Hướng Đi Nào Để Hoa Lan Phát Triển?

HỘI NHẬP|| Chương trình phát triển hoa kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những chương trình trọng điểm góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tếnông nghiệp và tái cơ cấu ngành. Trong đó, việc sản xuất hoa lan cần được tập trung phát triển nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để thực hiện chương trình phát triển hoa kiểng, trong những năm qua, Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ hội viên nông dân trồng các loại hoa cây kiểng, bonsai cho giá trị kinh tế cao. Năm 2016, tổng diện tích hoa cây kiểng trên địa bàn Thành phố là 2.300ha, riêng diện tích trồng hoa lan là 320ha.

Nhu cầu hoa lan ngày càng tăng cao, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Lượng hoa sản xuất phục vụ dịp tết Nguyên đán 2017 khoảng 5,3 triệu chậu lan, gần 9 triệu cành lan cắt cành, với tổng giá trị sản lượng hoa lan đạt hơn 207 tỷ đồng.

Nhờ phát triển nghề trồng hoa lan, nông dân có thể cải thiện thu nhập của gia đình. Giá trị sản xuất bình quân năm 2016 đạt 410 triệu đồng/ha/năm, với giá trị sản xuất hoa lan đạt bình quân 700 triệu đồng/ha/năm. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm.

cuong07-1631878990.jpgNhiều loại hoa lan được người tiêu dùng tiêu thích tiêu thụ trên thị trường; Ảnh Nguyễn Duy Cường

Để đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Văn Tủi, Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân Thành phố, cho rằng: “Cần phải tập trung tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học, tập trung nhân giống qua việc nông dân tham gia xây dựng, phát triển phòng thí nghiệm cấy mô, công nghệ biến đổi gen tạo giống mới, giống mang thương hiệu của thành phố để chủ động trong giống và nhân giống. Hạn chế việc nhập giống lan ngoại nhập, không chất lượng, giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chặt chẽ, cũng như những loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng”.     

Hiện nay, Thành phố có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực hoa lan. Đặc biệt, Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi tuy mới thành lập cuối năm 2015 nhưng đã đạt nhiều kết quả khả quan, với tổng diện tích trồng lan mokara cắt cành khoảng 18ha và gần 2 tỷ cành lan được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Hợp tác xã không chỉ thu mua hoa lan cho các thành viên mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm cho một số hộ nông dân nhỏ lẻ.

Ngoài ra, các loại vật tư như phân bón, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu… đều được hợp tác xã nhập về với giá rẻ hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng. Các thành viên cũng đang quyết tâm phát triển mô hình trồng lan theo hướng chuyên canh, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Ấn Độ… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hợp tác xã còn gặp một số khó khăn, cần được Thành phố hỗ trợ.

Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại, chia sẻ: “Thỉnh thoảng hợp tác xã vẫn bị mua lầm phân bón giả làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và năng suất cho hoa của cây trồng, làm giảm khả năng cung cấp trên thị trường. Song song đó, giá bán phân bón và giá thể trồng lan còn cao, làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm, giảm doanh thu. Hệ thống thoát nước không đồng bộ, thoát nước không kịp thời nên khi mưa lớn làm ngập cục bộ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, nhất là lan mokara. Việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư và phát triển còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn”.

Hợp tác xã mong muốn được tạo điều kiện để thuê đất mở rộng diện tích trồng lan, kết hợp với tổ chức tham quan, du lịch, áp dụng công nghệ cao theo định hướng phát triển của thành phố, cũng như hỗ trợ cho hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn vay một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn. Đồng thời, giúp hợp tác xã tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu để được mua với giá ưu đãi hơn giá bán trên thị trường.

Qua đó, giúp hợp tác xã giảm bớt chi phí đầu vào, yên tâm phát triển sản xuất. Đồng thời đề nghị địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi thông thoáng, thoát nước ổn định, kịp thời, để việc sản xuất ngày càng thuận lợi. Ngoài ra, nông dân trồng lan ở nhiều địa phương còn lo lắng đến các vấn đề chất lượng cây giống và phân bón giả.

