Sản phẩm gốm nghệ thuật Phù Lãng.
Làng Phù Lãng nổi tiếng với nghề gốm, có lịch sử trên 100 năm. Cùng với gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng từ xa xưa đã được cả nước biết đến. Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nằm nép mình bên sông Cầu, nơi giao thương buôn bán tấp nập, cách Hà Nội 60 km, cách sông Lục Đầu khoảng 4 km, là một trong 3 trung tâm gốm cổ của đồng bằng Bắc Bộ, được hình thành và phát triển cách nay non một thế kỷ, với những sản phẩm gốm thủ công truyền thống, đồ gia dụng.
Theo ghi chép trong cuốn “Kinh Bắc – Hà Bắc” của Tô Nguyễn và Trì Nguyễn thì ông Tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là ông Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ Trung Quốc. Tại đây ông học được nghề làm gốm. Khi về nước, ông đã dạy cho bà con trong nước làm nghề gốm. Đầu tiên nghề này được ông truyền cho cư dân đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp, Hải Dương. Khoảng đầu thế kỷ XIII ( thời nhà Trần), nghề được truyền đến vùng Phù Lãng.
Khác với gốm Bồ Bát (Thanh Hóa), với ông Tổ nghề là Hứa Vĩnh Kiều, với sản phẩm gốm làm từ chất liệu đất sét trắng và gốm Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), ông Tổ nghề là ông Đào Trí Tiên, với sản phẩm gốm đất sét xanh nổi tiếng, thì gốm Phù Lãng lại âm trầm, mộc mạc, nhưng vô cùng tinh tế, sản phẩm gốm làm ra từ đất sét đỏ. Cũng như gốm Bát Tràng, Thổ Hà đều là sản phẩm gốm đặc trưng của người Việt, nhưng cái sắc nâu da lươn óng ả của gốm Phù Lãng vẫn luôn gợi lên “chất quê”, bình dị, gần gũi, mộc mạc mà rất tinh tế, thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật gốm.
Sản phẩm gốm Phù Lãng gồm 3 loại chính: gốm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương, các đồ thờ cúng; gốm gia dụng- một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng- vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng từ lọ, bình, ang, chum, vại, thậm chí cả ống điếu, bình vôi… và thứ ba là gốm trang trí: lọ cắm hoa, tranh gốm…
Gốm Phù Lãng mang sắc thái riêng biệt, đó là sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng nâu,,,mà mọi người quen gọi men da lươn.
Mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn từ dàn đất, tạo hình, cắt khuôn, phơi khô, nung, ghép…với sự tham gia của nhiều người.
Nét nổi bật nhất của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm bong, còn gọi chạm kẹp. Mầu men tự nhiên, rất bền và trông lạ mắt. Dáng gốm Phù Lãng mộc mạc, khoẻ khoắn, mang vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, nhưng vẫn thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc tạo hình.
Điều đặc biệt ở gốm Phù Lãng chính là loại đất sét không được lấy trực tiếp trong làng mà được khai thác ở vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và được chuyển về Phù Lãng theo đường sông Cầu. Điều này khiến cho cấu trúc địa chất và cảnh quan làng Phù Lãng không bị phá vỡ. Đất lấy về là loại đất có độ dẻo cao, đem phơi khô để đất bạc màu, được trộn lẫn với các loại đất khác, rồi đem đập thành từng cục nhỏ bằng ngón chân cái. Tiếp theo đem “ngậm nước”. Sau đó xéo tròn, nhặt sạn, phá, sa (nhào nặn) cho tới khi đất nhuyễn mịn. Một miếng đất trước khi “chuốt” phải nề, xéo (hàng chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay để tạo hình thành sản phẩm (đất sét phải luyện thật nhuyễn, mịn, đảm bảo độ dẻo, mới có thể tạo hình được).
Cũng giống gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được tạo hình trên bàn xoay. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, bởi do hình khối đa dạng. Nhìn chung có thể có hai phương pháp cơ bản: phương pháp thứ nhất tạo hình trên bàn xoay (làm gốm gia dụng và trang trí trên gốm). Phương pháp thứ hai là in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán, ghép lại (là sản phẩm tín ngưỡng). Mỗi loại sản phẩm đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về mặt kinh tế và thẩm mỹ.
Phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện lớn) là “chuốt”. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay, hoạt động xung quanh bàn xoay gồm ba người, trong đó có một người chuyên ngồi “chuốt”, một người vần bàn xoay và một người chạy công việc bên ngoài. Đối với sản phẩm có kích thước nhỏ chỉ cần 2 người: một người “chuốt” và một người vần bàn xoay.
