Phát biểu khai mạc hội thảo, ông TS Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Một trong những giải pháp đang được thành phố (TP) tích cực triển khai là hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh.
Đến nay, toàn TP đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng.
Trình bày về các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh, PGS, TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Để thúc đẩy nông nghiệp thông minh tại Hà Nội phát triển, Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh.
Cùng với đó, cần quy hoạch đất nông nghiệp ổn định và không gian cho nông nghiệp trong đô thị; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; thiết kế xây dựng nền tảng số, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến thông minh, tích hợp, đồng bộ.
Đồng thời, hình thành mạng lưới doanh nghiệp, công nghệ số, dịch vụ đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn thông minh; xem xét tham gia mạng lưới đô thị thông minh quốc tế; thúc đẩy hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin để nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh.
Theo đánh giá của một số đại biểu tham gia hội thảo, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Một phần nguyên nhân đến từ năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu vẫn theo cách làm truyền thống; việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ.
Thêm vào đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn quá ít.