Từ nét độc đáo trong trang phục
Dân tộc Pu Péo ở Hà Giang chỉ có khoảng dưới 1.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Văn, Yên Minh và Bắc Mê. Trong quá trình giao thoa văn hóa người Pú Péo vẫn giữ được nét văn hóa bản sắc độc đáo riêng của dân tộc mình. Trong đó, phải kể đến trang phục truyền thống của phụ nữ Pú Péo luôn được các bà, các mẹ giữ gìn qua bao thế hệ. Trang phục nữ dân tộc Pu Péo không có những hoạt tiết hoa văn cầu kỳ như dân tộc Lô Lô hay mang màu sắc sặc sỡ như dân tộc Mông, Dao... Màu chủ đạo của trang phục và hoa văn của đồng bào Pu Péo là màu đỏ, xanh. Theo quan niệm của đồng bào Pu Péo, màu đỏ tượng trưng cho đàn ông, tượng trưng cho sự tôn trọng của người phụ nữ Pu Péo dành cho người trụ cột trong gia đình. Mỗi khi may trang phục, màu đỏ luôn được ưu tiên khâu trước, trong khi màu xanh tượng trưng cho người phụ nữ trong gia đình. Bộ trang phục truyền thống vẫn thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và sự tinh tế của người phụ nữ dân tộc Pu Péo.
Theo quan niệm của người Pu Péo, mỗi khi may trang phục, người Pu Péo không thêu các dải hoa văn mà chắp ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, nổi lên rực rỡ viền quanh hai tà áo, quanh gấu váy và trên khăn đội đầu. Các hình tam giác, hình chữ nhật là những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các họa tiết hình mào gà, mặt trời, sông suối, đồi núi thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái.
Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn màu tím sẫm. Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên, sống lược gọt cong hình hai chiếc sừng; ngoài ra họ còn đội khăn trong những dịp lễ tết hay tiếp khách, chiếc khăn này cũng mang những hoa văn hình học nhiều màu sắc xếp liền nhau. Có thể nói, cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa riêng biệt của người Pu Péo.
Ngoài ra, trang sức của người Pu Péo chủ yếu là bằng bạc, thường được đi chung với những bộ trang phục mang những nét hoa văn đặc sắc riêng của dân tộc mình. Phụ nữ Pu Péo thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại cùng đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn bằng bạc.
Ngày nay, phụ nữ người Pu Péo thường mặc trang phục truyền thống này trong những ngày lễ hội, ngày trọng đại trong năm, đám cưới, chương trình giao lưu văn nghệ…
Nếu bộ y phục của phụ nữ được may cẩn thận, công phu và tỉ mẩn với các kiểu dáng, hoạ tiết, màu sắc thì bộ y phục của đàn ông lại rất đơn giản. Đàn ông Pu Péo thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm hoặc áo xanh, quần đen. Áo của đàn ông Pu Péo được may dài đến quá đầu gối, vạt áo trước ngắn hơn vạt áo sau khoảng 15cm, áo được thiết kế cài khuy ở bên sườn và dưới vai. Bộ y phục đặc biệt ở chỗ ống cổ tay được may rộng.
Lễ tết của người Pu Péo
Các ngày lễ tết của người Pu Péo cũng là các ngày lế tết của các dân tộc trong vùng. Riêng tết Nguyên đán có tục gói bánh chưng đem ăn vào tối 29 để tiễn năm cũ và ăn bánh chưng trắng vào tối 30 để đón mừng năm mới. Mùng một tết trai gái nô nức cùng nhau đi gánh “nước vàng, nước bạc” để cầu may, người Pu Péo còn có một lễ rất quan trọng là Lễ cúng thần rừng. Lễ cúng rừng của người Pu Péo được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm, lúc trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây cũng là ngày để người Pu Péo bày tỏ lòng biết ơn đối với thần rừng.
Trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng, nơi thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Với người Pu Péo, thần rừng có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng.
Lễ cúng thần rừng được tổ chức ở khu vực bìa rừng, phía sau làng. Đàn cúng được làm từ những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau, cao khoảng 1m, dựng quay về rừng cấm. Trước đó, người dân cùng họp phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cho thần rừng. Người dân cùng đóng góp tiền mua lễ vật, mời thầy cúng.
Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo gồm 2 phần: phần cúng dâng lễ và phần cúng chính. Phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống. Lễ vật cúng thần rừng gồm gà, dê, cơm nắm, trứng luộc hoặc thịt luộc. Thầy cúng tiến hành tuần tự các bài cúng đối với từng lễ vật dâng lên thần rừng và tổ tiên, báo cáo thần rừng từng lễ vật dâng thần, xin thần rừng làm chứng. Phần thứ hai là phần cúng chính (cúng chín). Lễ vật dâng lên thần rừng là một con dê đã được làm sẵn thịt.
Sau khi khấn gọi những vong hồn về dự lễ cúng, thầy cúng bắt đầu tiến hành bài cúng chính của buổi lễ. Nội dung của bài cúng này kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần. Bài cúng này mang ý nghĩa tưởng nhớ về công lao của các vị thần và cầu mong các vị thần cũng như tổ tiên phù hộ cho dân làng có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, con người được khỏe mạnh, no đủ... Kết thúc bài cúng, thầy cúng cầm theo một con dao nhỏ đến đàn cúng các vong hồn và ma quỷ, kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, rồi dùng con dao hất đổ đàn cúng với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và ma quỷ.
Lễ cúng kết thúc cũng là lúc các thành viên tham gia đem những lễ vật đi nấu chín rồi ngồi quây quần lại với nhau uống rượu và trò chuyện.
Có thể nói, lễ cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo, nó mang ý nghĩa phồn thực của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống tại những vùng mà rừng luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Với giá trị đặc sắc, đại diện cho bản sắc của cộng đồng người Pu Péo, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Ngày nay, cộng đồng người Pu Péo ở Hà Giang đã và đang phát huy và bảo tồn được văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tới đông đảo các thế hệ thanh niên trẻ và mọi người trong, ngoài tỉnh biết đến.