Quá trình tạo hình sản phẩm gốm.
Khi tạo hình xong, để cho gốm se dần, đến khi sờ tay, không bị dính, người thợ bắt đầu “thúng”, “đấm”, “thúc” bên trong sản phẩm cho thành đồ vật, xong để cho sản phẩm khô ráo (nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt cho vá lại bằng đất mịn và nát. Cuối cùng là “ve”, “nạo”. Tiếp đó sản phẩm được tráng một lớp men.
Kỹ thuật tráng men ở đây có phần khác gốm Bát Tràng và Thổ Hà. Men gốm Phù Lãng được chế tác từ tro cây rừng- thường là gỗ lim, sến, táu và nghiến (những loại cây rừng khi đốt tro trắng như tàn thuốc) trộn với vôi sống, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo tỷ lệ nhất định (đây được coi là bí quyết nghề), rồi đem phơi khô, đập nhỏ, cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành chất lỏng quánh, có màu vàng nâu óng như mật ong. Loại men này được quét lên sản phẩm thô, và đem phơi khô. Sản phẩm lúc này có màu trắng.
Gốm được tráng men, phơi khô sẽ xếp thành từng chồng để đưa vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung phải theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian của lò. Muốn vậy, phải xếp chậu nhỏ trong chậu to, sản phẩm bé nằm trong sản phẩm lớn …và như thế sản phẩm được xếp đến tận nóc lò, nhiệt độ nung là 1.0000 C. Gốm được nung liên tục 3 ngày 3 đêm và lượng nhiệt phải được điều chỉnh tăng dần, đến ngày thứ hai, gốm chín, người ta từ từ giảm nhiệt độ, đến ngày cuối cùng gốm được để nguội, lấy ra khỏi lò. Nhờ vậy, sản phẩm xếp lớp ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc.
Lò nung gốm Phù Lãng.
Nếu gốm Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, và vẻ tinh tế, thì gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn.
Hiện gốm Phù Lãng ngoài các sản phẩm dân dụng truyền thống, nghệ nhân Phù Lãng đang phát triển sản phẩm dòng tranh gốm theo thị hiếu của người yêu gốm. Dòng tranh gốm được sáng tạo theo nhiều chủ đề đa dạng, đậm chất mộc mạc, giản dị, mầu ấm dịu, không quá sặc sỡ, đậm chất “hồn quê”, rất phù hợp với trang trí sân vườn, tiểu cảnh và trang trí nhà thờ, đền thờ. Chủ đề tranh gốm mang nhiều ý nghĩa với con người Việt, gợi nhớ về cội nguồn, quê hương với những vất vả lo toan để có được một ngày thanh bình như hôm nay.
Vẽ họa tiết trên sản phẩm gốm Phù Lãng.
Gốm Phù Lãng không quá nổi trội, không mấy phô trương, nhưng chính cái giản đơn, bình dị của gốm Phù Lãng lại luôn luôn giữ được chỗ đứng bền vững trong lòng người Việt và du khách quốc tế.
Đã có lúc gốm phù Lãng chừng như đã mất vị thế của mình trên thị trường gốm Việt, khi gặp sức ép cạnh tranh quá lớn từ vô vàn các sản phẩm gốm trên thị trường vừa bắt mắt lại vừa hợp thời. Mặt khác, nhiều thanh niên trong làng theo những ngành nghề khác kiếm được nhiều tiền hơn mà bỏ quên cái “nghiệp gốm” của cha ông để lại . Nhưng cuối cùng cái vòng xoáy của sự phát triển vẫn chẳng thể làm mai một đi những giá trị đích thực của gốm.
Những năm gần đây, làng Phù Lãng đang có một thế hệ nghệ nhân mới, được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Công nghiệp, họ là những người đang thổi vào đất những hơi thở thời đại, để tiếp nối và phát triển nghề gốm của ông cha. Tuy có sự thay đổi chút ít về công nghệ khắc chạm gốm, để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhưng màu nâu da lươn, vàng óng ấy vẫn luôn luôn là nét đặc trưng không thể nào thay thế được. Qua mấy ngàn năm lịch sử, gốm Phù Lãng vẫn cái bình dị, mộc mạc, chân chất ấy của làng quê xứ Kinh Bắc.
Hình ảnh minh họa cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam".