Hội làng Du

Một ngôi chùa cổ bé nhỏ và khiêm nhường nơi làng quê đang hiện ra trước mắt. Chúng tôi đến Chùa Du thật đúng lúc khi bác Trưởng Làng cùng Sư Thầy và bà con đang chuẩn bị khai lễ. Không khí ồn ào bởi tiếng loa đài và tiếng hát dân ca quện lẫn trong cả mùi thơm xào nấu của những món thức ăn thôn dã nơi đồng quê. Tôi đã từng dự khá nhiều cuộc vui Xuân hội hè như vậy ở các vùng miền khác nhau trên đất nước ta.

hoi-lang-du2-1647400957.jpg 

 

Tôi bước đi trong làn mưa bụi bay bay…

Không khí lễ hội mùa xuân náo nức vẫn đang tràn ngập trên những con đường vào làng. Cờ hoa rực rỡ, tưng bừng. Những bước chân vừa rảo bộ đến đây vẫn còn ướt lép nhép những bùn nước. Một ngày tiết Xuân với mưa phùn và gió rét. Những người dân ở đây chắc chắn đã mong chờ ngày hội làng và lễ hội cầu an sông nước dịp đầu xuân từ lâu. Họ vui Hân hoan khi được đi theo đoàn người đông đúc trong lễ đi rước tầu thuyền, từ trong các làng sẽ đi xuống tận Bến Phà Rừng. Bến phà nằm sát bên bờ con sông Bạch Đằng lịch sử.

Có lẽ một nghi lễ rước tầu thuyền hoành tráng và lễ cầu an như ở nơi đây cũng khó nơi nào có được. Một nghi lễ thật đặc biệt và khá rầm rộ . Đây là lễ hội cầu an được diễn ra hàng năm vào dịp đầu xuân của bà con nơi làng Du, ven con sông Bạch Đằng, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Một lễ Hội làng thật lớn, khá lạ và thu hút sự quan tâm và mong đợi của bà con ở địa phương. Ngay cả người dân những xã vùng lân cận cũng chờ đợi sự kiện này khi họ tham gia cùng với bà con ở đây.

Nghe đâu đã nhiều năm nay hội làng Du và lễ rước tầu thuyền đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt không thể thiếu tại nơi làng quê này. Già trẻ gái trai trong làng, tất cả đều náo nức. Thi thoảng, trên đường về chúng tôi bắt gặp một tốp trẻ nhỏ đang chạy nhảy tung tăng, chúng dừng lại rồi ríu ran những tiếng “em chào cô ạ” khi nhìn thấy cô giáo làng Thanh Toàn, một người bạn văn của tôi . Người bạn tôi đã từng là một cô giáo làng có thâm niên vì cô ấy đã sống khá lâu ở cái làng quê sông nước này với rất nhiều thăng trầm.Chúng tôi cùng nhau đi bộ, trò chuyện rủ rỉ và rẽ vào con đường làng, một đoạn đường chỉ dài khoảng hơn cây số sau khi chúng tôi xuống xe buýt từ phố huyện để đi đến đây .

Men theo con đường đất ngoằn ngoèo chúng tôi đã vào tới cổng chùa Du. Phía trước mặt của ngôi Chùa làng là những cánh đồng lúa đang bắt đầu lên xanh mướt lúc sang xuân. Tôi thích thú ngắm con đường đất chạy qua cổng chùa với khá nhiều ao hồ và những bụi tre chuối đứng phất phơ trong gió. Những đám hoa cải cúc đã trổ hoa vàng rực, ướt đẫm trong mưa phùn. Chúng tôi vui bước đi trong làn mưa bụi lất phất ấy. Mùi thơm hăng hắc của hoa cải ven sông quện lẫn với mùi phân trâu khô và cái vị nồng nồng vẻ ẩm mục của rơm rạ đồng quê, tất cả tạo nên một mùi hương rất đặc trưng nơi thôn dã. Tôi chợt nghĩ con đường đất này chắc lẽ cũng vừa mới được sửa sang xong cho quang đãng nhân dịp lễ hội. Nhìn lớp bụi đất mới vẫn còn bám dày trên xe máy và trên những bước chân người qua lại.

