Hà Nội trong nét vẽ 40 năm của Văn Dương Thành

Nhân Kỷ niệm 67 năm Giải Phóng Thủ Đô 10/10/1954 - 10/10/2021, hoạ sĩ Văn Dương Thành đã cho người xem thấy lại Hà Nội cổ kính đẹp, sống động, và nên thơ.

ha-noi-van-duong-thanh-1633708159.jpgNgôi nhà nghệ sĩ 65 Nguyễn Thái Họci, Lacquer, 100x90cm, 15.1.2021

Từ Thăng Long đến Hà Nội, pho sử được chép trên những mảng tường, mái ngói rêu phong của thủ đô - đặc biệt được diễn tả trong hai trăm bức tranh của Văn Dương Thành, kết quả của 40 năm cầm bút vẽ về phố cổ Hà Nội. 

Kỷ niệm thời ấu thơ về Hà Nội luôn in đậm trong ký ức của Thành và theo suốt hành trình hội họa. Mỗi một mảng tường xanh rêu, những cánh cửa gỗ mộc, những lan can thấp, nhỏ bé với vài chậu cây thủy tiên, hoa lan hoặc vạn niên thanh cũng đủ gợi lên rất nhiều ý tưởng để sáng tác.

ha-noi-1633708431.jpgHoa Bên Hồ Hoàn Kiếm, sơn dầu trên toan, 90x70cm, 12/01/2019

Bức tranh “Hoa Bên Hồ Hoàn Kiếm” với phong cách Ấn Tượng (Impressionism) ghi lại khoảnh khắc nắng vàng rực rỡ tỏa trên nét mái cong giản dị nhưng rất tinh xảo, cỏ cây hoa lá vươn lên từ những gốc cây cổ thụ rủ bóng mát xuống mặt nước hồ quanh năm xanh biếc. Những bức tường nâu sậm hoặc rêu phong rất nặng nề thường được điểm xuyết bằng những cánh hoa và vòm cây xà cừ cổ thụ quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Nhìn tranh, người xem cảm nhận được không khí trong lành với những hương cỏ cây tạo nên một sự chuyển động phong thủy nhịp nhàng và nhạc tính trong mỗi cung bậc của màu sắc.

dong-ngac-1633708495.jpgKý ức Làng Đông Ngạc Hà Nội, Sơn Mài, 90x90cm, 06/12/2020.

“Ngôi Nhà Nghệ Sĩ 65 Nguyễn Thái Học” là một địa danh xuất hiện hơn 20 lần trong tranh sơn mài Văn Dương Thành; dưới nắng vàng, dưới ánh trăng xanh, trong mùa xuân, hạ, thu, đông, vừa nhuốm màu thời gian, vừa tưng bừng rực rỡ, có thể nhận ra một ban công của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, góc cửa sổ của họa sĩ Nguyễn Sáng, cánh cửa cao mở rộng của họa sĩ Mai Văn Hiến,... có khi mấy người từ nhà bác Nghiêm uống trà và ngắm sơn mài, rồi kéo nhau xuống phòng của bác Sáng. Căn phòng nhỏ khoảng 12m2, đơn sơ, không có đồ đạc, duy nhất có hai chiếc ghế đẩu mộc thấp để danh họa kê tranh sơn mài và ngồi xổm dưới đất vẽ. 

ha-noi-3-1633708557.jpgHà Nội Những Năm 1920, Sơn Mài, 80x60cm, 11/07/2021.

Đông Ngạc là nơi Thành thường lui tới và vẽ hơn 20 bức tranh. Con đường làng sống trâu vẫn còn bên những căn nhà mái thấp, kiến trúc hòa hợp giữa kiểu nhà nông dân và kiến trúc Pháp; vẫn những tam quan, mái cổng vững chắc, nặng nề, tiếp nối nhau với những mái cong thấp trĩu và hành lang giữ mát cho căn nhà. Bể nước mưa, vại, sành, gốc mít vẫn còn lại. Thành dùng nhiều mảng vàng ta, bạc nguyên để tả ánh nắng rực rỡ, những mảng vỏ trai, vỏ trứng để tả những bức tường nặng nề. Dù ở mùa nào, thì cũng có những ánh xanh lá cây tươi tắn của thiên nhiên phủ lên những mái ngói mốc thếch. Căn cổng hơn trăm năm này sau khi Thành vẽ đã không còn tồn tại, nên bức tranh trở thành một nét lịch sử cho các bạn trẻ chiêm nghiệm.

“Hà Nội Những Năm 1920” là bức tranh sơn mài có nhiều mảng màu hơi trừu tượng, nhìn kĩ sẽ thấy những chi tiết mái ngói mũi hài hoặc ngói âm dương phủ rêu và nhiều căn nhà lúp xúp rất duyên dáng dựa bên nhau. Những tán lá cây Bàng già, cây xà cừ cổ thụ trăm năm tuổi bên những chồi non mới xanh biếc, tất cả dưới ánh sáng vàng rực rỡ.

Khác với Phố Cổ của danh họa Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) - người thầy tinh thần của Thành. Phố Cổ của ông trầm mặc, sâu lắng, rất kiệm màu và vắng người, với nét bút nhẹ nhàng và các gam màu ghi chuyển tông rất tinh tế, phần lớn vẽ trên những mảnh bìa nhỏ bằng bàn tay, ngoại trừ một số tranh trên toan. Những tuyệt phẩm này đang được đấu giá và trưng bày ở nhiều bộ sưu tập quốc tế.

yen-phu-1633708623.jpgCổng Làng Yên Phụ Mùa Xuân, Sơn Mài, 60x50cm, 01.05.2021

Phố của Văn Dương Thành ghi lại những nét đời thường và hiện tại của Hà Nội mà ở đó, nét cổ kính luôn đi cạnh bên cuộc sống ồn ào náo nhiệt; những kiến trúc thay đổi đến chóng mặt của ngày nay. Tranh của Thành thường được vẽ trên toan khổ rộng từ 1 - 3 m, màu sắc rất mãnh liệt, bút pháp có khi như vũ bão kết hợp với những khoảng lặng màu êm ái để hoài cổ. Dù phố Văn Dương Thành có người hay vắng bóng người thì người xem cũng thấy một Hà Nội rất ồn ào náo nhiệt, nét mới xen nét cũ, đôi bức tranh mang nặng hoài niệm về tuổi thơ và nỗi nhớ nhung cha mẹ. Đôi bức vẽ như ghi lại những giấc mơ, thỉnh thoảng rất nên thơ mà cũng đầy tiếc nuối.

hoa-si-van-duong-thanh-1633708686.jpgVăn Dương Thành Bên Hồ Gươm, 2020. Photo: Lê Bích.

Nét bút vẩy màu đen rất thanh và động trong tranh của Thành không thể nào tạo lại lần thứ 2, đó cũng là lý do mà hội họa Văn Dương Thành được sưu tập bởi những công trình công cộng như khách sạn D.I.C. Star Hotel, tòa nhà Pacific Place, Vinacapital, TechcomBank, HD Bank, HSBC và tòa nhà Sao Thái Dương mới đây với 40 tác phẩm từ cỡ nhỏ đến 3m2. Galery Piony & Iris và các bạn sưu tập trong và ngoài nước cũng như các nguyên thủ quốc gia.