Insulin được sản xuất tại một Công ty dược của Mỹ ở Fegersheim, miền đông Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Diabetes Care ngày 14/11/2019, các nhà khoa học thuộc Đại học Do Thái Jerusalem (HUJI) và Trung tâm Y tế Wolfson nhận thấy các bệnh nhân tiểu đường có thể được điều trị với chế độ ăn chỉ 3 bữa/ ngày, thay vì 6 bữa/ ngày theo khuyến nghị hiện nay. Theo các nhà nghiên cứu, 3 bữa ăn cân bằng mỗi ngày vào những thời điểm cố định có thể giúp giảm đáng kể nồng độ insulin cần phải bổ sung hằng ngày cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 chỉ trong 3 tháng.
Phương pháp điều trị mới dẫn đến giảm cân nặng của bệnh nhân, đặc biệt là giảm cảm giác thèm ăn, liều lượng insulin phải bổ sung hằng ngày và nồng độ hemoglobin A1C trong máu. Xét nghiệm hemoglobin A1C giúp kiểm tra lượng đường trong các tế bào hồng cầu để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Trong một thử nghiệm kéo dài 12 tuần trên 28 bệnh nhân tiểu đường bị thừa cân, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng phương pháp điều trị cung cấp 3 bữa ăn/ ngày giúp giảm trọng lượng cơ thể trung bình 5 kg và 1,2% nồng độ hemoglobin A1C. Ngoài ra, nồng độ glucose ở những bệnh nhân này thấp hơn nhiều sau 12 tuần dẫn đến giảm tổng liều insulin ở mức khoảng 26 đơn vị. Ở những bệnh nhân này đã giảm cảm giác đói và thèm ăn đồ ngọt và béo. Kết quả tương tự không được quan sát thấy ở nhóm bệnh nhân được cung cấp 6 bữa ăn/ ngày.
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh lý về rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định. Bệnh tiểu đường được chia thành hai loại tuýp 1 và tuýp 2, trong đó 100% bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 đều cần phải được bổ sung insulin, trong khi số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần được bổ sung insulin là 65 triệu người. Theo thống kê, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 7 trên thế giới, chủ yếu do các biến chứng như đau tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa và nhiều rủi ro khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới hiện có hơn 420 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, cao hơn nhiều so với con số 180 triệu người trong năm 1980. Theo dự báo của Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, đến năm 2045, con số này có thể sẽ tăng lên 629 triệu người.