Một ngôi chùa cổ bé nhỏ và khiêm nhường nơi làng quê đang hiện ra trước mắt. Chúng tôi đến Chùa Du thật đúng lúc khi bác Trưởng Làng cùng Sư Thầy và bà con đang chuẩn bị khai lễ. Không khí ồn ào bởi tiếng loa đài và tiếng hát dân ca quện lẫn trong cả mùi thơm xào nấu của những món thức ăn thôn dã nơi đồng quê. Tôi đã từng dự khá nhiều cuộc vui Xuân hội hè như vậy ở các vùng miền khác nhau trên đất nước ta. Ây thế, nhưng khi nghe lời mời nhiệt thành của cô bạn và đặc biệt ấn tượng khi nghe bạn nhắc nhiều tới vùng đất Thủy Nguyên, Hải Phòng, tôi vẫn cứ tò mò và muốn được tận mắt chứng kiến.

Đây là sự kiện lớn nhất của làng Du, nơi vùng quê ven con sông Bạch Đằng hàng năm. Tôi đã từng đọc và nghe vài người bạn văn chương nhắc tới con sông Bạch Đằng lịch sử này trên những trang viết của họ. Nhớ lại chỉ cách đây vài năm, vào một dịp đầu xuân, tôi cũng đã từng cùng bạn bè đến thăm một vùng quê nằm ngay đối diện phía bên kia của con sông này. Đó là quê hương của nhà thơ Dương Phượng Toại ở vùng Quảng Yên, Quảng Ninh trong dịp anh giới thiệu tập thơ “ Ngọn lửa và cánh đồng” của mình.

Quay lại cổng làng. Một cây cổ thụ to, tuy dáng không lớn lắm nhưng đứng oai nghiêm rủ bóng mát ở trước cổng chùa. Những chùm đèn lồng đỏ rực được họ chăng trên thân cây mà bạn tôi gọi đó là cây Mắm. Đó là một loài cây cổ thụ khá đẹp và hiếm gặp, được ngự ngay trước cửa ngôi chùa làng. Tôi chưa nghe thấy cái tên loài cây này bao giờ nên đã lập tức giơ máy điện thoại lên chụp ngay một bức ảnh ghi lại. Tiếng loa thùng ầm ĩ cùng tiếng trống phách và tiếng nói cười râm ran nghe hỗn độn thành một mớ âm thanh sau những điệu hát dân ca. Bà con thôn xóm nơi đây đang quây quần bên những ấm trà nóng để trò chuyện và ngồi chờ đến giờ khai lễ.

Sau khi đã ra bàn công đức để ủng hộ chút ít vào công quỹ chùa làng, tôi được người bạn mình dẫn đi một vòng để chào hỏi bà con và gặp ông Trưởng làng cùng Sư Thầy. Sư Thầy trông còn trẻ quá, có lẽ chưa đến ba mươi và có nụ cười rất tươi. Sau đó chúng tôi đã đi vào trong gian chính để thắp hương và khấn vái cầu an tại đây. Trưởng làng là ông Đào Văn Hiên chỉ khoảng trên sáu chục tuổi ra bắt tay chúng tôi và có lời mời các chị trưa nay sẽ quá bộ ở lại ăn bữa cơm chay cùng bà con thôn xóm.

Rất thú vị vì ngày hôm nay khai hội làng Du ở nơi đây lại đúng dịp 8/3. Không biết ở cái nơi làng quê heo hút nghèo khó này thì những bà mẹ già răng đen nhưng nhức và khăn áo sột soạt kia có ai nhớ tới ngày Quốc tế Phụ nữ hay không ? Nhưng có một điều chắc chắn, họ sẽ chẳng bao giờ quên ngày hội làng ! Có cụ già mặc rất đẹp, đến đây cùng những nụ cười móm mém rất đáng kính. Tôi thầm cầu mong cho các mẹ, các chị phụ nữ ấy luôn được khỏe mạnh, hạnh phúc trong ngày khai hội của làng Du.