Bà Lê Thị Mỹ Phước, Giám đốc Hợp tác xã hoa lan Ngọc Điểm, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, cho biết: “Chất lượng nuôi cấy mô của mình không đạt. Trước đây tôi cũng bị một trận lấy hàng nuôi cấy mô của Việt Nam, cây giống dendro để mình nuôi lên trồng, do mình chưa qua quá trình kiểm nghiệm. Ở Thái Lan nuôi cấy mô phải trồng thử nghiệm coi chất lượng của nó như thế nào, lai tạo coi chất lượng như thế nào rồi mỗi năm người ta mới tung ra 1 bộ giống. Còn mình vừa làm vừa bán, cho nên tôi mua về trồng bán không được. Cây chưa đạt chất lượng”.

cuong08-1631878903.jpgBên cạnh lan công nghiệp, các loại hoa địa lan truyền thống vẫn được người sành chơi yêu thích

Nhiều nông dân khác cũng cho rằng cây giống hoa lan sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số phải nhập khẩu giống từ nước ngoài, chủ yếu là của Thái Lan, Đài Loan, nhưng nhiều khi không kiểm soát được chất lượng và thuốc kích thích tăng trưởng. Giá thành cao nên sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường… bà Trần Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại đề nghị Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, lai tạo giống.

 “Yếu tố rất quan trọng mà muốn được sản phẩm chất lượng tốt hay không cũng là cây giống ban đầu, nên mong rằng Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao lai tạo được cái giống, không nói riêng mokara mà có thể dendro hay những giống khác về lan có chất lượng hơn để đưa ra cho bà con nông dân thì chất lượng giống tốt để có sản phẩm chất lượng, thì mới có sự cạnh tranh” – bà Tuyết cho biết.

Ngoài ra, đầu ra sản phẩm hoa lan cũng khiến nhiều nông dân lo lắng. Giá bán lan chưa ổn định, còn bấp bênh, sau các dịp lễ Tết, ngày 14/2, ngày 8/3, giá lan thường xuống thấp, có khi chỉ còn 2.000-3.000 đồng/cành. Theo bà Lê Thị Mỹ Phước, HTX hoa lan Ngọc Điểm từng cố gắng đưa hoa lan vào bán ở siêu thị nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, không thu hồi được vốn…

Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần hỗ trợ hợp tác xã hoạt động như đại lý cấp 1 cung cấp các loại vật tư, phân bón cho lan. Qua đó, có thể đảm bảo nguồn gốc, chất lượng phân thuốc và cung cấp cho những nông dân khác có nhu cầu. Ngoài ra, cần xây dựng một trung tâm thương mại sinh vật cảnh nhằm trưng bày, quảng bá, giới thiệu, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Nhất là nông dân phải tăng cường liên kết chặt chẽ với nhau.

Đối với việc nghiên cứu cây giống, cần xem lại vai trò của các cơ quan chức năng trong việc sản xuất cây giống chất lượng để cung cấp cho bà con. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố lưu ý: “Vai trò của TP.HCM chúng ta chuyên cung cấp cây giống thì đặc biệt giống lan chúng ta đã cung cấp cho nông dân thành phố chưa. Thì tại Sở Nông nghiệp cũng như Trung tâm Công nghệ Sinh học chưa cung cấp cho nông dân cây con đúng giá trị chất lượng để nông dân tiếp tục phát triển. Hầu hết là nhập từ Thái Lan, như vậy thì chúng ta đã nói rồi, TP.HCM là trung tâm công nghệ, là nơi chuyên ứng dụng để cung cấp cây con cho các tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ thì chúng ta phải thực hiện nội dung này như thế nào để giúp nông dân vấn đề này”   .

Để ngành trồng lan phát triển, quan trọng nhất vẫn là giải quyết đầu ra của sản phẩm hoa lan. Trong đó, việc gắn kết các nhà vườn trồng lan với việc tổ chức du khách đến tham quan, du lịch, tham gia sản xuất cùng nông dân là hướng phát triển đang được quan tâm. đồng thời, cần sớm triển khai việc đưa hoa lan vào sân bay, nhà hàng; khách sạn nhằm quảng bá, giới thiệu, tăng sức tiêu thụ của sản phẩm...

Với sự phối hợp đồng bộ, sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, việc sản xuất, kinh doanh của nông dân sẽ ngày càng thuận lợi, tạo động lực để ngành trồng lan phát triển hiệu quả, bền vững.