Các diễn giả bàn luận sôi nổi tại buổi tọa đàm do L’espace và Đinh Tị tổ chức.
Buổi tọa đàm “Kẻ phản diện quyến rũ - Tại sao chúng ta yêu thích những tội phạm tài tử?” do L’espace và Đinh Tị Books tổ chức ngày 07/11/2020 có sự tham dự của hai tác giả trinh thám có lượng độc giả lớn gần đây là Kim Tam Long (tác giả “Ẩn Ức Trắng”, “Mặt Nạ Trắng”) và Đức Anh (tác giả “Tường lửa”, “Thiên thần mù sương”, “Đảo Bạo Bệnh”) cùng Hà Trang - người sáng lập kênh văn học Trạm Radio. Chương trình thu hút đông đảo độc giả trải dài nhiều lứa tuổi. Tại đây các diễn giả và khách mời đã bàn luận sôi nổi về bộ tác phẩm Arsène Lupin của nhà văn Maurice Leblanc cũng như vấn đề tiếp nhận văn học trinh thám ở Việt Nam.
Maurice Leblanc (11 tháng 11 năm 1864 - 6 tháng 11 năm 1941) là một tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Pháp, được biết đến chủ yếu là tác giả của nhân vật hư cấu Arsène Lupin - một thiên tài đạo chích, được so sánh là đối trọng với nhân vật thám tử Sherlock Holmes của tác gia người Anh Conan Doyle. Bộ sách “Arsène Lupin - Siêu trộm hào hoa” do NXB Văn học liên kết với Đinh Tị Books đã đón nhận nhiều tình cảm của độc giả cả nước. Mặc dù Arsène Lupin đã từng được dịch ở Việt Nam nhiều lần, nhưng đây mới là lần đầu tiên bộ sách được chuyển ngữ trọn bộ theo hệ thống.
Nói về tác phẩm “Arsène Lupin - Siêu trộm hào hoa”, tác giả Đức Anh cho biết: “Thật khó lờ đi việc Maurice Leblanc và Arsène Lupin là hai cái tên vĩ đại của lịch sử trinh thám thế giới, mặc dù đâu đó chúng ta thường không thấy họ được nhắc đến. Khác với lối viết trinh thám có phần trọng về giải đó, hơi khô khan cứng nhắc của Conan Doyle, rõ ràng Maurice Leblanc đã đưa ra một bộ tác phẩm giàu tính hành động, li kì, bất ngờ. Xuất hiện đầu thế kỷ XX nhưng Maurice Leblanc rất gần với trinh thám hiện đại”.
Bộ sách Arsene Lupin của NXB Văn Học và Đinh Tị Books liên kết xuất bản.
Nhà Văn Kim Tam Long chia sẻ: “Tôi đến với văn học trinh thám khi nhận thấy nhu câu ngày càng cao của độc giả. Quả thật một nền văn chương rất khó có thể gọi là mạnh nếu thiếu văn học trinh thám. Từ Arsène Lupin tôi cũng học được nhiều điều, quan trọng nhất là xây dựng nhân vật phản diện, chứ không phải nhân vật thám tử”.
Buổi tọa đàm cũng đưa ra góc nhìn lý thú về sự tiếp nhận sách trinh thám ở Việt Nam. Đã có một sự thay đổi rất rõ ràng về độc giả trinh thám Việt Nam, từ việc tìm đọc các tác phẩm văn học trinh thám như một thú vui giải trí đến việc trở thành một độc giả trung thành, đầu tư tìm hiểu và nuôi dưỡng sở thích của mình. Những hội nhóm với lực lượng đông đảo độc giả, các sự kiện sách và sự lớn mạnh của dòng văn học trinh thám đang chứng tỏ nhu cầu rất rõ rệt của độc giả hướng đến việc đọc sách theo chất lượng, có hệ thống. Hội thích truyện trinh thám trên Facebook được thành lập năm 2015 và đến nay đã thu hút đến 30 ngàn thành viên, trở thành một trong những CLB đọc sách lớn nhất cả nước.
Đọc giả văn học trinh thám cũng đã hình thành cho mình một chân dung, một màu sắc và một cá tính riêng biệt. Không còn là những người đọc giải trí, giờ đây họ tạo ra các thú vui như sưu tầm, chụp ảnh, viết bài điểm sách… Và từ vị trí các độc giả, một vài tác giả trinh thám Việt đã bắt đầu sự nghiệp của mình, xây dựng những tác phẩm văn học xoay quanh đề tài tội ác.
Tác giả Đức Anh cho biết: “Tôi từng đọc được câu văn chương giống như vắc-xin. Trước hết nó viết về cái ác. Và sau đó nó giúp chúng ta ngừa cái ác trong chính mình. Và đó mới là giá trị tự thân của sách trinh thám”.
Hà Vũ