Giáo sư sử học Hà Văn Tấn qua đời, thọ 82 tuổi

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: GS NGND Hà Văn Tấn đã qua đời vào 21 giờ 2 phút ngày 27-11 tại Bệnh viện Lão khoa (Hà Nội), hưởng thọ 82 tuổi,

 

Giáo sư NGND Hà Văn Tấn đã chống chọi với bệnh đột quỵ nhiều năm nay. Gần đây, sức khỏe thầy Tấn rất yếu. Thầy qua đời vì tuổi cao, sức yếu. 

Giáo sư NGND Hà Văn Tấn là một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại cùng với giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng. Ông là chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học (khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay Là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện trưởng Khảo cổ học (1988-2008).


GS NGND Hà Văn Tấn. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh năm 1937 tại Hà Tĩnh, đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp 9, Hà Văn Tấn ra Hà Nội. Sau một năm vừa học vừa làm, chàng thanh niên Hà Văn Tấn quyết định vào học khoa Sử, Đại học Sư phạm.

Năm 1957, tròn 20 tuổi, Hà Văn Tấn tốt nghiệp đại học (đứng thứ hai - Á nguyên) và ở lại trường làm cán bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đại học Sư phạm. Ông từng chia sẻ, khi về tập sự ở trường, ông rất lo lắng vì "với trình độ 9 + 2 thì làm ăn gì được". Vì vậy, ông vừa giảng dạy, vừa tự học. 

Nhờ tự học, ông đã thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc. Sau đó, ông tự học tiếng Sanskrit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại, thông qua tiếng Đức. 


Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại từ trái qua GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn và GS Phan Huy Lê với ông bà GS Trần Văn Giàu. Ảnh chụp năm 1996 do GS Lê cung cấp.

Năm 1960, khi mới 23 tuổi, Hà Văn Tấn đã hiệu đính Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán thế kỷ XV. Giáo sư Đào Duy Anh từng nhận xét công trình này "rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả". Ông còn cùng giáo sư Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 1). 

Từ năm 1960, Hà Văn Tấn bắt đầu tham gia nghiên cứu khảo cổ học. Một năm sau, ông và Trần Quốc Vượng viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam, trình bày những phát hiện mới về thời đại đá.

Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đã công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước. Ông còn là tác giả và đồng tác giả của trên 25 cuốn sách.

Những cuốn sách của ông có nhiều nội dung viết về lĩnh vực khảo cổ học. Khảo cổ học đòi hỏi một hiểu biết rộng và những tri thức liên ngành. Bởi vậy, ông lấn sang nghiên cứu Nhân học hình thể, đặc biệt là nghiên cứu về sọ, toán học thống kê, khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử.

Mỗi khi khám phá và chinh phục được lĩnh vực mới, GS.NGND Hà Văn Tấn đều để lại dấu ấn của mình trên lĩnh vực ấy với những sản phẩm khoa học được đánh giá cao. 

Niềm say mê và cũng là lĩnh vực thành công tiếp theo của GS.NGND Hà Văn Tấn là lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến XIV. "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông" (viết chung với Nhà giáo Phạm Thị Tâm) là một cuốn sách tiêu biểu cho những nghiên cứu của ông về thời kỳ này.

Từ những năm 70, GS.NGND Hà Văn Tấn bắt đầu giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về Sử liệu học, Văn bản học… Đến năm 1982 ông đã đề xuất với Khoa và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập ở Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bộ môn Phương pháp luận sử học mà sau đó ông được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn.

GS.NGND Hà Văn Tấn còn chú trọng đào tạo chuyên môn cho các cán bộ trong Bộ môn Phương pháp luận sử học, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trẻ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ tư liệu học tập nghiên cứu...

Đáng tiếc là dự định viết một cuốn sách giáo trình về phương pháp luận, sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học,... chưa xong thì ông lâm trọng bệnh.

Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1997 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2000.

Nhưng cao hơn cả, ông là một trong “tứ trụ” của sử học Việt Nam. Sự đóng góp của những người Thầy như ông đã làm nên Khoa Lịch sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).