Hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn

Nghề trồng dâu nuôi tằm được người dân tại thị trấn Sơn Thịnh bắt đầu từ cuối 2018 với diện tích trồng dâu ban đầu chỉ khoảng 1 ha. Sau hơn hai năm thực hiện, những hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng dâu nuôi tằm đã được chứng minh cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa nên đã thu hút được thêm nhiều hộ chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm.

Nhờ sự hỗ trợ từ dự án: “Phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình các làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ tại Yên Bái” của Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế của Hàn Quốc (KOPIA), các hộ tham gia đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ cây dâu giống, trứng tằm, thành lập HTX dâu tằm Sơn Thịnh.

HTX dâu tằm Sơn Thịnh được thành lập vào tháng 11 năm 2020 có địa chỉ tại tổ dân phố Thác Hoa, Thị trấn Sơn Thịnh, Huyện Văn Chấn đã được thành lập với mục tiêu tổ chức sản xuất, tìm kiếm các thị trường tiềm năng cho sản phẩm, liên kết bao tiêu sản phẩm của các hộ tham gia.

999-1633744117.jpgHình ảnh kén tằm tại hộ ông Đinh Văn Mong (Người đứng bên trái)

Hiện nay, HTX có 11 thành viên tham gia, với tổng diện tích trồng dâu của các hộ tham gia là 18 ha. Sản phẩm chính của HTX là kén vàng. Do kén vàng là giống tằm kén vàng dễ nuôi, thích ứng tốt với điều kiện tự nhiêu tại địa phương.

Ông Đinh Văn Mong - Giám đốc HTX dâu tằm Sơn Thịnh cho biết: Diện tích trồng dâu nuôi tằm của các hộ đã được mở rộng nhờ sự quan tâm của dự án trong việc hỗ trợ kỹ thuật, cây dâu giống và con giống. Theo ông Mong, hiện ông đang trồng dâu với diện tích 2 ha, từ đầu năm đến tháng 9/2021 đã thu hoạch được 9 lứa kén với tổng doanh thu là 45 triệu. Giá kén vàng giao động 70.000 vnd/kg. Trung bình mỗi lứa ông thu hoạch 1,2 tạ kén.

Ông Mong cũng cho biệt một số khó khăn mà HTX mình đang gặp phải như: Người dân trồng dâu nuôi tằm cũng đang gặp những khó khăn về thị trường do chịu tác động của dịch Covid 19 và các chính sách hạn chế đi lại nên việc vận chuyển sản phẩm tiêu thụ ở Hà Nội gặp khó khăn. Điều kiện chăn nuôi của các hộ còn hạn chế, hệ thống chuồng nuôi tằm chưa đáp ứng được điều kiện vào thời điểm nắng nóng trong năm dẫn đến việc tằm bị chết.

9999-1633744150.jpgKhu trồng dâu hô ông Đinh Văn Mong

Hiện nay, các hộ thành viên tham gia HTX có diện tích trồng dâu từ 2.000 m2 đến khoảng 2 ha, số lượng nong tằm của các hộ từ giao động từ 2 đến 15 nong mỗi hộ và thu nhập từ 3 đến 11 triệu đồng/lứa. Sản lượng kén mỗi lứa của hộ phụ thuộc nhiều vào sản lượng lá dâu. Nghề trồng dâu nuôi tằm là hướng phát triển sinh kế mới của người dân tại Thị trấn Sơn Thịnh, nghề trồng dâu đòi hỏi sự cần cù chịu khó, dành nhiều thời gian của người dân để chăm sóc tốt cho dâu và tằm từ đó cho ra những lứa kén có sản lượng cao.

Hướng phát triển tiếp theo của HTX trong thời gian tới là đánh giá nhu cầu thị trường, tiếp tục tìm kiếm các thị trường tiềm năng, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đó có định hướng trong việc tổ chức sản xuất để tiêu thụ sản phẩm của HTX.