Điều này càng cần thiết khi Hà Nội là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc cũng như cả nước, là đầu tàu thúc đẩy phát triển du lịch của cả vùng. Với những hướng đi phù hợp, ngành Du lịch Hà Nội thực hiện hợp tác liên kết một cách thực chất, hiệu quả.
Hỗ trợ quảng bá hình ảnh
Những ngày cuối tuần này, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm diễn ra sự kiện “Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang” do tỉnh Hà Giang phối hợp cùng Hà Nội tổ chức. Khách du lịch có cơ hội được tìm hiểu di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc ở Hà Giang, những di sản địa chất, địa mạo hùng vĩ và nên thơ; những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch trải dài khắp cao nguyên đá; những lễ hội truyền thống các dân tộc và tham gia vào các trò chơi dân gian… Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ liên kết hợp tác phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh do Hà Nội và các địa phương trong cả nước phối hợp triển khai nhiều năm qua.
Một trong những vấn đề được Hà Nội với các địa phương thực hiện tốt trong những năm qua là công tác hỗ trợ xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch. Đặc biệt, sau khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đi vào hoạt động, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch các địa phương tại đây rất hiệu quả. Nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của các tỉnh, thành phố tổ chức tại Hà Nội đều có sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Hoàng Ngân Hoàn bày tỏ sự cảm kích khi được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, liên hoan du lịch làng nghề, tổ chức sự kiện “Sắc màu Sơn La Tây Bắc” tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm… để xúc tiến, quảng bá du lịch. Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, nhưng nếu không tích cực xúc tiến, giới thiệu hình ảnh thì sẽ không có nhiều khách đến với Sơn La.
Khẳng định việc liên kết quảng bá, xúc tiến có tác động tốt trong thúc đẩy phát triển du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng cũng cho rằng, các địa phương cần cố gắng hợp tác hàng năm với nhau bằng các sự kiện, kể cả sự kiện truyền thống lẫn sự kiện mới. Các sự kiện cần được thông báo, giới thiệu rộng rãi để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2019 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN xây dựng chương trình tuyên truyền quảng bá Hà Nội trên kênh CNN quốc tế, trong đó lồng ghép nội dung quảng bá tour, tuyến du lịch của Hà Nội kết nối với các điểm du lịch của các tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước. Một số điểm đến, trải nghiệm ẩm thực... như: Bãi biển Quy Nhơn, món cao lầu Hội An hoặc hoạt động câu mực đêm tại Hạ Long đã lần lượt xuất hiện kênh CNN quốc tế.
Phát triển sản phẩm mới
Do đặc thù ngành du lịch có tính liên vùng nên việc xây dựng sản phẩm du lịch liên địa phương không chỉ kết nối các địa phương với nhau, mà còn khai thác được đặc trưng du lịch và sự tương đồng giữa các địa phương. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, Ninh Bình và Hà Nội có gắn kết mạch nguồn lịch sử, từ cố đô Hoa Lư đến kinh đô Thăng Long, do đó một số tour du lịch đã được hình thành trên cơ sở kết nối giá trị văn hóa, lịch sử của hai địa phương này, như “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”.
Gần đây, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty lữ hành Hanoitourist phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành và Sở Du lịch Ninh Bình xây dựng tour du lịch lịch sử kết hợp thưởng thức cảnh đẹp từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Hà Nội với chủ đề “Đêm trước dời đô” trải nghiệm hoàng hôn và đêm lung linh trên danh thắng Tràng An. Du khách trải nghiệm danh thắng Tràng An, tham gia các nghi lễ, hoạt cảnh tái hiện giây phút vua Lý Công Uẩn xuống thuyền ra Đại La, tham quan chùa Bái Đính về đêm, tham quan cố đô Hoa Lư, sau đó sẽ về Hà Nội tìm hiểu, khám phá Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội đã cùng các địa phương hợp tác xây dựng những sản phẩm, tour du lịch mới. Đáng chú ý là chương trình kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình; tour liên tuyến từ Hà Nội vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Hành trình trở lại miền Trung”. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng xây dựng các tour du lịch liên kết với các địa phương như: tour Hà Nội với các địa phương hành lang kinh tế Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai); xây dựng các sản phẩm du lịch mới đến các địa phương Quảng Bình, Huế, Lào Cai, Đà Nẵng, Vinh…
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định: Cơ quan này đã phối hợp với nhiều Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nước tổ chức nhiều chương trình cầu nối giúp các tổ chức, chuyên gia, các hãng lữ hành, chính quyền địa phương khảo sát thực tế và gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để tìm ra giải pháp, xây dựng tour tuyến du lịch phù hợp với từng thị trường khách du lịch.
Sức hấp dẫn của du lịch không chỉ giới hạn ở một địa phương, một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của du khách luôn rộng mở. Việc tăng cường liên kết để tạo sản phẩm mới, cùng nhau quảng bá hình ảnh hay hỗ trợ nhau về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin… đang tạo thêm lợi thế cho ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng. Vì thế, ngành du lịch Thủ đô đang chú trọng tăng cường liên kết một cách bài bản, tạo hiệu quả cao trong phát triển du lịch.