Vòng quanh qua khoảnh sân nhỏ phía trước là hàng loạt những chiếc tầu thuyền. Chúng được dán giấy màu rực rỡ, đứng dăng hàng chờ đến giờ làm lễ được rước xuống nơi bến sông. Chúng nhìn khá hoành tráng, dẫu chỉ là những hình ảnh tượng trưng và có cả biểu tượng những ngôi nhà nhỏ gắn ở trên tầu. Nhìn những chiếc tầu thuyền với dáng dấp bề thế và rực rỡ, lại được dán giấy xanh đỏ và phủ hai bên sườn tầu là những hàng tua vàng rất bắt mắt. Thế mới hiểu khát vọng lớn lao mong chinh phục sông nước của người dân ở nơi đây mạnh mẽ đến nhường nào.

Tôi đi vòng ra phía đằng sau khu chùa. Tôi lặng lẽ quan sát và hít hà hương thơm tỏa lần từ một cây bưởi to đang nở đầy những chùm hoa trắng muốt. Hương bưởi thơm ngan ngát. Ngay sát bên cạnh, ở khoảng trống của sân sau là một đàn ngựa giấy đỏ rực và vàng chóe đang đứng dăng hàng. Đây là những thứ đồ cúng lễ đã được bà con tự tay làm, họ là các gia đình trong thôn xóm mang đến góp vui.

hoi-lang-du1-1647400957.jpg 

Giờ khai lễ đã được bắt đầu.

Người được chọn để đọc bài tế chắc hẳn là một người cao tuổi và có uy tín nhất trong làng. Tiếng ông dõng dạc và ngân vang sang sảng. Bài Tế Tổ Tiên của làng đã được viết sẵn. Bài tế trang trọng và thành kính ấy được đọc chậm rãi với từng câu rõ ràng. Cứ được một đoạn, sau khi nghe ông đọc xong thì hai hàng với khăn chầu áo ngự đang đứng trước mặt chủ tọa lại chắp tay cúi rạp và bái chào.

Sáu chị phụ nữ của làng đứng giăng hàng. Nhìn ai cũng tưng bừng mặt hoa da phấn, đầu cuốn khăn vàng và váy áo xênh xang. Váy áo các chị với mớ ba mớ bảy trông xanh xanh đỏ đỏ tựa như những cánh bướm sặc sỡ. Các chị đứng sắp thành hàng trước sân để đánh xênh và hát múa họa theo những giai điệu trầm bổng của bài tế. Những người đàn ông, (chắc lẽ là trưởng của các dòng họ trong làng) thì được đứng thành hai hàng ở bên trong chùa. Họ mặc trang phục quần áo tế màu xanh, đầu đội mũ cũng xanh. Họ đang đi ra cửa và nhúng tay vào một bát nước thánh ngay sau bài tế. Thời gian hành lễ kéo dài có dễ đến hơn một tiếng đồng hồ chứ không ít.

Quá mười một giờ trưa, bữa cơm chay ngon lành thật vui được dọn ra. Nhìn mâm cỗ với những món ăn đơn sơ được làm từ nhiều thứ rau củ quả cùng hai đĩa bánh chưng to và bánh rán. Tôi nhìn trên tường, thấy có cả bảng phân công nấu từng món cỗ chay. Lại cả những thứ nguyên liệu kèm theo được duyệt theo yêu cầu của ban tổ chức. Các mẹ, các chị thì lúi húi trong bếp và luôn đi vào đi ra xung quanh. Tôi tò mò nhìn ngắm họ và đọc kỹ thực đơn của từng món như một thói quen nghề nghiệp. Chúng tôi đã cùng ngồi xuống, ăn một bữa cơm chay khá ngon miệng cùng với bà con nơi đây, có lẽ cũng đến lúc mà bụng ai cũng đói cồn cào.

