Khánh Hòa: Rèn nghề cho diễn viên nghệ thuật truyền thống

Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng biểu diễn cho diễn viên là một trong những nhiệm vụ chính của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng diễn xuất của diễn viên, chuẩn hóa các vai diễn.

chuy-kh1-1636357179.jpgNghệ sĩ Nguyễn Hữu Hải (bên trái) thị phạm các động tác vũ đạo của nghệ thuật tuồng cho diễn viên lớp sau.

 

Luyện thêm những ngón nghề

Những ngày này, tại số 149 Thống Nhất (TP. Nha Trang), không khí tập luyện rất sôi nổi; tiếng trống, tiếng đàn hòa cùng lời ca của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn tuồng thuộc Nhà hát NTTT tỉnh cứ nối nhịp rộn vang. “Tôi đang tập những động tác vũ đạo của nghệ thuật tuồng. Thế mạnh của tôi là diễn những vai kép trắng, thiên về diễn nội tâm, ít sử dụng vũ đạo. Vậy nên, khi được tập huấn các động tác vũ đạo đã giúp cho kỹ năng biểu diễn của tôi được toàn diện hơn”, diễn viên Nguyễn Văn Soái cho biết. 

Ngay sau khi được trở lại hoạt động sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, Nhà hát NTTT tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ diễn xuất cho diễn viên của Đoàn dân ca và Đoàn tuồng. Từ ngày 18-10, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn tuồng triển khai các lớp tập huấn vũ đạo; truyền dạy diễn xuất các nhân vật đào võ, đào thương, kép rằn, kép đỏ, kép trắng. Những diễn viên trẻ sẽ được NSND Thu Hà, NSND Lưu Kim Hùng và một số nghệ sĩ thế hệ trước trong đoàn truyền các vai diễn như: Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Huê Thần Nữ, Mai Hương, Xúy Vân, Ngọc Dung, Tiết Cương, Trương Phi, Đổng Kim Lân, Cao Hoài Đức… Với các diễn viên Đoàn dân ca, ngoài việc được tập huấn vũ đạo của sân khấu dân ca kịch bài chòi, còn được dạy những làn điệu mẫu và vai mẫu diễn mẫu của loại hình nghệ thuật này. 

chuye-kh2-1636357327.jpg

 

Theo nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hải - Đoàn tuồng Nhà hát NTTT tỉnh, mỗi diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn có những thế mạnh và hạn chế riêng. Có người giỏi vũ đạo nhưng diễn nội tâm lại không bật lên được; có người diễn tốt kép trắng nhưng diễn kép rằn, kép đỏ lại yếu… Chính vì thế, việc nhà hát thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tạo điều kiện cho mỗi diễn viên tự hoàn chỉnh bản thân mình hơn. Thế hệ nghệ sĩ đi trước luôn sẵn sàng truyền hết kinh nghiệm, kỹ năng để các diễn viên lớp sau có thể tiếp nối và giữ gìn NTTT. 

Truyền ngọn lửa nghề

Không chỉ nhằm xây dựng đội ngũ diễn viên trẻ giỏi nghề, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm, có chất lượng chuyên môn tốt, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vở diễn, trích đoạn được dàn dựng của nhà hát, hoạt động bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ này còn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị NTTT. “Lâu nay, việc bồi dưỡng, tập huấn cho diễn viên được nhà hát thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây cũng là hình thức vừa tập luyện, vừa giúp các diễn viên ôn lại những động tác vũ đạo, vai diễn, trích đoạn tuồng mẫu. Đối với diễn viên trẻ, điều này còn giúp cho mỗi người biết thêm những vai diễn không phải thế mạnh của mình. Đây cũng là cách để dần chuẩn hóa diễn xuất của các vai diễn”, nghệ sĩ Lê Huy - Phó Trưởng Đoàn tuồng cho biết.

Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, trong đợt bồi dưỡng, tập huấn lần này có 38 diễn viên tuồng, diễn viên dân ca và nhạc công của nhà hát tham gia. Ngoài việc giao nhiệm vụ cho các nghệ sĩ lớn tuổi truyền dạy cho diễn viên lớp sau, nhà hát đã mời NSND Trần Thị Thu Hà, NSND Lưu Kim Hùng, NSƯT Hoàng Minh Tâm, NSƯT Ngô Hữu Lai trực tiếp truyền dạy cho các diễn viên, nhạc công của đơn vị. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Cụ thể, lực lượng diễn viên kế thừa có thể đảm nhận được các vai diễn chính của vở diễn, chương trình nghệ thuật của đơn vị; đội ngũ nhạc công nắm chắc các bài bản nhạc cổ. Vậy nên, mỗi diễn viên, nhạc công tham gia các lớp này phải nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà hát cũng khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng của mỗi người. 

Với phương thức truyền dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, các nghệ sĩ thế hệ trước sẽ trực tiếp thị phạm từng động tác, cử chỉ, lời hát, đoạn nhạc… để diễn viên lớp sau nắm bắt và làm theo. Từ đó, các diễn viên trẻ dần hiểu và thấm được tâm lý, cảm xúc, hành động của những vai diễn mẫu, trích đoạn mẫu và có thể tự tin biểu diễn được những vai diễn, trích đoạn đó. Hiện nay, lực lượng diễn viên trẻ của Nhà hát NTTT tỉnh đều được đào tạo qua các trường lớp bài bản, nhưng để có thể trở thành một diễn viên NTTT giỏi nghề đòi hỏi sự khổ công rèn luyện của mỗi người. Chính vì vậy, hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng của nhà hát sẽ giúp cho những diễn viên lớp sau học hỏi được nhiều điều bổ ích từ các nghệ sĩ lớp trước để tự hoàn thiện mình và phục vụ khán giả tốt hơn.