Ghét nhau

Để diễn tả điều này, tiếng Việt có thành ngữ “Không đội trời chung”, chỉ “quan hệ một mất một còn, không thể nào chung sống được”.

ghet-nhau-1636557131.jpgẢnh internet

 

Ghét nhau chung chiếu không ngồi

Chung chăn không đắp, chung nồi không ăn

Chung quê hương cũng không cần

Chung bầu trời mở? Muôn phần không chung…

“Ghét” là một động từ, chỉ thái độ “không ưa thích, muốn tránh hoặc cảm thấy khó chịu khi phải tiếp xúc với một đối tượng nào đó” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020). Hành động này chỉ con người mới có và chỉ xảy ra trong quan hệ ít nhất giữa hai người với nhau.

Ghét trái nghĩa với Yêu, hẳn rồi. Hai người nào đó, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, có thể là anh em, có thể là hai người từng yêu nhau, và thậm chí, có thể là hai người đã từng là vợ chồng. Ngày xưa thân thiết là thế, bây giờ đã không còn thân thiết, yêu thương nhau nữa. Than ôi, thời mặn nồng nay còn đâu!

Ghét cũng có dăm bảy đường ghét. Quan hệ sơ sơ dẫn đến ghét cũng sơ sơ. Quan hệ vừa vừa thì ghét cũng vừa vừa. Nhưng quan hệ càng sâu nặng, thắm thiết khi ghét nhau thì thôi rồi, không biết sự tình sẽ đi đến đâu. Có nhiều từ ngữ, thành ngữ nói về “sự ghét” này: ghét ngon ghét ngọt, ghét thậm tê, ghét cay ghét đắng,…

Ghét có thể từ nhiều lí do. Có thể từ một sự coi thường, không tôn trọng nhau (Khinh nhau thế thì bỉ mặt nhau quá). Có thể là sự ghen tị, “GATO” (Trâu buộc ghét trâu ăn, Ghen ăn tức ở). Có thể từ một sự hiềm khích (Đâm bị thóc chọc bị gạo). Có thể từ một sự xấu xa, phản bội (bạc tình bạc nghĩa, hại nhau, thất nhân tâm)… Nhiều, nhiều lắm. Thật là muôn hình vạn trạng của sự ghét!

Mấy câu thơ tôi vừa dẫn ở trên chính là biểu hiện hết tầm của sự ghét: không ngồi chung chiếu, không đắp chung chăn, không ăn chung nồi. Đó là biểu hiện của hai người ghét nhau nhưng lại trớ trêu, phải chung một số hành động trong sinh hoạt đời thường. Họ có thể đang ở chung nhà (hai người bạn, hai anh em, hai vợ chồng…) và có thể cùng chung một không gian rộng hơn. Từng là cùng quê hương với nhau (cần phải gắn bó, đùm bọc) thì bây giờ tình đồng hương quý giá kia cũng chẳng ý nghĩa gì nữa. “Ghét đến đào đất đổ đi”: Cái mặt đáng ghét ấy, nó mà đến tôi thì tôi lót lá vứt ra khỏi nhà!

Nhưng cái này mới là tận cùng của thái độ ghét: Chung bầu trời mở? Muôn phần không chung.

Bầu trời rất rộng lớn, được dùng để chỉ chung cho thế gian này. Ấy vậy mà hai người thù ghét nhau phải thốt lên “muôn phần không chung chạ gì hết”: Có đi cuối đất cùng trời/ Hai ta chẳng có một lời nào đâu. Để diễn tả điều này, tiếng Việt có thành ngữ “Không đội trời chung”, chỉ “quan hệ một mất một còn, không thể nào chung sống được”. Khi dẫn thành ngữ này, người nói đã chuyển tới “đối tượng ghét” một thái độ hết sức đanh thép, rằng “dưới gầm trời này thì có mày không tao”. Thái độ đó, chỉ có thể xảy ra giữa hai người, hai bên ở thế đối địch “nếu có A thì không có B”. Thế đó, thái độ đó thường là dành cho kẻ thù trên trận tuyến giữa hai thế lực (ta và địch chẳng hạn). Nhưng tiếc thay, có khi lại là thái độ của hai người từng là bạn bè chiến hữu, từng chung một mái ấm gia đình, từng có một thời chia ngọt sẻ bùi “đầu gối tay ấp”.

Sự đời thật oái oăm, thật lạ. Vậy mà nó vẫn có lúc xảy ra đó bạn. Đúng là cuộc sống không ai có thể ngờ. Không ai muốn thế nhưng nó lại như thế!