọi dấu hiệu của đứa trẻ bình thường đều không có. Ngố được đưa về bà ngoại nuôi, nó lớn lên, quặt quẹo mãi mới biết nói, tinh ranh và hiểu khá nhiều vấn đề nhất là toán, khoa học tự nhiên, nhưng rất nhiều thứ về xã hội, nó như ngớ ngẩn, chẳng biết gì. Hình như một vùng nào đó của não liên quan đến logic, toán,… vẫn tốt và giống kỹ sư Lang, phần liên quan tư duy xã hội thì bị lỗi.
Cay đắng thay, mẹ nó lại đẹp rực rỡ trở lại, chỉ cần bớt chút ít sắc đẹp, trí tuệ của mẹ cho nó thì đã tốt lắm rồi. Nỗi buồn đọng ở đâu đó trong tâm hồn, thỉnh thoảng mới phát lộ trên mắt Như. Khi tiếp xúc với cô, ai cũng thấy điều ấy, ngay lần đầu nói chuyện.
Nhiều người đến với Như, họ đều mong muốn Ngố vĩnh viễn ở với bà ngoại, thế là cô lảng luôn vì dù sao nó cũng là con cô, cô rất thương nó. Nhưng phụ nữ có thì, xuân rồi sẽ qua đi, cô phải nhượng bộ Ngân là người yêu cô và cô cũng yêu. Ngày lấy chồng, cô không dám nhìn về phía mẹ, nơi cu Ngố đang ú ớ nói chưa sõi dù đã 3 tuổi, cứ trố mắt, ngô nghê nhìn mẹ trong bộ váy cưới lạ lẫm.
Nỗi buồn giảm dần khi Như có thai và Ngố đã quen ở với bà ngoại.
Một ngày kia, Lang trở lại tìm Như, anh muốn thăm đứa con không thừa nhận bấy nay. Người ta đồn anh lấy vợ, nhưng trước đó anh một lần mắc bệnh quai bị nên bị vô sinh, cu Ngố giờ là đứa con duy nhất anh có thể có, oái oăm thay đó là đứa anh đã vứt bỏ. Như cũng mủi lòng, dù chẳng còn chút tình nào với Lang, nên đồng ý cho Lang thăm con. Lần ấy anh đưa cho bà ngoại Ngố một khoản tiền rất lớn gọi là góp tiền nuôi con.
Năm tháng qua đi, với sự quyết tâm rất lớn của bà ngoại, cu Ngố cũng được đi học trường trẻ em đặc biệt, được cải tên gọi mới là Ngô để tránh cái tên Ngố nhiều miệt thị, nó cũng tốt nghiệp phổ thông điểm không quá tồi. Công ấy thuộc bà ngoại. Kinh ngạc nhất là Ngô đỗ đại học, điều khiến ai cũng mừng cho bà cháu nó.
Rồi bà ngoại kiên trì nuôi nó học, tốt nghiệp đại học sư phạm để về trường phổ thông đặc biệt làm thầy.
Bà ngoại Tâm của thầy Ngô mắc bệnh trọng, sức khỏe ngày càng yếu. Nguyện vọng của bà là gầy dựng cho đứa cháu thiệt thòi đến với một cô giáo trong trường, cũng rất đặc biệt vì mồ côi từ lọt lòng.
Đám cưới con trai lấy đi của Như rất nhiều nước mắt, cô thương phận mình, phận con. Lang gửi món quà cưới con khá lớn nhưng tránh mặt không dự.
Sau đám cưới ấy, bà ngoại mãn nguyện trút hơi thở cuối cùng. Thầy Ngô ôm thi thể bà ngoại khóc ròng, ai cũng thương cảm.
Niềm vui rồi cũng tới, đứa con là kết tinh tình yêu của hai nhà giáo đặc biệt đã chào đời trong niềm vui của rất nhiều người. Như giờ lên chức bà nội, đã khóc ròng vì hạnh phúc.
Có một người đặc biệt là cụ cố Tám, mẹ của Lang theo dõi sát từ đầu. Chả là Lang không có con với vợ chính thức do anh bị bệnh quai bị thời gian ở ngoài đảo, cô vợ đã bỏ đi lấy chồng khác. Khốn nỗi anh là con trai duy nhất, là trưởng họ Nguyễn thôn Đại.
Cụ Tám mang quà đến thăm đứa chắt, rồi bí mật lấy mẫu tóc, móng tay của Ngô cùng đứa con mới sinh. Cụ tự mình mang mẫu đi thử ADN để xác định mối quan hệ cha con của cả Lang - Ngô và Ngô - cháu bé tên Dũng.
Câu trả lời kết quả xét nghiệm ADN đúng mong muốn, đó là những quan hệ cha con ruột.
Lang đã phải làm những chuyến ngoại giao con thoi để được nhận Ngô là con và Dũng là cháu nội.
Lễ công nhận quyền thừa kế của cháu Dũng được luật sư chính thức xác nhận lấy đi nhiều nước mắt. Cháu bé được thừa hưởng tài sản khi bà Tám mất, gồm nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác, người ta đồn trị giá nhiều trăm tỷ đồng.
Người khóc nhiều nhất là Như, cô rất ân hận vì mẹ mình mất rất nhiều công sức nuôi Ngô mà không được chứng kiến ngày cháu được xác nhận họ hàng nội chính danh này. Còn với cô, cái tài sản thừa kế kia chẳng đáng giá xu nào, nó lạnh lùng, cay nghiệt, có thể còn có hại với cháu nội của mình.
Cuộc sống trả về cái công bằng của nó. Lang muốn nắm tay xin lỗi Như nhưng cô đã thẳng thừng từ chối. Không phải cứ làm sai, xin lỗi là được, dù mấy chục năm đã qua.
Có những hành động sẽ làm người ta ân hận suốt đời.
Theo Chuyện làng quê