HỘI NHẬP|| Hôm nay (20-9), tròn 44 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Cũng từ ngày 21 đến 24-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện một số hoạt động song phương. Điều này tiếp tục thể hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với mong muốn đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việt Nam cũng coi tổ chức này là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Chiến lược ngoại giao chung đó nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, đa dạng hóa các liên kết, hội nhập đất nước vào thế giới rộng lớn hơn và thể hiện cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương cũng như các quy tắc, chuẩn mực quốc tế.
Gần 45 năm qua, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc... Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều dấu ấn nổi trội.
Năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam một lần nữa được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu. Sự kiện này không chỉ đưa đối ngoại đa phương Việt Nam lên tầm cao mới mà còn khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Vào năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn có nhiều đóng góp tích cực với tư cách là thành viên không thường trực của tổ chức như: Giải quyết hòa bình các tranh chấp, tăng cường sự tham gia với các thỏa thuận khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế... Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam tại Liên hợp quốc vào năm 2020 là đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Nghị quyết này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Năm 2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TƯ về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 lần này có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình và phát triển.