Hoàng Sa mây nước bốn bề…

Khao lề  hay cúng lề là lễ cúng theo định kỳ hàng năm vào một ngày nhất định, tại nhiều gia đình, dòng tộc của một địa phương nào đó và đã trở thành lệ. Thế lính Hoàng Sa là dùng những hình nhân thế mạng làm vật thế thân cho những người lính trước khi lên đường làm nhiệm vụ, đối mặt với chập chùng nguy hiểm, gian nan.

ls1-tuong-dai-hoang-sa-1625275203.JPG

Tượng đài tưởng niệm Đội Hoàng Sa ở Lý Sơn

Một vài tư liệu

Sử cũ chép rằng, dưới thời các chúa Nguyễn và tiếp sau đó là các vua nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạt hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền của đất nước ta đối với các quần đảo này. Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan Hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên biển hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Bộ sách đầu tiên của Việt Nam đề cập đến Hoàng Sa là “Toản tập Thiên Nam tứ chỉ lộ đồ thư” do Đỗ Bá soạn từ năm 1630 đến năm 1653. Tác phẩm này được chép gộp cùng nhiều tác phẩm khác trong một tập sách gồm 6 phần khác nhau, được gọi chung là Hồng Đức bản đồ. Phần thứ ba có tựa là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Ngoài lời dẫn, phần này gồm 4 quyển, mỗi quyển gồm các bản đồ kèm theo chỉ dẫn. Quyển 1 có tên “Tự Thăng Long chí Chiêm Thành quốc” gồm bản đồ và chỉ dẫn đường đi từ kinh đô Thăng Long đến nước Chiêm Thành. Lời chú về Hoàng Sa nằm trong quyển này, như sau: 

“Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng Chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây thì phải mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đây thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là trường dầu, có đặt quan tuần sát…”[1]

Khoảng 100 năm sau Đỗ Bá, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, viết vào năm 1776:  “…Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản…” [2].

Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả. Năm Tân Tỵ (1821), Phan Huy Chú làm Biên tu Trường Quốc Tử Giám ở Huế, sau làm Hiệp trấn Quảng Nam. Trong 10 năm (1809 - 1819), ông viết bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”; ở phần “Dư địa chí” nghiên cứu sự thay đổi bờ cõi, đất đai qua các đời có mục “Đạo Quảng Nam”, đề cập đến phủ Tư Nghĩa (tức Quảng Ngãi hiện nay). Trong mục này, Phan Huy Chú có đoạn viết rất chi tiết về quần đảo Hoàng Sa và việc triều đình phong kiến nhà Nguyễn khai thác hải vật quý ở đây như sau: “Tiền vương lịch triều (tức thời nhà Nguyễn), đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy người thôn An Vĩnh luân phiên thay vào, lội trên mặt nước để lấy (?), mỗi năm cứ đến tháng 3, nhận chỉ thị đi làm việc, đem theo lương thực 6 tháng, đi 5 chiếc thuyền nhỏ, ra khơi ba ngày 3 đêm mới đến đảo này, ở đó mặc tình tìm lấy, bắt cá mà ăn, lấy được rất nhiều đồ vật quý báu... cùng lượm lấy khá nhiều hải vật, tháng 8 mới về, vào cửa Eo, về thành Phú Xuân...”

Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là Đại Nam thực lục Chính biên do Quốc sử quán biên soạn. Sách này cho biết: Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa như: “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đôi Hoàng Sa” năm 1803; “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817…

ls4-1625275203.JPGĐền thờ Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở Lý Sơn

          Mộ gió và những con người vị quốc vong thân

Hầu hết những người lính nằm trong Hải đội Hoàng Sa đều là những chàng trai độ tuổi mười tám, đôi mươi và là con thứ, vì con trưởng được ở nhà để lo việc thờ tự trong gia đình. Họ vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền), để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở. 

Việc hình thành các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải là một nỗ  lực lớn của nhà nước phong kiến Việt Nam trong công cuộc chinh phục biển Đông, có sự đóng góp tích cực, lâu dài  về sức người, sức của của cư dân vùng ven biển phủ Bình Sơn (phía đông huyện Bình Sơn, đông bắc Tp Quảng ngãi ngày nay ) và tổng Lý Sơn (nay là huyện đảo Lý Sơn), tỉnh Quảng Ngãi. Trải qua nhiều thế kỷ, đã có hàng ngàn binh lính, binh phu cùng nhiều quan lại dân sự, quân sự của triều đình hy sinh trên biển trong khi thi hành nhiệm vụ. Sự tồn tại của một nghĩa địa quân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn với tên gọi thông tục là “khu mộ gió” mà hàng năm các dòng tộc ở đây vẫn long trọng tổ chức tế lễ là minh chứng sống động cho sự thật lịch sử này.

Sở dĩ gọi là “mộ gió” vì đây là những ngôi mộ nhưng không phải là nơi chôn cất thi thể người quá cố như những ngôi mộ bình thường. Nói chính xác thì “ mộ gió” là những nấm đất mà người thân trong gia đình đắp lên để tưởng niệm người đã khuất nhưng không tìm được thi thể để an táng. Trong quan niệm truyền thống của người Việt, nếu người sống cần có ngôi nhà để sum họp, che nắng che mưa, thì người chết phải có một nấm mồ để gìn giữ hình hài, làm nơi cho người thân đến thắp nén hương tưởng nhớ vào dịp có ngày kỵ, ngày lễ. Vì vậy, nếu trong gia đình có người qua đời, vì những lý do nào đó mà không tìm thấy di hài để an táng,(như trường hợp quân binh các đội Hoàng Sa, Trường Sa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển), thì người thân của họ sẽ mời thầy phù thuỷ làm lễ cúng gọi hồn, rồi làm phép nhập hồn vào một hình nhân thế mạng. Hình nhân là những hình nộm, có chiều cao chừng vài mươi phân,  được thầy pháp nặn bằng đất sét hoặc bằng bột gạo, dùng cây dâu làm xương, đất sét trộn lòng trắng trứng gà nặn hình người, lấy lòng đỏ trứng gà làm lục phủ ngũ tạng, sau đó được làm phép “thổi hồn” với niềm tin rằng những hình nộm nầy sẽ thay cho thi hài chuyên chở linh hồn người chết. Những chiếc quan tài bên trong có hình nhân thế mạng sẽ được người thân và xóm làng đưa đi chôn cất  trong khu mộ gió với đầy đủ các nghi lễ về tang ma theo phong tục.

ls3-1625275553.JPGBài vị thờ các binh phu Hoàng Sa trong lễ khao lề

Tư liệu lịch sử cho biết: Tháng giêng năm 1815, ông Phạm Quang Ảnh, người làng An Vĩnh, được vua Gia Long phong làm Cai đội Hoàng Sa, giao cho làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Bắc Hải 9Truwowngf Sa). Đội Hoàng Sa do ông chỉ huy đã thực hiện nhiều chuyến ra biển thành công. Nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng, gặp gió bão, ông và các thuyền viên đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển sâu. Truyền thuyết kể rằng: Vua Gia Long đã đích thân đến tận Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một thầy phù thuỷ đi cùng  đã nặn những hình người bằng đất sét và cúng chiêu hồn suốt một đêm với sự có mặt của nhà vua. Sau đó những hình nhân này được làm lễ an táng theo phong tục như thi hài của những người đã chết trên biển: 25 nấm mộ xếp thành một hàng trong đó ông Phạm Quang Ảnh đặt đầu tiên rồi đến 24 tử sĩ đồng đội của ông. Đây là những ngôi mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) những người lính Hoàng Sa đầu tiên ở cù lao Ré, tên dân gian gọi đảo Lý Sơn hồi đó. Dù chỉ là  truyền thuyết, rất có thể không phải là sự thật lịch sử, nhưng câu chuyện thể hiện ý thức trách nhiệm của bộ máy nhà nước và tình cảm sâu sắc của người dân đất đảo với những con người dũng cảm, vị quốc vong thân.

Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng lênh đênh sóng nước, thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài. Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán,. Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu,  nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển. Những người còn sống gởi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vì nước vong thân. Nguyện cầu là vậy, nhưng hầu như không có trường hợp nào xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm…Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Chánh Đội trưởng Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh… Hữu Nhật và Quang Ảnh cũng là tên 2 nhóm đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách. Ở Lý Sơn, bên cạnh việc phụng thờ tại gia đình, dòng tộc, những người lính Hoàng Sa, Trường Sa còn được phối thờ chung tại Âm linh tự, toạ lạc tại thôn Tây, xã Lý Hải. Cho đến nay, người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:

Trường Sa đi có về không

               Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi

Hoàng Sa trời bể mênh mông

     Người đi thì có mà không thấy về

         Hoàng Sa mây nước bốn bề

     Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Trường Sa đi có về không

               Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi         

ls2-1625275203.JPGLễ Khao lề thế lính Hoàng sa (2013)

