Ngày ấy, tiểu đội nữ dân quân Thiên Thủy đóng ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy). Để chuẩn bị cho chiến dịch xuân 1968, tháng 6/1967, Thành ủy Huế đã giao cho tiểu đội nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội tấn công vào các mục tiêu ở TP Huế, đồng thời trực tiếp đánh giặc và sau đó đổi tên thành tiểu đội du kích “11 cô gái sông Hương”. Vì hoạt động bí mật nên cả 11 chị em trong tiểu đội đều phải làm mọi cách để che giấu tên tuổi, cũng như thân phận của mình, thậm chí người trong gia đình cũng không hề biết chúng tôi làm gì. Để hoàn thành nhiệm vụ dẫn đường, tiểu đội phải bám địa bàn, nghiên cứu kỹ lưỡng từng đoạn đường để đưa bộ đội vào thành Huế mà không rơi vào bẫy mìn của địch. Vì thế, mấy chị em đành phải cải trang làm người bán rau, bán cá, người đưa thư... để có thể nắm tường tận các điểm chốt địch nhằm dễ bề đối phó.
Nắm rõ địa bàn như lòng bàn tay, đêm 30 Tết năm 1968, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” phối hợp cùng quân chủ lực chia làm 3 hướng tiến vào TP Huế đánh chiếm các điểm căn cứ trọng yếu của giặc. Bị tấn công bất ngờ nên quân giặc hoảng loạn tháo chạy. Tuy nhiên, ngay sau đó, giặc đã tìm mọi cách để lấy lại địa bàn vừa mất bằng cách tăng cường lực lượng bộ binh cùng nhiều xe tăng, xe bọc thép.
5h30 sáng 12/2/1968, tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch cùng 10 xe tăng ầm ập tiến vào TP Huế. Lúc này, tiểu đội đã chia làm nhiều cánh phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh chặn địch từ hướng sân bay Phú Bài, chợ Cống cùng nhiều hướng khác. Biết kẻ địch có xe tăng yểm trợ nên các chị đã nghĩ ra cách cài mìn, thuốc pháo trên các đoạn đường, đồng thời chia ra nhiều hướng để tập kích địch. Khi xe tăng của địch ra khỏi sân bay Phú Bài và dọc đường tiến lên TP Huế thì vấp phải mìn phát nổ. Lợi dụng lúc kẻ địch hoảng loạn, các chị liều mình lao ra xả súng khiến địch không kịp trở tay.
Tuy nhiên, trận đánh nào cũng có hy sinh và mất mát. Trong trận đánh lớn ngày hôm ấy, 2 người trong tiểu đội là chị Hoàng Thị Sáu và Đỗ Thị Cúc đã hy sinh khi các chị chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trong 25 ngày đêm chiến đấu để giữ vững trận địa ở Huế, tiểu đội lại mất thêm 2 người nữa là chị Hoàng Thị Hết và chị Nguyễn Thị Diên...
Sau trận chiến đấu ấy, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Sau khi chiến dịch Mậu Thân kết thúc, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã được đổi tên thành Trung đội Võ Thị Sáu và tiếp tục tham gia đánh giặc. Đến tháng 4/1972, trong một trận đánh chống quân Mỹ-ngụy càn xuống Kim Long, Đội trưởng Phạm Thị Liên đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn chưa quá đôi mươi…
Trở về với thời bình, trong tiểu đội anh hùng ấy nay chỉ còn lại: Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Hoa, Chế Thị Mừng... dù mang trên mình nhiều vết thương của bom đạn chiến tranh, thậm chí có người còn bị di nhiễm chất độc da cam, nhưng các chị vẫn thường xuyên gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm chiến đấu và cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Trong những dịp lễ, Tết, họ cũng không quên ghé thăm gia đình những người đã hy sinh, như cụ bà Nguyễn Thị Bờ, mẹ anh hùng Phạm Thị Liên ở làng Vân Thê (xã Thủy Thanh).
Với thành tích đạt được trong kháng chiến, năm 2008, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã được Nhà nước trao, có chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Những ngày tháng tư lịch sử này, một tin vui đến với bà Nở và đồng đội, đó là việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chọn địa điểm và xúc tiến xây dựng tượng đài 11 cô gái sông Hương tại phường Vỹ Dạ, TP Huế, để khắc ghi hình tượng những người con gái Huế trung dũng, kiên cường năm xưa./.
Theo Trái tim người lính