Nghe thông tin Hà Nội dự kiến cho học sinh khối 10, 11, 12 và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trở lại trường mà rùng cả mình. Đành rằng, phải thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”, nhưng tùy từng đối tượng mà thích nghi. Lĩnh vực kinh doanh, sản xuất... cần thích nghi, nếu không, kinh tế suy sụp, cuộc sống khó khăn. Nhưng, học sinh, lại có thể thích nghi bằng cách học qua mạng chứ không nhất thiết phải đến trường vào thời gian này.
Vì sao? Vì Hà Nội đang phải đối đầu với sự diễn biến phức tạp của đại dịch. Số FO tăng từng ngày, trong đó FO lang thang ngoài cộng đồng không sao kiểm soát được, là nguy cơ gây bùng phát dịch một lần nữa. Đưa các cháu tới trường, là tạo thêm nguy cơ bùng phát dịch.
Theo Vietnamnet, “Bí thư Hà Nội cho biết, chiều 29/11, Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Trong đó, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường.
Trước mắt là ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến 30/11/2021 không có ca F0 trong cộng đồng. Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ ngày thứ hai 6/12.
Ông Đinh Tiến Dũng lưu ý, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội và cả nước với số ca F0 mới có xu hướng ngày càng tăng.
Chỉ tính riêng từ ngày 11/10, đến ngày 28/11, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 5.600 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng lên tới hơn 35%. Ngày 28/11, lần đầu tiên số ca mắc mới một ngày vượt quá 300 ca. Ngoài ra, số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng.
Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều chùm ca bệnh đang tồn tại ở các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, do việc tụ tập ăn uống, ở các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người khác nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K” và quét mã QR”.
“Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, chỉ đạo việc đưa học sinh trung học phổ thông trở lại trường học trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức đối với khối lớp 9 ở 18 huyện, thị xã vừa qua.
Trong đó, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; Không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường, học sinh tự mang theo nước uống; Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.” (Hết trích)
Trong ý kiến nói trên của ông Bí thư, có nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ dạy trực tuyến (mà học sinh lại học trực tiếp?), mặt khác, giáo viên phải tiêm đủ hai mũi vắc xin mới được lên lớp, trong khi đó học sinh mới tiêm được một mũi lại được ngồi trong lớp, hoặc “trong 14 ngày tính đến 30/11/2021 không có ca F0 trong cộng đồng”, vậy mà, chỉ trong ngày 30/11, Hà Nội ghi nhận 468 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong đó: cộng đồng (274), khu cách ly (138), khu phong tỏa (56). Có thể thấy, biểu đồ FO ngoài cộng đồng của Hà Nội luôn ngóc lên cao! Nên nhớ là FO ngoài cộng đồng có thể tạo ra F1, từ F1 thành F0 bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, không thể kiểm soát được! Trên thực tế, có một số trường học vì học tại trường mà có đông học sinh và giáo viên nhiễm Covid, phải tạm thời ngưng học trên lớp! (Ví dụ: “Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Phú Yên - cho biết do chỉ cho học 50% sĩ số nên lớp của học sinh nghi ngờ mắc COVID-19 này chỉ có 19 học sinh” (Ôi thôi, CHỈ CÓ 19 học sinh!). Theo Báo điện tử Chinh phủ “HÀ GIANG: Hàng trăm giáo viên, học sinh mắc COVID-19, dịch đã lan vào 62 trường học. Từ khi thành phố Hà Giang ghi nhận ca mắc đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 25/10, đến nay tỉnh Hà Giang đã ghi nhận 43 cán bộ, thầy cô giáo và 272 học sinh dương tính với virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR. Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra 62 trường học của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh”.
Với tình hình như vậy, cần để học sinh tiếp tục học trực tuyến. Qua gần một học kỳ của niên học mới, các em đã dần quen với phương thức học mới, khả dĩ đáp ứng được yêu cầu học tập. Tôi thường xuyên theo dõi 2 cháu tôi (1 lớp 10, 1 lớp 6) học qua mạng, thấy thầy cô giảng bài, nghe rất rõ, các cháu tham gia phát biểu sôi nổi, làm bài đầy đủ. Không thể nói là học qua mạng cũng giống như học trên lớp, nhưng là cách thức phù hợp trong tình hình dịch bệnh đang lây lan không ngừng. Cháu học lớp 10 của tôi luôn luôn lo lắng vì sắp phải tới trường mà dịch bệnh thì không biết thế nào!
Không nên vì quá lạc quan, vì thành tích chống dịch bệnh mà đưa học sinh tới trường, một môi trường mà hiện nay khó thực hiện triệt để nguyên tắc 5K. Học sinh lại mới chỉ được tiêm một mũi thuốc phòng dịch. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Bí thư “luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết” thì cần từ bỏ ý định cho học sinh tới trường vào thời gian này (mốc bắt đầu là ngày 6 tháng 12 năm 2021), khi mà dịch bệnh tại Hà Nội đang lan rộng ra. Hà Giang là một bài học nhỡn tiền, Hà Nội cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm!