Kể chuyện làng Cót xưa

244788851-1129367817471250-1917638446527875606-n-1634269657.jpg

A- Đầu làng Cót (thôn Hạ Yên Quyết, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm xưa - phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội nay) phía đông xưa có 3 cây gạo trăm năm tuổi (2 cây so le đông tây ven đường Láng phía trái dốc đường đi cầu Cót, 1 cây chỗ uốn dốc vào cầu Cót, tồn tại từ xưa đến 196x, ai còn nhớ?)

- Có 2 đường dốc xưa vào cầu Cót, đường chính ngạch xiên chéo từ phía cổng chùa Láng tới, đường này lát đá hộc xanh nguyên khối, trơn tượt mấp mô, uốn lượn qua 3 cây gạo kể trên, hợp cho xe qua lại và người đi chân đất, đi guốc dép phải đi hai vẹn đường cho khỏi ngã. Đường mòn tắt qua bãi cây cỏ dại um tùm, được gọi là đường tiểu ngạch, vòng qua Miếu hai Cô bây giờ, hai ngả chập một cách cầu chừng 40m. Ông Meng cắt tóc bảo “đường từ làng Láng qua cầu sang làng Cót: dân Láng gọi là dốc Cót còn dân Cót lại gọi là dốc Láng, sau này trồng hai hàng cơm nguội hai bên?!”

- Cống Cót cổ xưa thấp ko xây lan can, mùa mưa to thập kỷ 196x nước sông Tô mấp mé sàn đá xẻ vuông mặt cầu. thập kỷ 197x khi cấy si chết, cầu được cải tạo nâng lên và đường từ Láng xuống được trải bê tông thập kỷ 200x đường nhựa nắn thẳng vèo vèo vào cầu xây mới như ngày nay.

245368462-1129367877471244-4485342566875716877-n-1634270141.jpg

- Miếu Chợ thờ Cao Sơn Đại Vương đầu cầu phía tay phải khi qua sông, miếu này rất thiêng. Nghe nói có người chặt cành cây cơm nguội trước cửa miếu về chết tươi luôn. Trẻ con nghịch ngợm đái ở cửa miếu về nhà dái sưng to rất đau, người nhà phải ra làm lễ xin Thần tha cho mới khỏi. Trước đây ở bờ sông phía trước Miếu có một cây Si cổ thụ rất to và đẹp, có tuổi vài trăm năm, rễ cây buông thõng xuống sông, trẻ con thường ra đấy bám vào rễ rồi thả mình cho rơi xuống sông để nghịch, râm mát âm u cả một khoảng trời. Mùa bão năm 1970 cây Si bị bão quật đổ, dân làng có dựng lại nhưng không được vì cây quá to và quá nặng. Đi học qua thấy khoảng trời trống trải lắm nhé. Có vài cán bộ xã hăng hái ra chặt cây lấy cành to về làm chuồng lợn, mấy ông này bị Ngài hành, sống chẳng ra gì mà ốm liệt giường mấy năm trời mãi mới chết. Người làng đồn rằng: Từ ngày cây Si cổ thụ mất đi, thanh niên làng Cót toàn “ăn cơm trước kẻng”, khoảng năm 2006 - 2007 thành phố thiết kế con đường chạy men theo sông Tô, ngôi Miếu chợ nằm trên con đường đó nhưng không ai dám nghĩ đến chuyện giải toả. Nghe nói hai bác ĐV ưu tú hăng hái đập dỡ Miếu, bị ốm thập tử nhất sinh, người nhà phải tạ lễ ?!. Thế là TP cho con đường chạy uốn vòng sang bên cạnh.

- Bên phải đầu làng Cót có quán cắt tóc của chú Meng 7 con, nổi tiếng vì kèn hát quay tay, dàn chim kiểng và bể cá vàng thập kỷ 196x. Sâu trong đầu làng cót là cái chợ, Chợ là mấy gian nhà nhỏ, chỉ có cột và mái lợp ngói, không có tường xung quanh gọi là Cầu chợ. Tôi đi ăn cưới con gái ông Phó Bình về làm dâu cuối chợ này 1963 nên nhớ như in, ngõ gạch ven chợ đi sâu vào có nhà bà lang bán thuốc Cam tẩu mã (nổi tiếng như thuốc cam Hàng Bạc, cao dán ông lang Liêu ở 4 cột cổng chùa Láng ven đường Láng xưa). Chợ này xưa có bễ lò rèn, rèn dao seo giấy, sén cỏ cuốc bàn đặc chủng cho làng Láng trồng rau, liềm hái răng bừa cho người làng làm nông nghiệp, bễ là hai ống to kéo tay phì phò tiếng gió.

