Hà Giang: Khởi sắc vùng đất chiến trường xưa Thanh Thủy

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vùng đất Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) là điểm nóng giao tranh ác liệt. Đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng anh dũng ngã xuống để giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. 35 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, Thanh Thủy đã có những đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là “phên dậu” của đất nước.

Pháo đài thép - máu thấm đất biên cương

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt tại xã Thanh Thủy, phía Bắc huyện Vị Xuyên được ví như “chảo lửa” là vùng đất “chết” khi phải hứng chịu hàng nghìn tấn đạn, pháo dội xuống trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương.

IMG_0165

Những con đường bê tông phẳng lì tại thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy) 

Với những ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất Vị Xuyên, nghe những cựu chiến binh kể lại, chắc họ không thể nào quên được một loạt địa danh với những cái tên không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Đó là một loạt những mỏm núi, thung lũng, bao xung quanh khu vực cửa khẩu Thanh Thủy. Tên gọi của những địa danh đó đã nói lên sự "kinh hoàng" của cuộc chiến biên giới phía Bắc cách đây hơn 35 năm.

Dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ tại Đài hương 468 Thanh Thuỷ - Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: Internet.

Ngày 12/7/1984, trận đánh “mở màn” chiếm lại điểm cao 772 ở trận địa thôn Nặm Ngặt (Thanh Thủy), riêng Sư đoàn 356 có gần 600 chiến sĩ hy sinh. Đây được coi là ngày “Giỗ trận” của đơn vị này. Theo thống kê, đã có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; hơn 9.000 thương - bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi quân xâm lược.

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: Internet.

Đến nay vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên địa hình hiểm trở chưa tìm được hài cốt. Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có 1.750 phần mộ nhưng nhiều phần mộ vẫn vô danh, chưa xác định được họ tên, địa chỉ. Các đài hương hiện nay được dựng lên tại Thanh Thủy chính là nơi những trận đánh xảy ra ác liệt và nhiều quân dân ta ngã xuống, máu thấm đất biên cương, là điểm ghi dấu tinh thần vệ quốc bất khuất của người Việt Nam.

Cựu chiến binh Sư đoàn 356 tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên tại đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh Thủy - Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: Internet.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn vô cùng nặng nề do có gần 100 nghìn ha đất nằm dọc theo chiều dài biên giới Việt – Trung bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Trong đó Thanh Thủy là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thôn Giang Nam là trung tâm của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên có hàng chục người bị cụt chân, cụt tay do giẫm phải bom mìn. Nhiều người bị mất chân, mất tay do vướng phải đạn pháo, bom mìn còn sót lại ở trong rừng. Đi nương tra ngô, trồng lúa, vào rừng kiếm củi..., người dân nơi đây luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Đã có hàng nghìn ha đã được dọn sạch bom mìn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều diện tích khác còn ô nhiễm bom mìn chưa được rà phá.

Dưới bóng cờ tổ quốc nơi biên cương Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: Internet.

Mạnh mẽ chuyển mình

35 năm đã trôi qua, kể từ ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta đã bắt tay hợp tác cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Con đường từ Thành phố Hà Giang đi cửa khẩu Thanh Thủy dường như tấp nập hơn. Những chiếc xe tải chở hàng hóa ngược xuôi hoạt động dịp giáp tết, các doanh nghiệp tranh thủ thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nhu cầu hàng hóa tăng cao để đẩy mạnh hoạt động thương mại.

Xã Thanh Thủy hiện có 590 hộ với 2.578 nhân khẩu, sinh sống tại 7 thôn bản, trong đó có 2 thôn giáp biên với tổng chiều dài đường biên 8,4km. Do địa hình đồi núi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Châu, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy cho biết: Là xã thuần nông, kinh tế của đại bộ phận người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; trong khi đó, đất canh tác lại manh mún, nhỏ lẻ; nhiều diện tích không chủ động được nước tưới, trình độ sản xuất của người dân chưa cao, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế, khiến cho thu nhập của xã những năm trước đây luôn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện.

Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, mong muốn đưa bà con trong bản thoát nghèo, Đảng bộ đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với lợi thế của bản để đạt hiệu quả, trong đó tập trung vào trồng chè và chăn nuôi lợn, dê; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT; khuyến khích nhân dân tận dụng tối đa quỹ đất sản xuất, chuyển đổi những diện tích đất không chủ động được nước sang trồng các loại cây có độ chống chịu hạn tốt; tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn… Đến nay, xã đã đạt 14/19 về xây dựng nông thôn mới (XD NTM). Tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 3% mỗi năm, bình quân thu nhập đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện.

IMG_0164

Thôn Thanh Sơn - xã Thanh Thuỷ hiện có 13 hộ dân tham gia phát triển dịch cộng đồng (Homestay).

Đến với thôn Thanh Sơn (hay còn được gọi với cái tên thân thuộc là Bản Pin hay làng Pin) của xã Thanh Thủy, nơi trước kia được xem là tuyến phòng thủ thứ 2 sau các chốt ở các cao điểm. Không còn cảnh hoang tàn do đạn pháo hay phải vượt qua những khúc suối mà thay vào đó đường vào các hộ nay đã được bê tông với những ngôi nhà sàn xen giữa màu xanh của ngô, lúa. Thôn Thanh Sơn có 76 hộ với hơn 90% là đồng bào Tày vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc cùng phong cảnh nên thơ, dân dã với nhiều tiềm năng du lịch như: Dãy núi đá có nhiều nhũ thiên nhiên đẹp, có thác Dốc Quýt trắng xóa,... Từ những lợi thế đó, UBND huyện Vị Xuyên đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch (VHDL) tiêu biểu gắn với XD NTM tại thôn Thanh Sơn. Năm 2015, thôn vinh dự nhận Bằng công nhận Làng VHDL tiêu biểu gắn với XD NTM của UBND tỉnh. Toàn thôn có 13 hộ dân tham gia phát triển dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ cho khách du lịch. Nhờ thế, cuộc sống người dân từng bước được nâng cao, hộ nghèo cũng giảm xuống đáng kể theo từng năm. Thanh Sơn cũng là thôn đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành 10/10 tiêu chí theo Tuyên bố PanHou (Khu du lịch sinh thái). Hiện, mỗi năm Thanh Sơn thu hút trên 3.500 lượt khách du lịch đến tham quan, thưởng thức ẩm thực, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Mỗi thước đất ở Thanh Thủy đều thấm máu xương nên chuyện con người chịu thương, chịu khó của xã anh hùng vẫn còn dài. Thanh Thủy hôm nay đang khởi sắc từng ngày. Ở vùng “đất thép” này, bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương tổ quốc vẫn ngân vang trong tâm trí mỗi người. Đó cũng là niềm tự hào, là động lực để đồng bào các dân tộc trong xã cùng nhau chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.