Hoà Bình: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh đang có chuyển biến tích cực, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững, phát triển.

co gioi hoa nong nghiẹp

Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy - Hoả Bình) sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương còn thấp, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được kỳ vọng, cũng như yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại.


Những kết quả khả quan


Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Cùng với việc tiếp cận KHKT, khoa học công nghệ cao và hệ thống máy móc, trang thiết bị, người nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Công tác dồn điền, đổi thửa, cải tạo vườn tạp được các địa phương quan tâm, qua đó đã góp phần giải phóng nguồn lực cho sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực, gắn với hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tiêu biểu như các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch tại huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Thủy; chè Shan tuyết ở Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình)… Đặc biệt, năm 2019, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1 tiến hành kiểm tra, đánh giá, cấp 2 mã số vùng trồng (P.U.C) nhãn xuất khẩu sang Úc đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, nay thuộc xã Xuân Thủy (Kim Bôi), với tổng diện tích gần 19 ha. Đây là lần đầu tiên tỉnh có sản phẩm trồng trọt được cấp mã số vùng trồng, là điều kiện quan trọng phục vụ mục tiêu xuất khẩu.


Là một trong những địa phương xây dựng được nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có giá trị kinh tế cao, huyện Lạc Thủy có nhiều giải pháp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đến nay, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch toàn huyện đạt 100%. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cơ giới hóa trong khâu sơ chế, bảo quản bắt đầu được quan tâm thực hiện, điển hình như ở trang trại trồng cam trứng của anh Vũ Duy Tân, thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất. Với tổng diện tích trồng cam trên 20 ha, hệ thống tưới tự động, phun phủ vi sinh, máy sơ chế, phân loại hoa quả được sử dụng để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất.


Cùng với huyện Lạc Thủy, các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Gần đây nhất, UBND huyện Kim Bôi đã phối hợp với Công ty CP Nicotex Hà Nội trình diễn mô hình máy bay phun thuốc không người lái công nghệ 4.0 tại xã Hợp Tiến. Đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích: tiết kiệm lượng thuốc phun trên 1 đơn vị diện tích so với hình thức phun thủ công; tiết kiệm lượng nước và nhân công lao động; rút ngắn thời gian thực hiện, hiệu lực phòng trừ trên 90%; giảm thiểu tồn dư của thuốc BVTV trong đất…

co gioi hoa nong nghiẹp1

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân phối hợp Công ty Máy động lực và máy kéo Việt Nam, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm máy nông nghiệp tại TP Hòa Bình đầu năm 2020. 

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, so với nhiều năm trước, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa  bàn tỉnh tăng lên đáng kể ở các khâu, từ làm đất, tưới tiêu đến thu hoạch, tạo nhiều chuyển biến trong sản xuất. Đó là nhờ hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc  ứng dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc, phương tiện, trang thiết bị cơ giới hóa ngày càng đa dạng, đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nông dân trong các khâu sản xuất.  


Để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo bằng việc ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND, ngày 6/11/2018 về dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với đó, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”. Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân mua máy móc, thiết bị sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.


Qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 49.000 máy móc các loại dùng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, trên 2.000 máy tuốt lúa có động cơ, gần 4.000 máy chế biến lương thực, 1.600 máy tách hạt ngô. Đáng chú ý, tỷ lệ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 31%, tăng 18% so với năm 2017, tỷ lệ thu hoạch lớn tại huyện Lương Sơn đạt đến 99%, Yên Thủy đạt 88%, Lạc Thủy đạt 92%, TP Hòa Bình đạt 74%; tỷ lệ thu hoạch bằng máy cắt chiếm khoảng 5%. Một số huyện như: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy đã chú trọng thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn quả có múi, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun trên tổng diện tích khoảng hơn 200 ha.


Để đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp


Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ cơ giới hóa tập trung cao ở các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, còn các khâu gieo cấy, chăm sóc được làm thủ công. Nhận thức, khả năng tiếp cận các chủng loại máy móc cơ giới hóa của nông dân còn hạn chế. Trang thiết bị, máy móc chưa phong phú về chủng loại để đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Mức độ cơ giới hóa còn thấp trong sản xuất nhiều loại cây trồng khác, dẫn đến nhiều bất cập như chi phí sản xuất 


Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV nhận định: Phạm vi cơ giới hóa trong toàn tỉnh hiện đang tập trung chủ yếu trong khâu sản xuất như làm đất, thu hoạch. Tuy nhiên, đối với lúa tăng do chi phí thuê nhân công cao; thời gian thu hoạch kéo dài, dễ gặp rủi ro về thời tiết, ảnh hưởng đến tiến độ vụ kế tiếp. nhiều loại cây trồng, vẫn có thể đẩy mạnh cơ giới hóa trong một số khâu như gieo trồng, chăm sóc, để giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Để hướng tới xuất khẩu được các sản phẩm chủ lực, thì việc đẩy mạnh cơ giới hóa rất quan trọng, đặc biệt, cần tập trung vào khâu sơ chế, bảo quản, chế biến. Vì vậy, người sản xuất cần thay đổi tư duy, tập trung đa dạng hóa các hình thức cơ giới hóa, để áp dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng loại cây trồng. Bên cạnh đó, so với các tỉnh khác, việc thực hiện những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, các địa phương, để không bỏ lỡ cơ hội vận dụng tốt chính sách, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận, mua máy móc, thiết bị với lãi suất ưu đãi, góp phần đồng bộ cơ giới hóa sản xuất.  

 

Để tăng cường hơn nữa việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt gắn với xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Chú trọng dồn điền, đổi thửa; tập trung rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực theo hình thức sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành cánh đồng lớn; thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thực tiễn sản xuất đối với từng nhóm cây trồng; phối hợp xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao KHKT về cơ giới hóa nông nghiệp.