243323839-1129367897471242-887217171630489645-n-1634269880.jpg

B- Những năm thơ ấu, theo Mẹ về bên ngoại Hạ Yên Quyết (Làng Cót khi xưa gồm 6 thôn: Đình, Trường, Chợ, Tre, Trại, Chùa). Rìa làng phía nam những năm 1963-1970 nom rõ các ao ven đồng thấy ngâm vớt thân cây làm giấy bản, có các hố vôi tôi và hố ngâm giấy ở xung quanh "Mả Vua". Mùi nước ngâm vật liệu làm giấy sợ lắm, còn nhớ đến bây giờ. Tiếp tục đi vào sâu các đường ngõ thấp thoáng thấy bóng người ở trong các túp lều mái lá, nghe kèm tiếng động nước róc rách. Lại gần thì nom rõ cung cách làm giấy bản. Họ đung đưa khung lưới trong bể xây đục ngầu bột, cho bột giấy đọng trên mặt sàn... rồi khéo léo úp lên thành tập. Chỉ biết sơ các công đoạn là Seo giấy ép, rồi bóc dán lên tường cho khô ép phẳng xén theo các kích thước bán buôn bán lẻ. Lên ngoại chơi thi thoảng nên chả biết lúc nào thì người ta bóc giấy ra khỏi các tường gạch?

- Chiều ở Bà Ngoại về thấy bà già con trẻ bóc giấy bản dán khắp các bức tường gạch tất cả các ngõ xóm. Giữa làng hắt ra bờ sông Tô, là các lò nhuộm giấy màu đủ màu đỏ đen vàng xanh tím hồng. Phụ nữ khéo léo kéo tờ giấy trắng (gần bằng khổ Ao) qua chậu tôn chứa nước màu, khéo phủ lên vòm tôn uốn cong (như vòm bể nước mưa xưa), dưới là bếp than quả bàng cháy rừng rực... dán tờ mới dúng, đảo tờ phơi trước thoăn thoắt, chậm một tý là giấy bốc khói bỏ đi. Sau này 3 năm đi học, diễu qua đường làng, ngõ xóm cuối làng Hạ Yên Quyết còn bắt gặp người đan cốt ngựa, người bồi giấy, kẻ uốn nan dán vàng thoi, người dập ván gỗ in hình đồng xu cổ làm tiền âm phủ... Thuở ấy trẻ em bụng ỏng đít beo chảy máu mũi, dân quanh vùng vào mua thuốc cam tẩu mã ở cái ngõ sát chợ Cót có mấy dãy nhà cầu ngói xưa). Thôn Hạ Yên Quyết nổi tiếng từ xưa bởi nghề vàng mã, nghề nhuộm giấy mầu, các đồ hàng mã, làm vàng thoi, vàng lá, tráng bánh cuốn... nửa thế kỷ, cái nghề kể trên đã tọach theo các vị U80, chỉ còn in tiền Âm phủ và Ngựa ngũ sắc. Còn thì truyền thống dân Cót sành ăn ngon, gái làng Cót đảm đang là còn mãi mãi tới bây giờ.

- Làng Cót chữ "Cháy" đọc là "Chấy". Phiên chợ truyền thống vào ngày 24 tháng Chạp, phiên chợ Cầu Giấy 25 tháng Chạp hàng năm. Chợ bán giấy ngày xưa họp ngày 1,6 đầu tháng âm lịch ngay cầu Cầu Giấy bây giờ.

- Đình Hạ Yên Quyết là nơi dân làng thờ làm thành hoàng các vị thần Cao Sơn, Quý Minh thuộc nhóm “Tản Viên sơn thánh” và phối thờ vua Lý Phật tử ở rìa nam làng, đi học ngang qua chúng tôi mới vào rửa chân xỏ guốc dép (sau khi băng qua cánh đồng giữa làng Giàn - Trung Kính Hạ với Làng Cót), Đình được xây trên một gò đất rộng rãi và cao ráo, hợp thế phong thủy với 2 ao ở 2 bên. Giữa làng còn miếu thờ Diêm la đại vương - Vua Lý phật tử (571-603). Chùa Hoa lăng có mộ và thờ mẹ Thiền sư Từ đạo Hạnh.

241535957-1129367960804569-3451328139169183984-n-1634270013.jpg

C- Năm 1965 dân công đắp hai bãi pháo cao xạ 100mm ở mạn bắc cầu Mọc và mạn nam cầu Cót, doanh trại là các dãy nhà ngói xây cấp 4, năm sau thì xuất hiện ụ đại liên 12,7mm yểm trợ tại đường Mông voi. Mỗi khi máy bay Mỹ vào Hà nội từ phía tây nam Thủ đô, thì các ụ pháo của Trung đoàn Tô Vĩnh Diện này sẽ đồng loạt nổ súng ròn rã. Chúng tôi hay xem chiếu phim tại ba nơi này.

