Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.054 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao….
Năm 2021, Hà Nội đã có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký 581 sản phẩm tham gia, đánh giá, phân hạng. Đến nay thành phố đã đánh giá, phân hạng được 406 sản phẩm ở 18/30 quận, huyện. Đến hết năm 2021, thành phố sẽ công nhận ít nhất hơn 500 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội hơn 1.500 sản phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 44 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tạo điều kiện các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước được quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, để nhân dân Thủ đô và du khách nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức chương trình này còn nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chương trình có sự tham của nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng quy trình, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông - lâm nghiệp và góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Một số ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng được các đơn vị giới thiệu.