Giao người cách ly tập trung về địa phương: Phải có 3 bên

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã đưa ra hướng dẫn, khi đối tượng phải cách ly tập trung kết thúc thời gian cách ly thì phải có quyết định hết cách ly. Việc bàn giao người hết cách ly về địa phương phải bao gồm 3 bên: Đơn vị quản lý khu cách ly, người thực hiện cách ly và y tế nơi cư trú của công dân.

Đoàn làm việc kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 tại cửa khẩu Kim Thành. Ảnh:VGP/Tuấn Dũng

Trong hai ngày 14 và 15/1, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tình hình chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai - địa phương có 182,086 km đường biên với Trung Quốc, có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và rất nhiều đường mòn lối mở dọc biên giới. 

Cư dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, thường thăm người thân, nhất là trong dịp lễ tết, nhiều công dân của Lào Cai và các tỉnh, thành phố trong cả nước làm việc, học tập tại Trung Quốc.  Trong đó có một số lao động xuất, nhập cảnh trái phép dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua Lào Cai vào Việt Nam là rất lớn. 

Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tự đánh giá là tỉnh có nguy cơ cao, nên Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lào Cai luôn chỉ đạo rất sát sao công tác phòng chống dịch COVID-19. Tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường chỉ đạo kiểm soát tốt tuyến biên giới và đã có kế hoạch cụ thể theo tiêu chí phòng chống dịch cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021. Ban chỉ đạo tỉnh sẽ bám sát tình hình để kịp thời đưa ra những chỉ đạo sát với thực tế. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng chống dịch COVID -19 của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở; đồng bào dân tộc thiểu số còn không ít người có hiểu biết hạn chế về dịch bệnh. Cùng với đó, việc thu phí cách ly và xét nghiệm cũng khó khăn vì chủ yếu người nhập cảnh là đồng bào dân tộc thiểu số, nên đến bây giờ Lào Cai vẫn chưa tổ chức thu phí…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra những lưu ý đối với Lào Cai - đặc thù là tỉnh có biên giới dài, địa bàn dân cư phân bố thưa thớt, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, nên nguy cơ lây lan dịch rất cao. Vì vậy, tại một khu vực có nhiều cơ quan cùng tham gia chống dịch như ở cửa khẩu (biên phòng, kiểm dịch, hải quan...) cần giao cho một đồng chí làm trưởng ban chịu trách nhiệm chung. Người này sẽ là đầu mối để tiếp nhận ý kiến tại mỗi cuộc họp của Ban chỉ đạo cấp trên và sau đó chỉ đạo triển khai tại đơn vị. Cần có sự phối hợp như vậy, không để mạnh ai nấy làm. Trong công tác chống dịch, tỉnh cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát quy vào trách nhiệm người đứng đầu địa phương. 

Tỉnh cũng cần kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, bao gồm cả những chỗ không phải là đường mòn lối mở. Cùng với đó tuyên truyền vận động công dân Việt Nam không nhập cảnh trái phép. Còn tại các khu cách ly tập trung và các khu cách ly khác, cần thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn về lấy mẫu xét nghiệm. 

“Trong vòng 2 ngày đầu sau khi người cách ly nhập khẩu vào Việt Nam phải lấy được mẫu, lần thứ 2 là ngày thứ 14. Hết thời hạn cách ly 14 ngày, nhưng chưa có kết quả xét nghiệm thì cũng chưa được để người cách ly về", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giao nhận người của địa phương khác sau khi hết cách ly, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã đưa ra hướng dẫn khi những đối tượng phải cách ly tập trung kết thúc thời gian cách ly thì phải có quyết định hết cách ly. Việc bàn giao người hết cách ly phải bao gồm 3 bên: Đơn vị quản lý khu cách ly, người thực hiện cách ly và y tế của đơn vị nơi cư trú của công dân.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng dịch, để thực hiện truy vết. Tiếp tục cập nhật và đẩy nhanh tiến độ cập nhật các đơn vị như cơ sở y tế, trường học và kể cả các địa điểm du lịch vào bản đồ phòng chống dịch của tỉnh. 

Hiền Minh