Khám phá mới về Wari - nền văn minh thống trị tiền Inca

Wari được xem là nền văn minh thống trị, phát triển cực thịnh trước khi đế chế Inca ở Peru (1250 - 1532) xuất hiện. Điều này đã được khẳng định qua các bằng chứng khảo cổ giá trị được phát hiện trong thời gian gần đây.

Bình sứ được tìm thấy tại đền PHT.

Vào cuối năm 2017, các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy một ngôi đền cổ thuộc Wari (còn được gọi là đền tiền Tây Ban Nha - PHT) tại khu khảo cổ Espiritu Pampa ở Cusco, thuộc cố đô của người Inca cổ đại. Trong đền PHT, người ta tìm thấy nhiều cổ vật như răng động vật, vật dụng kim loại, tiền bằng bạc, trâm cài, chai lọ, bình gốm sứ. Theo Javier Fonseca, trưởng nhóm khảo cổ, đền PHT có cấu trúc hình chữ D, giống đài quan sát thiên văn nơi người Wari cổ từng dùng làm nơi thực hành các nghi lễ tâm linh huyền bí. Bên cạnh cấu trúc hình chữ D, nhóm khảo cổ còn phát hiện thấy các cấu trúc Inca có hình chữ nhật kỳ lạ khác.

Trước đó, vào năm 2013, hai nhà khảo cổ học Miłosz Giersz và Pi-mentel Nita đã phát hiện thấy hầm mộ trong khuôn viên khu đền lớn thuộc Wari. Hầm mộ còn nguyên vẹn có tên El Castillo de Huarmey (ECH) lưu giữ hài cốt của 58 phụ nữ quý tộc, trong đó có 4 nữ hoàng hoặc công chúa. Trong số này có một phụ nữ khoảng 60 tuổi được mai táng đặc biệt mà các nhà khảo cổ đặt tên là Nữ hoàng Huarmey. Để khám phá thêm những bí ẩn về nền văn minh Wari, đầu năm 2017, các nhà khoa học Peru đã phục dựng gương mặt Nữ hoàng Huarmey. Rất có thể, người Wari xưa rất tôn kính Huarmey vì tài năng dệt vải của bà nên khi qua đời bà được chôn cùng những dụng cụ dệt vải làm bằng vàng.

Theo từ điển bách khoa lịch sử cổ đại (AHE) của Canada, Wari còn được gọi là văn hóa Huari (tiếng Tây Ban Nha) là nền văn minh Middle Horizon phát triển mạnh ở vùng trung nam dãy Andes, nay là vùng ven biển của Peru, tồn tại vào khoảng năm 500 – 1.000 sau Công nguyên. Wari đóng vai trò thành phố thủ đô cổ dài 11 km về phía đông bắc của thành phố hiện đại Ayacucho, Peru ngày nay. Thành phố chính là trung tâm của một nền văn minh bao trùm phần lớn vùng cao nguyên và bờ biển của Peru hiện đại. Những di tích được bảo tồn tốt nhất có Di tích Wari được phát hiện gần đây kề cạnh thành phố Chiclayo và Cerro Baul ở Moquegua; Di tích Pikillaqta (thị trấn Flea) ở phía đông nam của Cuzco trên tuyến đường đi hồ Titica-ca.

Đôi bông tai bằng vàng, bạc được tìm thấy trong hầm mộ ECH.

Do hậu quả của nhiều thế kỷ hạn hán, nền văn minh Wari bắt đầu đi xuống vào khoảng năm 800. Các nhà khảo cổ đã xác định rằng thành phố Wari đã bị hủy hoại đáng kể vào năm 1000, mặc dù nó vẫn được hậu duệ con cháu của Wari kế thừa và phát triển. Các tòa nhà ở Wari và các trung tâm chính phủ khác bắt đầu xuống cấp, hư hỏng trước khi nền văn minh Wari biến mất. Trong khi đó, cư dân của nền văn minh này cũng suy yếu theo khiến các công trình của Wari đã bị ngưng lại. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy, khi Wari suy yếu thì nạn bạo lực giữa các cá nhân, băng nhóm tăng lên khiến cho cấu trúc nhà nước Wari sụp đổ, bắt đầu vào giai đoạn Trung gian muộn (Late Intermediate Period), từ năm 1000 sau Công nguyên.

Hậu thế biết rất ít chi tiết cấu trúc hành chính của Wari do nền văn minh này không sử dụng một hình thức ghi chép nào; thay vào đó, họ lại sử dụng một công cụ gọi là khipu, hoặc “bản ghi nút”. Mặc dù khipu được biết đến rộng rãi nhất vì được sử dụng trong kế toán Inca, nhiều học giả tin rằng việc sử dụng này giống như một công cụ ghi lại những gì đã xảy ra trong xã hội Wari.

Về kiến trúc, trong thời kỳ hoàng kim, nhà nước Wari đã xây dựng các trung tâm hành chính đặc biệt ở cấp tỉnh. Các trung tâm này được làm bằng đá nền thô được phủ bằng thạch cao trắng và khép kín. Một dạng kiến trúc đặc trưng khác của Wari là sử dụng các cấu trúc hình chữ D. Những cấu trúc này thường được sử dụng cho các ngôi đền và tương đối nhỏ chỉ khoảng 10 m, cấu trúc này về sau vẫn được người Inca kế thừa, phát triển. Dọc theo hệ thống đường cao tốc Inca sau này, một số địa danh cấp tỉnh Wari cho thấy người Wari đã sử dụng một mạng lưới đường khá hợp lý.

Wari còn nổi tiếng với mặt hàng kim loại và gốm sứ tinh xảo, kim loại được sử dụng phổ biến nhất là bạc và đồng, mặc dù vàng cũng rất thịnh hành. Các vật thể kim loại phổ biến nhất là bát chén, đồ trang sức, mặt nạ xác ướp, ghim hay trâm cài… Gốm sứ thường nhiều màu sắc và sinh động, mang theo các tiết họa thực phẩm và động vật. Conchopata được xem là trung tâm gốm sứ của người Wari, hiện còn lưu lại nhiều dấu tích như lò nung, chậu, khuôn gốm...