Khao lề thế lính

Những từ “khao lề thế lính” trong câu hát dân gian nhắc đến một lễ thức truyền thống diễn ra hàng năm trên đảo Lý Sơn vào các ngày 19 và 20 tháng 2 âm lịch, đó là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Vào những ngày này, các dòng tộc sống trên đất đảo tổ chức nghi thức cầu cúng linh hồn những người lính Hoàng Sa, Trường Sa đã hy sinh trên biển trong khi theo “ lệnh vua” làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc. Gọi là “thế lính Hoàng Sa”, nhưng thực tế đây là lễ tế thuỷ binh, binh phu của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải, vì đương thời, theo quy định của triều đình, đội Hoàng Sa có nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải (tuần phòng quần đảo Trường Sa). Quân binh đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải, có nhiều người quê ở các phủ Quy Nhơn, Bình Khang, Tư Chính (nay thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận ), nhưng nhiều nhất và chủ yếu là tráng đinh vùng bán đảo Ba Làng An (gồm 3 làng An Hải, An Vĩnh, An Kỳ thuộc phủ Bình Sơn, nay thuộc ven biển huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi), sau đó là cư dân An Vĩnh Phường và An Hải Phường thuộc tổng Lý Sơn ( nay là 2 xã An Vĩnh và An Hải của huyện đảo Lý Sơn).

Khao lề  hay cúng lề là lễ cúng theo định kỳ hàng năm vào một ngày nhất định, tại nhiều gia đình, dòng tộc của một địa phương nào đó và đã trở thành lệ. Thế lính Hoàng Sa là dùng những hình nhân thế mạng làm vật thế thân cho những người lính trước khi lên đường làm nhiệm vụ, đối mặt với chập chùng nguy hiểm, gian nan. Trong nghi thức mang tính phù chú này, hình nhân thế mạng sẽ được đặt lên một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, cùng với những lễ vật tượng trưng cho lương thực và vật dụng thiết thân của các thuỷ thủ, rồi đem thả xuống biển. Vào giờ phút đầy xúc động đó, người ở lại và người ra đi cùng nguyện cầu với niềm tin là những hình nhân kia sẽ rước thay hiểm nguy cho người lính, để họ hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà tổ quốc giao phó và còn có dịp trở về sum họp với gia đình.

Trước năm 1945, các miếu thờ lính Hoàng Sa được nhân dân xây dựng nhiều nơi trong đất liền cũng như trên cù lao Ré (đảo Lý Sơn) và thường được gọi bằng một tên chung là “miếu Hoàng Sa”. Sự tồn tại của các “miếu Hoàng Sa”, “khu mộ gió Hoàng Sa” và đặt biệt là Lễ khao lề thế lính diễn ra hàng năm trên đảo Lý Sơn là một dữ kiện văn hoá phi vật thể góp phần minh chứng sống động, hùng hồn mối quan hệ máu thịt giữa Lý Sơn và Hoàng Sa, Trường Sa. Đó chính là lời nguyền của các thế hệ người Việt kế tiếp nhau, quyết đem máu xương mình bảo vệ cơ đồ của Tổ Quốc.

Theo truyền tụng trong dân gian Lý Sơn, lễ khao lề trước đây diễn ra bằng những cấp độ khác nhau. Các gia đình, dòng tộc có người thân đi lính Hoàng Sa, Trường Sa tổ chức tại nhà riêng, nhà thờ tộc họ. Xóm làng thì tế tại đình làng, do chức sắc trong làng tổ chức như một ngày cúng lễ của làng, đồng thời cũng là thực thi một trách nhiệm định kỳ do quan trên giao phó. Điều này cho thấy, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, dù là một nghi lễ dân gian của người dân đảo Lý Sơn, nhưng đã có sự quan tâm của nhà nước phong kiến. Như thế cũng có nghĩa là việc chăm lo cho các đội tuần phòng Hoàng Sa là một trách vụ quan trọng của các quan lại trấn nhậm ở Quảng Ngãi.

Sau nhiều thế kỷ, cho dù nhà nước đã không còn trực tiếp chủ trì, nhưng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn được các gia đình dòng tộc ở Lý Sơn tổ chức hàng năm. Đây cũng là dịp các bậc cao niên trên đất đảo kể lại cho con cháu nhiều câu chuyện về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, chuyện về những chuyến hải trình đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về gương sáng của các vị Đội trưởng Hoàng Sa Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật,…Những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Lý Sơn, người Quảng Ngãi, người Việt Nam rằng: Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc!

ls6-1625275202.JPG 
ls5-1625275203.JPG

Nghi thức thả thuyền trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

LHK

________________

[1] Dẫn theo Trần Văn Quyền trong Địa danh Hoàng Sa trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá. Phú Yên online Thứ Ba, 01/07/2014 08:32 SA http://www.baophuyen.com.vn/367/117137/dia-danh-hoang-sa-trong-toan-tap-thien-nam-tu-chi-lo-do-thu-cua-do-ba.html

[2] Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp  lục), T.1, Bản dịch Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr 116.