Lễ rước thuyền được bắt đầu lúc 1 giờ mười lăm phút chiều sau khi đã thực hiện nghi lễ khấn lễ tại chùa làng. Phải đến gần ba giờ chiều thì đoàn rước tầu thuyền xuống bến Phà Rừng mới được bắt đầu. Đi đầu là đoàn các cụ, mặc áo gấm khăn the, gọi là đoàn tế gấm. Đó là đoàn rước cờ Phật trang trọng nhất đi trước. Rồi tới đoàn chống chiêng và đội múa lân đi kề liền. Có mấy người gõ chập cheng theo sau. Tiếng trống lân cùng những tiếng thanh la thì thùng mời gọi. Dân làng hớn hở và ai ai cũng tươi cười. Những người cầm bát hương chạy theo sau chính là các bà, các chị, khăn áo súng sính mớ bảy mớ ba trong ngày hội.

Sau đấy là khoàng hai mươi cháu mặc áo dài trắng tha thướt, trên tay cầm nến hương. Tiếp đến là những mâm trầu cau, rồi hình ảnh ấn tượng với cả một con lợn to tướng được đặt hoành tráng trên mâm. Con lợn đã được bốn người đàn ông khỏe mạnh khênh trên vai và bước đi rất trịnh trọng. Tiếp đó là đoàn người rước lễ khi đội trên đầu những mâm đầy ắp rượu,chè, thuốc lá, thuốc lào và bia lon….Hai mâm xôi gấc to đùng cùng với chiếc đầu lợn và mâm xôi gà tiếp nối ngay sau . Giò lụa, bánh rán, banhs chưng, bánh quy.. được các nam thanh nữ tú đội trên đầu và từng mâm được phủ khăn nhiều đỏ.

Những mâm hoa quả như: Táo, lê, cam chuối….thì được các chị phụ nữ đội thật khéo léo trên đầu và bước đi thong thả. Chà chà, đủ cả mọi thứ đồ cúng lễ như hoa quả, nước ngọt, lavi, bánh keo, gạo muối, thịt sống, thịt chín, cùng với hàng xấp tiền vàng, quần áo, mũ mão xanh đỏ của các quan ông …cùng những thứ dành cho việc cúng lễ chúng sinh cứ tưng bừng và lũ lượt theo sau. Lễ rước cứ ngày một đông thêm ! Cùng những hình nộm voi, ngựa thuyền…cứ nườm nượp nối nhau. Tiếng trống phách rộn rã cùng đoàn người rầm rập đi theo hàng lối ra đến tận bến phà Rừng.

Những con đường vào làng đều đã được đổ bê tông, chạy quanh những ao hồ và những đồng lúa mới lên xanh mướt. Tôi vui vì hôm nay là một ngày chủ nhật, dẫu thời tiết đầy mưa phùn lây rây và ẩm ướt thì vẫn có thể lang thang cả ngày cùng bạn bè ở đây. Tuy mưa phùn và gió lạnh thổi thông thốc ngay sau lưng mà bà con vẫn nô nức đến với Hội Làng. Họ dự lễ hội cầu an hàng năm ở chính nơi làng quê mình bên bờ con sông Bạch Đằng lịch sử. Nghe nói Hội làng ở đây to lắm, thường kéo dài những ba ngày.

Đoàn người đội lễ dễ có đến gần bốn chục người chứ không ít. Tiếp sau lưng họ, đoàn rước cứ mỗi lúc càng dài thêm ra với những ông bà già, trẻ con, thanh niên là những người dân trong làng và lân cận chòm xóm. Người già thì miệng say sưa niệm phật. Các mẹ các chị thì vẫn cứ đội nón lá đi theo dòng người vì trời đang lất phất mưa. Các cụ, các ông, các bà đi trước với súng sính áo quần. Hôm nay, đàn bà phụ nữ và các cô gái thanh tân khác thì trưng diện áo dài rực rỡ, còn cánh nam giới thì mặc đồng phục và diện những bộ cánh đẹp nhất !

