GS Vũ Khiêu và những cuộc trò chuyện về “khoa học”

Xin chia sẻ với cộng đồng một bài viết hay về Giáo sư Vũ Khiêu với nhan đề "GS Vũ Khiêu và những cuộc trò chuyện về “khoa học” đăng trên Báo Khoa học và Đời sống của tác giả Tuyết Vân

Nhắc đến ông, người ta luôn dành nhiều tình cảm với sự ngưỡng mộ, kính yêu và trân quý. Ông là một biểu tượng về tri thức, văn hóa, một người dành rất nhiều tình cảm cho giới khoa học nói chung và báo KH&ĐS nói riêng. Ông là Anh hùng lao động, nhà văn hóa, nhà khoa học, giáo sư Vũ Khiêu.

Tri thức mới là quan trọng

Trong cuộc đời làm báo, tôi có may mắn và nhân duyên được nhiều lần gặp ông, bắt đầu từ năm 2005. Khi ấy, cả nước đang phấn khởi bàn về những cơ hội và thách thức chuẩn bị cho sự kiện trọng đại Việt Nam gia nhập WTO. Hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới lúc đó là vấn đề mà giới trí thức bàn luận nhiều nhất. Là một người chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của đất nước, hơn ai hết, GS Vũ Khiêu cảm nhận rõ sự thay đổi của dân tộc. Ông đã có những chia sẻ sâu sắc với độc giả KH&ĐS về trách nhiệm của giới trí thức, khoa học trước bước ngoặt lịch sử này. Ông cũng mong muốn, các nhà khoa học sẽ dành tâm huyết để người dân nhìn thấy con đường phát triển của dân tộc Việt Nam ngày một rõ nét hơn trên “bàn cờ thế giới”.

GS Vũ Khiêu

Ông, khi ấy đã 90 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, trí tuệ thông thái, bậc thầy về câu đối, thư pháp và vẫn gieo muôn áng văn đẹp, vẫn nghiên cứu, đọc báo, viết sách, làm việc 10 tiếng/ngày. Ông thường nói: “Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất, tri thức mới là quan trọng”. Chính vì vậy, trong nhà GS Vũ Khiêu luôn có treo một chữ “Tri” thư pháp do chính ông viết để nhắc nhở con cháu và mọi người. Cũng vì chữ Tri ấy, suốt cuộc đời mình, GS Vũ Khiêu cống hiến không ngừng nghỉ cho đất nước. Ông đã có nhiều công trình đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hóa nước nhà.

Là một bậc trí thức, ông thường hay trò truyện về những cống hiến của người làm khoa học. Chia sẻ với độc giả báo KH&ĐS về kẻ sĩ xưa và nay, ông cho rằng, những người trí thức chân chính nói chung đều dành toàn bộ tâm trí của mình để phục vụ cho một lý tưởng cao đẹp, vì sự phồn vinh của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Người trí thức, thường ít đặt vấn đề tiền bạc, lương thưởng, bổng lộc. Giáo sư chỉ mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm tới đội ngũ khoa học, tạo điều kiện tăng lương và ghi nhận sự cống hiến của họ, để họ ổn định đời sống, dành thời gian nghiên cứu, cống hiến cho nước nhà. Ông như một bậc tiên hiền trong đời thực, luôn sống đẹp, nghĩa tình, hào hiệp, thủy chung. Khách đến chơi luôn được ông quan tâm thăm hỏi thân mật về gia đình, nhớ tên từng người. Gặp ông về ai cũng thấy hồ hởi, phấn khởi, tràn đầy năng lượng vì ông luôn trao tặng họ khi thì những câu chuyện, kiến thức, lời khuyên... lúc thì cuốn sách, thư pháp, hay một chữ, một câu chúc. Ngày ấy, ông viết tặng gia đình tôi một bức thư pháp có câu đối: “Sơn hà Linh khí/ Nhật nguyệt hồng Vân” ghép tên của cả 4 thành viên trong gia đình. Khi sinh con, tôi cũng đến xin ông cho chữ, đặt tên. Ai ông cũng giúp, nhiệt tình, không công xá. Ông thường bảo, người trí thức không quan trọng tiền bạc...

Không ngừng cho đi

Theo GS Vũ Khiêu, đất nước muốn hưng thịnh, phải coi trọng hiền tài. Hiền tài ở đây là những bậc trí sĩ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học. Ông bảo, báo KH&ĐS có vai trò rất quan trọng, bởi người làm khoa học thường ít nói, cần có một cầu nối chia sẻ và ghi nhận những nghiên cứu của họ với xã hội, với nước nhà. Ông phân tích, cái tên Khoa học & Đời sống cũng rất ý nghĩa. Đời sống không có khoa học thì làm sao mà phát triển. Khoa học không ứng dụng vào đời sống thì là khoa học “chết”. Vậy nên ông viết tặng báo KH&ĐS một câu đối nhân dịp xuân Bính Tuất: “Ví không khoa học trong đời sống/ Sao có văn minh giữa mạnh giàu”. Câu đối này đã trở thành kim chỉ nam cho báo, với tôn chỉ Tri thức là sức mạnh, gắn kết mọi hoạt động của các nhà khoa học với độc giả, đưa những ứng dụng khoa học đến với đời sống...

 Bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn ông, nhân dịp mừng thọ GS Vũ Khiêu 90 tuổi, báo KH&ĐS lúc đó do anh Trần Duy Phương làm Tổng biên tập giao cho tôi nhiệm vụ tặng ông một món quà lưu niệm. Tôi chọn một bức tranh đồng trạm khảm một khóm trúc, bên cạnh có một câu thơ về người quân tử, rồi cầu kỳ đi lùng tìm người khắc chữ thật đẹp, khảm tên báo KH&ĐS tặng lên. Đích thân anh Phương kính cẩn đến thăm và trao tặng cho giáo sư. Ông cảm động lắm, nói rằng rất thích món quà, bởi nó đúng với biểu tượng cuộc đời ông. Sau này, có nhiều dịp đến chơi, tôi thấy bức tranh được ông trang trọng treo ngay giữa khu vực tiếp khách.

Giáo sư Vũ Khiêu chụp cùng gia đình GS Cảnh Khanh (con trai), TS Đặng Vũ Cảnh Linh (cháu đích tôn) và chắt nội Minh Anh. Ảnh: GS Cảnh Khanh cung cấp

Mùa thu này, GS Vũ Khiêu tròn 104 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm. Đã hơn một năm ông bệnh nặng, sức khỏe không cho phép nghiên cứu và nghĩ về các vấn đề thời cuộc nữa. Giờ đây, niềm vui của ông thật giản dị là mong được gặp gỡ con cháu, trò chuyện với mọi người qua cây bút và các mẩu giấy. Mọi người yêu quý đến thăm ông rất đông, có người biếu tiền, ông cảm ơn rồi cất dưới gối. Những người đến thăm sau, không kể thân sơ, người nào nghèo khó mà ông từng biết, ông lại lấy tiền từ dưới gối đưa tặng cho họ. Ông bảo với con cháu: “Cứ cho đi rồi sẽ lại có...”. Ông quả là một trí thức, một tấm lòng quảng đại, nhân ái bao la, cả cuộc đời không ngừng cống hiến, không ngừng yêu thương và cho đi...

Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội... Trong kháng chiến chống Pháp, ông được điều động làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ chiến dịch Biên giới năm 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 2000, giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối "Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng".