Đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, dâng hương tại khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên).
- Ông cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có bao nhiêu lễ hội và có điểm gì đáng chú ý?
- Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 400 lễ hội được quản lý, trong đó 8 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội Nữ tướng Lê Chân, lễ hội Minh Thề, lễ hội Vật đình làng Vĩnh Khê, lễ hội Xa mã, lễ hội Hát Đúm, lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hội Hát Đúm) và lễ hội thường niên cấp thành phố, các địa phương. Hầu hết lễ hội đều diễn ra dịp đầu xuân, gắn với cơ sở tín ngưỡng, với ý nghĩa tri ân công đức các bậc tiền nhân, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách...
Việc tổ chức các lễ hội làm diện mạo đời sống văn hoá thành phố thêm sinh động, đa dạng và là nguồn lực quan trọng của tinh thần xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân, đồng thời là những bài học lịch sử sống động, giáo dục truyền thống đạo đức, truyền thống văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp nhiều người biết và hiểu về lịch sử của địa phương mình qua việc tham dự các lễ hội.
- Công tác quản lý nhà nước của ngành và các địa phương về tổ chức lễ hội được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
- Để tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện các quy định và hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng, năm 2018, UBND thành phố ban hành Công văn số 5730, giao Sở Văn hóa-Thể thao triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Công văn số 491 năm 2019 về việc tăng cường công tác tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao hướng dẫn, kiểm tra UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cao Nghị định số 110 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố, hằng năm, Sở Văn hóa -Thể thao đều thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý di tích, quản lý và tổ chức lễ hội. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội. Đặc biệt, không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Nhờ đó, trong những năm qua hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố diễn ra vui tươi, an toàn và lành mạnh, các nghi thức trong lễ hội trang trọng, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy những nét đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
- Mặc dù Hải Phòng không là điểm “nóng” về công tác quản lý lễ hội mùa xuân nhưng ở một số địa phương cũng còn hạn chế. Mùa lễ hội đầu xuân năm nay, Sở Văn hóa-Thể thao có giải pháp nào để tăng cường công tác quản lý nhà nước lễ hội, thưa ông?
- Hiện nay, tại một số lễ hội trên địa bàn thành phố còn nặng về phần lễ, chưa chú ý nhiều việc tuyên truyền, hướng dẫn về giá trị di tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, nhân vật được thờ tự; chưa quy hoạch xây dựng điểm bán hàng, dịch vụ cho du khách dự hội, chưa bố trí các điểm hợp lý đặt thùng chứa rác, để bảo đảm mỹ quan và thuận tiện cho du khách.
Để công tác tổ chức và quản lý lễ hội được thực hiện đúng quy định, đem lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Phòng Quản lý di sản văn hóa, Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Phòng Quản lý văn hóa tuyên truyền, hướng dẫn Phòng Văn hóa-Thông tin các quận, huyện; các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường công tác quản lý, vận động nhân dân và du khách thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, bảo đảm lễ hội được tổ chức phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam; giao Thanh tra Sở phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110 năm 2018 của Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!