Mỗi đoạn rước là một màu sắc khác nhau cùng những thứ nghi lễ khác nhau ! Mọi thứ đã được sắp đặt trước rất có bài có bản. Nam thanh nữ tú đi sau thì vui cười tung hoa và bám theo lọng vàng mà hớn hở. Người ta còn hát và múa những điệu chèo thuyền ngay tại bờ nơi bến sông Bạch Đằng cho mãi đến bốn giờ chiều mới thôi. Lễ rước và lễ cầu an đã kết thúc vào lúc cuối chiều. Tôi ngắm nhìn theo những chiếc tầu thuyền tượng trưng ấy đang được bà con hò nhau hạ thủy. Liên tưởng đến những lễ hội trong ngày Xuân. Nhớ đến một câu thơ của cụ Nguyễn Du :

“Dập dìu tài tử gia nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”mà thấy đúng quá !

Tôi đang nghĩ về những vùng quê nghèo, dù ở bất cứ nơi nào vẫn còn giữ lại những nét đẹp văn hóa làng xã mang tính cổ truyền rất đáng được lưu giữ. Nơi vùng quê ấy có biết bao những người dân mộc mạc. Họ phải lao động vất vả hàng ngày nhưng luôn giàu tâm hồn và tình yêu làng quê và mong giữ gìn truyền thống dân tộc. Quê hương, nơi lưu giữ, thắm đượm nét văn hóa làng xã luôn làm cho người ta ấm lòng. Những người dân quê giản dị, họ cứ chờ đợi, luôn tự hào với những lễ hội nơi quê hương mình cũng bởi họ đã gắn bó máu thịt từ nhỏ ở nơi đây.

Tôi đã tận mắt chứng kiến niềm vui của những người dân từ già đến trẻ. Họ chờ đợi, háo hức mong ngày hội làng khi đất trời giăng giăng mưa phùn ẩm ướt. Họ thực sự vui thích khi được tham gia vào lễ hội cầu an trong đoàn rước tầu thuyền để đi ra tận bến sông của làng mình. Có lẽ với những cụ già thì không gì vui hơn khi họ đã gắn bó tâm huyết với xóm làng mình suốt cả cuộc đời. Cũng chẳng có nơi đâu yêu thương gắn bó bằng làng quê của mình. Họ vui vẻ, hồn nhiên như trẻ nhỏ khi được trang trọng tham gia vào đoàn rước dài lê thê ấy.

Văn hóa làng xã thật là kỳ diệu. Nơi ấy người ta được đắm chìm trong không gian lễ hội đầu xuân náo nức với sự hân hoan và lòng tự hào của những người dân quê. Đó cũng là sự giao thoa của những nét văn hóa truyền thống bao đời với nhịp sống hiện đại ngày nay. Quả thật, điều tuyệt diệu là bất kỳ vùng đất nào trên đất nước Việt Nam, nơi những vùng quê trù phú luôn gắn với liền những dòng sông lịch sử. Nơi khơi nguồn tuổi thơ trong lành. Sông vẫn mát rượi chảy quanh thôn làng. Nơi trầm tích lưu giữ bao lớp phù sa văn hóa làng quê của vùng đồng bằng bắc bộ.

Vẻ đẹp ấy vẫn luôn là nguồn thi hứng dồi dào không bao giờ vơi cạn, mặc cho bao biến đổi của thời thế, của thiên nhiên và con người. Con sông Bạch Đằng lịch sử này và những cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay kia vẫn luôn là hình ảnh đẹp đẽ để lưu giữ ký ức và kỷ niệm ấu thơ ! Hình ảnh ấn tượng về hội làng Du cùng khát vọng chinh phục sông nước và thiên nhiên của còn người sẽ còn mãi trong tâm hồn của bạn bè và bao người con khi xa quê.

hoi-lang-du-1647400957.jpg 

(PTPT - Rút trong tập ký “ Khi bạn xa thành phố “- Hà Nội tháng 3/ 2014)