- Từ Doanh trại Cót này ngược lên Cầu Giấy, khoảng giữa bờ sông Tô Lịch và đường đất đi về cống Cót có các vườn xưa trải dài 600m um tùm cây cối, có căn gác 2 tầng xây từ hồi Pháp thuộc cao vọi, trên có loa nén truyền thanh báo động máy bay, có 2 di tích cổ gần UBND phường Yên hoà ngày nay là Từ đường họ Quản, phía bờ sông là Lăng mộ họ Kim. Đường cũ nhỏ bé hiện vẫn còn Trạm Quân y sư đoàn 361, xưa là dường đất hai bên toàn rào găng, cúc tần, dứa dại vắng người qua lại lắm...

D- Nhớ về làng Cót ấn tượng nhất: Làng Cót với bốn họ lớn: Nguyễn – Hoàng –Công - Doãn. Riêng Họ Hoàng nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt, con gái làng Cót đảm đang. Có câu “gái làng Cót vót roi dạy mẹ chồng”. Thứ hai là cây si đầu làng, cây si này thật đẹp, cao lớn với những bộ rễ tua tủa đâm xuống lòng đất, leo bám là những cây xương rồng và có hoa như hoa quỳnh. Bây giờ không còn cây si đầu làng nữa, mỗi lần đi qua mình thấy thật trống vắng. Vẫn còn nhớ thuở đó trước cửa trường cấp 3 Yên Hoà A, có một bàn seo giấy của ng dân địa phương (bàn seo giấy trước cổng trường hơi lệch về bên tay trái một chút), khi làm giấy, nước chảy lênh láng, có mùi hôi thối. Nghề làm giấy phải thức khuya dậy sớm vất vả Nhớ một khúc sông Tô Lịch luôn đục ngầu vì họ phải "đãi bìa" trước khi seo (cái "mặt sàn" để bột giấy đọng lại khi seo), "dán lên tường" gọi là can (luôn tay luôn chân).

Thời Tôi đi học xuyên qua làng (ô tô không được đi vào làng, xe đạp ít ỏi) nên chợ họp ngay trên đường. Có nhiều hàng quà bán suốt ngày gồm: Phở, miến, bánh cuốn, bánh rán, bánh dày, bánh đúc, các loại xôi... (Tôi không nhớ hết, chỉ biết dân làng Cót rất khéo làm hàng quà bánh và cái đói cồn cào khi tan học về ngang qua đường giữa làng). Hàng hoá để bán thì đủ các loại, xen kẽ hàng quà bánh, tạp hoá, cửa hàng ăn là hàng mã bán buôn bán lẻ. Cái nhà hộ sinh xưa, bên Láng từ cầu Cót bên đường phía đi lên cầu giấy khoảng 150m, là một khu nhà biệt thự có hai cột tròn, ngôi nhà được quét mầu ve mầu sậm đỏ, có lẽ vì vậy nhân dân gọi là nhà đỏ. Khi tiếp quản thủ đô 1954-1956, Nhà nước mượn lại chủ hộ nhà này làm nhà khám bệnh và hộ sinh cho nhân dân. Cái ngõ sâu bên phải đầu đường vào làng cót, xây bằng gạch xếp nghiêng từ bao đời rồi. Mỗi sáng đi học qua ngõ thường nhặt các búp hoa lan, đó là cây hoa lan nhà bà lang Ngọc (bán thuốc cam tẩu mã). Nơi đất rộng ven cánh đồng gọi là xóm mới của xóm trường, nơi đây ngày ấy là gần doanh trại pháo phòng không xóm này chỉ có mười mấy nóc nhà. Làng Cót và An hòa nay có thêm con đường Hoa Bằng, nối từ ngõ 381 xuống đường Trung Kính.

Nhờ có nghề phụ mà đời sống kinh tế làng Cót luôn luôn khá hơn nhiều các làng xung quanh. Nghề vàng mã không biết có từ bao giờ nhưng số người làng Cót làm nghề này rất lớn, hầu như mọi nhà đều làm (Mẹ đẻ Tôi là gái làng Cót, hồi bé Tôi còn phụ Bà gấp nan tre dán hồ giấy làm vàng thoi, thêm thu nhập 1958-1965, rồi Mẹ tôi đi làm nhà nước). Vàng mã ở làng Cót chủ yếu là vàng hoa, giấy tiền, vàng âm phủ để đốt trong những dịp lễ tết. Hàng mã của làng Cót trước đây độc quyền cung cấp cho khắp miền Bắc.

 

Theo Chuyện quê